Trong nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, có bạn trẻ cho rằng Đoàn cần phải quan tâm đến chất lượng sống của người trẻ hiện nay.
Hãy quan tâm đến chất lượng sống của người trẻ.
Trong nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, có bạn trẻ cho rằng Đoàn cần phải quan tâm đến chất lượng sống của người trẻ hiện nay.
Nên làm tình nguyện kiểu 4.0
Tôi quan tâm đến thanh niên tình nguyện, vì bản thân từng tham gia hoạt động này với nhiều vai trò khác nhau. Trăn trở của tôi: tình nguyện là tốt, nhưng làm sao cho tình nguyện phải thật sự an toàn, đừng bất chấp an toàn của người trẻ vì những chuyện đi giải quyết hệ luỵ từ cộng đồng. Tôi đánh giá cao chuyện tham gia nạo vét kênh rạch, nhưng phải có cơ chế, giải pháp nào đó để thanh niên tình nguyện theo kiểu 4.0, tình nguyện “trí tuệ” hơn…
Nguyễn Trần Ngọc Phương (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)
Cần quyết liệt bảo vệ trẻ em
Mỗi ngày trên đường đi làm, tôi thường bắt gặp những đứa bé từ 3 – 5 tuổi đứng ngay ngã tư giữa trưa nắng chang chang, em thì bán vé số, em thì xin tiền, nhiều khi thấy xe lớn đến cũng không buồn tránh. Ai cũng biết ở đâu đó, ba mẹ các bé (hay những kẻ chăn dắt) đang ngồi phè phỡn quan sát, chờ con mình kiếm được tiền là sẽ gọi vào giật lấy, rồi lại đẩy chúng ra giữa đường, mặc kệ sinh mạng, sức khoẻ của chúng. Biết vậy mà không làm gì được nên tôi rất đau lòng.
Thiết nghĩ, “Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng” khi đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Đoàn nhiệm kỳ mới thì cần quan tâm nhiều hơn, hành động cụ thể hơn hướng đến các đối tượng trẻ em lang thang, trẻ em bị bóc lột sức lao động… Đoàn Thanh niên – hội đồng Đội các cấp cần phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện những chiến dịch quyết liệt như “Trả lại tuổi thơ cho em”, “Trẻ em là để yêu thương, đừng biến các em thành công cụ kiếm tiền”…
Phan Nguyễn Quỳnh Anh (Giảng viên Trường ĐH Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương)
Giúp thanh niên có lối sống lành mạnh
Tình trạng nhậu nhẹt say sưa ở nông thôn hiện rất phổ biến. Phong trào thanh niên đấu tranh chống sản xuất kinh doanh trái pháp luật, chống tệ nạn xã hội chưa được chú ý. Thực phẩm bẩn sản xuất cạnh nhà, kinh doanh ngay trong khu phố hay tệ xả rác bừa bãi trước mặt mọi người cũng không thấy thanh niên và Đoàn thanh niên cơ sở lên tiếng phê phán hay ngăn chặn. Tôi nghĩ trong nhiệm kỳ tới, tổ chức Đoàn phải quan tâm hơn nữa về vấn đề này để làm cho môi trường, chất lượng sống của người dân ngày một tốt hơn.
Lê Văn Sâm (Giáo viên Trường tiểu học Chu Văn An, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)
Theo tôi, T.Ư Đoàn cần tạo ra một chương trình như “Nghe thanh niên nói – nói thanh niên nghe” để nghe tâm tư, nguyện vọng của thanh niên hiện nay, biết họ đang thiếu gì, cần gì và nghĩ gì cho con đường tương lai của họ. Trong cuộc sống hiện tại, không chỉ riêng tôi mà bạn bè đồng trang lứa nhiều khi cảm thấy khó khăn nhất là chuyện an cư để ổn định cuộc sống, chú tâm phát triển công việc. Vì vậy, tôi mong muốn Đoàn thường xuyên nắm bắt, cập nhật thanh niên đang gặp những khó khăn gì để kịp thời hỗ trợ họ. Hãy quan tâm đến chất lượng sống của người trẻ. Đoàn cũng cần liên kết với các tổ chức xã hội, tạo điều kiện để thanh niên có thể mua được nhà ở xã hội của nhà nước.
Ngọc Thúy (P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Định hướng cho người trẻ không bị lạc lối
Ngoài các nhu cầu căn bản, thanh niên ngày nay còn có những nhu cầu cao hơn, đó là không gian làm việc thích hợp, vui chơi giải trí lành mạnh và thiết lập những mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, để hoà vào nhịp sống hiện đại đầy năng động, thách thức như hiện nay và làm sao cho hài hoà những vai trò trong xã hội như công việc, gia đình, quan hệ đồng nghiệp – đối tác, vui chơi giải trí… là một vấn đề không đơn giản. Theo tôi, tổ chức Đoàn nên thành lập trung tâm tư vấn, hỗ trợ để khi bạn trẻ gặp khó khăn trong cuộc sống, họ có nơi để giãi bày tâm sự và những người ở trung tâm sẽ đóng vai trò tư vấn, định hướng cho người trẻ không bị lạc lối.
Bạch Tú Uyên (Cựu sinh viên Trường ĐH Lao động – xã hội tại TP.HCM)