Không phải ngẫu nhiên mà chiếc xe đạp được người đời đưa vào thơ văn, nhạc hoạ, phim ảnh… Hình ảnh của một thời hoa mộng ấy dần lãng quên theo thời gian bởi sự bùng nổ của xe máy và xe hơi, thế nhưng chiếc xe đạp không hoàn toàn biến mất.
** Rita cực kỳ hạnh phúc tìm được xe Theo thông tin ban đầu, lực lượng chức năng phường Bến Thành (quận 1, TP.HCM) đã tìm ra nghi phạm trong vụ cô Rita Rasimaite (26 tuổi, đến từ Lithuania) bị trộm mất chiếc xe đạp đã theo cô vượt qua 3.600 km trong hành trình xuyên Việt Nam.
Hình ảnh thân quen
Chiếc xe đạp thì chẳng có gì lạ. Ở VN, từ tuổi tiểu học, các bậc phụ huynh đã tập cho con em mình đi xe đạp để khi lớn lên có thể tự đạp đến trường, nhất là học sinh vùng nông thôn. Nhớ thời bao cấp, xe đạp vẫn là phương tiện di chuyển chính của đại đa số người dân.
Xe đạp thời đó được coi như một tài sản quý giá, tựa như chiếc xe tay ga đời mới hiện nay đi đâu cũng gặp. Thế rồi đến ngày nọ, khi nền kinh tế đất nước khởi sắc, nhà nhà bắt đầu sắm xe gắn máy chạy đầy đường, đẩy chiếc xe đạp vào hàng phương tiện giao thông thứ yếu, thậm chí là dĩ vãng theo kiểu “có lê quên lựu, có trăng quên đèn”.
Nếu nói giàu có mà không thèm đi xe đạp nữa thì có thể đúng với hoàn cảnh của VN nhưng hoàn toàn trật lất so với những gì đang diễn ra ở các nước phương Tây. Ở châu Âu có những nước khá giàu nhưng ra phố thấy người ta đạp xe hàng hàng lớp lớp mới hiểu họ chẳng bao giờ “quên lựu, quên đèn” như chúng ta. Họ đạp xe đông đến mức có nơi được ví như “vương quốc xe đạp”.
Sở dĩ ví như “vương quốc” vì khi đến đây, du khách sẽ thấy người người đi xe đạp, nhà nhà cưỡi xe đạp, đó là Hà Lan. Xứ sở hoa tulip có 17 triệu dân nhưng sở hữu đến 18 triệu chiếc xe đạp, bởi vì có một số người sở hữu cùng lúc 2 chiếc đặt ở 2 thành phố khác nhau. Sáng sớm họ đạp xe ra ga tàu điện, dựng vào đúng nơi quy định rồi lên tàu để đến nơi làm việc ở thành phố khác. Khi đến, đã có 1 chiếc xe đạp khác chờ chủ nhân leo lên chạy đến nơi làm việc. Bận về cũng y như vậy.
Nói đến “vương quốc xe đạp” Hà Lan, phải kể đến Groningen – một tỉnh phía tây bắc. Một trong những lý do khiến nơi đây ngập tràn xe đạp vì Groningen là “làng đại học” của xứ sở cối xay gió. Groningen có rất nhiều trường đại học và những trường danh tiếng của Hà Lan đều tập trung ở đây, do đó phần lớn người đi xe đạp là sinh viên.
Có người thắc mắc: giàu như Hà Lan sao không sắm xe hơi hoặc xe gắn máy mà phải di chuyển bằng xe đạp? Câu trả lời rất đơn giản: đi xe đạp sống thọ hơn ngồi xe hơi. Vả lại chi phí cho chiếc ô tô khá cao. Nếu không còn cách nào khác phải sử dụng đến taxi, chắc chắn du khách sẽ choáng váng vì giá đắt kinh khủng.
Hà Lan không khuyến khích dân chúng dùng xe gắn máy vì đã có các phương tiện giao thông công cộng đảm trách. Còn chuyện dùng xe đạp, ngoài lý do rèn luyện sức khỏe để sống thọ như đã nói, nó còn có yếu tố vì môi trường sống không ồn ào, tránh ô nhiễm cho chính họ. Do đó nếu có dịp đến đây, du khách đừng ngạc nhiên khi thấy ở những bãi xe 2 bánh công cộng chỉ toàn xe đạp, trái ngược với chỉ toàn xe gắn máy tại VN.
“Thân phận” của 1 chiếc xe đạp ở London, Anh quốcẢNH: Đ.X.H
Xe đạp hiện nay rất được các nước trên thế giới ưa chuộng và họ tích hợp trên đó các tính năng giúp thỏa mãn người tiêu dùng.
“Thân phận”
Có một thắc mắc: ở những nước giàu, văn minh như Tây Âu liệu có chuyện mất cắp xe đạp? Xin thưa, vẫn mất như thường. Nói cách khác, người châu Âu mất xe đạp cũng giống như người Việt mất xe máy vậy. Do đó bạn đừng ngạc nhiên khi đến đâu cũng thấy người ta khoá xe đạp cẩn thận, bất kể chiếc xe ấy “mới cứng” hoặc cà tàng. Đi tìm một chiếc xe đạp bị mất cắp trong “rừng xe đạp” như ở Hà Lan gần như vô vọng, giống chuyện tìm lại chiếc xe máy bị kẻ trộm bẻ khoá ở Sài Gòn vậy.
