28/11/2024

Chữ viết hoa ‘như rồng, như mây’, cô trò đều khổ

Chữ viết hoa cầu kỳ “uốn lượn như rồng, như mây” vừa làm khổ học sinh, cô giáo, phụ huynh vừa…không biết để làm gì.

 

Chữ viết hoa ‘như rồng, như mây’, cô trò đều khổ.

 

Chữ viết hoa cầu kỳ “uốn lượn như rồng, như mây” vừa làm khổ học sinh, cô giáo, phụ huynh vừa…không biết để làm gì.


Việc học và viết được mẫu chữ viết hoa là khủng khiếp nhất đối với học sinh và cả phụ huynh. Chữ nào cũng uốn lượn như rồng, như mây, phụ huynh như tôi cũng khó mà viết cho đẹp”

Chị Lê Hồng Ngân (phụ huynh ở Q.1, TP.HCM)

“Con tôi phải học chữ in thường, chữ in hoa, chữ viết thường, chữ viết hoa trong bảng chữ cái tiếng Việt. Trong đó, mẫu chữ in phải nhớ chỉ để… đọc chứ không viết theo mẫu chữ này. Các nét, hình dạng chữ khác nhau khá nhiều khiến con tôi cứ liên tục nhầm lẫn…”.

Đó là ý kiến của chị Huỳnh Kim Quyên, phụ huynh ở Q.Tân Phú, TP.HCM. Nhiều phụ huynh khác cũng kể con mình khó khăn khi học những kiểu chữ ít khi dùng đến.

Phụ huynh cũng…hoa mắt

Cô N.T.T. – giáo viên lớp 1 ở Q.3 – kể: “Một phụ huynh vào gặp tôi, mệt mỏi nói rằng chị không tự dạy con được. Cậu bé còn bảo: mẹ học đại học rồi mà mẹ không biết chương trình lớp 1 gì cả. Con không nghe lời mẹ nữa đâu, chỉ nghe lời cô giáo thôi. Chữ i phải có dấu chấm trên đầu, chữ này không có dấu chấm trên đầu là chữ l mà mẹ dạy con là chữ i”.

Cô T. phân tích: “Đúng là tôi dạy học sinh chữ i thường có dấu chấm trên đầu. Nhưng trong sách giáo khoa môn tiếng Việt lớp 1, nếu một vần nào đó có thêm dấu thanh (huyền, sắc, hỏi, ngã) trên đầu chữ i thì chữ i đó mất dấu chấm phía trên. 

Lúc đó, nhìn chữ i cũng giống chữ l vì chỉ có một nét mà thôi. Gần như năm nào tôi cũng nghe phụ huynh, học sinh thắc mắc về chuyện này mặc dù tôi có hướng dẫn học sinh cách phân biệt (chữ l cao hơn chữ i)”.

Trong khi đó, chị N.T.M.H., phụ huynh ở Q.9, còn phản ảnh: “Học sinh lớp 1 mới vào học được hơn 1 tháng, làm sao thuộc được bảng chữ cái với 29 chữ. Mỗi chữ có 4 mẫu khác nhau, tổng cộng là 116 mẫu chữ. 

Ngay cả phụ huynh cũng hoa mắt với bảng chữ cái này huống chi học sinh – những cô cậu bé non nớt mới rời trường mầm non. Con tôi bắt đầu học chữ trước khi vào lớp 1 sáu tháng. Vậy mà bây giờ cháu vẫn chưa phân biệt được một cách rõ ràng mẫu chữ viết và mẫu chữ đọc”.

Khó cả cô lẫn trò

Nói về vấn đề trên, cô N. – giáo viên tiểu học có thâm niên đứng lớp 23 năm ở TP.HCM – thừa nhận: “Việc yêu cầu học sinh phải học nhiều loại mẫu chữ khác nhau khiến các em rất khó khăn trong việc nhận biết mặt chữ. Chỉ những em nào đã được học chương trình lớp 1 trước đó cả năm mới tạm ổn, còn lại đa số các em nhầm lẫn giữa mẫu chữ đọc (chữ in) và mẫu chữ viết. 

