Tuổi nào trẻ được dùng smartphone?
30/08/2017Tháng 6 vừa qua đánh dấu 10 năm ngày chiếc iPhone đầu tiên ra đời, mở đầu kỷ nguyên điện thoại thông minh (smartphone). Sau một thập kỷ, một thế hệ nữa lớn lên với những đổi thay khác xa các thế hệ trước đó.
Tuổi nào trẻ được dùng smartphone?
Tháng 6 vừa qua đánh dấu 10 năm ngày chiếc iPhone đầu tiên ra đời, mở đầu kỷ nguyên điện thoại thông minh (smartphone). Sau một thập kỷ, một thế hệ nữa lớn lên với những đổi thay khác xa các thế hệ trước đó.
Chưa có câu trả lời rõ ràng về độ tuổi nào thích hợp để con trẻ có thể dùng điện thoại thông minh – Ảnh minh họa: CHÂU ANH |
Điện thoại và các ứng dụng bản thân chúng không xấu, nhưng có thể làm trầm trọng thêm những khó khăn trong quá trình trưởng thành của trẻ. |
Melinda Gates |
Nên cho phép con mình dùng smartphone lúc 10, 12 hay 18 tuổi? Chưa bao giờ các bậc phụ huynh lại hoang mang như bây giờ trước tác động như lũ cuốn của công nghệ, đặc biệt là smartphone.
Hãy bước ra đường và quan sát một lát, ở bất cứ đâu bạn cũng sẽ thấy cảnh tượng này: bất kể ngồi một mình hay giữa một đám đông, phần lớn người trẻ đều chỉ say sưa với màn hình điện thoại. Họ làm gì chỉ mình họ biết. Không ai quan tâm tới họ. Họ cũng chẳng quan tâm tới ai.
Cha mẹ chưa được chuẩn bị
|
Bà Melinda Gates – vợ tỉ phú Bill Gates, nhà đồng sáng lập Tập đoàn Microsoft – là mẹ của ba người con lần lượt 20, 17 và 15 tuổi. Trong một chia sẻ mới đây với báo Washington Post (Mỹ), bà thừa nhận mặc dù đã dành cả sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, luôn nỗ lực hình dung về những gì công nghệ có thể phục vụ đời sống con người, nhưng bà chưa hề được chuẩn bị để ứng phó với những tác động của smartphone và mạng xã hội với các con mình như đã và đang diễn ra.
“Giống như nhiều bậc phụ huynh có con cái bằng tuổi con tôi, tôi không hiểu công nghệ sẽ làm thay đổi quá trình trưởng thành của chúng như thế nào, thậm chí là cả cách tôi muốn với bản thân mình trên cương vị làm mẹ. Tôi vẫn đang cố gắng để bắt kịp xu thế đó” – bà Melinda nói.
Bà Melinda cho biết khi con gái út của bà chào đời năm 2002, điện thoại nắp gập vẫn còn là món đồ công nghệ được nhiều người ao ước, còn mạng xã hội dường như vẫn là khái niệm chưa tồn tại. Nhưng 15 năm trôi qua, giờ thì đã khác. Không phủ nhận tác dụng tuyệt vời của công nghệ khi mang lại cơ hội bình đẳng hơn tới nhiều người, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nhưng bà Melinda không khỏi lo ngại khi nghĩ về khía cạnh an toàn và hạnh phúc của con mình trước tác động của nó.
Bà khuyên mọi người nên chậm lại một chút trong việc để con mình tiếp cận với smartphone và mạng xã hội. Bởi theo bà, với những đứa trẻ chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng đương đầu với cuộc sống, smartphone và mạng xã hội đang làm trầm trọng thêm những khó khăn và cả khủng hoảng mà phần đông người trẻ phải đối mặt trong quá trình trưởng thành.
“Việc quan trọng hơn bao giờ hết là dạy cho chúng sự đồng cảm ngay từ thuở bé vì mọi đứa trẻ đều cần điều đó” – bà Melinda chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh trẻ còn phải học hỏi để sống tử tế, đương đầu với cảm giác bị từ chối, học cách tự kiểm soát bản thân…
Tuổi nào là phù hợp?
