Làm sao để bác sĩ không che giấu sự cố y khoa?
Do e ngại, sợ bị kỷ luật, sợ đồng nghiệp ghét… nên nhiều bác sĩ và nhân viên y tế đã che giấu các sự cố trong y khoa. Và điều này đã làm cho “quản lý sự cố” là việc làm khó khăn nhất trong quản lý chất lượng tại các bệnh viện
Làm sao để bác sĩ không che giấu sự cố y khoa?
Do e ngại, sợ bị kỷ luật, sợ đồng nghiệp ghét… nên nhiều bác sĩ và nhân viên y tế đã che giấu các sự cố trong y khoa. Và điều này đã làm cho “quản lý sự cố” là việc làm khó khăn nhất trong quản lý chất lượng tại các bệnh viện.
Câu chuyện “quản lý sự cố” trong bệnh viện đã được các bác sĩ bàn thảo, góp ý rất sôi nổi tại diễn đàn “Quản lý chất lượng và an toàn người bệnh”, vào sáng 20-9 tại Bệnh viện Bà Rịa (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Sợ báo cáo sự cố
Bác sĩ Nguyễn Thế Toàn (Bệnh viện Phong – da liễu trung ương Quy Hòa) cho biết bệnh viện này mới triển khai việc báo cáo sự cố y khoa được một năm nay và nhận được bảy báo cáo sự cố y khoa. Bác sĩ Toàn nhìn nhận thẳng, việc báo cáo sự cố y khoa gặp nhiều khó khăn vì có sự bao che cho nhau, sợ liên lụy đến bản thân, sợ ảnh hưởng đến thu nhập.
Theo bác sĩ Phan Thị Hằng – phó giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương, TP.HCM, từ tháng 7-2014 Bệnh viện Hùng Vương đã triển khai việc báo cáo sự cố bằng hai hình thức “tự nguyện” và “bắt buộc”.
Thế nhưng, trong hai năm đầu, mỗi tháng bệnh viện này chỉ nhận được dưới tám báo cáo tự nguyện. Đi tìm nguyên nhân thì thấy rằng, sở dĩ các báo cáo sự cố tự nguyện thấp là do e ngại, sợ bị kỷ luật, sợ đồng nghiệp ghét và có báo cáo cũng không được xử lý.
“Các bác sĩ, những người liên quan rất sợ báo cáo sự cố y khoa. Thậm chí khi có sự cố xảy ra, có lãnh đạo khoa nói rằng đó không phải là sự cố. Mọi người ngại báo cáo sự cố bởi văn hoá an toàn”, một bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên cho biết.
Nếu cứ làm theo tư duy cũ thì việc báo cáo sự cố y khoa sẽ không phát huy tác dụng. Điều quan trọng của báo cáo sự cố chính là lãnh đạo bệnh viện phải dùng báo cáo đó, sử dụng dữ liệu đó để vận hành, quản lý bệnh viện tốt hơn
Bác sĩ Phan Anh Phong (phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Nam)
Chuyển từ “che giấu” sang tự giác
“Quản lý sự cố trong bệnh viện là công việc khó khăn. Phải làm sao để chuyển từ văn hóa “che giấu” sang sự tự giác của chính các bác sĩ, người liên quan trong bệnh viện? Đồng thời, phải làm sao để người dân – bệnh nhân hiểu và đánh giá cao những bệnh viện nào dám nhìn thẳng vào “sự cố” để có những cải tiến và nâng cao chất lượng?”, một bác sĩ của Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế đặt vấn đề.
Chia sẻ kinh nghiệm tại bệnh viện của mình, bác sĩ Phan Thị Hằng cho biết từ tháng 7-2016, Bệnh viện Hùng Vương thay đổi cách báo cáo, đó là áp dụng theo mô hình của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Và từ đó đến tháng 8-2017, con số báo cáo sự cố cả tự nguyện và bắt buộc tăng lên từ 40 – 65%.
“Việc phân tích và giải quyết sự cố rất quan trọng. Bệnh viện đã bố trí một nhân viên chuyên trách về báo cáo sự cố và 90% sự cố được giải quyết ngay tại cuộc họp giao ban của ban giám đốc” – bác sĩ Hằng cho biết.
Trả lời thắc mắc là liệu có sự e ngại nếu bệnh viện báo cáo sự cố quá nhiều thì sẽ không hay, làm mất uy tín của bệnh viện, bác sĩ Hằng khẳng định: “Không phải báo cáo sự cố nhiều là uy tín của bệnh viện giảm đi và mất an toàn”.
Đồng quan điểm này, một bác sĩ người nước ngoài của Bệnh viện Hạnh Phúc cũng nói: “Việc báo cáo sự cố, tìm ra nguyên nhân của sự cố chính là điều có lợi cho bác sĩ”.
Bác sĩ Tôn Thanh Trà – Bệnh viện Chợ Rẫy – bổ sung: “Lỗi của cá nhân thường là có liên quan đến lỗi hệ thống trong bệnh viện. Do đó, chúng ta cần khắc phục lỗi hệ thống thì sẽ khắc phục được những sự cố y khoa”.
Một nữ bác sĩ lâm sàng của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng nói thẳng, tùy theo quan điểm của giám đốc bệnh viện nhìn nhận về sự cố y khoa mà bác sĩ hoặc là sẽ tự báo cáo hoặc là giấu đi sự cố.
Bác sĩ Trần Nguyễn Như Anh – phó trưởng phòng quản lý chất lượng Bệnh viện Từ Dũ – khẳng định: “Quan trọng nhất là mọi người phải có niềm tin với nhau, giúp đỡ nhau trong công việc, cùng làm chứ không phải là soi mói lẫn nhau”.
Bệnh viện miền Nam cải tiến chất lượng tốt hơn
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, trong ba năm triển khai thí điểm đánh giá cải tiến chất lượng theo tiêu chí của Bộ Y tế, có nhiều bệnh viện lớn “chuyển mình” áp dụng bộ tiêu chí để cải tiến chất lượng nhưng cũng có bệnh viện chưa thay đổi tư duy về vai trò của bệnh viện, nhân viên y tế trong tình hình mới.
Đáng chú ý, các bệnh viện ở miền Nam có những bước tiến rõ rệt so với miền Trung và miền Bắc.