29/11/2024

Lo dịch sởi quay lại theo chu kỳ

Tuần vừa qua Hà Nội ghi nhận 11 ca sốt phát ban dạng sởi, nâng tổng số ca mắc lên xấp xỉ 180 ca tính từ đầu năm, trong đó có một trẻ 7,5 tháng tuổi tử vong do mắc sởi và biến chứng viêm phổi.

 

Lo dịch sởi quay lại theo chu kỳ.

 Tuần vừa qua Hà Nội ghi nhận 11 ca sốt phát ban dạng sởi, nâng tổng số ca mắc lên xấp xỉ 180 ca tính từ đầu năm, trong đó có một trẻ 7,5 tháng tuổi tử vong do mắc sởi và biến chứng viêm phổi.


Lo dịch sởi quay lại theo chu kỳ - Ảnh 1.

Tiêm ngừa phòng sởi tại Viện Pasteur TP.HCM – Ảnh: HỮU KHOA

Ngoài ra, đã có 3 người lớn mắc sởi, trong đó có một thai phụ vào điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai.

Theo các chuyên gia, nếu không có miễn dịch cộng đồng thì chu kỳ dịch sởi là 3-5 năm/lần. Nỗi sợ mùa dịch sởi lớn cách đây hơn 3 năm (đầu năm 2014) vẫn chưa nguôi. 

Ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết mặc dù tỉ lệ tiêm ngừa ở Hà Nội luôn đạt từ 95%, nhưng mỗi năm vẫn còn 5.000 cháu chưa được tiêm ngừa, nhiều năm trôi qua nếu số này tích lũy đủ lớn và có mầm bệnh thì nguy cơ dịch sẽ khó lường.

Cảnh báo nhiều khu vực xuất hiện sởi

 

Ông Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết qua khảo sát nhóm trẻ mắc sởi ở Hà Nội thời gian qua cho thấy có 32% chưa đến tuổi tiêm chủng, số còn lại chưa tiêm ngừa dù đã đến tuổi tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi (chưa tiêm mũi nhắc lại thời điểm trẻ 18 tháng tuổi). Bé tử vong do bệnh sởi vừa qua cũng chưa tiêm ngừa văcxin này và khi mắc bệnh đã có biến chứng viêm phổi.

Mặc dù những dấu hiệu dịch sởi quay lại sau vụ dịch cực kỳ nặng nề năm 2014 (làm trên 140 trẻ tử vong) còn chưa rõ ràng, nhưng số liệu của Sở Y tế Hà Nội cho thấy khu vực xuất hiện bệnh nhân sởi năm nay rất rộng: 53 xã phường của 24/30 quận huyện của Hà Nội. Các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Nghệ An… cũng đều rải rác có bệnh nhân sởi. Có cả người bệnh là trẻ em và người lớn. Trong khi mùa dịch 2014 cũng chỉ bắt đầu bằng những ca mắc lẻ tẻ ở Yên Bái, Lào Cai, Sơn La và sau đó bùng nổ ở Hà Nội.

Theo các chuyên gia, mặc dù phần lớn bệnh nhân sởi có thể tự khỏi, nhưng sau khi mắc bệnh sởi, khả năng miễn dịch bị suy giảm nặng nề và từ đó có nhiều bệnh “cơ hội” như viêm phổi xuất hiện, gây nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng của người bệnh. Ở người lớn mắc sởi, biến chứng do suy giảm miễn dịch cũng nặng nề không kém như trên trẻ em.

Hà Nội tiêm vét từ tháng 11

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, bắt đầu từ tuần trước Hà Nội đã tiến hành rà soát những trẻ dưới 5 tuổi chưa tiêm văcxin sởi để tiến hành tiêm vét trong tháng 11 và 12. Hà Nội là địa phương có tỉ lệ tiêm chủng đạt cao (trên 95%) vẫn đang phải lo nguy cơ dịch quay lại, thì những địa phương chỉ đạt tỉ lệ tiêm chủng 90%, thậm chí ở phạm vi huyện có những huyện chỉ tiêm chủng được cho 80% trẻ hẳn đang lo ngay ngáy.

Thống kê của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, mỗi năm có khoảng 100.000 trẻ chưa được tiêm ngừa, trong khi sởi là dịch lưu hành, nếu có mầm bệnh thì những trẻ chưa được tiêm ngừa sẽ có nguy cơ mắc bệnh đầu tiên.

Ông Hoàng Đức Hạnh cho biết Hà Nội sẽ chủ động tiêm vét sớm để ngừa sởi trước mùa đông – xuân, mùa có nguy cơ bùng phát dịch sởi. Bên cạnh đó khi người bệnh vào viện thì triệt để cách ly, chống nhiễm chéo tại bệnh viện như mùa dịch 2014. Hiện lịch tiêm văcxin sởi là thời điểm trẻ 9 tháng tuổi và mũi tiêm nhắc thời điểm trẻ 18 tháng tuổi. Nhưng có một lý do khiến Hà Nội và các khu vực đô thị dễ gia tăng ca mắc là nhiều gia đình chờ mũi văcxin phối hợp (tiêm khi trẻ 12 tháng tuổi), tiêm chủng cho trẻ muộn hơn lịch tiêm chủng. 2/3 số mắc sởi ở Hà Nội vừa qua thuộc nhóm chưa tiêm ngừa dù đã đến tuổi tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi.

Trong mùa dịch 2014, đã có hàng chục ngàn trẻ bị sốt phát ban dạng sởi và trên 140 trẻ tử vong. Đó là mùa dịch mà nhiều năm sau người ta vẫn sẽ nhắc về mức độ khốc liệt của dịch cộng với sự lúng túng trong phòng chống dịch sởi, dẫn đến những hậu quả nặng nề. Năm nay, có chuyên gia cho rằng số mắc đã gia tăng từ trước mùa đông và là một dấu hiệu cho thấy dịch đến sớm. Nếu không tích cực phòng chống từ bây giờ, dịch sởi có thể quay trở lại vào mùa đông – xuân tới.

LAN ANH