Hiện vẫn chưa có một câu trả lời rõ ràng và xác quyết về vấn đề độ tuổi nào là thích hợp để con bạn có thể dùng một chiếc điện thoại thông minh. Vấn đề này cũng chưa có được sự đồng nhất quan điểm ngay cả giữa những tên tuổi lớn trong làng công nghệ. Nhà đồng sáng lập Tập đoàn Microsoft, tỉ phú Bill Gates, từng chia sẻ với báo Mirror (Anh) rằng cả ba người con của ông đều phải chờ tới năm 14 tuổi mới bắt đầu được sử dụng smartphone.
Trong khi đó, theo một nghiên cứu năm 2016 của Hãng nghiên cứu Influence Central, độ tuổi trung bình trẻ được mua smartphone đầu tiên là 10,3 tuổi, thấp hơn mức trung bình 12 tuổi theo nghiên cứu năm 2012 cũng của công ty này.
Trong bối cảnh đó, kể từ mùa thu năm ngoái, một bà mẹ tên Brooke Shannon ở thành phố Austin, bang Texas (Mỹ) đã cùng một nhóm phụ huynh cùng trường tiểu học của con bà khởi động một cam kết. Theo đó, họ đồng thuận chỉ cho phép con dùng smartphone khi chúng đã lên lớp 8 (13 tuổi).
Tháng 3 năm nay, bà Shannon khai trương trang web WaitUntil8th.org để tập hợp các bậc phụ huynh đồng quan điểm sẽ chờ đợi và bắt các con cùng phải chờ đợi đến khi đủ tuổi để dùng smartphone. Hơn 2.100 gia đình thuộc hơn 500 trường học ở Mỹ đã tham gia cam kết này.
Cam kết không áp dụng với các loại điện thoại có chức năng cơ bản như gọi điện hay nhắn tin, mà chỉ áp dụng với smartphone. Ở mỗi ngôi trường, khi có từ 10 phụ huynh nhất trí trở lên, quy định về smartphone sẽ được thực thi tại ngôi trường đó.
Cách ứng xử của cha mẹ về smartphone cũng rất quan trọng. Bà Melinda chia sẻ “bí kíp” mà bà gọi là giờ “ngắt kết nối”. Theo đó, trong bữa ăn gia đình, cả nhà thống nhất không dùng điện thoại, không để điện thoại trên bàn ăn. Làm như vậy, bà cam kết mỗi nhà sẽ có “cuộc trò chuyện tuyệt vời”.
ThS Võ Thị Thùy (hiệu trưởng Trường chuyên biệt Khai Trí): Trẻ dưới 9 tuổi không nên dùng iPad, smartphone Các bác sĩ đã chỉ ra rằng sử dụng các thiết bị như iPad, smartphone có ảnh hưởng lớn đến thị giác, thính giác và sự phát triển não bộ ở trẻ. Không nên cho trẻ dưới 9 tuổi dùng các thiết bị này, chỉ nên cho xem tivi với nội dung và hình ảnh đã được chọn lọc nhưng cũng phải giới hạn thời gian. Trẻ em trên 9 tuổi có thể sử dụng, nhưng cũng phải kiểm soát thời gian, khoảng 30 phút đến một giờ. Thực tế việc can thiệp với các em “nghiện” smartphone cũng rất khó khăn, mất nhiều thời gian. Bởi vậy, các bậc cha mẹ không nên cho con sử dụng các thiết bị thông minh này quá sớm, bởi điều gì cũng có hai mặt của nó. Thông minh, hiện đại, tiện lợi nhưng không nên lạm dụng. MAI HOA ghi |
Ông Võ Đỗ Thắng (giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena): Định hướng thay vì cấm đoán Cái gì cũng có tính hai mặt của nó, nếu lạm dụng smartphone, sử dụng không kiểm soát có thể dẫn tới những hệ quả khó lường, nhất là đối tượng sử dụng thiết bị này ngày càng trẻ hóa. Phải thừa nhận rằng cha mẹ khó cấm cản được con em mình vì thực tế cho thấy càng cấm, trẻ càng tò mò muốn khám phá. Vì vậy thay vì cấm đoán, hãy hướng con em mình sử dụng thiết bị này có kiểm soát, phục vụ tốt nhu cầu cần thiết của mỗi người. Q.KHẢI ghi |