28/11/2024

Người nước ngoài thấy nhiều người Việt học tiếng Anh chỉ để… thi!

Sau hàng loạt sai phạm trong thi chứng chỉ ngoại ngữ tại một trường cao đẳng bị phát hiện, một số người nước ngoài đang dạy tiếng Anh tại Việt Nam đã lên tiếng.

 

Người nước ngoài thấy nhiều người Việt học tiếng Anh chỉ để… thi!

 

 Sau hàng loạt sai phạm trong thi chứng chỉ ngoại ngữ tại một trường cao đẳng bị phát hiện, một số người nước ngoài đang dạy tiếng Anh tại Việt Nam đã lên tiếng.

 

 

* Ông STIVI COOKE (giáo viên dạy tiếng Anh tại Đà Nẵng): Thay vì bắt buộc, hãy khuyến khích lấy chứng chỉ

Trong thời gian dạy ở Việt Nam, tôi từng hàng chục lần chứng kiến học viên gian lận trắng trợn trong một số bài kiểm tra của tôi. Với những trường hợp này, điểm thi kiểm tra hay tấm chứng chỉ không còn chứng minh được khả năng của người thi nữa.

Tôi có nghe ý kiến đề xuất nên có một trung tâm quốc gia tổ chức thực hiện ngân hàng đề thi chịu trách nhiệm ra đề và cấp bằng, hoạt động độc lập với các đơn vị tổ chức thi để tránh tiêu cực. 

Mô hình trung tâm đề thi độc lập này đã và đang được sử dụng rộng rãi ở phương Tây, nên tôi ủng hộ triển khai mô hình này tại Việt Nam.

Ở Việt Nam, không phải công việc nào cũng đòi hỏi tiếng Anh, do vậy theo tôi, thay vì áp đặt bắt buộc phải có chứng chỉ tiếng Anh, chỉ nên khuyến khích mọi người lấy chứng chỉ này. 

Hiện nay, nhiều sinh viên vẫn còn “sợ” tiếng Anh, chứng tỏ chất lượng và tỉ lệ thành công của phương pháp dạy tiếng Anh vẫn còn nhiều vấn đề. 

Rất nhiều người dù đã học tiếng Anh từ bậc trung học đến đại học vẫn không thể sử dụng được ngôn ngữ này. Theo tôi, nguyên nhân là do giáo viên được đào tạo theo kiểu cũ, tài liệu dạy học không theo kịp thời đại và thiếu tập trung vào hai kỹ năng quan trọng là nghe và nói.

Ngoài ra, một vấn đề lớn đang tồn tại ở Việt Nam là việc thiếu tài liệu giảng dạy tiếng Anh, do các nhà xuất bản quốc tế không muốn kinh doanh trong một thị trường không tôn trọng bản quyền như ở Việt Nam.

* Ông MARK YOUNG (giáo viên tiếng Anh tại TP.HCM): Học sinh được dạy chỉ để… thi đậu!

Từng dạy tiếng Anh tại một số trường công lập ở Việt Nam được 3 năm, tôi thấy có rất nhiều vấn đề trong việc giảng dạy cũng như trong các kỳ thi tiếng Anh.

Thông thường, giáo viên chỉ tập trung dạy vào các nội dung có thể được ra trong đề thi hay kiểm tra. Học sinh được dạy tiếng Anh để đậu kỳ thi, chứ không phải để nói tiếng Anh. 

Ví dụ, có lần tôi được phân công kiểm tra các em học sinh lớp 3 một số câu hỏi mẫu. 100% các em đều trả lời được khi tôi đọc câu hỏi y hệt như câu hỏi mẫu. Tuy nhiên, khi tôi thay đổi câu chữ một chút thì chỉ có 20% lớp trả lời được.

Có một thực tế là nhiều trường ở Việt Nam tập trung vào dạy ngữ pháp tiếng Anh dùng trong văn viết mà ít tập trung vào kỹ năng nói, cho nên ngữ pháp văn nói của các em khá thiếu tự nhiên.

Bên cạnh đó, một trở ngại rất lớn cho học sinh học nói tiếng Anh là các em thiếu cơ hội thực hành nói. Việc nói một ngôn ngữ hoàn toàn khác với việc học đọc và viết ngôn ngữ đó. Chuyện này cũng giống như kinh nghiệm cá nhân của tôi khi học tiếng Việt. 

Tôi có thể nghĩ ra nhiều câu chữ rất hay trong đầu, nhưng khi mở miệng nói thì không được tốt như tôi nghĩ. 

Tôi có thể nhận thấy sự khác biệt giữa cách nói của người Việt bản xứ và tôi, nhưng tôi không thể bắt chước mà không qua thực hành. May mắn là tôi có cơ hội để luyện tập tiếng Việt mỗi ngày.

* Cô JULIE BIRD (khoa ngôn ngữ & tiếng Anh Đại học quốc tế RMIT VN): Nên tập trung vào kỹ năng giao tiếp

Tại Việt Nam, các trường thường tập trung vào việc dạy văn phạm, trong khi kỹ năng nói ít được chú trọng. 

