Lâng lâng niềm hạnh phúc
Hôm nay (2-9), 100 cặp đôi thanh niên, công nhân nghèo cùng gia đình đã có niềm hạnh phúc trọn vẹn khi được khoác lên mình những bộ áo cưới do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM (Thành đoàn TP.HCM) tổ chức.
Lâng lâng niềm hạnh phúc
Hôm nay (2-9), 100 cặp đôi thanh niên, công nhân nghèo cùng gia đình đã có niềm hạnh phúc trọn vẹn khi được khoác lên mình những bộ áo cưới do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM (Thành đoàn TP.HCM) tổ chức.
Là con gái ai cũng muốn một lần được mặc áo cưới nhưng khó quá đành chịu chứ biết sao! Nay con mình đã 14 tuổi và mới được mặc áo cưới, nghĩ lại mà ứa nước mắt nhưng mà hạnh phúc lắm!
Chị NINH THỊ CẢNH
Những ngày qua, các cặp đôi chụp hình, thử áo cưới trong niềm lâng lâng hạnh phúc. Chị Trần Thị Chọn (39 tuổi, quê Kiên Giang) chia sẻ: “Hạnh phúc lắm! Cuối cùng tôi cũng được chính thức làm cô dâu”.
Không vui sao được
Cả hai anh chị đều là người khuyết tật và gia cảnh nghèo khổ. Anh Lê Văn Tính (42 tuổi, chồng chị Chọn) mồ côi cha mẹ từ nhỏ và phải sống ở một trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi tại Q.3
(TP.HCM). Năm 15 tuổi, anh bắt đầu ra ngoài tự kiếm sống bằng đủ thứ nghề: lượm ve chai, bán vé số, đi làm công nhân… Chị Chọn mẹ mất sớm nên sống với cha.
Năm 2005, anh Tính xin làm công nhân tại một công ty ở huyện Hóc Môn và gặp chị Chọn tại đây. Duyên số đã kéo anh chị về với nhau. Năm 2008, anh Tính về ra mắt gia đình chị Chọn xin nên nghĩa phu thê, rồi cả hai đến huyện Củ Chi làm công nhân may. Kết quả tình yêu của anh chị là một bé gái nay đã học lớp 3.
Chị Chọn thổ lộ: “Bị khuyết tật, lại khó khăn không tổ chức được đám cưới nên cũng tủi thân lắm. Sau khi sinh bé, tôi đã ra tiệm chụp hình cưới dò hỏi giá dự tính chụp 10 tấm hình cả gia đình nhưng rồi quay về trong nỗi buồn vì số tiền phải trả khá cao. Giờ có luôn cả đám cưới mừng lắm, không vui sao được”.
Thỏa ước mong
“Cả hai thương nhau mà nhà nghèo như nhau nên đăng ký kết hôn rồi về ở với nhau chứ có đám cưới gì đâu” – anh Trần Phú Công (35 tuổi, quê huyện Củ Chi) cho biết. Cách đây bảy năm, chị Nhung xuống huyện Củ Chi làm công nhân rồi tình cờ gặp anh Công.
Cảm thông hoàn cảnh của nhau, cả hai đem lòng yêu nhau rồi quyết định về xin phép gia đình hai bên để thành vợ chồng. Niềm vui của anh chị nhân lên khi năm 2009, chị Nhung sinh cháu trai đầu lòng. “Trước đây không có tiền làm đám cưới nên vợ cứ ao ước chụp được hình cưới cho hai vợ chồng” – anh Công chia sẻ.
Anh Đào Văn Luật (34 tuổi) và chị Ninh Thị Cảnh (36 tuổi) đều cùng quê Ninh Bình, vào TP.HCM mưu sinh. Anh Luật bị khuyết tật chân lại thêm căn bệnh động kinh, hằng ngày anh Luật đi bán vé số mưu sinh. Anh kể những khi đi bán mà cơn động kinh tái phát là anh bị ngất giữa đường, có ngày bị mất cả tiền lẫn vé số do bị ngất giữa đường.
Còn vợ anh, chị Cảnh, làm công nhân ở một công ty may. Khi còn ở quê, nhà anh Luật và chị Cảnh cách nhau một con sông. Anh chị gặp nhau trong một lần chị Cảnh sang thôn anh Luật cấy thuê. Yêu nhau, được cha mẹ hai bên đồng ý, anh chị nên duyên vợ chồng. “Cả hai gia đình đều khốn khó nên chỉ ra ra mắt để dòng họ biết nhau thôi chứ không có tiền làm lễ cưới” – anh Luật kể.
“Chúng tôi thoả ước mong rồi” là câu nói của nhiều cặp vợ chồng trong đám cưới tập thể 2017. Rất nhiều trong số họ có con đến chung vui niềm hạnh phúc với cha mẹ, niềm vui đến muộn nhưng không khỏi lâng lâng…
Diễu hành xe hoa
Lễ cưới năm nay sẽ bắt đầu bằng màn diễu hành xe hoa qua các tuyến đường Phạm Ngọc Thạch, Lê Duẩn, Đồng Khởi, Tôn Đức Thắng đến phố đi bộ Nguyễn Huệ. Tại đây, các cặp đôi dự lễ dâng hoa tại tượng đài Bác Hồ, lãnh đạo thành phố sẽ trao Huy hiệu thành phố cho tất cả các cặp uyên ương.
Sau đó, 100 cặp đôi tiếp tục diễu hành xe hoa về Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Queen – Plaza Kỳ Hòa (Q.10), nơi diễn ra chương trình chính của lễ cưới: trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, trao tặng căn phòng mơ ước cho một cặp đôi có hoàn cảnh khó khăn nhất, trao nhẫn cưới…