29/11/2024

Sốt ruột với giáo dục đại học

Luật giáo dục đại học mới ban hành 5 năm đã phải sửa đổi, tự chủ đại học còn nhiều “trắc trở”… khiến nhiều chuyên gia băn khoăn.

 

Sốt ruột với giáo dục đại học.

 

Luật giáo dục đại học mới ban hành 5 năm đã phải sửa đổi, tự chủ đại học còn nhiều “trắc trở”… khiến nhiều chuyên gia băn khoăn.


Sốt ruột với giáo dục đại học - Ảnh 1.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo – Ảnh: NGỌC HÀ

Đó là tâm trạng chung của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Hoàn thiện chính sách pháp luật về giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay”, do Văn phòng Quốc hội tổ chức ngày 18-10 tại Hà Nội.

Hội thảo được xác định là kênh cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội trong quá trình xem xét, cho ý kiến về dự án Luật giáo dục ĐH sửa đổi sắp tới.

Luật giáo dục ĐH 2012 mới chỉ ban hành được 5 năm đã buộc phải sửa đổi, vì sao? Trả lời câu hỏi này bên lề hội thảo, ông Đỗ Mạnh Hùng – phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – khẳng định: không có quy định nào về thời hạn phải sửa đổi một luật.

“Thực tế có luật chưa thực hiện cũng đã phải sửa đổi. Với Luật giáo dục ĐH, sau 5 năm triển khai, bên cạnh những tác động tích cực đã bộc lộ những bất cập. Quốc hội dự kiến xem xét, tiến hành thảo luận Luật giáo dục ĐH sửa đổi vào năm 2018” – ông Hùng nói.

Chuyển động chậm chạp

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến – nguyên trợ lý bộ trưởng Bộ GD-ĐT – cho rằng dù có chọn cách nói thận trọng vẫn phải khẳng định chất lượng đào tạo ĐH không có chuyển biến gì đáng kể sau 5 năm thực hiện luật. 

Mượn báo cáo cạnh tranh toàn cầu hằng năm để lý giải, ông Tiến cho biết trong nhiều năm qua, báo cáo này luôn nhận định: chất lượng đào tạo nhân lực không đến nơi đến chốn, là một trong ba bức xúc lớn nhất cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh đất nước.

Giáo dục ĐH được coi là một trong 12 cột đỡ chính tạo nên năng lực cạnh tranh quốc gia. Điểm số về việc xếp hạng giáo dục ĐH 5 năm gần đây cho thấy chuyển động chậm chạp của giáo dục ĐH trong nước. 

Điểm số cụ thể từ năm 2013-2014 đến 2017-2018 lần lượt là 3,7; 3,7; 3,8; 4,1; 4,1 với thứ hạng tương ứng 95/148, 96/144, 95/140, 83/138, 84/137. 

“Có sự gia tăng điểm số và xếp hạng những năm gần đây. Nhưng khi tìm hiểu thì hóa ra chủ yếu là do tăng tỉ lệ nhập học, từ số lượng, chứ không phải tăng nhờ chất lượng” – ông Tiến nhấn mạnh.

Để làm rõ sự yếu kém của đào tạo ĐH, ông Tiến tìm đến một nghiên cứu đánh giá định lượng, về sự thiếu hụt kỹ năng của lao động trình độ ĐH so với yêu cầu công việc tại các doanh nghiệp. 

Theo đó, sự thiếu hụt kỹ năng đã ở mức đáng quan ngại, ở tất cả các nhóm kỹ năng. Trong đó, những kỹ năng như việc ứng dụng kiến thức chuyên ngành vào thực tế, sinh viên tốt nghiệp chỉ đáp ứng được khoảng trên 60% so với nhu cầu của doanh nghiệp!

Tự chủ ĐH: “đắn đo, nhọc nhằn, đầy trắc trở”

Thời điểm này mà vẫn loay hoay với nghị định về tự chủ, và chính tôi vẫn được mời làm chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước về tự chủ đại học, chứng tỏ vấn đề này còn chưa giải quyết được ở mặt lý thuyết, chứ chưa nói đến việc thực hiện…”

GS Đào Trọng Thi (nguyên chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội)

Nhìn lại Luật giáo dục ĐH 2012 sau 5 năm thực hiện, điều khiến các đại biểu lo ngại nhất chính là câu chuyện tự chủ của các trường ĐH. Một số đại biểu dẫn ra cơ chế hội đồng trường hiện nay trong thực tế vẫn chủ yếu mang tính hình thức, chưa được trao thực quyền. 

Có chuyên gia ví von chủ tịch hội đồng trường giống “bánh xe thứ năm” được lắp vào một chiếc ôtô, hoàn toàn không có giá trị.

Dù thừa nhận Luật giáo dục ĐH hiện hành quy định quyền tự chủ đã như một sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy trong quản trị, nhưng TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến vẫn cho rằng thực tế việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH, bước chuyển của giáo dục ĐH Việt Nam cho đến nay vẫn diễn ra “đắn đo, nhọc nhằn và đầy trắc trở”. 

Ông Tiến chỉ ra bất cập ở điều 32 Luật giáo dục ĐH, quy định cơ sở giáo dục ĐH có được tự chủ hay không và tự chủ đến đâu là phụ thuộc vào việc xác định năng lực, kết quả xếp hạng và kết quả kiểm định chất lượng, là không nhất quán với thực tiễn.

Bởi lẽ các ĐH quốc gia, ĐH Việt – Đức, Việt – Pháp, Việt – Nhật có quyền tự chủ rất cao, không cần chờ đến kết quả xếp hạng và kiểm định chất lượng. 

Ngoài ra, còn có các trường ĐH thí điểm tự chủ theo nghị quyết 77 của Chính phủ, có quyền tự chủ phụ thuộc vào khả năng tạo nguồn thu ngoài ngân sách. Điều này càng làm cho bức tranh tự chủ thêm rối rắm…