Không bỏ chọi trâu, ‘nước ngoài cũng đấu bò, đấm bốc dã man…’
Không thể bỏ di sản chọi trâu vì một vài tai nạn chết người, vì ở nước ngoài cũng lắm chuyện dã man như đấu bò, đấm bốc, thậm chí hiền như đờn ca tài tử cũng bị tai nạn chết đuối…
Không bỏ chọi trâu, ‘nước ngoài cũng đấu bò, đấm bốc dã man…’
Không thể bỏ di sản chọi trâu vì một vài tai nạn chết người, vì ở nước ngoài cũng lắm chuyện dã man như đấu bò, đấm bốc, thậm chí hiền như đờn ca tài tử cũng bị tai nạn chết đuối…
Đó là tinh thần chung tại toạ đàm Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn do Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch tổ chức sáng 7-9 tại Hà Nội.
Thống nhất duy trì chọi trâu Đồ Sơn
“Một trong những nội dung trọng tâm cần được thảo luận là có nên tiếp tục duy trì chọi trâu Đồ Sơn hay không? Nếu không tiếp tục duy trì thì nói rõ lý do vì sao?”, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đặt vấn đề thẳng thắn, mở màn cho hội thảo.
“Nếu tiếp tục duy trì chọi trâu Đồ Sơn thì điều chỉnh thế nào về quy mô, cách thức tổ chức, biện pháp đảm bảo an toàn… để khắc phục những tồn tại hiện nay”.
Nhưng không hề có một cuộc tranh luận gay gắt nào diễn ra vì hầu hết các ý kiến phát biểu tại toạ đàm đều thống nhất, tiếp tục duy trì chọi trâu Đồ Sơn.
Bà Hoàng Thị Hoa, phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, khẳng định, việc ghi danh lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia là chính xác.
Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cũng đồng tình.
Mấy năm gần đây, Tổ chức động vật châu Á đã can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của chúng ta. Thử hỏi ở các nước khác, đấu bò tót, đấm bốc… đến nỗi có người chết ngay tại chỗ thì có dã man hay không?
Giáo sư Tô Ngọc Thanh
Tuy nhiên, ông Thanh cảnh báo cần trả lại chọi trâu cho nhân dân Đồ Sơn chứ không để tình trạng thương mại hoá chen vào khi phải đóng hàng chục triệu đồng mới được tham gia.
Mặc áo giáp khi dẫn trâu ra xới đấu?
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch hội văn nghệ dân gian Việt Nam, tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ quan điểm tiếp tục duy trì chọi trâu Đồ Sơn mà ông đã nói bấy lâu nay.
“Đặt trong cơ chế thị trường thì chọi trâu cũng phải có yếu tố thương mại chứ? Vấn đề là phải quản lý thế nào?
Lễ hội chọi trâu hiện nay đang tận thu nhiều quá như bán vé thu tiền người xem, đẩy giá thịt trâu lên cao, chặt chém người mua… Điều quan trọng là phát huy thương hiệu chọi trâu thành sản phẩm du lịch thì không làm được”, ông Sơn nói.
Giáo sư Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch hội đồng Di sản quốc gia, khẳng định, dù được công nhận hay không thì lễ hội chọi trâu vẫn là di sản văn hoá.
“Tôi gặp nhiều người dân Hải Phòng ai cũng chỉ sợ bỏ chọi trâu Đồ Sơn. Nếu bỏ lễ hội này thì trước tiên phải kỷ luật ai đã đề xuất, ai đã ký quyết định công nhận đây là di sản phi vật thể quốc gia!”
Biết bao lễ hội ở nước ngoài như cướp phomát, cưỡi bò điên… chúng ta đều không thể phê phán là man rợ. Còn nếu chỉ nhìn vào tai nạn vừa rồi thì có khi ngồi đờn ca tài tử trên thuyền cũng có thể bị tai nạn ngã xuống sông chết đuối
Giáo sư Vũ Minh Giang
Ông Giang đề xuất cần có cách cách đảm bảo an toàn với những lễ hội nguy hiểm như chọi trâu, như người dẫn trâu ra thi đấu cần mặc áo giáp chẳng hạn!
Mong muốn chọi trâu trường tồn mãi mãi
Giá sư Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện văn hoá nghệ thuật quốc gia, cho rằng công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia là bảo vệ động vật hoang dã chứ làm gì có công ước nào bảo vệ động vật nuôi?
Chọi trâu không vi phạm các công ước quốc tế, không vi phạm pháp luật thì sao có thể cấm được?
Giáo sư Nguyễn Chí Biền
Tuy nhiên, theo ông, phải đổi mới mô hình tổ chức chọi trâu bởi đối tượng là con vật, nằm ngoài tầm tay của con người, nên cần lường trước mọi tình huống có thể xảy ra.
GS Lê Hồng Lý còn ủng hộ nhân rộng chọi trâu ra cả nước để kích cầu nông nghiệp, sản xuất và du lịch.
“Sự cố trâu chọi húc chết người là một tai nạn, sự cố hi hữu phải được coi như việc bất bình thường nhưng lại bình thường trong tổ chức các hoạt động mang tính chất như thế.
Không nên vì tai nạn đó mà huỷ bỏ và đưa chọi trâu Đồ Sơn ra khỏi danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia”, GS Trương Quốc Bình, Uỷ viên Hội đồng Di sản quốc gia, nhận định.
Ông Hoàng Xuân Minh, chủ tịch UBND quận Đồ Sơn không giấu được vui mừng.
Khi chúng tôi phải tạm dừng chọi trâu, nhiều cháu thiếu nhi ôm mặt khóc. Khi tiếp xúc cử tri, người dân Đồ Sơn đều có nguyện vọng tha thiết là lễ hội chọi trâu tiếp tục được duy trì. Đây không những là di sản mà còn là động lực phát triển kinh tế, hướng đến thương hiệu du lịch Đồ Sơn.
Ông Hoàng Xuân Minh
Ông Minh cam kết, nếu tiếp tục thì ban tổ chức sẽ xây dựng thêm hàng rào, trại trâu kiên cố hơn, gia cố đường thoát cho trâu, quy định số người dắt trâu vào sân, tăng cường kiểm tra chất kích thích trâu…
Dự kiến, những năm sau, số lượng trâu tham gia thi đấu giảm xuống chỉ còn 16 “ông trâu” và chỉ thi đấu một vòng chung kết vào 9-8.
Ông Lê Khắc Nam, phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng đưa ra giải pháp, nếu xảy ra sự cố tương tự như vừa rồi thì có thể bắn thuốc gây mê để trâu chọi không gây ra tai nạn.
“Mong mỏi của bà con chúng tôi là muốn duy trì lễ hội chọi trâu trường tồn mãi mãi”, ông Lưu Đình Đức, đại diện người dân Đồ Sơn đề nghị tha thiết đến hội thảo.
Nhưng nhiều ý kiến đề nghị phải điều chỉnh lễ hội chọi trâu Đồ Sơn một cách phù hợp.
Bà Thuỷ đề nghị, phải thu gọn quy mô lễ hội, giảm số trâu tham dự đấu chọi hơn nữa. Chỉ tổ chức một vòng đấu duy nhất vào 9-8 âm lịch.
Nếu bán thịt trâu chọi thì phải khoanh vùng cụ thể và kiểm định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như niêm yết mức giá.
Về lâu dài, Hải Phòng cần xây dựng đề án để chấn chỉnh công tác quản lý chọi trâu Đồ Sơn.