Nâng độn quá to, ‘đập mặt làm lại’ gây nhiều biến chứng
Đây là cảnh báo của tiến sĩ Nguyễn Huy Thọ, nguyên trưởng khoa phẫu thuật tạo hình và hàm mặt, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 (Hà Nội), khi gần đây nhiều chị em thi nhau nâng ngực, nâng mông hay “đập mặt làm lại”.
Nâng độn quá to, ‘đập mặt làm lại’ gây nhiều biến chứng.
Đây là cảnh báo của tiến sĩ Nguyễn Huy Thọ, nguyên trưởng khoa phẫu thuật tạo hình và hàm mặt, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 (Hà Nội), khi gần đây nhiều chị em thi nhau nâng ngực, nâng mông hay “đập mặt làm lại”.
TS Nguyễn Huy Thọ cho biết:
– Nghiên cứu của một tác giả người Nhật cho rằng những dị chất tạo hình như túi silicon, mảnh ghép, bằng vật liệu hoá học (độn để nâng ngực, nâng mông) không phải do cơ thể sinh ra nên không thể dùng vô hạn được. Mặt khác, dù là nâng mũi, ngực, mông hay gì đi nữa, khối lượng càng nhỏ càng ít khả năng có biến chứng, càng lớn khả năng biến chứng càng nhiều.
* Gần đây có “phong trào” chị em làm đẹp, gọi vui vui là “đập mặt làm lại” . Ông có khuyến cáo gì với những “phong trào” này?
– Thật ra “đập mặt làm lại” là phương pháp tân tiến, đem lại hiệu quả thẩm mỹ cao. Tuy nhiên kỹ thuật này tác động vào xương, do đó có nhiều vấn đề làm người ta phải lưu ý, đòi hỏi khắt khe về nhân lực, bác sĩ phải là người có chuyên môn sâu, cơ sở vật chất đi theo phải đầy đủ.
Ví dụ như kỹ thuật này yêu cầu chụp phim tỉ lệ 1-1, nghĩa là tương đương người thật thì cơ sở ấy phải có thiết bị có thể chụp được phim cho kích thước như vậy, từ đó người ta mới tính toán nâng ở đâu lên, hạ ở đâu xuống cho thật chuẩn xác.
Bác sĩ làm kỹ thuật này cũng phải được đào tạo bài bản, không thể lơ mơ được.
* Gần đây có trường hợp hôn mê và chảy máu sau khi gọt hàm, ông đánh giá như thế nào về tỉ lệ gặp tai biến khi phẫu thuật thẩm mỹ?
– Tùy từng trường hợp cụ thể và tôi cho rằng phải rất cẩn thận, nếu không là “sai một li đi một dặm”.
Ví dụ như gọt gò má mà hai bên không đều nhau thì không thể chỉnh được, lẹm một chút thôi nhưng sẽ ảnh hưởng hiệu quả thẩm mỹ.
Hay ở hàm thì có người hàm đưa ra phía trước, có người hàm đưa về phía sau, nếu chỉnh bị lệch khớp cắn thì sau này kể cả có đủ răng cũng không nhai được.
Hay xương hàm cắt non không sao, nhưng cắt bị già (cắt nhiều quá) lại phải sửa chữa lại, khó lắm.
* Theo ông, nên lựa chọn như thế nào để không dẫn đến trường hợp “bị lỗi” khi đi làm đẹp?
– Không phải gọt hàm, nâng hay độn là “thành tiên” ngay được, mà đây là kỹ thuật có tỉ lệ rủi ro và người có nhu cầu nên cân nhắc cẩn thận. Không phải ca nào cũng giống ca nào. Chị em (có thể có cả nam giới) nên lựa chọn những cơ sở thẩm mỹ đủ điều kiện, dịch vụ nằm trong danh mục được phép, lựa chọn phẫu thuật viên có uy tín. Lựa chọn đó không thể tùy tiện.
Không hiếm khách nam giới
Ngành thẩm mỹ tăng trưởng liên tục trong những năm vừa qua, và theo một chủ cơ sở thẩm mỹ, hiện không có giới hạn nào về độ tuổi khách hàng đến làm đẹp. Có khoảng 10% khách hàng của cơ sở này là nam giới, họ đến đây cũng có các nhu cầu làm da, gọt cằm, nâng mũi…
Nhiều quảng cáo không phép
Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện rất khó quản lý nhóm cơ sở spa, thẩm mỹ viện vốn chỉ được phép làm đẹp da bằng các biện pháp thông thường nhưng luôn quảng cáo và thực hiện thêm dịch vụ bấm mí, xăm, tiêm giảm béo… không phép. Do đó, khách hàng phải cân nhắc khi chọn nơi làm đẹp.