Mỗi khi dạy một âm, một vần mới, tôi đều viết mẫu chữ in và mẫu chữ viết đi cùng nhau để học sinh dễ hình dung và nhớ mặt chữ. Không chỉ học sinh lớp 1 mà giáo viên lớp 1 cũng khổ không kém khi phải dạy làm sao để học sinh biết đánh vần, biết đọc và biết viết theo đúng độ cao, độ rộng và khoảng cách giữa các chữ…”.

Thế nhưng, cô N. lại cho rằng: “Giáo viên lớp 1 vất vả vì chương trình môn tiếng Việt nặng quá, mỗi ngày giáo viên phải làm sao đó để học sinh học được, nhớ được và viết được 2 vần đôi. Nhưng tôi thấy giáo viên lớp 2 còn cực hơn rất nhiều, vì họ lãnh trách nhiệm dạy cho học sinh viết được mẫu chữ hoa (ở lớp 1 học sinh chỉ nhớ mặt chữ và tô mẫu chữ viết hoa chứ chưa thực sự viết). 

Thực sự chữ viết hoa rất cầu kỳ và rất khó. Giáo viên chúng tôi mỗi lần viết chữ E hoa cũng phải cẩn thận từng chút một mới đúng và đẹp được”.

Chị Lê Hồng Ngân, phụ huynh ở Q.1, kể thêm: “Tôi có 2 con, con lớn nhà tôi học lớp 1 cách đây 8 năm, không chỉ một mình cháu mà cả hai vợ chồng tôi đều toát mồ hôi hột trong hành trình học chữ của con suốt những ngày học lớp 1 rồi đến lớp 2. Việc học và viết được mẫu chữ viết hoa là khủng khiếp nhất đối với học sinh và cả phụ huynh. 

Chữ nào cũng uốn lượn như rồng, như mây, phụ huynh như tôi cũng khó mà viết cho đẹp. Hồi con gái học lớp 1 rồi sang lớp 2, tôi phải nhờ cô giáo chủ nhiệm in ra cho hàng loạt mẫu chữ viết hoa bản photo, về nhà cả mẹ và con cùng… tô chữ cho quen tay. Sau đó mới viết thật trên giấy”.

Chưa hết, chị Hồng, phụ huynh ở Q.Phú Nhuận, còn phản ảnh: “Tréo ngoe nhất là hai môn tiếng Việt và tiếng Anh phải viết khác nhau. Con tôi học tiểu học trong trường chính khoá thì viết theo mẫu chữ do Bộ GD-ĐT quy định. 

Đến cuối tuần đi học tiếng Anh ở trung tâm với giáo viên nước ngoài thì viết tiếng Anh như mẫu chữ in. Cháu bảo: viết tiếng Anh như mẫu chữ tiếng Việt thì thầy người nước ngoài không đọc được”.

Có chăng chỉ dùng… viết giấy khen

GS.TS ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân cho biết: “Nếu tôi nhớ không lầm, trước năm 2000 các trường học ở ta dạy cho học sinh mẫu chữ giống với chữ in bây giờ.

Tuy nhiên, sau một thời gian người ta phát hiện học sinh viết chữ xấu quá, cứng quá. Thế nên, Bộ GD-ĐT cải cách chữ viết theo mẫu như bây giờ. Tức là chữ in vẫn như cũ, mẫu chữ viết thì có thêm nét lượn, nét cong khá mềm mại và đẹp hơn.

Cá nhân tôi cho rằng việc rèn cho trẻ tiểu học viết chữ đẹp là việc nên làm trong một chừng mực nào đó, dù thời kỳ hội nhập con người ít dùng chữ viết tay. Nhưng ta chỉ nên làm với những chữ viết thường – tức là không quá cầu kỳ và không quá khác biệt so với mẫu chữ in.

Cách rèn cũng có thể linh hoạt hơn: thay vì bắt buộc học sinh học chính khóa thì có thể coi môn rèn chữ là môn tự chọn, em nào yêu thích và có năng khiếu thì tham gia, không thì học cơ bản biết viết rõ ràng, dễ đọc là được.

Riêng về mẫu chữ viết hoa, tôi thấy quá cầu kỳ, quá khác biệt với mẫu chữ in và hơi khó đối với học sinh tiểu học. Vả lại, thời nay cũng ít người dùng mẫu chữ này, có chăng chỉ dùng trong các trường hợp viết giấy khen, bằng khen… mà thôi”.

HOÀNG HƯƠNG