Bộ máy hành chính : Không tinh giản, không chịu nổi !
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng là thành viên đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”. Chủ đề này sẽ được Quốc hội thực hiện giám sát tối cao tại kỳ họp tháng 10 tới.
Bộ máy hành chính: Không tinh giản, không chịu nổi !
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng là thành viên đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”. Chủ đề này sẽ được Quốc hội thực hiện giám sát tối cao tại kỳ họp tháng 10 tới.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân
Đến thời điểm này, có thể khẳng định mục tiêu đến năm 2020 giảm 15% biên chế là không đạt được
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng là thành viên đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”. Chủ đề này sẽ được Quốc hội thực hiện giám sát tối cao tại kỳ họp tháng 10 tới.
* Các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặt ra nhiều giải pháp, mục tiêu đối với công tác cải cách bộ máy, tinh giản biên chế nhưng đến thời điểm này thực hiện không thành công, số lượng biên chế giảm nhỏ giọt trong khi bộ máy có xu hướng phình ra. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
– Qua giám sát, chúng tôi thấy rằng cách cắt giảm cơ học như lâu nay không hiệu quả. Nhìn vào số lượng bộ, cơ quan ngang bộ thì giảm so với trước, nhưng số lượng tổng cục, cục, vụ, phòng lại phình ra.
Thật khó có thể tưởng tượng chúng ta có 22 bộ, cơ quan ngang bộ nhưng lại có tới 198 đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng. Có không ít tổng cục được tổ chức không khác gì bộ, cũng với nhiều cấp vụ, cấp phòng. Vậy là xảy ra tình trạng bộ trong bộ.
Một nguyên nhân nữa cũng rất nặng nề là tình trạng nể nang, e dè, né tránh trong việc cắt giảm bộ máy.
Quá trình tinh giản bộ máy vừa qua rất ít sàng lọc, thu hút người tài, mà chủ yếu chờ người chuyển đi, người về hưu để giảm số biên chế. Lẽ ra việc cần phải tiến hành mạnh mẽ là rà soát lại tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ, tái cấu trúc bộ máy cùng với sàng lọc, đánh giá chất lượng công chức.
Đến thời điểm này, có thể khẳng định mục tiêu đến năm 2020 giảm 15% biên chế là không đạt được.
Ngoài ra, cách thức tuyển chọn, bố trí còn nhiều bất hợp lý, chưa chọn được những người tài năng, tâm huyết nhất và đặt họ đúng vị trí để phát huy năng lực. Ở không ít nơi còn xảy ra tình trạng lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên, “cả họ làm quan” mà báo chí đã nêu nhiều địa chỉ cụ thể.
* Như vậy, bộ máy cần được thiết kế lại từ Chính phủ đến cấp xã, phường?
– Bộ máy của chúng ta đang rất nặng về phối hợp, hình thành nên các cơ quan có vùng chồng lấn, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ. Chính đặc điểm này đã làm phát sinh nhiều cơ quan trung gian, ngay Chính phủ cũng phải thành lập đến mấy trăm ban chỉ đạo mà Thủ tướng, mỗi phó thủ tướng phải đứng đầu đến mấy chục ban chỉ đạo.
Các thí sinh làm bài thi tuyển công chức TP.HCM tại Học viện Cán bộ TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG
Đây là nguyên nhân làm bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả. Chính vì vậy, một trong những kiến nghị của đoàn giám sát là phải thực hiện nguyên tắc: một cơ quan, tổ chức làm nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Những việc Nhà nước đang làm mà doanh nghiệp, xã hội làm được thì Nhà nước chuyển giao cho doanh nghiệp và xã hội làm.
* Kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần kêu gọi, đốc thúc sự chuyển động của bộ máy, nhưng đến thời điểm này chính Thủ tướng cũng thừa nhận rằng doanh nghiệp, người dân vẫn còn kêu ca, phàn nàn và có tình trạng ở trên cứ hô hào nhưng ở dưới chuyển động rất chậm, hoặc thậm chí vẫn ì ạch như cũ…
– Bộ máy hành chính của chúng ta hiện nay có tình trạng bị chia cắt, thậm chí cát cứ địa phương. Giống như một đoàn tàu, chiếc đầu máy có hiện đại, công suất lớn mà phải kéo theo cả một đoàn tàu với những toa hàng cũ kỹ, ì ạch, nặng nề thì khó đi nhanh được.
Cho nên với bộ máy như vậy, Thủ tướng rất khó thực hiện mục tiêu là làm từ trung ương đến làng xã chuyển động mạnh.
Nhiều người đã nói rồi, Thủ tướng không cách chức được một ông chủ tịch tỉnh thì rất khó mà chỉ huy. Tình trạng chậm chuyển động đâu chỉ ở cấp địa phương, ngay ở trung ương cũng có những bộ, ngành đang trong tình trạng trì trệ.
* Theo ông, đây đã là thời điểm chín muồi để cải cách chưa?
– Trong nhiều năm trở lại đây, vấn đề cải cách tổ chức, bộ máy luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặt ra, thể hiện trong nhiều nghị quyết. Nhưng kết quả chưa bao giờ đạt được như mục tiêu, kỳ vọng.
