Người cựu binh già giúp dân trong bão
Dân làng biển Minh Sơn sẽ không bao giờ quên tấm lòng cứu người lúc bão tố mưa sa của ông Nguyễn Lạc (66 tuổi, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Người cựu binh già giúp dân trong bão
Dân làng biển Minh Sơn sẽ không bao giờ quên tấm lòng cứu người lúc bão tố mưa sa của ông Nguyễn Lạc (66 tuổi, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Tờ mờ sáng 16-9, những phụ nữ hai ngày qua trú ngụ tránh bão ở nhà ông Nguyễn Lạc bồng bế con trở về nhà. Họ bảo nếu không được ông Lạc mở cửa nhà cưu mang thì chưa biết mạng sống họ có còn không.
“Bắt” dân về nhà mình
Cơn bão số 10 đi qua gần một ngày nhưng gương mặt của người cựu binh Nguyễn Lạc vẫn còn lo lắng.
Ông Lạc nói: “Ở ngôi làng ven biển này hầu như năm nào cũng “dính” ít nhất một hai cơn bão. Làng nghèo, đa số nhà cửa bà con còn rất tạm bợ nên đến mùa bão là lo nơm nớp”.
Nếu không có chú Lạc…
Chị Nguyễn Thị Minh, một bà bầu đến trú bão ở nhà ông Lạc, nói: “Đến giờ này bình an trở về, tôi không biết lấy gì trả ơn vợ chồng chú Lạc đã cưu mang.
Hôm nghe dự báo vợ chồng tôi nghĩ bão không to nên ở nhà chứ không muốn “chạy”.
Ai ngờ nửa đêm bão giật mạnh quá nên chú Lạc đến nhà đập cửa “bắt” đi. Bão khiến nhà tôi bị tốc mái, sập tường. Nếu không có chú Lạc đến dẫn đi thì không biết mẹ con tôi bây giờ thế nào”.
Nhưng vì dân biển làng này quá quen với bão tố nên bà con cũng lấn cấn chưa muốn di tản, đợi khi lúc nào bão gần vào mới chịu đi.
Lúc ấy trời đã khuya, gió giật ầm ầm vào những căn nhà ven biển.
Ông Lạc nói với mấy thanh niên còn ở lại trụ sở thôn “gió kiểu ni là nhà dân không chịu được rồi. Phải đập cửa đưa họ di tản ngay, nếu không sập nhà thì bà con mình chết hết”.
Thế là ông Lạc cùng mọi người chạy về hướng biển, nơi những căn nhà mái tôn đang lung lay trong gió.
“Lúc đó nhà nào cũng đóng kín cửa, mình la lớn mà họ không nghe, chả ai ra mở cửa cả. Tôi nói anh em dùng tay đập mạnh vào cửa, lấy loa cầm tay la lớn đề nghị bà con phải đi ngay. Nhà nào có con nhỏ mới sinh, phụ nữ có thai, trẻ em, người già là tôi “năn nỉ” bà con đi, đừng lo gì hết, cứ lên nhà tôi mà ở” – ông Lạc nhớ lại.
Cuộc di tản bắt đầu lúc nửa khuya giữa cơn mưa như trút nước.
Những người đàn ông bồng vợ con đưa lên nhà ông Lạc để tránh bão.
Phải đến gần rạng sáng cả trăm gia đình đã đưa người thân đi lánh nạn ở các ngôi nhà kiên cố trong làng đúng lúc cơn bão đang áp sát vào bờ.
Riêng nhà ông Lạc có đến 13 gia đình với 40 người nhân khẩu, chủ yếu là phụ nữ có thai, trẻ em, người già.
“Giúp dân là giúp mình”
Căn nhà ông Lạc nằm kiên cố ngay giữa làng Minh Sơn. Dù thuộc loại nhà vững chắc nhất nhì làng nhưng do bão quá lớn, mái hiên cũng đánh sập một góc.
Ông Lạc cho biết mình là người lính chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng gần chục năm. Sau ngày đất nước thống nhất về quê làm ruộng, đi biển.
Cuộc sống ở làng biển này nhà nào cũng làm mấy sào ruộng với chiếc ghe nhỏ đi biển chỉ đủ ăn nên nhà cửa còn tuềnh toàng lắm.
“Hồi mới lấy vợ, con đông nên nhà tôi thuộc loại nghèo xơ xác. Tôi đã chứng kiến nhà mình bị sập hai lần vì bão nên giờ rất hiểu hoàn cảnh bà con” – ông Lạc tâm sự.
Bà Đinh Thị Nhất, vợ ông Lạc, tâm sự: “Ước mơ của vợ chồng tôi là xây được cái nhà khang trang. Tằn tiện bao nhiêu năm, mấy năm trước con cái hỗ trợ thêm vợ chồng tôi mới làm được cái nhà kiên cố. Giờ mưa gió mình ở trong căn nhà ấm áp, không lo mưa bão xô đổ mà thấy bà con ở tạm bợ vậy cũng thương nên năm nào cũng nhận bà con đến trú bão”.
Khi nghe đài báo bão là bà Nhất lại lên chợ huyện mua thêm mắm muối, mì gói, cá khô, thêm một bình gas dự phòng.
“Biết bà con đến trú nên mình phải chuẩn bị trước. Vợ chồng tôi và con gái lo cơm nước, chăn màn cho bà con ăn ngủ đàng hoàng. Bao giờ tôi cũng thủ sẵn một thùng sữa cho các bà bầu với mấy đứa nhỏ. Nhìn mấy đứa mang bầu chạy bão tôi thương như con gái mình”.