19/11/2024

Đà Nẵng và các sai phạm về đất đai

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa có văn bản gửi ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu phối hợp điều tra việc mua bán nhà, đất công sản trên địa bàn TP từ 2006 đến nay.

 

Đà Nẵng và các sai phạm về đất đai

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa có văn bản gửi ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu phối hợp điều tra việc mua bán nhà, đất công sản trên địa bàn TP từ 2006 đến nay.




 /// Ảnh: Hoàng Sơn

Ảnh: Hoàng Sơn

 Bộ Công an điều tra việc bán đất công tại Đà Nẵng
Trong văn bản này, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết đang thực hiện điều tra làm rõ những sai phạm trong việc thực hiện 9 dự án và mua, chuyển nhượng 31 nhà, đất công sản thuộc sở hữu nhà nước tại TP.Đà Nẵng theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra T.Ư.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc UBND TP như: Văn phòng UBND, Sở KH-ĐT, Sở TN-MT, cơ quan thuế… phối hợp làm việc với Cơ quan An ninh điều tra và cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan về quy trình, thủ tục hồ sơ xin cấp phép, phê duyệt thực hiện dự án xây dựng, giao nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước cho tổ chức, cá nhân của UBND TP.Đà Nẵng từ năm 2006 đến nay.

Cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến 9 dự án, mua/thuê 31 nhà công sản tại TP.Đà Nẵng. Theo một số thông tin, cùng với văn bản này, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã cử tổ công tác vào làm việc với UBND TP.Đà Nẵng.

Đà Nẵng và các sai phạm về đất đai - ảnh 2

Trong quá trình phát triển nóng, Đà Nẵng bị kết luận là có nhiều sai phạm về đất đaiẢNH: HOÀNG SƠN

Chậm thu hồi hơn 3.400 tỉ đồng sai phạm
Thực tế, đây không phải là lần đầu mà vấn đề sai phạm đất đai ở Đà Nẵng được đề cập. Ngày 24.4.2017, tại cuộc họp báo về kết quả hoạt động của thanh tra trong quý 1/2017, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết kết luận thanh tra về sai phạm đất đai tại Đà Nẵng đã được ban hành từ năm 2012, Thủ tướng đã 2 lần chỉ đạo, song địa phương này vẫn chưa thu hồi về ngân sách hơn 3.000 tỉ đồng sai phạm.
Tại cuộc họp báo trên, ông Đặng Khánh Toàn, Vụ trưởng Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra – TTCP, cho biết ngày 2.11.2012, TTCP ban hành Kết luận thanh tra số 2852/KL-TTCP về thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, thanh tra một số dự án đầu tư có các ý kiến trái chiều. Thủ tướng khi đó đã đồng ý với kết luận vừa nêu và chỉ đạo xử lý theo Văn bản số 1930 của Văn phòng Chính phủ/VPCP-V1 ngày 29.11.2012.
Đến ngày 29.5.2015, Tổng TTCP có Văn bản 2733/BC-TTCP báo cáo Thủ tướng về kết quả kiểm tra cho thấy sau thanh tra, Đà Nẵng chưa thực hiện nhiều nội dung kiến nghị của TTCP. Rồi ngày 6.4.2016, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của TTCP, đồng thời chỉ đạo: “UBND TP.Đà Nẵng và các bộ: Công an, Tài chính, TN-MT, KH-ĐT tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Văn bản 1930; báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong tháng 5.2016”.
Và ngày 30.3.2017, UBND TP.Đà Nẵng đã có báo cáo về việc thực hiện kết luận thanh tra. Tuy nhiên, theo TTCP, nhiều nội dung chưa thực hiện nghiêm túc – cụ thể, UBND TP.Đà Nẵng chưa điều chỉnh lại thời hạn sử dụng đất đã giao trái quy định cho 627 trường hợp, bao gồm 514 trường hợp là tổ chức và 113 trường hợp là cá nhân, hộ gia đình. Đặc biệt, Đà Nẵng chưa thu hồi về ngân sách TP số tiền 1.468 tỉ đồng do tính thiếu diện tích thu tiền sử dụng đất, không tính đủ tiền chuyển mục đích sử dụng đất, kéo dài thời gian cho thuê đất từ 50 lên 70 năm, xác định giá thu tiền sử dụng đất khi giao đất thấp hơn bảng giá do TP ban hành và giá do Hội đồng thẩm định giá đất TP trình. Đồng thời chưa thu hồi về ngân sách TP 867 tỉ đồng là số tiền sử dụng đất đã “ưu đãi” trái quy định cho các nhà đầu tư. Đà Nẵng cũng chưa kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm đã nêu trong kết luận thanh tra…
Tại cuộc họp báo ngày 24.4, giải thích lý do Đà Nẵng chưa thực hiện kết luận của TTCP cũng như chỉ đạo của Thủ tướng, ông Toàn cho biết: “Các doanh nghiệp, chủ dự án đều nêu ý kiến khó khăn trong việc thực hiện thủ tục quyền thuê đất và vấn đề tài chính nên đề xuất không nộp thêm tiền sử dụng đất. Họ kiến nghị không thu thêm tiền sử dụng đất”. Tuy nhiên, ông Toàn khi đó khẳng định: “Quan điểm của TTCP là rất rõ ràng: phải tiếp tục thực hiện đầy đủ kiến nghị của TTCP đã được nêu trong kết luận thanh tra và được Thủ tướng đồng ý”.
Kết luận thanh tra cho thấy việc giao đất của UBND TP.Đà Nẵng chủ yếu không thông qua đấu giá và có nhiều sai phạm trong việc quản lý quỹ đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất dẫn tới nhiều nhà đầu tư sau khi được giao đất đã không thực hiện đầu tư mà bán cho người khác thu chênh lệch số tiền rất lớn, làm thất thu ngân sách nhà nước khoản tiền 3.434 tỉ đồng.