Có quá nhiều rào cản, trong đó vấn đề chính là nhận thức như anh nêu. Nhưng đến thời điểm này chúng ta đã bị dồn vào chân tường, tôi nghĩ là đã chín muồi.
Đảng đã nhận rõ yêu cầu cấp bách của việc cải cách, đổi mới bộ máy hành chính và hệ thống chính trị (được biết Hội nghị trung ương 6 tới đây sẽ tập trung cho chủ đề này).
Rõ ràng người dân chưa hài lòng với bộ máy hiện tại. Và với bộ máy như vậy, nếu không được tinh giản, tổ chức lại thì ngân sách không thể kham nổi, người dân phải đóng thuế ngày càng cao để nuôi bộ máy, họ cũng không chịu đựng được.
Hơn nữa, chúng ta đang đi trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công tác quản lý nhà nước và tổ chức bộ máy không thể tách rời đặc điểm của cuộc cách mạng này. Đó là những lý do lớn nhất thúc ép phải cải cách.
* Khi còn ở cương vị phó thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng đề cập hình ảnh công chức “sáng cắp ô đi chiều cắp ô về” và ước lượng số này có khoảng 30%. Theo ông, nếu cải cách quyết liệt có thể cắt giảm được 30% không?
– Tôi cho rằng nếu quyết liệt có thể cắt tỉ lệ lớn hơn chứ không chỉ 30%.
Chúng ta có thể dễ dàng quan sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của công chức. Trong các cơ quan, đơn vị nhà nước, tỉ lệ cán bộ, công chức mẫn cán, làm trụ cột rất ít, số còn lại là con cháu, bạn bè, gửi gắm, đánh trống ghi tên…, ngồi để hưởng lương.
Như tôi đã nói, muốn tinh giản biên chế phải thực hiện một cuộc “chưng cất” lại, kiên quyết loại khỏi bộ máy những cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn công việc. Ví như một cuộc phẫu thuật loại bỏ khối u thì còn phải chịu đau nữa.
* Là thành viên đoàn giám sát của Quốc hội, ông bình luận gì trước các câu chuyện như 44/46 công chức ở Sở Lao động – thương binh và xã hội Hải Dương được bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo, hay mới đây là chuyện 38/45 công chức là lãnh đạo ở Sở Giáo dục – đào tạo Vĩnh Phúc, rồi tình trạng “cả họ làm quan” không còn là cá biệt nữa khi báo chí đã chỉ ra nhiều địa chỉ?
– Những trường hợp cụ thể bạn nêu, tôi đồng tình với dư luận là phải kiểm tra rõ và xử lý nghiêm các sai phạm.
Còn về tình trạng chung, ngoài các nguyên nhân chúng ta đã phân tích ở trên thì còn phải đề cập đến tâm lý “thừa kế quyền lực” ở không ít các địa phương, rồi tiêu cực trong tuyển dụng, bổ nhiệm đã hình thành nên các nhóm lợi ích.
Đặc biệt là cái tâm của những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, người lãnh đạo và người phụ trách công tác tổ chức cán bộ ở những địa phương đó, đơn vị đó có vấn đề, không trong sáng và không vì cái chung.
Những lãnh đạo có tư tưởng kế thừa quyền lực, tạo lợi ích nhóm, chia ghế chia quyền họ không vì cái chung, không tuyển người để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, mà tuyển dụng, bổ nhiệm để tạo bè kết cánh, phục vụ lợi ích của nhóm mình, gia đình, dòng tộc mình.
* Sở dĩ có những cá nhân lộng hành là do quyền lực của họ không bị kiểm soát hữu hiệu. Theo ông, đâu là những giải pháp quan trọng để vừa kiểm soát quyền lực, vừa cải cách bộ máy tốt và vừa tuyển chọn được người tài?
– Hiện nay, việc chế tài trong công tác cán bộ vẫn rất chung chung, khó xử lý người đứng đầu. Bộ luật hình sự có quy định tội danh lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong vấn đề này nhưng chứng minh rất là khó.
Quy định đã chung chung, nhưng khi đụng đến vụ việc phải xử lý thì lại nảy sinh tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm, rồi chạy tội. Cải cách bộ máy phải làm rõ được chức phận của người đứng đầu, đồng thời với trao quyền lực phải có cơ chế kiểm soát quyền lực đó tương xứng.
Về phương pháp, tôi nghĩ chúng ta chẳng phải sáng tạo gì nhiều, chỉ cần áp dụng những phương pháp thông thường mà thế giới đang làm. Đối với các chức danh do bầu cử (lãnh đạo, quản lý) phải trình bày được cương lĩnh, chương trình, kế hoạch hành động và bảo vệ được quan điểm, tư tưởng của mình trước cử tri hoặc tập thể có thẩm quyền. Đối với các chức danh do bổ nhiệm (điều hành), nhất thiết phải thông qua thi tuyển cạnh tranh công khai, minh bạch.
Ngoài hai hình thức tuyển chọn cơ bản trên đây, cần đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tiến cử nhân tài.
Theo đó, những ai nhận thấy một người có khả năng đáp ứng đủ các tiêu chí cán bộ theo từng nhóm như trên thì tiến cử người ấy cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Đồng thời phải xác định trách nhiệm cụ thể của tập thể, cá nhân trong việc tuyển chọn cán bộ và tiến cử nhân tài.
Đồ hoạ: Đỗ Thạch