Sách giáo khoa phải viết cụ thể về cuộc chiến chống Trung Quốc
Bộ Lịch sử Việt Nam tái bản lần thứ nhất đã đưa ra những quan điểm tiến bộ, trong đó từ bỏ cách gọi chính quyền Việt Nam cộng hoà là nguỵ quân, nguỵ quyền và chỉ đích danh quân Trung Quốc xâm lược Việt Nam trong chiến tranh biên giới phía Bắc…
Sách giáo khoa phải viết cụ thể về cuộc chiến chống Trung Quốc
Bộ Lịch sử Việt Nam tái bản lần thứ nhất đã đưa ra những quan điểm tiến bộ, trong đó từ bỏ cách gọi chính quyền Việt Nam cộng hoà là nguỵ quân, nguỵ quyền và chỉ đích danh quân Trung Quốc xâm lược Việt Nam trong chiến tranh biên giới phía Bắc…
Xẻ núi đưa pháo lên điểm tựa trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc – Ảnh: ĐÀO VĂN SỬ |
Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc từ năm 1979 cần phải chỉ đích danh là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đánh Việt Nam. Không thể gọi là quân Trung Quốc tiến xuống hay tiến vào Việt Nam, bởi như vậy không nói lên được bản chất vấn đề. Sách giáo khoa lịch sử phải viết cụ thể về cuộc chiến này, chứ không thể viết dăm ba dòng như vậy thì ai có thể hiểu được? |
PGS.TS NGUYỄN MẠNH HÀ |
Tuổi Trẻ tiếp tục ghi nhận ý kiến của các nhà nghiên cứu lịch sử, cùng góp một góc nhìn để lịch sử Việt Nam được toàn diện hơn.
Ảnh: LÊ KIÊN |
* PGS.TS NGUYỄN MẠNH HÀ (nguyên viện trưởng Viện Lịch sử Đảng):
Phải công khai tôn vinh những người hi sinh vì chống quân Trung Quốc
Lâu nay chúng ta viết lịch sử theo định hướng, không thực sự phản ánh hết được sự thật lịch sử. Còn rất nhiều khoảng trống trong lịch sử như các nhà sử học từng nói.
Không thể vì chúng ta vào khai phá đất phương Nam từ thế kỷ 16 thì chúng ta chỉ viết từ thời điểm ấy. Vậy còn trước đó thì sao?
Hoặc lâu nay chúng ta chỉ viết về lịch sử của người Việt, mà ít viết về lịch sử các dân tộc thiểu số.
Tôi đã ủng hộ việc từ bỏ cách gọi chính quyền Việt Nam cộng hoà, chính quyền Sài Gòn là nguỵ quân, nguỵ quyền từ lâu rồi.
Cách gọi chính quyền này là “nguỵ” rõ ràng mang tính biểu cảm, miệt thị, vẫn còn hơi hướng của đấu tranh quan điểm.
Chính quyền Việt Nam cộng hoà có tham gia Liên Hiệp Quốc, tham gia các cuộc đàm phán Paris. Chúng ta phải thừa nhận có một thực thể chính quyền tồn tại như vậy.
Trước đây, do đấu tranh ý thức hệ, phía chính quyền Sài Gòn cũng gọi người lính miền Bắc là Việt cộng, Cộng quân…
Nhưng bây giờ cần thay đổi cách gọi với tinh thần hoà hợp, hoà giải dân tộc, không mang tính hằn thù, chia rẽ nữa.
Thời kỳ Việt Nam cộng hoà cũng rất có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Có những người lính Việt Nam cộng hoà đã chết vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền đất nước, chúng ta phải viết chứ không thể né tránh.
Những vụ việc như cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, vụ án xét lại chống Đảng… chúng ta phải viết. Nếu cứ thấy những vấn đề thường được gọi là “nhạy cảm”, có sai lầm mà tránh đi thì lịch sử sẽ không hoàn chỉnh.
Những cán bộ, chiến sĩ của ta đã chiến đấu, hi sinh trong cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược phải được tôn vinh như những người lính kháng Pháp, kháng Mỹ.
Vì sao họ ngã xuống lại không được nhắc đến? Phải công bằng với hi sinh của họ. Điều này cần thay đổi.
Ảnh: N.V.ANH |
Lịch sử không thể chỉ có những chiến công, thắng lợi. Bởi những sai lầm trong lịch sử cũng là bài học kinh nghiệm cho hiện tại và để tương lai không phạm phải nữa |
GS.NGND VŨ DƯƠNG NINH |
* GS.NGND VŨ DƯƠNG NINH (Đại học Quốc gia Hà Nội):
Phục vụ chính trị mà cắt xén lịch sử thì không còn là lịch sử nữa
Những vấn đề còn khuất lấp của lịch sử như vấn đề ba nền văn hóa cổ đại ở nước ta, các vương triều phong kiến, cuộc cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, chính quyền Việt Nam cộng hòa… thì trong giới sử học từng trao đổi nhiều, nhưng gần đây vấn đề này đã được nói rộng rãi, công khai.
Theo tôi, để có thể làm sáng tỏ được những khoảng trống lịch sử đó cần phải làm được ba điều sau đây:
Trước tiên, phải thu thập sử liệu khách quan. Có nhiều khoảng trống lịch sử có thể do chưa đủ tư liệu. Thu thập tư liệu là một quá trình lâu dài, không phải bỗng chốc mà có đầy đủ, nhưng cần trên tinh thần có tư liệu đến đâu thì trình bày (trong) lịch sử đến đó.
