Dự kiến 22 giờ tối nay 3.11, tâm bão số 12 (tên quốc tế Damrey) còn cách bờ biển từ Khánh Hoà – Ninh Thuận khoảng 170 km, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 – 12 (100 – 135 km/giờ), giật cấp 15 và tiếp tục đi vào đất liền.
Chạy bão.
Dự kiến 22 giờ tối nay 3.11, tâm bão số 12 (tên quốc tế Damrey) còn cách bờ biển từ Khánh Hoà – Ninh Thuận khoảng 170 km, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 – 12 (100 – 135 km/giờ), giật cấp 15 và tiếp tục đi vào đất liền.
Dự kiến 22 giờ tối nay 3.11, tâm bão số 12 (tên quốc tế Damrey) còn cách bờ biển từ Khánh Hòa – Ninh Thuận khoảng 170 km, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 – 12 (100 – 135 km/giờ), giật cấp 15 và tiếp tục đi vào đất liền. Hôm qua, các tỉnh Nam bộ đã khẩn trương chạy bão.
Cà Mau tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân cảnh giác với cơn bão số 12.
Bão số 12 được cảnh báo là cơn bão mạnh, khi đổ bộ vào các tỉnh nam Trung bộ, kết hợp với không khí lạnh sẽ gây ra đợt mưa lớn trên diện rộng khắp các tỉnh nam Trung bộ và Nam bộ. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) T.Ư cho biết, đến 22 giờ ngày 2.11, bão số 12 cách bờ biển Khánh Hòa – Ninh Thuận khoảng 600 km về phía đông, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 – 10 (từ 75 – 100 km/giờ), giật cấp 13.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và mạnh lên. Đến 22 giờ ngày 3.11, vị trí tâm bão cách bờ biển Khánh Hoà – Ninh Thuận khoảng 170 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 – 12 (từ 100 – 135 km/giờ), giật cấp 15.
Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đưa ra nhận định trên tại cuộc họp khẩn ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ và gần biển Đông vào sáng nay (2.11).
Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa Biển Đông, bao gồm cả vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa, có mưa bão, gió mạnh cấp 7 – 9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11 – 12, giật cấp 15 khiến biển động dữ dội. Dự báo trong 24 – 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được 15 – 20 km, đi vào đất liền các tỉnh nam Trung bộ với sức gió mạnh nhất cấp 10 – 11, giật cấp 14 và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai sáng 2.11, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo KTTV T.Ư, cho biết cùng thời điểm bão số 12 đang có một bộ phận không khí lạnh từ phía bắc di chuyển xuống phía nam, là hình thái thiên tai nguy hiểm. Khi không khí lạnh kết hợp hoàn lưu của bão số 12 sẽ gây ra đợt mưa dồn dập trên diện rộng ở các tỉnh nam Trung bộ và Tây nguyên. Cũng theo ông Cường, năm 1999, kịch bản thời tiết này từng gây đợt mưa lớn từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi, chỉ trong 2 ngày, lượng mưa lên tới 2.000 mm. Ông Cường đề nghị các địa phương phải đặc biệt cảnh giác đề phòng, ứng phó với mưa lớn.
Ngư dân neo đậu thuyền tại bến Đồng Hòa, xã Long Hòa (H.Cần Giờ, TP.HCM) chiều 2.11ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Nhiều địa phương cấm biển, cho học sinh nghỉ học
Khánh Hòa được dự báo là một trong những tỉnh tâm bão đi qua. Ngày 2.11, UBND tỉnh có công điện khẩn gửi các huyện, thị xã, thành phố cùng các cơ quan, ban ngành trên địa bàn về việc khẩn cấp ứng phó bão, mưa lũ; tăng cường thông tin diễn biến cơn bão, mưa lũ đến người dân để chủ động phòng tránh, hạn chế thiệt hại; sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng do bão gây ra;… Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp cơ quan liên quan thông báo cho người dân biết các tàu đánh bắt thủy sản, tàu du lịch, phương tiện đường thuỷ không được ra khơi kể từ 18 giờ ngày 2.11.
Ngày 2.11, UBND tỉnh Khánh Hoà có công điện khẩn cho các huyện, thị, thành phố, các sở, ban ngành và các đơn vị liên quan trên địa bàn về việc ứng phó với mưa bão.
Sở GD-ĐT tỉnh chỉ đạo các trường học cho học sinh nghỉ từ 12 giờ ngày 3.11 đến hết ngày 5.11 để đảm bảo an toàn. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố hoãn các cuộc họp không cần thiết trong các ngày 3 – 4.11 để tập trung chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão…
Sáng 2.11, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận họp trực tuyến với các huyện, thị bàn phương án phòng chống bão. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai yêu cầu các địa phương nhanh chóng phát đi lệnh cấm tàu thuyền ra khơi. Đối với những tàu đang ngoài khơi thì BĐBP tỉnh và các ngành chức năng phải tìm cách thông báo, kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú ẩn an toàn tới khi lệnh cấm ra biển được giải tỏa. Tất cả mọi phương án đến trưa nay (3.11) phải hoàn tất. Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các ban ngành ngưng tất cả cuộc họp không cần thiết để xuống địa bàn dân cư, khu neo đậu tàu thuyền kiểm tra phương án chống bão; huỷ bỏ chương trình truyền hình trực tiếp Lễ hội dinh Thầy Thím ở TX.La Gi để tập trung chống bão.
Chiều qua, UBND tỉnh Ninh Thuận có cuộc họp khẩn, triển khai công tác phòng chống bão số 12, mưa lũ trên địa bàn; sau đó có công điện nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển; kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu, phương tiện nội thủy, lồng bè nuôi thuỷ sản trước 13 giờ hôm nay (3.11).
UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng họp bàn phương án phòng chống bão, chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức quản lý, kiểm đếm tàu thuyền hoạt động trên biển, không cho ra khơi từ 9 giờ ngày 2.11. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trong ngày 2.11, các khu du lịch ven biển Bãi Sau, TP.Vũng Tàu đã cho nhiều nhân viên kè những bao cát ven biển để tránh thủy triều dâng cao.
Ở các tỉnh ĐBSCL, từ chiều 2.11, kế hoạch phòng chống, ứng phó bão số 12 cũng được chính quyền các tỉnh triển khai khẩn trương, gấp rút. Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND H.Phú Quốc (Kiên Giang), cho biết hầu hết tàu cá của huyện đã vào nơi tránh trú an toàn; huyện cũng chỉ đạo tuyệt đối không để người dân ở lại trên các tàu, thuyền, bè cá nhằm đảm bảo tính mạng người dân. Còn tại TP.Rạch Giá, tất cả tuyến đường thuỷ nội địa và hàng hải từ Rạch Giá đi Phú Quốc, Nam Du, Kiên Hải; hoặc Hà Tiên – Phú Quốc… trong ngày 2.11 đều ngưng hoạt động.
Tại Bến Tre, để chủ động ứng phó với bão số 12 kết hợp đợt triều cường đạt đỉnh của năm diễn ra cùng thời điểm, UBND tỉnh yêu cầu lực lượng vũ trang, các sở ngành liên quan, chính quyền các địa phương khu vực ven biển thực hiện nghiêm lệnh cấm phương tiện xuất bến cho đến khi có thông báo mới. Chiều 2.11, có mặt tại cảng Trần Đề (H.Trần Đề, Sóc Trăng), PV Thanh Niên ghi nhận tại cảng đã có hàng trăm tàu đánh cá neo đậu, nhiều tàu khác cũng đang trên đường vào cảng.
TP.HCM sẵn sàng sơ tán dân đảo Thạnh An
Sáng 2.11, UBND TP.HCM đã họp khẩn với 24 quận, huyện và các sở, ngành do ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực chủ trì về phương án phòng tránh, ứng phó với bão.
“Các đơn vị phải theo dõi sát sao các thông báo về cơn bão để kịp thời ứng phó. TP.HCM hiện có 10 triệu dân, nếu bão đổ bộ thì thiệt hại rất nghiêm trọng”, ông Liêm nhấn mạnh. Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, cho biết TP.HCM có tổng cộng 836 tàu thuyền hoạt động trên biển được kêu gọi quay vào bờ tránh bão. Còn lãnh đạo UBND H.Cần Giờ thông tin đã chuẩn bị sẵn phương án di dời dân ở Cần Giờ nếu bão đổ bộ.
Hiện xã đảo Thạnh An có 28 phương tiện có công suất từ 90CV trở lên và sẵn sàng di chuyển hơn 800 người dân vào đất liền để tránh bão.
Chiều 2.11, PV Thanh Niên có mặt tại xã đảo Thạnh An (H.Cần Giờ), ghi nhận UBND xã đã có kế hoạch trong trường hợp thời tiết xấu do ảnh hưởng bão số 12 thì sử dụng 28 phương tiện có công suất từ 90 CV trở lên để di chuyển 822 người dân từ đảo vào TT.Cần Thạnh (H.Cần Giờ, TP.HCM) tránh bão. Trường hợp cần di dời cục bộ, chính quyền địa phương sẽ đưa 3.000 người dân ở khu vực nguy hiểm vào các nơi an toàn hơn như trường học, các trụ sở, chùa… UBND xã cũng phân công lực lượng kiểm tra, thống kê lương thực, thực phẩm và nước sinh hoạt để đảm bảo phục vụ người dân ít nhất 3 ngày.
Trong khi đó, ở đất liền, đại diện Công ty TNHH một thành viên công viên và cây xanh TP.HCM cho biết công ty đã lên kế hoạch tăng cường mé nhánh và tàn cây; tăng cường trực, huy động 100% quân số để giải quyết kịp thời các sự cố cây xanh khi bão đổ bộ.
Tàu chìm khi chạy tránh bão
Chiều 2.11, thiếu úy Đặng Đức Đại Đồng, Đội trưởng trinh sát Đồn biên phòng Cửa Đại (thuộc BĐBP tỉnh Bến Tre), cho biết sức khoẻ 5 người trên phương tiện cào đơn Đạt Được mang số hiệu BV 72-324 TS (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã ổn định.
Theo thuyền trưởng Nguyễn Văn Đoàn (ngụ xã Phước Hưng, H.Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu), lúc 14 giờ ngày 1.11, tàu BV 72-324 TS đang khai thác thuỷ sản trên vùng biển Vũng Tàu thì nhận được tin báo từ đài kêu gọi vào bờ tránh trú bão. Khi tàu đang di chuyển cách bờ khoảng 20 hải lý thì sóng đánh làm tàu hư hỏng, tắt máy, đứt neo, trôi dạt đến vùng biển tỉnh Bến Tre. Các ngư dân trên tàu đã thức suốt đêm, tát nước cứu tàu nhưng đến 8 giờ ngày 2.11 thì tàu bắt đầu chìm. Sau đó, ngư dân dùng can dầu buộc lại làm phao để bám vào và trôi dạt vào vùng biển xã Thới Thuận, H.Bình Đại.
Đến 10 giờ ngày 2.11, các nạn nhân được lực lượng bảo vệ Hợp tác xã thủy sản Rạng Đông phát hiện, phối hợp cùng Đồn biên phòng Cửa Đại, công an, quân sự xã Thới Thuận đưa vào bờ. Còn tàu thì đã chìm.