Với ước tính chỉ 20/200 ban chỉ đạo hiện nay hoạt động hiệu quả, TP.HCM đang rốt ráo rà soát để xoá bỏ các ban chỉ đạo yếu kém, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành.
Xoá bớt ban chỉ đạo.
Với ước tính chỉ 20/200 ban chỉ đạo hiện nay hoạt động hiệu quả, TP.HCM đang rốt ráo rà soát để xoá bỏ các ban chỉ đạo yếu kém, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành.
Chiều 15.11, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP.HCM, cho biết UBND TP đang chờ báo cáo của Sở Nội vụ chuyển qua rồi có ý kiến về việc sắp xếp các ban chỉ đạo (BCĐ), uỷ ban, tổ công tác, tổ liên ngành… ban quản lý dự án (gọi tắt là BCĐ).
Theo thống kê sơ bộ của Sở Nội vụ thì TP.HCM có khoảng 200 BCĐ, nhưng chỉ có khoảng 20 BCĐ hoạt động hiệu quả
Ông Lê Hoài Trung, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM
Theo ông Hoan, quan điểm của TP là xử lý theo hướng giải thể, tinh gọn các BCĐ hoạt động không hiệu quả, chức năng nhiệm vụ chồng chéo nhau… Trong khi đó, trả lời PV Thanh Niên, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết Sở đang tổng hợp, rà soát và tập trung làm rõ tính hiệu quả của từng BCĐ. “Việc sắp xếp, tinh gọn các BCĐ rất cần thiết và nằm trong đề án cải cách hành chính mà TP.HCM đang ráo riết thực hiện. Tinh thần chung là chỉ giữ lại những BCĐ hoạt động hiệu quả”.
Đua lập BCĐ để “né” trách nhiệm?!
Theo ông Lê Hoài Trung, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, sự ra đời của các BCĐ có từ giai đoạn trước đây. Có thời điểm, khi muốn giải quyết, thực hiện chủ trương gì, TP đều thành lập BCĐ.
Việc giảm BCĐ sẽ khiến lãnh đạo sở ngành, quận huyện, phường xã bớt phải đi họp, từ đó có nhiều thời gian giải quyết công việc cho người dân hơn
Ông Cao Thanh Bình, Phó ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP.HCM
Khi thành lập, quận huyện, sở ngành quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyên môn tham mưu, đề xuất thành viên. Sau khi UBND TP đồng ý, Sở Nội vụ có trách nhiệm tổ chức bộ máy. Có những BCĐ chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND TP làm trưởng ban; giám đốc sở chuyên môn làm phó ban, giám đốc các sở ngành liên quan làm uỷ viên. Thông thường, số lượng thành viên của mỗi BCĐ lên tới vài chục người. “Theo thống kê sơ bộ của Sở Nội vụ thì TP.HCM có khoảng 200 BCĐ, nhưng chỉ có khoảng 20 BCĐ hoạt động hiệu quả”, ông Trung nhìn nhận.
Đáng lưu ý, việc các BCĐ phát sinh ồ ạt một phần do các sở ngành, quận huyện chưa phát huy vai trò, trách nhiệm được giao. Chưa kể người đứng đầu sở ngành, quận huyện khi được giao nhiệm vụ, sợ không hoàn thành nhiệm vụ nên cứ đề xuất thành lập BCĐ để xin ý kiến, lỡ có chuyện gì xảy ra thì “né” trách nhiệm cá nhân, đẩy trách nhiệm cho tập thể. Ngoài ra, việc các BCĐ hoạt động không hiệu quả còn do vai trò mờ nhạt của người đứng đầu, ở đây là trưởng ban hay phó ban thường trực.
UBND TP.HCM đã đồng ý chủ trương liên quan đến đề xuất giải thể gần 200 ban chỉ đạo, ủy ban, hội đồng, tổ công tác, tổ liên ngành…
Ông Trung khẳng định hiện nay việc “bỏ ban này, giữ ban kia” sẽ do Thường trực UBND TP.HCM quyết định. Tuy nhiên, với lộ trình cải cách hành chính mà TP.HCM đang tiến hành thì khả năng sẽ bỏ nhiều BCĐ. “Việc làm này vừa nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, vừa đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu sở ngành, quận huyện”, ông Trung nói và nhấn mạnh: “Không thể chấp nhận tình trạng hễ cứ có việc gì cũng “bùng” ra BCĐ chung chung. Nguyên tắc đã phân công trách nhiệm cụ thể thì anh phải làm, không thể đùn đẩy, kéo cả tập thể vào để hòng “chống lưng” cho sự trì trệ của mình trong thực thi nhiệm vụ công vụ”.
Dù có ban chỉ đạo chuyên trách đến từng phường, nhưng năm nào dịch sốt xuất huyết vẫn phức tạpẢNH: NGỌC DƯƠNG
Dẹp bớt để có thời gian làm việc
Theo khảo sát sơ bộ của PV, hầu hết lãnh đạo sở ngành, quận, huyện, phường, xã trên địa bàn TP.HCM, thậm chí các uỷ viên UBND TP.HCM đều không nhớ nổi mình đã đứng tên tham gia bao nhiêu BCĐ. Do vậy, cũng không thể biết được cụ thể nhiệm vụ mình được giao tiến độ thực hiện tới đâu.
