‘Không thể hô hào mãi nhà giáo phải hi sinh’
“Mỗi khi đến ngày 20-11, các ngành các cấp có những buổi lễ tôn vinh sự hi sinh của nhà giáo. Điều đó tốt, nhưng chúng tôi cần sự quan tâm thiết thực hơn vậy”.
” Không thể hô hào mãi nhà giáo hy sinh”.
“Mỗi khi đến ngày 20-11, các ngành các cấp có những buổi lễ tôn vinh sự hi sinh của nhà giáo. Điều đó tốt, nhưng chúng tôi cần sự quan tâm thiết thực hơn vậy”.
Điều thiết thực hơn là gì? ThS Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM), chia sẻ những suy nghĩ của mình nhân Ngày nhà giáo Việt Nam.
Môn sử đang khủng hoảng nặng
* Được biết, ông tốt nghiệp thủ khoa khoá 1991 – 1995 khoa lịch sử ĐH Sư phạm TP.HCM và đã trải qua hơn 20 năm dạy sử. Ông nhận định như thế nào về việc dạy và học sử?
– Việc dạy và học sử đang bị khủng hoảng nặng. Người viết chương trình môn sử muốn học sinh phải biết thật nhiều kiến thức bộ môn.
Tôi cho rằng kiến thức sử hiện diện khắp nơi trong cuộc sống, nhưng chương trình lại nhồi nhét một cách cứng nhắc theo tiến trình thời gian với cách nhìn riêng của người soạn chương trình. Độ chênh này làm cho học sinh cảm thấy nhàm chán khi học sử.
Môn sử là môn phụ – theo tôi lỗi đầu tiên là do Bộ GD-ĐT xem nhẹ vai trò của môn học này. Ở Mỹ, Trung Quốc, sử là một trong những môn bắt buộc đối với học sinh phổ thông. Nhưng ở ta, thời lượng dạy môn sử hiện nay chỉ có 1,5 tiết/tuần đối với lớp 10 và 12; 1 tiết/tuần đối với lớp 11.
Ngay cả dự thảo chương trình tổng thể giáo dục phổ thông (nhằm phục vụ cho công cuộc đổi mới giáo dục sắp tới), nếu hội sử học không lên tiếng, có lẽ môn sử cũng không còn là môn học độc lập trong nhà trường phổ thông.
* Liệu có phải chỉ do soạn chương trình, thưa ông?
– Nhiều người than phiền giới trẻ ngày nay thờ ơ, không quan tâm đến thời sự đất nước, đối xử không tốt với ông bà, cha mẹ… Đó là có phần do chúng ta chưa chuyển tải hết cái hay, cái đẹp, cái ý nghĩa của lịch sử để học sinh có nhận thức đúng đắn hơn trong lối sống của mình.
Lỗi thứ hai về xã hội: cả xã hội ta đang quay cuồng với việc học để thi mà môn sử lại có rất ít trong danh sách xét tuyển vào các trường ĐH. Vì vậy, lịch sử bị nhiều người xem là môn phụ cũng không có gì ngạc nhiên.
Áp đặt rất khó thuyết phục
* Nghe nói những tiết dạy của ông rất hấp dẫn học sinh?
– Những năm gần đây, Trường Lê Quý Đôn soạn lại bộ tài liệu môn sử theo chủ đề (nội dung vẫn bám sát sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT) để dạy và học phù hợp với thực tế hơn.
Tôi dạy sử theo phương pháp trực quan sinh động với phim, ảnh, clip… Ví dụ sau bài cuộc chiến Nam – Bắc Triều, học sinh sẽ được xem bộ phim về chủ đề này do Hàn Quốc thực hiện, có diễn viên Jang Dong Gun đóng.
Sau khi xem phim, học sinh viết bài luận để nhìn nhận, để đào sâu, để liên hệ với những vấn đề hiện tại.
Tôi cho rằng người dạy sử phải giúp học sinh nhìn nhận vấn đề lịch sử một cách khách quan chứ không thể áp đặt một chiều, khó thuyết phục các em.
* Ông nghĩ như thế nào về nghề giáo hiện nay cũng như đời sống của giáo viên?
– Tôi có thâm niên giảng dạy hơn 20 năm. Ngoài lương chính, tôi còn có thêm tiền phụ trội vì dạy nhiều tiết hơn so với quy định. Ngoài ra, tôi còn dạy thêm cho một trường tư thục nữa.
Tôi độc thân, sống cùng ba mẹ nên mức thu nhập hiện tại chỉ đủ để tôi trang trải cho cuộc sống của một người độc thân. Nếu tôi có gia đình, nếu phải nuôi con ăn học thì sẽ rất khó khăn giữa một thành phố đắt đỏ như TP.HCM.
Với những giáo viên mới ra trường, thu nhập chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng thì nhiều bạn “cám cảnh” là đúng rồi.
* Nhưng có phải lương quyết định tất cả không, với một ngành nghề cần tấm lòng và sự yêu nghề?
– Tôi cho rằng khung lương hiện nay đối với nhà giáo quá lạc hậu, cần xây dựng lại sao cho giáo viên mới ra trường có một mức lương đủ sống ở mức cơ bản. Nhưng điều chúng tôi cần hơn là sự quan tâm thiết thực của xã hội nói chung và chính quyền địa phương nói riêng đối với nhà giáo.
Thỉnh thoảng trên các phương tiện truyền thông, tôi thấy những thầy cô ở vùng sâu, vùng xa trèo đèo lội suối tới trường; những thầy cô phải vượt qua 15 – 20km đường sình lầy, trơn trượt để đi dạy. Học sinh cũng không ngoại lệ.
