TP.HCM dự định tăng giá vé bảo tàng để… hút khách?
Sở Văn hoá – Thể thao TP.HCM vừa đề xuất điều chỉnh mức thu phí tham quan các bảo tàng thuộc quản lý của sở, có bảo tàng từ mức giá 2.000 đồng/khách trong nước lên 40.000 đồng/khách.
TP.HCM dự định tăng giá vé bảo tàng để… hút khách?
Sở Văn hoá – Thể thao TP.HCM vừa đề xuất điều chỉnh mức thu phí tham quan các bảo tàng thuộc quản lý của sở, có bảo tàng từ mức giá 2.000 đồng/khách trong nước lên 40.000 đồng/khách.
Việc tăng phí bảo tàng phù hợp với mặt bằng chung hiện nay, tạo điều kiện tăng tính tự chủ của các đơn vị, nâng cao chất lượng bảo tàng và phục vụ khách tham quan ngày một tốt hơn
Ông HUỲNH THANH NHÂN (giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM)
Mức giá mới này dự kiến được áp dụng từ ngày 1-1-2018.
Đề án cải thiện mức thu phí cho khối bảo tàng được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở Văn hoá – Thể thao thực hiện sau cuộc làm việc hồi tháng 3 giữa ông với lãnh đạo 7 bảo tàng mà sở đang quản lý.
Trong đó, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và Bảo tàng Tôn Đức Thắng không thu phí tham quan.
5 bảo tàng còn lại (Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TP.HCM) hiện có mức thu phí rất thấp và phân biệt khách trong nước (dao động từ 2.000 đến 5.000 đồng) với khách nước ngoài (10.000 đến 15.000 đồng).
Trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng được miễn phí tham quan… Phí tham quan bảo tàng “chỉ bằng một ly trà đá” khiến các đơn vị gặp nhiều khó khăn.
Thấp so với cả nước
Ông Huỳnh Thanh Nhân, giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao, đánh giá mức thu trên áp dụng từ năm 2005 đến nay đã quá lạc hậu. Mức thu phí hiện tại thấp hơn hầu hết các bảo tàng trong nước.
Chẳng hạn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội), Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) hiện thu phí 40.000 đồng. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội), Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế thu 30.000 đồng.
Theo đề xuất của sở, mức phí mới không phân biệt khách trong nước hay nước ngoài. Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tăng lên 40.000 đồng, 4 bảo tàng còn lại thu phí 30.000 đồng.
Trẻ em cũng không được hoàn toàn miễn phí như trước đây. Cụ thể, sẽ miễn phí tham quan đối với trẻ em dưới 6 tuổi, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng.
Giảm 50% phí đối với trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi; giảm 50% phí cho sinh viên và học sinh đang học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam.
Trong năm 2016, với hơn 1,1 triệu lượt khách tham quan (trong đó khách quốc tế chiếm 80%), Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là đơn vị có doanh thu cao nhất, với 14 tỉ đồng.
Với doanh thu khá ổn định, hiện chỉ có bảo tàng này có thể tự cân đối thu chi tài chính.
Các bảo tàng còn lại do nguồn thu phí tham quan thấp, không đảm bảo cân đối thu chi nên được ngân sách cấp bù kinh phí hoạt động.
Trong năm 2016, Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TP.HCM có doanh thu chỉ 300 triệu đồng, Bảo tàng Mỹ thuật chỉ thu 500 triệu đồng, trong khi các khoản chi trong năm 2016 của mỗi bảo tàng này là hơn 2,7 tỉ đồng.
Nguồn thu thấp, các bảo tàng không có kinh phí để chủ động đầu tư trang thiết bị, mua sắm hiện vật, hiện đại hóa trưng bày và xây dựng các chương trình nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan.
Theo tìm hiểu, thu nhập của cán bộ viên chức ngành bảo tàng hiện nay rất thấp.
Bảo tàng phấn khởi
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 22-9, bà Huỳnh Ngọc Vân – giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh – cho rằng triển vọng về mức phí tham quan mới sẽ được thành phố thông qua là tín hiệu đáng mừng.
“Hiện Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đang sơn sửa để có diện mạo mới. Chuẩn bị cho năm 2018, chúng tôi đang xây dựng chương trình triển lãm có nội dung giới thiệu tỉnh Bình Phước trong và sau chiến tranh, như sự kiện chào mừng cho thời điểm áp dụng mức phí tham quan mới” – bà Vân cho biết.
Theo bà, về lâu dài, sự thay đổi từ phía bảo tàng sẽ là phong cách phục vụ của cán bộ nhân viên thay đổi theo hướng tích cực.
Trong khi đó, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đã chuẩn bị nhiều kế hoạch theo hướng “làm mới mình”, để chuẩn bị cho sự kiện mức phí tham quan bảo tàng được tăng mới.
Trước mắt, vào dịp cuối năm, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM sẽ phối hợp với các bảo tàng ở một số tỉnh Tây và Đông Nam Bộ thực hiện chuyên đề triển lãm Trang sức và nghề kim hoàn Óc Eo (Phù Nam).
Bên cạnh đó, bảo tàng cũng phối hợp với Trường đại học KHXH&NV TP.HCM, Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hoá TP tổ chức hội thảo về đề tài Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trong thời kỳ hội nhập.
“Bảo tàng cũng sẽ nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống phòng trưng bày, thực hiện từng bước mô hình bảo tàng thông minh, bảo tàng tương tác để hấp dẫn du khách, phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thiện” – ông Hoàng Anh Tuấn, giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, cho biết.