29/11/2024

Đào rồi tái lập đường kiểu này ai chịu nổi không?

Trên quốc lộ 1, đoạn từ cầu vượt Bình Phước 2 (Q.Thủ Đức) đến ngã tư Vườn Lài (Q.12), hàng loạt nắp cống cao hơn đường 20-30cm. Chuyện không lạ của thực trạng đào đường, tái lập đường bê bối ở TP.HCM hiện nay.

 

Đào rồi tái lập đường kiểu này ai chịu nổi không?

Trên quốc lộ 1, đoạn từ cầu vượt Bình Phước 2 (Q.Thủ Đức) đến ngã tư Vườn Lài (Q.12), hàng loạt nắp cống cao hơn đường 20-30cm. Chuyện không lạ của thực trạng đào đường, tái lập đường bê bối ở TP.HCM hiện nay.

 

 

 

Đào rồi tái lập đường kiểu này ai chịu nổi không?
Tái lập mặt đường bê bối, kém chất lượng trên quốc lộ 1 đoạn qua Q.12, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trên quốc lộ 1, đoạn từ cầu vượt Bình Phước 2 (Q.Thủ Đức) đến ngã tư Vườn Lài (Q.12), cứ đi một đoạn hơn 10m là có một nắp cống cao nhô lên mặt đường khoảng 20cm. Thậm chí có vài nắp cống lồi lên mặt đường đến 30cm.

Các nắp cống nằm ở giữa đường, có đoạn hai nắp cống nằm cạnh nhau, dàn trải gần hết làn đường. Nhiều xe máy lách nắp cống khiến dòng xe phải né nhau. Nếu xe sau không kịp giảm tốc sẽ đâm sầm vào xe trước.

Xem thường tính mạng người dân

Chị Hoa, bán nước ven đường, cho biết không những phụ nữ mà kể cả đàn ông cũng dễ bị lạc tay lái khi gặp các nắp cống chắn giữa đường. “Kiểu thi công bê bối này chứng tỏ các đơn vị thi công đã xem thường tính mạng người dân” – nhiều người bức xúc nói.

 

Còn trên đường Gò Dầu (P.Tân Quý, Q.Tân Phú), việc tái lập mặt đường chưa hoàn chỉnh. Mỗi lần xe lớn chạy qua tung đầy bụi vào người đi xe máy và nhà dân ở hai bên đường.

Theo ghi nhận, đoạn trước nhà 184 Gò Dầu có một ổ gà được vá tạm bằng đá dăm rất nham nhở. Chị Yến, chủ hộ kinh doanh tại đây, nói ngày nào người dân ở đây cũng phải chịu cảnh bụi đầy nhà, phải lau chùi thường xuyên.

 

Tương tự, trên đường Tân Hương (P.Tân Quý, Q.Tân Phú), việc tái lập các nắp cống “lún” so với mặt đường khoảng 1 tấc. Người dân ở đây cho biết việc tái lập mặt đường xảy ra mới hai tháng nay nhưng đã có nhiều nơi đào lõm xuống, có nhiều chỗ chỉ cần lấy gậy nhọn chọc mạnh vào là lún.

“Mặt đường được tái lập rất nham nhở, các hộ dân đã hai lần lấy ximăng vá lại nhưng vẫn không lành lặn được. Tôi vừa chứng kiến một phụ huynh chở con vấp phải nắp cống này, xe chao đảo liền” – ông Hưng, người dân địa phương, nói.

Tái phạm sẽ bị cấm đấu thầu

Theo Sở GTVT TP.HCM, việc thi công lắp đặt hệ thống cống thoát nước trên đường Gò Dầu, đường Bình Long, đường Tân Hương (Q.Tân Phú) do Ban quản lý dự án 1547 làm chủ đầu tư. Sở đã ghi nhận đơn vị thi công tái lập mặt đường tạm bằng bêtông nhựa không đảm bảo an toàn giao thông.

Trên đường Gò Dầu, đơn vị thi công tái lập tạm bằng bêtông nhựa, cấp phối đá dăm không đảm bảo an toàn giao thông, có tình trạng xả nước thải tràn ra mặt đường…

Kiểm tra đoạn từ đường Lê Thị Riêng đến Hà Huy Giáp do Ban quản lý dự án thoát nước đô thị làm chủ đầu tư, sở cũng ghi nhận các nhà thầu tái lập tạm bằng bêtông nhựa, không đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường.

Cũng trên quốc lộ 1, đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến cầu Bình Phước do Khu quản lý giao thông đô thị số 3 làm chủ đầu tư, phương tiện thi công lưu thông chung với xe máy trên đường hỗn hợp nhưng không có đủ biện pháp cảnh báo, cảnh giới, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Ông Võ Khánh Hưng – phó giám đốc Sở GTVT – cho biết đã có văn bản gửi các chủ đầu tư dự án tăng cường chấn chỉnh công tác thi công đào đường trên quốc lộ 1 và các đường ở Q.Tân Phú.

Ông Nguyễn Bật Hận – phó chánh thanh tra Sở GTVT – nói có những nhà thầu sau khi trúng thầu đã giao lại cho nhà thầu nhỏ hơn thực hiện thi công công trình. Vì vậy nhà thầu không làm đúng quy trình, còn đơn vị tư vấn giám sát thi công hời hợt, không bảo đảm chất lượng công trình.

Theo ông Hận, hiện có 117 vị trí rào chắn đang thi công trên 56 tuyến đường lắp đặt công trình ngầm. Chỉ trong vòng một tháng rưỡi qua, sở đã lập 25 biên bản xử lý vi phạm thi công đào đường.

Đối với nhà thầu thi công vi phạm lần thứ 3, thanh tra sở đề nghị sở kiến nghị UBND TP không cho nhà thầu tham gia đấu thầu các công trình sử dụng vốn ngân sách. Đây là biện pháp xử lý mạnh, nhằm chấm dứt tình trạng các nhà thầu thi công đào đường bê bối.

“Hố tử thần” do thi công kém chất lượng

Ông Hà Ngọc Trường, chuyên gia cầu đường, cho biết nghiên cứu về công tác đào đường và tái lập mặt đường trên 12 con đường ở TP.HCM cho thấy có nhiều nhà thầu hoạt động riêng lẻ đảm trách, nên cứ hết đơn vị này đến đơn vị kia tái lập, từ đó độ lún khác nhau dẫn đến đường gồ ghề.

Một số trường hợp đặc biệt cho phép tái lập tạm trên phui đào bằng cách đè tấm thép lên hoặc rải đá và nhũ tương nhựa. Tuy nhiên, nhà thầu chỉ trải đá mà không lu tưới nhựa khiến đá văng vương vãi xung quanh phui đào, dễ gây tai nạn giao thông cho người đi xe máy.

Hiện các công trình đào đường nhiều nhất thuộc về ngành cấp – thoát nước, bưu chính – viễn thông, điện… Làn phui đào có bề rộng khá nhỏ, từ 0,4 – 0,7m nhưng lại đào bằng máy, trong khi công tác chống đỡ thành vách không được thực hiện. Các đơn vị thi công đã không lu lèn từng lớp vật liệu theo quy trình quy phạm, dẫn đến “hố tử thần”.

THU TRANG – NGỌC ẨN