Cũng có trường hợp ai đó khoá chiếc xe đạp của mình vào cây cột trên vỉa hè để đi công chuyện rồi…quên luôn. Báo hại chiếc xe “trơ khung cùng tuế nguyệt”, sút sên, gãy gọng, xẹp bánh, trông thảm thương. Không phải cá biệt, ở Hà Lan có rất nhiều xe đạp “chung số phận” như vậy, thậm chí có chiếc trông giống như “di tích lịch sử” hoặc tồn tại dưới dạng… ve chai nhưng người ta vẫn cứ để đó, điểm xuyết thêm cho “nghệ thuật sắp đặt” trên đường phố.
Ngoài Hà Lan, chúng ta đều biết London – thủ đô của nước Anh – là một thành phố giàu có bậc nhất châu Âu nhưng chiếc xe đạp ở xứ sương mù này cũng có “số phận hẩm hiu”. Trên vỉa hè của London, người ta thiết lập rất nhiều khung sắt để cư dân và du khách khoá xe đạp vào. Vì khoá kỹ quá nên kẻ xấu ít khi nào trộm được nguyên chiếc, thay vào đó họ tháo… 2 bánh xe đem đi mất, nếu may mắn thì chỉ bị “luộc” 1 bánh thôi.
Xe đạp cho thuê ở LuxembourgẢNH: ĐOÀN XUÂN HẢI
Xe đạp mọi lúc mọi nơi
Kỷ niệm cầu Chữ Y
Khi đề cập đến chuyện đi xe đạp có lợi cho sức khỏe, chợt nhớ đến thời bao cấp. Đó là vào năm 1982, có anh nọ nhà ở Q.8, vợ sinh đứa con đầu lòng tại Bệnh viện Từ Dũ bên Q.1, TP.HCM. Từ Q.8 muốn qua Q.1 phải leo cầu Chữ Y. Chiếc cầu này có độ dốc vừa phải nhưng 3 nhánh đều dài nên hiện nay không mấy người dám gồng mình đạp xe qua cầu mà thường phải xuống dẫn bộ, đến đỉnh cầu mới lên xe đạp tiếp. Nếu bạn thấy người đi xe đạp lướt êm ái lên cầu thì chắc chắn đó là xe đạp điện. Thế mà thời ấy người ta đạp xe ào ào qua cầu Chữ Y cho dù ăn uống kham khổ. Anh chàng nhà ở Q.8 vừa nêu năm đó 26 tuổi, cân nặng 50 kg, chở bà mẹ vợ đâu chừng 55 kg nữa đạp xe băng băng qua cầu để đến Từ Dũ, ngày 2 lượt, kéo dài trong 3 ngày. Khiếp, phải công nhận thanh niên trai tráng thời trước khỏe thật!
Nói đến sự lãng mạn từ chiếc xe đạp, chợt nhớ bài hát Xe đạp ơi của nhạc sĩ Ngọc Lễ – người mà thuở hàn vi đã chở đầy kỷ niệm dấu yêu trên chiếc xe đạp cà tàng. Khi đến tham quan làng đại học Groningen, bạn sẽ thấy thấp thoáng đâu đó hình như cũng có sinh viên “cùng cảnh ngộ” với Xe đạp ơi và nếu muốn tăng thêm phần cảm xúc, du khách có thể cùng thuê xe đạp để dạo phố.
Nên nhớ, xe đạp ở Hà Lan mỗi người ngồi 1 chiếc, không ai chở ai cả. Tuy không cùng nhau tình tứ trên 1 chiếc xe đạp nhưng không vì thế làm mất đi sự thi vị. Nói đến sự thi vị, thơ mộng của không gian giống phim cổ tích, thì Đại công quốc Luxembourg có đầy đủ yếu tố ấy. Tại đây cũng có dịch vụ cho thuê xe đạp hoàn toàn tự động. Người ta xếp xe đạp (mới cứng) thành hàng ngang có khóa bánh trước kèm cái hộp nhận tiền cho mỗi chiếc.
Chỉ cần bỏ vào hộp vài đồng euro kim loại, ổ khóa sẽ tự động mở và thế là bạn ung dung dạo phố bằng xe đạp thuê, chẳng cần thế chấp gì cả. Sau khi cùng nhau đạp xe thỏa thích, đắm mình vào những chiếc cầu, lâu đài, công viên…mà cảnh trí giống trong các bộ phim lãng mạn của Hollywood, du khách chỉ cần tìm bất kỳ trạm cho thuê đồng dạng để đẩy xe vào khung, ổ khoá sẽ tự động đóng lại, rất tiện lợi.
Còn điều này nữa du khách cũng nên nhớ: đi xe đạp ở châu Âu có đường riêng hoặc line riêng, sơ ý chạy khác line trên những tuyến đường hỗn hợp, chắc chắn bạn sẽ bị xe hơi hoặc tàu điện tông ngay.
So với các thành phố tấp nập xe máy của VN, du khách sẽ cảm nhận hình ảnh tương phản khi chứng kiến sự dập dìu xe đạp ở các nước phương Tây. Đó là một không gian không tiếng nẹt pô, không khói xăng dầu, giúp bạn có được những giây phút hưởng thụ sự bình an giữa phố thị đông người…