Dựa trên kinh nghiệm bản thân, tôi nghĩ tất cả các phương pháp giảng dạy ngôn ngữ hiệu quả đều phải tính đến nhu cầu thực tiễn của người học và cho phép họ nâng cao kỹ năng giao tiếp. 

Phương pháp giảng dạy tập trung vào sinh viên cho phép họ có trách nhiệm với việc học của bản thân hơn và còn có thể chuẩn bị cho công việc trong tương lai. Đây cũng là một trong những yếu tố tiên quyết khi học ngôn ngữ.

Giảng viên nên tạo cơ hội giúp sinh viên chủ động tham gia hoạt động trong lớp, thay vì chỉ thụ động ngồi nghe những kiến thức hay thông tin về ngôn ngữ. Phương pháp này giúp người học đạt được mục tiêu của mình vì bao hàm cả việc học, thực hành và phản hồi. 

Ngoài ra, giảng viên cũng nên hướng dẫn sinh viên về những tình huống giao tiếp cụ thể hoặc các dạng văn bản mà họ có thể gặp trong quá trình làm việc, hoặc khi phát triển sự nghiệp lên cao hơn.

Theo tôi, học trực tuyến cho phép người học có rất nhiều chọn lựa và có tính độc lập cao. Các trang web, ứng dụng điện thoại hiện nay cũng có rất nhiều thông tin hữu ích dành cho bất cứ đối tượng học viên nào. 

Người học có thể rèn luyện kỹ năng tiếng Anh trực tuyến và tham gia môi trường ngôn ngữ thông qua mạng Internet. 

Đối với học viên, một trong các yếu tố quan trọng là họ có cơ hội sử dụng ngôn ngữ trong cuộc sống hằng ngày, bên ngoài lớp học. Sinh viên cũng nên cân nhắc tìm các nhóm bạn cùng học hoặc tham gia câu lạc bộ có sử dụng tiếng Anh.

Phát âm đúng để giao tiếp hiệu quả

Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, nhưng việc người trẻ Việt Nam có sẵn sàng để hội nhập tương xứng với thời thế của đất nước hay chưa – cụ thể bằng việc nắm bắt, sử dụng hiệu quả tiếng Anh để giao tiếp – còn là một vấn đề không đơn giản.

Qua thực tế tiếp xúc với nhiều bạn học sinh, sinh viên hoặc nghe những phát thanh viên trên các kênh truyền hình, đài phát thanh, tôi nhận thấy khả năng phát âm của người Việt chúng ta còn nhiều hạn chế mà điều đó, theo tôi, sẽ dẫn đến những hệ quả không nhỏ.

Trước hết, theo kinh nghiệm bản thân từng trải qua những kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, giao tiếp với bạn bè, thầy cô người nước ngoài rồi với đồng nghiệp, đối tác, tôi có thể nói phát âm đúng chính là cái gốc của việc giao tiếp hiệu quả.

Trong tiếng Anh có câu “writers are readers” (tạm dịch: những người viết giỏi là những người đọc nhiều) vì đọc nhiều mới đủ từ vựng, vốn sống để viết. Còn phát âm đúng thì chúng ta sẽ nghe đúng.

Nói cách khác, nếu ta quen với việc phát âm sai, chưa kể đến việc ta nói mà người nghe khó hiểu hoặc không hiểu, hay họ nói đúng nhưng ta đang chờ đợi cách phát âm sai quen thuộc thì cũng không nghe được họ đang nói gì.

Vì vậy việc học sinh, sinh viên Việt Nam học tiếng Anh nhiều năm nhưng không giao tiếp được âu cũng dễ hiểu vì từ phần gốc của vấn đề đã có lỗ hổng lớn.

Theo tôi, nếu không được đào tạo bài bản và không có ý thức về việc phát âm đúng tiếng Anh thì người Việt thường nói tiếng Anh hời hợt, nửa vời.

Để giải quyết vấn đề này, theo tôi, chất lượng giáo viên phải được đảm bảo để học sinh được dạy cách phát âm đúng từ sớm.

Kế đến, chúng ta phải chú trọng việc phát âm đúng nhiều hơn nữa. Cụ thể là trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cần thận trọng khi sử dụng tiếng Anh, đã sử dụng thì phải chuẩn xác để người xem, người nghe không học theo lối phát âm tùy tiện.

Và cuối cùng nhưng lại quan trọng nhất, bản thân người học tiếng Anh phải có ý thức hoàn thiện phát âm của mình.

Chúng ta không nên sợ sai khi nói và cũng đừng ngại khi bị sửa sai, đừng quản công khi phải sửa từng lỗi phát âm nhỏ.

Người học hãy tìm những nguồn tiếng Anh chuẩn, đa dạng tuỳ theo hoàn cảnh, sở thích bản thân để tiếp cận và trau dồi phát âm hằng ngày.

LÊ NGUYÊN (TP.HCM

NGỌC ĐÔNG – BÌNH MINH ghi