28/11/2024

Lộ trình triển khai chương trình phổ thông mới ra sao?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông, cho biết dù có lùi thời điểm áp dụng chương trình mới đến năm 2019-2020 vẫn phải gấp rút chuẩn bị vì còn rất nhiều việc phải làm.

 

Lộ trình triển khai chương trình phổ thông mới ra sao?

 

 Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông, cho biết dù có lùi thời điểm áp dụng chương trình mới đến năm 2019-2020 vẫn phải gấp rút chuẩn bị vì còn rất nhiều việc phải làm.

 

 

Lộ trình triển khai chương trình phổ thông mới ra sao? - Ảnh 1.

 

Chương trình phổ thông, sách giáo khoa mới sẽ áp dụng ở bậc tiểu học từ năm học 2019-2020.

Trong ảnh: học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thị Nhỏ, Q.11, TP.HCM – Ảnh: Như Hùng

 

Theo GS Thuyết đầu tiên là phải hoàn tất, ban hành chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học.

Sẽ thực nghiệm lần hai

Không nên lùi quá xa

Tuy khẳng định còn nhiều việc phải làm, GS Nguyễn Minh Thuyết cũng bày tỏ quan điểm cá nhân là không nên lùi thời hạn quá xa vì điều đó sẽ làm giảm sự hào hứng, động lực đổi mới.

Hơn nữa, dù có lùi đến thời điểm nào thì khâu chuẩn bị cũng cần được xây dựng bài bản và thực hiện khẩn trương.

Chính quyền các cấp cần vào cuộc với ngành GD-ĐT trong việc củng cố, bổ sung cơ sở vật chất và nhân lực tại địa phương cho mục tiêu đổi mới này.

“Ngay trong quá trình biên soạn, ban soạn thảo chương trình đã tiến hành thực nghiệm, cụ thể là khảo sát thực tế, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, giáo viên, người dân và thiết kế các tiết dạy thử những nội dung mới. 

Dự kiến việc thực nghiệm lần thứ hai sau khi hoàn tất các chương trình môn học sẽ tiến hành trong khoảng hai tháng tới. 

 

 

Sau đó, các chương trình môn học sẽ được công bố lên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT và các phương tiện thông tin đại chúng để trưng cầu ý kiến các chuyên gia, nhà giáo, người dân ở phạm vi rộng hơn” – GS Thuyết cho biết.

Về công việc tiếp đến là biên soạn, thực nghiệm, thẩm định, phê duyệt, xuất bản và phát hành sách giáo khoa (SGK), GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay với tư cách là ủy viên Ban chỉ đạo đổi mới chương trình – SGK của Bộ GD-ĐT, ông đã kiến nghị bộ sớm ra thông báo mời các tổ chức, cá nhân viết SGK. Dựa vào đăng ký của các tổ chức, cá nhân, bộ sẽ tổ chức tập huấn cho tác giả và người thẩm định SGK. Sau đó, các tổ chức, cá nhân tiến hành viết SGK trên cơ sở chương trình đã được thẩm định.

“Các bộ SGK được hoàn thành, thẩm định, phê duyệt và phải đưa vào nhà in chậm nhất vào tháng 5-2019 mới kịp cho việc thực hiện chương trình trên toàn quốc vào năm học 2019-2020. Vì thế ngay bây giờ, Bộ GD-ĐT ra thông báo về việc này là vừa” – GS Thuyết nói. 

Để hạn chế rủi ro, bảo đảm có đủ sách các môn học, cấp học triển khai chương trình mới, Bộ GD-ĐT đã được giao tổ chức biên soạn một bộ SGK từ lớp 1-12. 

Ông khẳng định: bộ sách của bộ tổ chức biên soạn và các bộ sách khác bình đẳng như nhau, các trường sẽ được chủ động lựa chọn.

Lộ trình triển khai chương trình phổ thông mới ra sao? - Ảnh 3.

GS Nguyễn Minh Thuyết – Ảnh: T.L.

Lo nhất là động lực của giáo viên

Một việc rất quan trọng nữa cần quan tâm chuẩn bị là tập huấn giáo viên. Theo GS Thuyết, việc này phải tiến hành ngay sau khi chương trình chính thức ban hành. Có nghĩa đến thời điểm này các địa phương đã phải rà soát, chuẩn bị đội ngũ giáo viên đủ cho việc thực hiện chương trình. 

“Tôi không lo về trình độ giáo viên vì hiện nay đa số giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn. Tôi lo nhất là động lực của giáo viên” – GS Thuyết nhận xét.

Theo GS Thuyết, trong quá trình soạn thảo chương trình, vấn đề “bồi dưỡng động lực cho giáo viên” cũng được đặt ra. 

Vì một chương trình thiết thực, có tính khả thi và những quyển SGK mới mẻ sẽ tạo ra được chuyển biến rõ rệt trong dạy và học. Đó sẽ là động lực cho người thực hiện – giáo viên. Và điều này thuộc trách nhiệm của những người xây dựng chương trình, biên soạn SGK.

Tuy vậy, ông Thuyết cũng cho rằng động lực đổi mới của giáo viên còn phụ thuộc nhiều yếu tố như môi trường làm việc, cách sử dụng lao động, chế độ đãi ngộ.

Đặc biệt, giáo viên phải được tự chủ. Các cấp quản lý giáo dục phải gỡ bỏ được những quy định trói buộc giáo viên sáng tạo, ví dụ như các quy định về dự giờ, sổ sách chuyên môn cứng nhắc…

Ông NGUYỄN ĐÌNH VĨNH (giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng):

Lùi là cần thiết

Việc lùi chương trình phổ thông mới một năm để chuẩn bị kỹ về khung chương trình, SGK cho học sinh dễ hiểu, dễ học là cần thiết.

Các cơ sở giáo dục (nhất là các trường ĐH sư phạm) cần được thông tin cụ thể về tiến độ triển khai chương trình phổ thông mới để kịp thời cập nhật trong công tác đào tạo.

Trong một năm được lùi này, công tác bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên ở địa phương sẽ được thuận lợi hơn; các địa phương sẽ có thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực tốt hơn…

Bà NGUYỄN THỊ MINH GIANG (giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang):

Không thể chờ

Lộ trình mà Bộ GD-ĐT đang thực hiện quá chậm. Chỉ đổi mới ở tiểu học, trong khi giáo viên hai cấp học còn lại phải ngồi chờ là điều không thể được. Nếu theo tiến độ này thì bậc THPT đến năm 2021 vẫn chưa thể đổi mới, vậy nguồn nhân lực của mình cho thời kỳ mới có kịp đào tạo không?

Đầu ra của nguồn nhân lực là bậc THPT, nếu đổi mới quá chậm thì các chương trình CĐ, ĐH, đào tạo nghề cũng sẽ lạc hậu.

Vì thế, nếu đổi mới thì nên đồng loạt, điều kiện khác nhau thì làm theo quy mô khác nhau chứ không chờ.

Phó hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP.HCM:

Giáo viên cần sớm tiếp cận chương trình mới

Với chúng tôi, vấn đề không phải chương trình phổ thông mới lùi bao lâu, mà là phải tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên tiếp cận chương trình và SGK mới càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, còn phải nhanh chóng tiến hành tập huấn bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ quản lý…

Chúng tôi cần biết và nắm rõ cụ thể nội dung của việc đổi mới chương trình. Chứ cứ lùi mà không biết chương trình và SGK mới như thế nào thì lùi cũng như không.

Đ.CƯỜNG – T.TRANG – P.NGUYỄN