Những vất vả, gian lao trên đường đi đã lấy của giáo viên, học sinh bao nhiêu sức lực như thế thì dù có cố gắng đến mấy hiệu quả giáo dục cũng khó đạt như mong muốn.
Tôi cũng thấy giáo viên ở nơi này leo lên mái phòng học giặm lại những chỗ bị dột; giáo viên ở nơi kia đi tìm tranh, tre, nứa, lá quây lại phòng học trong mùa đông…
Chính quyền địa phương ở đâu mà giáo viên phải làm những việc đó? Nhiệm vụ của chúng tôi là soạn giáo án, là tìm tòi, sáng tạo cho tiết dạy của mình hấp dẫn nhất chứ.
Không thể hô hào mãi
* 20-11 sắp đến, ông có tâm tư gì không?
– Mỗi khi đến ngày 20-11, các ngành các cấp lại có những buổi lễ tôn vinh sự hi sinh của nhà giáo. Điều đó rất tốt, nhưng chúng tôi cần sự quan tâm thiết thực hơn: không chỉ là đồng lương đủ sống mà còn là cơ sở vật chất dạy học, đặc biệt là đường đến trường ở vùng sâu vùng xa thuận lợi; sự đầu tư đồng đều giữa các vùng, miền…
Thời kỳ đất nước hội nhập, học sinh bây giờ được tiếp cận với nhiều luồng thông tin khác nhau, các em có nhiều con đường để vào đời. Chúng ta không thể hô hào mãi rằng nhà giáo thì phải hi sinh cho sự nghiệp trồng người.
Ngày nay, khi đất nước đã phát triển, kêu gọi lớp trẻ hi sinh không còn thuyết phục nữa. Tình trạng “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” tồn tại từ năm này qua năm khác là vì vậy.
* Ông mong ước gì cho nghề nghiệp của mình?
– Tôi mong Bộ GD-ĐT sẽ “cởi trói” cho giáo viên. Đừng bắt chúng tôi phải phụ thuộc vào sách giáo khoa nữa, chỉ cần có khung chương trình, hãy để giáo viên giảng dạy theo cách của mình để cung cấp kiến thức chuẩn cho học sinh.
Tôi nói “cởi trói” ở đây là “cởi trói” thực sự chứ không phải “cởi trói” nửa vời như hiện nay: yêu cầu giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng thi vẫn theo kiểu cũ.
Bản thân tôi vẫn thường trăn trở: mình dạy cho học sinh những điều các em thích, nhưng đi thi điểm sẽ không cao. Bộ GD-ĐT “cởi trói” nửa vời nên tôi cũng chỉ dám… đổi mới nửa vời. Tôi phải dung hòa, phải dạy cho học sinh những điều các em cần để đi thi.
Kỷ niệm 20-11 phải gọn nhẹ
Trường tiểu học Phước Thịnh ở Hòn Rớ, xã Phước Đồng, Nha Trang là một trong rất nhiều trường tại Khánh Hòa bị hư hại nặng nề sau bão số 12 vừa qua – Ảnh: P.S.N.
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hoà, hiện ngành giáo dục của tỉnh đang tập trung khắc phục hậu quả nặng nề do bão số 12 gây ra.
Sở đề nghị các đơn vị, trường học trong toàn tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm Ngày nhà giáo VN 20-11 năm 2017 trang trọng nhưng phải hết sức gọn nhẹ, bố trí trong 2 tiết học, không tổ chức văn nghệ, liên hoan… để sau đó dạy và học bình thường.
Sở cũng đề nghị thầy cô giáo “không tiếp đón học sinh và cha mẹ học sinh đến chúc mừng tại nhà riêng”.
Các đơn vị, trường học cần thăm hỏi các nhà giáo lão thành, nhà giáo nghỉ hưu có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các thầy cô ở vùng bị thiệt hại do bão lũ.
P.S.NGÂN
Mỗi dịp 20-11, trong không khí đầm ấm của Ngày nhà giáo, tôi lại nghĩ tới những người đang âm thầm ngoài bục giảng. Đó là nhân viên thư viện, y tế, lao công, bảo vệ… Dẫu họ không phải là người trực tiếp đứng trên bục giảng nhưng họ đã, đang và sẽ góp phần xây dựng nền giáo dục nước nhà. Có những người gắn với môi trường giáo dục cả hàng chục năm trời nhưng chưa một lần nhận được một bó hoa, một lời chúc nhân Ngày nhà giáo. Hãy trân trọng tất cả những người đang cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Hãy dạy trẻ biết tri ân những người thầm lặng bên ta”.
Thái Hoàng (giáo viên, TP.HCM)
Mỗi năm đến ngày 20-11 hay dịp lễ tết, thấy điện thoại báo tin nhắn của học trò chúc thầy, hay nhiều lúc chợt nghe tiếng “chào thầy” của những học trò cũ mà lòng cảm thấy lâng lâng. Những “món quà vô giá” bất chợt đó thực sự là nguồn động lực cho những người thầy đứng lớp như chúng tôi. Nhiều năm đứng lớp với bao điều buồn vui, trăn trở, thậm chí đôi khi vô cùng áp lực. Nhưng, nếu được lựa chọn lại nghề nghiệp, tôi vẫn chọn cho mình nghề giáo – nghiệp đưa đò. Bởi ở đó là niềm tin, là tiếng cười, là sự yêu thương và lòng kính trọng”.
Nguyễn Văn Khánh (giáo viên, An Giang)