29/11/2024

Mưu sinh vẫn tập luyện

Cuộc sống vất vả, vòng xoáy mưu sinh khiến nhiều người ít có thời gian tập thể dục mỗi ngày. Tuy nhiên, vẫn có không ít người cố gắng dành thời gian để tập luyện như đi bộ, tập bằng máy tập ngoài công viên…

 

Mưu sinh vẫn tập luyện

 Cuộc sống vất vả, vòng xoáy mưu sinh khiến nhiều người ít có thời gian tập thể dục mỗi ngày. Tuy nhiên, vẫn có không ít người cố gắng dành thời gian để tập luyện như đi bộ, tập bằng máy tập ngoài công viên…

 

 

 

Mưu sinh vẫn tập luyện
Người dân tranh thủ tập thể dục ở các máy tập nơi công cộng – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bà Nguyễn Thị Thao (59 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết mỗi ngày bà đều đi bộ bán vé số từ sáng đến chiều tối.

Bán vé số, sáng vẫn đi thể dục

Từ nhiều năm nay, sáng nào bà Thao cũng duy trì được thói quen dậy sớm đi bộ, tập thể dục trong khu dân cư chừng 30-45 phút rồi về tắm rửa, ăn sáng cho khoẻ, xong mới đi bán hàng. Bà bảo đi bán vé số là đi làm, cứ đi như thói quen, đi lúc nào mệt thì nghỉ, còn đi bộ buổi sáng thì vừa đi vừa đánh tay, chân bước dài và đều hơn.

“Cứ 6h sáng là tui dậy đi, đi vòng vòng mấy cái hẻm gần nhà thôi. Xe cộ đi lại ít nên an toàn, không khí trong lành. Cũng là đi bộ, mà đi bộ buổi sáng thấy khoẻ hơn, thích hơn, thoải mái hơn đi bán vé số” – bà Thao cười nói.

 

Nói xong, bà còn vỗ tay vào bắp chân, đầu gối và khoe: “May mắn còn sức khoẻ mà đi làm, xương khớp không bị đau. Chồng tôi 61 tuổi rồi cũng còn khoẻ, ổng bán trái cây dạo, cũng hay đi bộ”.

Còn bạn Huỳnh Khắc Duy (24 tuổi, ngụ quận 12) đã tham gia lớp tập võ tự vệ được 8 năm. Năm 16 tuổi, Duy bắt đầu tham gia lớp võ và tập đều cho đến nay. Duy cho biết công việc buôn bán nên hằng ngày cũng phải đi tới đi lui nhiều, lúc họ giao hàng đến thì phải khuân vác hàng. Duy tập võ vừa để tự vệ, vừa để rèn luyện sức khoẻ.

“Hằng ngày tôi làm việc từ 7h sáng đến 19h, sau đó đạp xe đến câu lạc bộ võ tự vệ, tập 2 tiếng. Quãng đường đi chỉ khoảng 1km nhưng mình đi xe đạp cũng là kết hợp tập thể dục” – Duy chia sẻ.

Là nhân viên bảo vệ làm luân phiên cả ca ngày và đêm nhưng anh Phin vẫn duy trì thói quen đi bộ, đạp xe đạp cả chục năm nay. Anh bảo hôm thì đi buổi sáng, hôm thì đi buổi tối, có thời gian thì đi một tiếng, không thì tập chừng 30 phút.

Không tiếc tiền đầu tư cho sức khỏe

Là nhân viên tạp vụ cho một spa, bà Lê Thị Hiếu (53 tuổi, Q.7, TP.HCM) vẫn dành thời gian để đi tập thể dục thể thao. Cách đây hơn nửa năm, bà đăng ký tập thể thao tại phòng gym gần nhà với mục đích giảm cân, thon dáng.

“Tôi chạy bộ trên máy, tập vai, gập bụng…, trong đó có máy gì là tập hết. Bụng tôi khá to nên tôi cố gắng tập các động tác liên quan đến bụng nhiều hơn”, bà Hiếu chia sẻ.