Một chủ tịch UBND phường ở Q.Phú Nhuận cho biết qua thống kê ở phường có hơn 30 BCĐ, tổ công tác, hội đồng mà phần lớn ông phải tham gia. Với BCĐ thường 1 quý họp 1 lần; tổ công tác thì 1 tháng họp 1 lần và khi nào có việc thì phải đi đôn đốc, còn hội đồng thì khi có việc mới xét duyệt. Vị chủ tịch phường liệt kê cho PV Thanh Niên danh sách dài dằng dặc các BCĐ, trong đó nhiều BCĐ, tổ công tác có nhiệm vụ tương tự nhau, như: Ban Bảo trợ chương trình mục tiêu sức khoẻ tâm thần cộng đồng; BCĐ chăm sóc sức khỏe ban đầu; BCĐ công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình; BCĐ phòng chống dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết và các dịch bệnh nguy hiểm ở người… Về lĩnh vực an toàn thực phẩm, dù đã có BCĐ kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) nhưng còn có tổ kiểm tra liên ngành VSATTP; tổ thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP…
Ông Cao Thanh Bình, Phó ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP.HCM, cho biết qua rà soát thì thấy việc thành lập quá nhiều BCĐ nhưng lãnh đạo các ban gần như kiêm nhiệm. Điều này dẫn đến khi đi họp, thành viên lãnh đạo BCĐ ít khi đi dự mà toàn cử các chuyên viên hay bộ phận cấp dưới. Bởi thế, trong cuộc họp, do chỉ là “vai đóng thế” nên các chuyên viên này không có ý kiến gì hoặc nói sẽ về báo cáo lại, thành ra không giải quyết được công việc. Cũng theo ông Bình, nhiều nội dung công việc liên quan đến nhau, chỉ cần lập một BCĐ chung nhưng lại lập nhiều BCĐ riêng dẫn tới chồng chéo chức năng nhiệm vụ và lãnh đạo phải kiêm nhiệm quá nhiều.
“Có lãnh đạo TP hay sở ngành phải kiêm nhiệm lãnh đạo của 20 – 30 lãnh đạo hay uỷ viên BCĐ. Nếu theo quy chế 1 tháng họp 1 lần thì để họp hết các BCĐ, vị này còn không đủ thời gian chứ chưa nói gì đến giải quyết công việc”, ông Bình nói.
Trước tình hình 10.000 tấn chuối già hương sắp thu hoạch mà chưa có đầu ra, UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo để “giải cứu” chuối.
Vẫn theo ông Bình, nếu giải thể BCĐ không hiệu quả hay gom chung BCĐ cùng nhiệm vụ với nhau sẽ tiết kiệm kinh phí phụ cấp cho thành viên BCĐ. “Quan trọng hơn, việc giảm BCĐ sẽ khiến lãnh đạo sở ngành, quận huyện, phường xã bớt phải đi họp, từ đó có nhiều thời gian giải quyết công việc cho người dân hơn. Đối với lãnh đạo cơ sở thì thời gian xuống trực tiếp tìm hiểu, giải quyết công việc ở địa bàn quan trọng hơn là việc ngồi họp nhưng cuối cùng không đưa ra được hướng giải quyết”, ông Bình nói.
Quan trọng là phân công trách nhiệm rõ ràng
Nhiều năm trước, trong một hội nghị trực tuyến của BCĐ liên ngành T.Ư về VSATTP với các địa phương, có một thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết bản thân mình tham gia gần… 100 BCĐ khác nhau. Một nhà khoa học nói ông tham gia tới 23 BCĐ quốc gia! Trên thực tế, một người mà tham gia nhiều BCĐ như vậy thì chỉ ngồi cho “có tụ” chứ làm sao có ý kiến chỉ đạo sâu sắc được. Cho nên dư luận thường đàm tiếu gọi là “Ban chỉ đại”.
BCĐ nhiều không chỉ dẫn đến họp hành nhiều, trách nhiệm chung chung, mà còn trực tiếp tiêu tốn ngân sách. Đang có tình trạng hội chứng BCĐ, có quá nhiều chương trình mục tiêu dẫn đến quá nhiều BCĐ, mỗi BCĐ lại có bộ máy riêng, chi phí hành chính rất lớn.
Thật ra, “não trạng” này đã trở thành hội chứng của nền hành chính chồng chéo chức năng, phân công phân cấp, trách nhiệm cá nhân không rõ ràng, thiếu khoa học từ T.Ư cho tới địa phương!
Rõ ràng, cách làm việc lâu nay khi mà phân công, phân cấp, phân nhiệm, chế độ trách nhiệm không rõ ràng, dù có tăng thêm bao nhiêu BCĐ cũng không đáp ứng được với cơ chế làm việc như hiện nay.
Chuyên viên cao cấp Diệp Văn Sơn (nguyên Phó vụ trưởng Cơ quan đại diện phía nam – Bộ Nội vụ)