Được thực hiện cơ chế đặc thù, giáo dục TP.HCM sẽ ‘cất cánh’
Nếu được thực hiện cơ chế đặc thù, ngành giáo dục TP.HCM sẽ giải quyết được nhiều vấn đề như ngân sách: cái bánh đã nhỏ mà chia đều thì chẳng đâu vào đâu, nơi nào cũng thiếu.
Được thực hiện cơ chế đặc thù, giáo dục TP.HCM sẽ ‘cất cánh’
Nếu được thực hiện cơ chế đặc thù, ngành giáo dục TP.HCM sẽ giải quyết được nhiều vấn đề như ngân sách: cái bánh đã nhỏ mà chia đều thì chẳng đâu vào đâu, nơi nào cũng thiếu.
Một tiết học đổi mới, sáng tạo trong dạy và học môn hoá học tại Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG |
Tôi không nói việc quản lý theo ngành ngang là không tốt, nhưng trên thực tế ở chỗ này chỗ kia vẫn xảy ra tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt” – thiếu sự đồng bộ, thống nhất khi triển khai chuyên môn và người chịu nhiều thiệt thòi nhất là giáo viên và học sinh” |
TS HUỲNH CÔNG MINH |
TS HUỲNH CÔNG MINH - nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhận định như thế khi trao đổi với Tuổi Trẻ việc TP.HCM xin cơ chế đặc thù trong lĩnh vực GD-ĐT.
Là một trong những người đầu tiên đề xuất thực hiện mô hình trường tự chủ tài chính ở TP.HCM, ông bày tỏ rất vui và ủng hộ ý tưởng này. “Nếu được thực hiện, nó sẽ tạo điều kiện cho giáo dục TP nhanh chóng hội nhập với khu vực và thế giới”, ông nói.
Giải quyết bài toán tăng lương
* Ông nghĩ sao khi cơ chế đặc thù đề xuất cho tất cả các trường thực hiện tự chủ về tài chính và nhân sự?
– Xin nói lại cho rõ: trường tự chủ tài chính là trường tự hạch toán – lấy thu bù chi, không nhận ngân sách nhà nước cấp (tự chủ toàn phần), hoặc chỉ nhận một phần ngân sách (tự chủ một phần), không theo lợi nhuận và phải bảo đảm chất lượng giáo dục. Nhiều người cứ nghĩ: trường tự chủ biến trường công lập thành trường tư thục là hoàn toàn sai lầm.
Hiện nay, ở TP.HCM có Trường THPT Nam Sài Gòn là trường tự chủ hoàn toàn và thực hiện khá thành công khi trường có cơ sở vật chất khang trang, nằm trên địa bàn khu dân cư khá giả, nên nhiều năm nay ngân sách không phải cấp kinh phí hoạt động.
Trường THPT Lê Quý Đôn là trường tự chủ một phần khi thu mức phí cao hơn trường công lập thuần túy, ngân sách chỉ cấp một phần kinh phí hoạt động.
Việc tự chủ không phải tự nhiên ngành GD-ĐT TP nghĩ ra, mà chính là làm theo tinh thần nghị quyết 05 năm 2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế…
Nếu bây giờ Chính phủ đồng ý cho giáo dục TP được thực hiện cơ chế đặc thù sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề bất cập trong giáo dục hiện nay. Chẳng hạn như vấn đề ngân sách: cái bánh đã nhỏ mà chia đều thì chẳng đâu vào đâu, nơi nào cũng thiếu.
Phải thừa nhận ngay ngân sách không thể bao cấp hết, mà cần xã hội hoá giáo dục một cách tích cực. Những trường tốt, có uy tín trong xã hội sẽ phải tự hạch toán kinh phí, lên kế hoạch tự chủ về đội ngũ, tính toán lại mức thu để đủ bù chi, không lợi nhuận.
Ngân sách nhà nước sẽ không cấp cho các trường này nữa, mà dành để cấp cho các trường khó khăn. Đương nhiên phần “bánh” sẽ to hơn, nhiều hơn, đủ để nhà trường khó khăn tăng lương giáo viên, tăng cường các hoạt động giáo dục, mua sắm trang thiết bị hiện đại…
Trí tuệ phải để nghiên cứu giảng dạy
* Có ý kiến cho rằng nếu tất cả các trường tốt, trường nổi tiếng đều tự hạch toán, thu phí cao thì con em nhân dân lao động nghèo làm sao có điều kiện vào học?
– Về lý thuyết, những trường tốt sẽ thu phí cao để thu đủ bù chi; phụ huynh nào có điều kiện thì cho con em vào đó học, phụ huynh nào không có điều kiện thì vào những trường gần đó để được hưởng hỗ trợ từ ngân sách.
Ngoài ra, trong đề án thực hiện tự chủ phải có nội dung miễn, giảm học phí cho con em nhân dân lao động nghèo, có chế độ học bổng đối với học sinh khó khăn, có nỗ lực trong học tập…
* Theo ông, với mặt bằng giáo dục như hiện nay, liệu TP.HCM có nhiều trường thực hiện tự chủ toàn phần về tài chính không?
– Tôi nghĩ là rất nhiều. Thực tế cho thấy tổng các khoản phí mà phụ huynh phải đóng mỗi tháng cho con em mình đi học cao hơn gấp nhiều lần so với mức học phí mà Nhà nước quy định.
Người lãnh đạo ở các trường cũng rất vất vả khi ngày đêm phải suy nghĩ, đắn đo làm sao có thể tăng thêm chút ít thu nhập cho giáo viên mỗi tháng mà không bị kiện cáo, không phải giải trình…
Từ đó dẫn đến một tình trạng bất cập: có trường lạm thu, có trường thu đàng hoàng nhưng trí tuệ tinh tuý nhất của những người làm giáo dục lại phải đối phó với “cơ chế”, với lo toan cơm áo gạo tiền, thay vì để dành nghiên cứu về việc làm sao dạy học sinh cho tốt, giáo dục học sinh sao cho hiệu quả.
Nếu được thực hiện, các trường sẽ có tính toán cụ thể, thông báo thu công khai và chỉ thu một khoản. Điều này có ích lợi lớn là tạo điều kiện cho nhà trường huy động về tài chính một cách lành mạnh, củng cố mối quan hệ thầy – trò một cách trong sáng. Giáo viên được tăng thu nhập một cách thoải mái và công khai.
* Theo ông, ngành GD-ĐT TP sẽ phải chuẩn bị những gì để thực hiện cơ chế đặc thù hiệu quả?
– Tôi cho rằng đi đôi với cơ chế thoáng cần có hệ thống quy định, tiêu chí lề lối làm việc, hệ thống thẩm định, thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và chế tài thật cụ thể.