Thay vì ‘mỉa mai cho sướng miệng’ hãy khoan dung, được không?
Tha thứ cho những người đã từng gây tổn thương cho mình hoặc gây hại cho những người thân của mình vốn là một điểm sáng trong triết lý sống của người Việt Nam.
Thay vì ‘mỉa mai cho sướng miệng’ hãy khoan dung, được không?
Các thành viên Hàn Quốc trong buổi giao lưu với các thầy cô giáo, học sinh trường tiểu học Phan Bôi (Điện Bàn) – Ảnh: THÁI BÁ DŨNG
Tôi cảm thấy vô cùng xúc động khi xem những bức ảnh trong phóng sự ảnh “Hãy trở lại, chúng tôi đã tha thứ”. Một xã hội biết tha thứ, khoan dung sẽ là môi trường giúp mọi người có thể sống tử tế.
Phóng sự ảnh kể về cuộc viếng thăm của những công dân Hàn Quốc đến làng Hà My (Điện Bàn, Quảng Nam) – nơi lính Hàn Quốc giết chết 135 người dân cách đây 50 năm.
Nụ cười rạng rỡ trên gương mặt của các thành viên Hàn Quốc trong tấm ảnh chụp giao lưu với các thầy cô giáo, học sinh Trường tiểu học Phan Bôi không chỉ lan tỏa niềm vui của người được tha thứ mà còn khiến người xem có thêm niềm tin mạnh mẽ vào sức mạnh của sự tha thứ.
Hàn gắn rạn nứt xã hội
Hành động của những người dân ở Điện Bàn, Quảng Nam trong sự kiện này là minh họa sinh động cho định nghĩa về tha thứ được đăng trên tờ The Toronto Star (Canada): “Mặc dù nhìn nhận mình đã bị đối đãi bất công nhưng vẫn bỏ qua mọi sự oán giận, và cuối cùng đối xử với người có lỗi với lòng trắc ẩn và thậm chí tình yêu thương”.
Điểm sáng đó được ghi trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi: “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”. Không chỉ dừng lại trên văn tự, các vị lãnh đạo của triều đình nhà Lê đã tha mạng sống cho 10 vạn binh sĩ, cấp ngựa, thuyền và lương thảo cho quân Minh thua trận về nước.
Để giảm bớt các xung đột giữa những cá nhân, sắc tộc, quốc gia, nền văn hóa, kể từ năm 1995, Liên Hiệp Quốc đã đề xuất xây dựng văn hoá khoan dung. Theo đó, khoan dung là sự cởi mở, chấp nhận những sự đa dạng trong cuộc sống, đồng thời có thể bao dung, tha thứ cho những lỗi lầm, thất bại của người khác.
Tha thứ và khoan dung không chỉ hàn gắn những rạn nứt trong xã hội, giữa các quốc gia, nền văn hóa khác nhau, mà còn tác động tốt đến mỗi người.
Nhiều nghiên cứu khoa học trên khắp thế giới trong những thập kỷ gần đây đều có chung kết quả: tha thứ và khoan dung giúp ổn định huyết áp, tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm đau mãn tính và bệnh tật, tăng tuổi thọ đối với cá nhân người thực hành tha thứ, khoan dung.
Thấu hiểu lỗi lầm của trẻLà một người làm giáo dục, đồng thời cũng là một người cha, tôi hiểu được sự khó khăn khi phải chấp nhận và tha thứ cho những lỗi lầm của con trẻ. Từ trải nghiệm bản thân, tôi cho rằng thầy cô và cha mẹ sẽ có khả năng khoan dung nếu thực sự thấu hiểu sự đa dạng trong tính cách, năng lực của mỗi đứa trẻ, đồng thời cũng hiểu rằng mắc lỗi, thất bại là điều không thể tránh khỏi trong tiến trình trưởng thành nhân cách của trẻ con.
Ông Trần Minh Trọng
Gieo hạt giống khoan dung từ đâu?
Trong doanh nghiệp, một dự án thất bại có thể mang lại những tổn thất về tài sản, uy tín, sự gắn kết trong nội bộ tổ chức. Tuy nhiên, văn hoá khoan dung được các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới áp dụng.
Tỉ phú Zeff Bezos, nhà sáng lập và điều hành Amazon, người đứng đầu danh sách những người giàu thế giới năm 2017 do tạp chí Forbes mới công bố, đã nhiều lần chia sẻ: “Nếu bạn không tha thứ cho những lỗi lầm, thất bại của nhân viên và chính bạn, sẽ không còn ai dám đối diện với những rủi ro. Trong một thế giới thay đổi liên tục như hiện nay, rủi ro lớn nhất của chúng ta là sợ thất bại và không dám chấp nhận rủi ro”.
Các quốc gia thịnh vượng và hạnh phúc ở khu vực Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan là những điển hình trong việc xây dựng văn hoá khoan dung. Một trong những khía cạnh thể hiện rõ nét nhất là cái nhìn với những người phạm tội.
Các quốc gia này xem phạm tội như là một khiếm khuyết và trách nhiệm chung của cả xã hội, do xã hội không chu toàn trong việc giáo dục con người nên mới nảy sinh tội phạm.
Ở nước ta, đạo đức xã hội ngày càng báo động bởi những hành vi xem thường đạo nghĩa thông thường diễn ra liên tục, tội phạm ngày càng hung hãn và nghiêm trọng hơn, phải chăng có nguồn gốc sâu xa là do văn hoá khoan dung chưa được giáo dục, nuôi dưỡng từ trong gia đình và nhà trường?
Không ít gia đình, làng quê có những cái nhìn đầy cực đoan, tiêu cực với những lỗi lầm, thất bại của các thành viên khiến họ phải bỏ xứ mà đi, không còn chỗ dung thân ngay trong gia đình và cộng đồng của mình.
Và phải chăng những lời chỉ trích, chê bai, mỉa mai “cho sướng miệng, cho đã tay” trước lỗi lầm của người khác lan rộng trên mạng xã hội cũng là một dấu hiệu cho thấy xã hội đang thiếu văn hoá khoan dung?
Khoan dung là một trong những chỉ số quan trọng để đo lường sự văn minh của xã hội bởi nó khuyến khích sự sáng tạo, hạnh phúc và thịnh vượng. Chúng ta cần xây dựng một xã hội với văn hoá bao dung, nhưng phải làm gì để gieo hạt giống khoan dung trong gia đình, nhà trường và xã hội?
TRẦN MINH TRỌNG