Giáo dục phổ thông còn nhiều hạn chế
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã nhìn nhận vấn đề trên tại Hội thảo giáo dục 2017 về chất lượng giáo dục phổ thông sáng 22-9.
Giáo dục phổ thông còn nhiều hạn chế
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã nhìn nhận vấn đề trên tại Hội thảo giáo dục 2017 về chất lượng giáo dục phổ thông sáng 22-9.
Hội thảo là cơ hội để lắng nghe các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục chia sẻ những quan điểm, ý tưởng và giải pháp phát triển giáo dục phổ thông”
Bà Tòng Thị Phóng, phó chủ tịch Quốc hội
Ngày 22-9, Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội thảo giáo dục 2017 về chất lượng giáo dục phổ thông.
“Năng lực tiếng Anh của học sinh còn hạn chế”
Ba chủ đề chính được đề cập chuyên sâu gồm chương trình giáo dục, đội ngũ giáo viên và vấn đề quản lý giáo dục. Đây được xác định là ba nhân tố căn bản để nâng chất lượng giáo dục phổ thông.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết mặc dù giáo dục phổ thông hiện nay đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng cũng bộc lộ những hạn chế.
Cụ thể, mức độ đạt được kiến thức, kỹ năng, tỉ lệ đạt chuẩn về phổ cập giáo dục giữa các vùng nông thôn và thành thị, giữa trẻ em người Kinh và người dân tộc thiểu số còn có sự chênh lệch. Năng lực ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng của học sinh còn hạn chế.
Bà Nghĩa cũng thừa nhận hiện có một bộ phận học sinh có biểu hiện hạn chế về đạo đức, lối sống, hạn chế trong năng lực hợp tác, sáng tạo; công tác hướng nghiệp chưa thực sự đạt hiệu quả cao, định hướng nghề nghiệp của học sinh THCS chưa rõ nét nên phân luồng sau THCS gặp khó khăn, các chính sách phân luồng sau THCS còn thiếu….
70% giáo viên đứng lớp không có năng khiếu sư phạm?
Trao đổi trong phần đánh giá chung về giáo dục phổ thông, ông Nguyễn Đình Anh, nguyên trưởng Phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Nghệ An, đã đưa ra một con số “gây sốc” trên.
Ông Nguyễn Đình Anh giải thích: tuy đội ngũ giáo viên phổ thông của nước ta được đào tạo bài bản, có trình độ trên chuẩn cao, nhưng nghề dạy học là một nghề vừa mang tính khoa học lại là nghề đòi hỏi người dạy có nghệ thuật trong giảng dạy.
Theo quy luật tự nhiên, giáo viên có năng khiếu sư phạm tỉ lệ rất ít. Trong khi đó, số lượng học sinh phổ thông rất đông.
“Không có năng khiếu”, nhiều giáo viên lại chưa được quan tâm thích đáng trong việc rèn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm dạy học. Ông Nguyễn Đình Anh cho rằng đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới chất lượng giáo dục yếu kém.
Ông Nguyễn Đình Anh cũng không đồng tình với cách đánh giá học sinh xếp theo khá, giỏi, trung bình hiện nay và cho rằng chất lượng giáo dục học tập của học sinh cần đạt cả hai mặt là nắm chắc kiến thức văn hoá và thực hành, thí nghiệm thành công kiến thức đã được học.
Theo PGS-TS Nguyễn Kim Hồng – Trường ĐH sư phạm TP.HCM, chương trình đào tạo sư phạm của Việt Nam còn nặng về lý thuyết và thiếu thực tập và thực tiễn.
Cụ thể chương trình đào tạo của các trường sư phạm hiện được thiết kế 130-135 tín chỉ, trong khi đó thời gian sinh viên đi thực tế và thực tập ở trường phổ thông chỉ có 10-`12 tuần, tương đương với 10 tín chỉ, bằng 1/13 tổng thời lượng học tập của sinh viên.
Bởi vậy muốn thay đổi về chất với đội ngũ giáo viên thì chương trình đào tạo sư phạm cần có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng tăng tính thực hành cho người học tiếp cận với thực tiễn dạy học phổ thông.
Những đổi mới chưa thấm vào trường học
Ông Tạ Quang Sum, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Cam Ranh, Khánh Hoà, khi góp ý cho chương trình giáo dục phổ thông đã cho rằng vấn đề cần chú ý hơn đến đổi mới phương pháp dạy học chứ không chỉ tập trung đổi mới nội dung dạy học.
“Hiện nay thầy cô giáo dạy học hầu như chỉ cần nói đủ những gì đã viết trong sách giáo khoa, tuân thủ trình tự lên lớp.
Tính sáng tạo và nghệ thuật dạy học chưa trở lên cấp thiết. Những tiết thao giảng, dự giờ diễn ra không thực chất, khó phản ánh được chất lượng của giáo viên, học sinh”, ông Tạ Quang Sum nhận xét.
Cũng theo nhìn nhận của ông Tạ Quang Sum thì việc thay đổi mới chỉ dừng ở các quyết định tầm vĩ mô, chưa thấm vào các trường học, cả cán bộ quản lý và giáo viên không dễ dàng từ bỏ cách làm cố hữu vì quan điểm dạy học chỉ nhằm “hoàn thành nhiệm vụ năm học và không để lại điều tiếng gì”.
Tại hội thảo, GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng trình bày tóm tắt chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, trong đó có nội dung mới được nhiều người quan tâm là dạy tổ hợp, tích hợp.
Khá nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn về nội dung này khi giáo viên hiện nay chỉ được đào tạo dạy một môn, chưa thoát ly được sách giáo khoa, năng lực dạy thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn còn hạn chế.
Bởi vậy nếu không có sự chuẩn bị kỹ thì “tích hợp liên môn” không khiến học sinh bớt quá tải mà có thể sẽ làm áp lực dồn vào học sinh nặng nề hơn.