Tập mấy tháng liền, cân nặng giảm không đáng kể nhưng bà thấy cơ thể săn chắc, tinh thần sảng khoái hơn. Đặc biệt, trước đây bà hay bị đau đầu, từ ngày tập thể dục thì không còn thấy đau nữa.

Lương đi làm mỗi tháng chỉ hơn 3 triệu đồng nhưng bà vẫn dành ra gần 300.000 đồng đóng tiền tập ở phòng gym. Bà còn tranh thủ ra công viên đi bộ lúc sáng sớm. Công việc tạp vụ chỉ làm theo giờ nên lúc ở nhà rảnh rỗi, bà lại thực hành các động tác tập cơ bụng, tay chân như ở trong phòng tập gym.

“Mấy đứa con đều khuyến khích tôi đi tập. Tập được thì sức khoẻ cải thiện, bớt bệnh, đỡ tiền mua thuốc. Tui tính sắp tới đi tập yoga với aerobic”, bà Hiếu nói.

Vận động phù hợp tuổi tác, công việc

Các chuyên gia y tế khuyên mỗi người nên có chế độ tập luyện phù hợp với điều kiện sống, thể chất, tuổi tác của mình. Chẳng hạn như đi bộ, đạp xe hay các bài tập thể dục đơn giản là hình thức tập luyện dễ thực hiện mà không tốn kém. Hoặc có thời gian thì chơi các môn thể thao như bóng chuyền, cầu lông, bóng đá…

Bác sĩ Phan Vương Huy Đổng – phó chủ tịch Hội Y học thể thao TP.HCM – khẳng định lao động dù là vận động chân tay nhiều nhưng không phải là tập luyện và không thể thay thế cho tập luyện được. Ví dụ như bê một vật nặng ở công trường, nhà máy khác với tập tạ trong phòng tập. Vì trong phòng tập, môi trường có sự trao đổi chất tốt, không khí trong lành, hít thở tốt, có thể tăng từ tạ 10kg lên 20, 30kg và nghỉ ngơi theo sức của mình.

Người lao động phổ thông phải thường xuyên hoạt động cơ bắp, hệ cơ xương khớp chịu lực nhiều. Trong khi đó, thời gian nghỉ ngơi hạn hẹp, lại không có điều kiện tốt nhất để luyện tập thể thao, thư giãn. Chính vì thời gian hạn hẹp nên những người lao động phổ thông càng nên phát huy tối đa thời gian rảnh rỗi để rèn luyện cơ thể, tăng cường thể lực.

Cỗ máy muốn hoạt động tốt cần phải được bảo trì, nghỉ ngơi, tra dầu mỡ thường xuyên, năng lượng phải đầy đủ. Con người cũng vậy, họ làm việc bằng cơ bắp nhiều thì cơ bắp của họ phải khoẻ mạnh, chịu được áp lực công việc. Vì thế, phải rèn luyện thể lực phù hợp thì mới lao động lâu dài được.

Mưu sinh vẫn tập luyện
Tập thể dục mỗi buổi sáng rất tốt cho sức khoẻ – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các bài tập buổi sáng cực tốt

Theo bác sĩ Huy Đổng, tập các bài tập buổi sáng sẽ giúp khởi động cho một ngày làm việc. Thứ hai là luyện tập góp phần tăng cường sức mạnh, sức bền cho hệ thống cơ xương khớp. Thứ ba là làm cân bằng tâm lý, giảm stress, căng thẳng. Không chỉ người lao động trí óc mới căng thẳng, mà người lao động chân tay cũng gặp căng thẳng, đặc biệt, áp lực lên cơ bắp, xương khớp là rất lớn.

“Người lao động phổ thông có thể tập các bài tập đơn giản 15-30 phút mỗi sáng và tối. Các bài tập nhóm vai cổ cho những người làm việc tư thế cúi, khom nhiều, bài tập về cột sống lưng cho người vận động nặng, thợ hồ”

Bác sĩ PHAN VƯƠNG HUY ĐỔNG

 

NGỌC LOAN – MINH PHƯỢNG