Xe buýt thoáng nóc, không mái che thì cứ gọi xe buýt mui trần đi!
Việc sử dụng ngôn ngữ nói chung, tiếng Việt nói riêng, rất cần có sự sáng tạo, phát triển. Nhưng sáng tạo chứ không nên tùy tiện!
Xe buýt thoáng nóc, không mái che thì cứ gọi xe buýt mui trần đi!
Việc sử dụng ngôn ngữ nói chung, tiếng Việt nói riêng, rất cần có sự sáng tạo, phát triển. Nhưng sáng tạo chứ không nên tùy tiện!
Tuy nhiên, đôi khi sự thiếu cẩn trọng khi viết, biên tập… đến mức tùy tiện vô hình trung đã gây tác dụng ngược, làm hại tiếng mẹ đẻ của chúng ta.
Trong một lần trao đổi với ông anh ở Thái Bình, tôi nghe ông phàn nàn rằng nhiều người rất khó chịu khi thường xuyên phải nghe câu “giữ cho giọng nói trong sáng hơn” trong một clip quảng cáo loại thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh ở thanh quản, phát ra rả liên tục trên truyền hình.
Theo cán bộ hưu này, từ cổ chí kim, người Việt mình chỉ nói (và viết) “lời văn trong sáng”, “câu chữ trong sáng”, chứ về giọng nói thì phải là “giọng nói trong trẻo”, sao lại nói “giọng nói trong sáng”?
“Cá thể hổ”!
Gần đây, quảng cáo trên sóng truyền hình còn “tra tấn” người xem với những từ “không biết từ đâu ra” như “chuẩn chất chơi”, “thế hệ chất chơi”. Đem hỏi có biết “chất chơi” là gì, hầu hết người được hỏi đều lắc đầu.
Quả thực, xem tivi, nghe đài phát thanh, đọc báo, nhất là báo mạng bây giờ, sẽ thấy tiếng Việt – tiếng mẹ đẻ của chúng ta đang bị lạm dụng quá mức, sử dụng hết sức tùy tiện, dẫn đến tối nghĩa, sai nghĩa câu văn, vấn đề phản ánh, bình luận…
Một trong những biểu hiện tùy tiện ấy là các báo đài hay sử dụng từ “cá thể” khi đưa tin những vụ phát hiện việc sát hại, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, kiểu như “có hai cá thể hổ”, “phát hiện ba cá thể rùa”…
“Cá thể” – thuật ngữ thường dùng trong các báo cáo, thống kê chuyên ngành kiểm lâm, còn theo Từ điển tiếng Việt thông dụng (chủ biên Nguyễn Như Ý, NXB Giáo Dục) “cá thể” là vật riêng lẻ, đơn nhất.
Nhưng đa số người đọc cho rằng dùng từ “cá thể” trong ví dụ nêu trên không phù hợp bằng cách viết (nói) “có hai con hổ”, “ba con rùa” bởi mọi đối tượng nhỏ hay cao tuổi, học vấn cao hay mới biết đánh vần, mọi vùng miền đều dễ dàng hiểu, tiếp thu.
“Đối lập” với “cá thể” là “tập thể”, chả lẽ đưa tin vụ phát hiện vận chuyển trái phép cùng lúc nhiều động vật hoang dã thì phải nêu “vừa bắt giữ vụ vận chuyển tập thể động vật có tên trong sách đỏ”?!
Nhầm lẫn “giá thành” với “giá bán”
Một biểu hiện không phù hợp khác trong ngôn ngữ báo chí nước ta hiện nay là nhiều khi sử dụng, diễn giải sai từ ngữ tiếng Việt.
Điển hình như từ “giá thành”, thuật ngữ kinh tế – tài chính này biểu thị tổng chi phí một sản phẩm, dịch vụ (trong hạch toán còn phân ra “chi phí phân xưởng” – giá thành công đoạn, “chi phí xí nghiệp” – giá thành toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh).
Chính vì thế, nếu nói giá thành cao đồng nghĩa với lợi nhuận (lãi) thấp, không có lãi hoặc bị lỗ vốn.
Thế mà trên nhiều báo, tivi hiện nay cứ “vô tư” viết (nói): “nhờ giá thành cao nên lãi lớn”, “thu được lợi nhuận cao vì giá thành vụ này cao hơn nhiều vụ trước”.
Cái sai rất cơ bản này là đã nhầm lẫn khái niệm “giá thành” với “giá bán”, “giá tiêu thụ” và càng không thể chấp nhận khi cái sai ấy trong các bài báo chuyên đề, chuyên trang kinh tế, tài chính.
Tự làm phức tạp, rối rắm
Một tồn tại nữa là tình trạng làm phức tạp, rối rắm thêm câu chữ lẽ ra đơn giản, dễ hiểu. Như việc lạm dụng từ “sở hữu” chẳng hạn. Theo Từ điển tiếng Việt thông dụng, “sở hữu” là được giữ làm của riêng.
Đọc nhiều tin bài trên báo thường thấy có những đoạn văn phức tạp như: “căn nhà diện tích sàn chỉ 85m2 nhưng vẫn sở hữu nhiều cửa sổ, sở hữu 3 phòng ngủ, sở hữu cả hiên” (thay vì chỉ cần viết đơn giản: “căn nhà vẫn có nhiều cửa sổ, 3 phòng ngủ, mái hiên”) hoặc “cô ấy sở hữu vóc dáng chuẩn” (thay vì chỉ cần viết “cô ấy có vóc dáng chuẩn”).
Có vẻ việc chơi chữ lại phản chủ, thay vì dùng từ đơn giản, dễ hiểu như “chủ nhà” thì lại viết “chủ đầu tư”, chỉ một chữ “có” thì lại viết “sở hữu”, người viết đã tự làm câu văn dài dòng, lủng củng đến ngớ ngẩn, tức cười.
Đó thực sự không thể xem là sáng tạo mà chính là đánh mất đi sự trong sáng vốn có của tiếng Việt.
“Thoáng nóc” hay “mui trần”?
Liên quan xe buýt của City tour mà Hà Nội cho chạy thí điểm gần đây, đã có ít nhất ba cách thể hiện ngôn từ khác nhau.
Những bản tin đầu tiên của VTV gọi đó là “xe buýt không mái che”, Bộ Giao thông vận tải trong một văn bản sau đó gọi là “xe buýt thoáng nóc”.
Nhưng xem ra cả hai cách “đặt tên” nói trên đều không ổn bằng cách gọi “xe buýt mui trần” vốn đã quen dùng trên hầu hết báo chí trong nước và quốc tế.