Là công chức thì phải chuẩn không cần chỉnh
Sở Nội vụ TP.HCM vừa có tờ trình về dự thảo quy tắc ứng xử của cán bộ công chức TP.HCM và ngay lập tức quy tắc này nhận được sự quan tâm của dư luận.
Là công chức thì phải chuẩn không cần chỉnh.
Sở Nội vụ TP.HCM vừa có tờ trình về dự thảo quy tắc ứng xử của cán bộ công chức TP.HCM và ngay lập tức quy tắc này nhận được sự quan tâm của dư luận.Theo ông Lê Hoài Trung, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, việc ra đời bộ quy tắc này là nhằm nâng chất văn hoá ứng xử của cán bộ công chức, phục vụ người dân ngày một tốt hơn, xứng đáng với tiền thuế mà họ đã đóng góp.
Chuẩn từ tác phong đến văn hoá ứng xử
Quy tắc sẽ tác động ra sao đến hình ảnh, văn hóa ứng xử của cán bộ công chức tại TP.HCM nếu được áp dụng?
– Quy tắc trên nhằm áp dụng cho cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP.HCM trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, trong quan hệ xã hội.
Cán bộ, công chức phải bảo đảm chuẩn mực về hình ảnh, trang phục như với nam là quần tây, áo sơmi; với nữ là quần tây hoặc váy dài tối thiểu ngang gối, áo dài truyền thống… không được mặc quần jean, áo thun.
Ngoài ra trong giao tiếp, cán bộ, công chức phải rõ ràng, mạch lạc, không nói tục, nói tiếng lóng, quát nạt.
Cán bộ, công chức phải giữ gìn tác phong, văn hoá ứng xử đúng mực và có tác phong làm việc nghiêm túc, thái độ lịch sự, tôn trọng người giao tiếp.
Ngoài ra, quy tắc còn có một số quy định cho cán bộ, công chức với gia đình, xã hội như không được tổ chức các hoạt động cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia, thăng chức và các hoạt động khác của bản thân và gia đình xa hoa, lãng phí, vì mục đích vụ lợi.
Như vậy, quy tắc trên nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuẩn mực từ hình ảnh, tác phong, văn hoá ứng xử. Bên cạnh nhiệm vụ nâng chất về trình độ, chuyên môn, năng lực cho đội ngũ CBCC. Những việc đó nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Quy tắc liệu có quá khó thực hiện? Ông đánh giá thế nào về sự đồng thuận trong cán bộ, công chức?
– Dự thảo đang được đưa ra để lấy ý kiến, đánh giá tác động đến các đối tượng bị điều chỉnh.
Trên thực tế như ở Cần Thơ trước đây, cũng có ý kiến này khác nhưng đa số là ủng hộ và áp dụng thì đi vào quy củ. Theo tôi, đa số ý kiến cán bộ, công chức ở TP.HCM là ủng hộ. Đương nhiên cũng có ý kiến phản đối vì họ thấy rắc rối, bị ràng buộc, nhưng có lẽ không nhiều lắm.
Do đòi hỏi phải cải tiến, tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ người dân, thời gian qua TP.HCM đã có rất nhiều biện pháp cải cách hành chính để người dân hài lòng hơn. Quy tắc ứng xử là cần thiết trong lộ trình cải cách hành chính. Mặc dù lộ trình là không hề dễ dàng, nhưng việc cần làm thì phải làm.
Công khai giám sát, xử lý vi phạm
Lộ trình ban hành, áp dụng quy tắc như thế nào?
– Hiện dự thảo quy tắc đang được đưa ra lấy ý kiến theo đúng quy trình tại các sở, ngành, quận, huyện. Sau khi nhận góp ý thì hoàn chỉnh quy tắc mới trình lãnh đạo UBND TP.HCM xem xét ký ban hành. Khi được ban hành thì quy tắc sẽ áp dụng ngay.
Vậy việc giám sát, xử lý cán bộ, công chức không thực hiện theo quy tắc sẽ ra sao?
– Công tác giám sát cán bộ, công chức có vi phạm về ngôn phong, tác phong, ứng xử (như quát nạt, to tiếng, thiếu tôn trọng người dân…) thì người dân hoàn toàn có quyền giám sát bằng cách ghi âm, ghi hình. Từ đó phản ảnh trực tiếp cho thủ trưởng cơ quan đơn vị của công chức đó để xử lý.
Tại đơn vị thì thủ trưởng và các bộ phận có thể giám sát, nhắc nhở lẫn nhau để thực hiện quy tắc cho đúng. Ngoài ra, vai trò giám sát của Mặt trận, đoàn thể, báo chí cũng được phát huy, làm cơ sở chấn chỉnh, xử lý cán bộ, công chức vi phạm.
Sở Nội vụ cũng có đề xuất UBND TP.HCM thành lập tổ kiểm tra việc thực hiện quy tắc này. Khi phát hiện hành vi hoặc dấu hiệu vi phạm sẽ tiến hành kiểm tra, lập biên bản, đồng thời ghi âm, ghi hình để làm chứng cứ. Nếu phát hiện vi phạm thì kiến nghị thủ trưởng của công chức xử lý ngay theo thẩm quyền.
Cần có chế tài cụ thể
Tôi cho rằng việc đưa ra một bộ quy tắc ứng xử là cần thiết vì nó khiến cán bộ công chức lưu ý hơn đến hành vi thái độ của mình. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp thì tôi cho rằng cần phải có chế tài cụ thể. Nếu không sẽ khó mà thay đổi, cải thiện.
Luật và nghị định cũng có quy định liên quan đến văn hóa giao tiếp, các chế tài nhưng vẫn còn rất chung chung.
Quy định về văn hóa ứng xử của thành phố cần phải cụ thể hóa các hành vi, cụ thể hóa chế tài cho phù hợp, tất nhiên vẫn phải dựa trên cơ sở của luật và nghị định liên quan.
Thạc sĩ MAI THỊ LÂM (Khoa Hành chính Đại học Luật TP.HCM)