Hàng loạt bất ổn

Hồi tháng 1.2013, TTCP cũng từng công bố kết luận thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; đặc biệt là một số dự án đầu tư có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất trong thời kỳ 2003 – 2011.
Theo đó, trong giai đoạn 2003 – 2011, tại Đà Nẵng, việc quản lý sử dụng đất, đầu tư xây dựng đã bộc lộ nhiều vi phạm, ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước. Qua kiểm tra 46/1.061 dự án (4,3% tổng số dự án), TTCP phát hiện UBND TP.Đà Nẵng đã giao cho các ban quản lý dự án và một số công ty thực hiện chức năng quản lý quỹ đất, ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh và xây dựng nhà để bán và cho thuê không tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai.
Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến phát sinh nhiều sai phạmnhư: không đủ căn cứ, cơ sở để xác định giá thu tiền sử dụng đất; việc phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tùy tiện; nhiều nhà đầu tư sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, được cấp giấy chứng nhận QSDĐ đã không thực hiện đầu tư, tiếp tục chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác, thu chênh lệch số tiền rất lớn, làm thất thu ngân sách nhà nước.
Đà Nẵng và các sai phạm về đất đai - ảnh 4

Bán đảo Sơn TràẢNH: NGUYỄN TÚ

Mặt khác, quá trình xác định giá thu tiền sử dụng đất đối với một số dự án, Hội đồng thẩm định giá đất và UBND TP.Đà Nẵng chưa căn cứ vào quy hoạch mục đích sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng, thiếu điều tra, khảo sát khu đất, chưa tính đầy đủ điều kiện hạ tầng và quy hoạch định hướng phát triển trong tương lai, tính không đủ diện tích, không đúng với mục đích sử dụng đất, giảm giá và phê duyệt giá không tuân thủ quy định, thiếu căn cứ, cơ sở… nên đã xác định giá thu tiền sử dụng đất chưa sát giá thị trường trong điều kiện bình thường được quy định tại luật Đất đai năm 2003 và các nghị định của Chính phủ.
Một số dự án xác định giá thấp hơn bảng giá đất TP ban hành hằng năm, một số dự án khác UBND TP quyết định giá thu tiền sử dụng đất thấp hơn giá của Hội đồng thẩm định giá đất TP trình, gây thất thu ngân sách, tạo điều kiện cho một số nhà đầu tư chuyển nhượng thu lời bất chính với số tiền lớn.
Sẽ thanh tra toàn diện các dự án xây dựng ở bán đảo Sơn Trà
Chiều 20.9, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình về việc thanh tra việc chấp hành pháp luật với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà (TP.Đà Nẵng).
Cụ thể, Phó thủ tướng giao TTCP chủ trì, phối hợp với các bộ: TN-MT, NN-PTNT, Xây dựng và các cơ quan liên quan, tiến hành thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng đã được UBND TP.Đà Nẵng chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép trong giai đoạn từ năm 2003 – 2016. Phó thủ tướng yêu cầu gửi báo cáo kết quả thanh tra lên Thủ tướng trước ngày 31.3.2018.

Nhiều người lãi lớn
Liên quan sai phạm đất đai ở Đà Nẵng mà TTCP công bố hồi năm 2013, nhiều nhà đầu tư đã “trúng đậm” trong khi ngân sách nhà nước bị thất thoát.
Ví dụ, tại khu đất phía nam cuối đường Phạm Văn Đồng, năm 2006 UBND TP chuyển nhượng cho ông Hoàng Hải và bà Trung Thị Lâm Ngọc với tổng giá trị hợp đồng là 84 tỉ đồng.
Năm 2008, ông Hải và bà Ngọc không triển khai thực hiện dự án, đã ủy quyền cho ông Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng cho ông Phạm Đăng Quan với giá chuyển nhượng hơn 581 tỉ đồng, hưởng chênh lệch hơn 495 tỉ đồng.
Năm 2009, ông Phạm Đăng Quan lại tiếp tục chuyển nhượng cho Công ty CP đầu tư địa ốc ô tô Phương Trang với giá là 585 tỉ đồng.
Tại khu đất đầu tuyến Sơn Trà – Điện Ngọc, năm 2007 TP chuyển nhượng cho Công ty CP xây dựng thương mại Phú Mỹ để xây dựng chung cư, căn hộ cao cấp, văn phòng cho thuê và khách sạn du lịch nhưng không xác định theo giá đất ở mà giữ nguyên giá theo giá đất sản xuất kinh doanh, gây thất thu cho ngân sách.
Đến năm 2010, doanh nghiệp trên chuyển nhượng cho Công ty CP bất động sản Phương Trang với số tiền 285 tỉ đồng, chênh lệch so với giá TP năm 2007 hơn 220 tỉ đồng; khu đất 29 ha thuộc dự án sân golf Đa Phước giao cho Công ty CP 79 thấp hơn giá TP quy định, làm lợi cho doanh nghiệp này hơn 570 tỉ đồng…


Thanh Niên