Thứ hai là phải thực sự tôn trọng tính khách quan của lịch sử. Bấy lâu nay, trong chừng mực nhất định chúng ta chưa hoàn toàn bảo đảm được điều đó khi viết sử.
Nguyên tắc tôn trọng tính khách quan của lịch sử là rất quan trọng với người nghiên cứu. Nói cho cùng, chưa thể khẳng định cái gì là hoàn toàn khách quan, nhưng phải từng bước tiếp cận gần nhất với sự thật lịch sử.
Thứ ba, phải hiểu cho đúng thế nào là sử học phục vụ chính trị. Để phục vụ chính trị mà cắt xén lịch sử thì không còn là lịch sử nữa.
Bất cứ ngành khoa học nào cũng đều phải phục vụ vấn đề chủ quyền, lãnh thổ, đất nước… nhưng đừng vì những điều đó mà cắt xén lịch sử, hoặc trình bày lịch sử một cách phiến diện.
Không thể cứ điều gì có lợi cho “ta” thì mới nói, còn những gì thực tế lịch sử diễn ra nhưng không có lợi cho “ta” thì lại không nói. Phải rạch ròi giữa hai chuyện nói xấu lịch sử và nói ra cái xấu trong lịch sử là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
Quan trọng hơn hết là những người nghiên cứu, chấp bút lịch sử phải dựa trên cứ liệu lịch sử thực chứng và có cái tâm, tức thái độ khách quan với các sự kiện lịch sử.
Những khoảng trống lịch sử trong sách giáo khoa cũng phải được san lấp nhưng tuỳ theo từng lứa tuổi, trình độ học sinh để đưa các sự kiện lịch sử cho các em có sự tiếp cận phù hợp.
Một bức ảnh không xa lạ trên mạng về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc |
Tiếp thu các quan điểm trên tinh thần cầu thị GS.NGND VŨ DƯƠNG NINH: Ngoài những tài liệu lịch sử Việt Nam, rất cần trân trọng những tài liệu và quan điểm lịch sử của các học giả nước ngoài viết về Việt Nam. Chúng ta nên tiếp thu trên tinh thần cầu thị, chứ không thể như bấy lâu nay ai khen thì ta tiếp nhận, ai chê thì ta không tiếp thu. Những góc nhìn của các học giả nước ngoài đôi khi làm cho chúng ta tỉnh ngộ vì họ có phương pháp nghiên cứu khác, cách nhìn khác. |
Những hình ảnh như thế này phải chăng đã đến lúc phải đưa vào sách giáo khoa? |
Nhìn thẳng vào lịch sử để hòa giải với quá khứ Câu chuyện xác lập quan điểm mới để làm sáng rõ những khoảng trống lịch sử Việt Nam dù đã được giới sử học bàn luận, nhưng chỉ thực sự thu hút sự quan tâm rộng rãi của công chúng khi GS Phan Huy Lê chính thức đưa ra tại trụ sở Ban Tuyên giáo trung ương tháng 2-2017. Một trong những luận điểm quan trọng nhất của GS Lê là: “Tất cả các nền văn hóa từng tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam đều là di sản của văn hóa Việt Nam, đều là bộ phận tạo thành của văn hoá Việt Nam”. Mới đây, câu chuyện cần viết sử một cách khách quan lại tiếp tục nóng lên bên lề buổi giới thiệu bộLịch sử Việt Nam tái bản lần 1. Lịch sử Việt Nam từ khởi thuỷ được ghi lại trong sử sách vốn đã có nhiều khoảng khuất. Nhưng lịch sử hiện đại Việt Nam lại càng có nhiều “vùng cấm” thật khó tìm được đầy đủ trong sách giáo khoa như cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, nạn thuyền nhân Việt Nam, vụ án xét lại chống Đảng, chính quyền Việt Nam cộng hoà, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc… Đành rằng các sử gia khi viết sử đều khó thoát ly hoàn toàn khỏi các yếu tố chính trị, nhất là với một đất nước phải trải qua chiến tranh nhiều như Việt Nam. Nhưng GS Phan Huy Lê đã phản biện quan điểm làm sử bị chính trị chi phối rằng lịch sử phải khách quan mới có thể tồn tại lâu dài. GS sử học Nguyễn Quang Ngọc cũng từng lo ngại việc môn sử được huy động như một môn minh họa cho chính trị đã làm mất đi thế mạnh của môn lịch sử, làm cho nó yếu kém. Vì vậy, việc công khai xác lập quan điểm viết sử mới của các sử gia Việt Nam lúc này thực sự rất cần thiết. Các vụ việc cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, xét lại chống Đảng… cần được nghiên cứu một cách khoa học. Chỉ có nhìn rõ những sai lầm trong quá khứ thì chúng ta mới tránh được vết xe đổ ấy trong tương lai. Nghiên cứu toàn diện về chính quyền Việt Nam cộng hoà sẽ giúp chúng ta rút ra được nhiều bài học cho sự nghiệp xây dựng đất nước hôm nay và thúc đẩy hoà hợp, hòa giải dân tộc. Quan trọng hơn, sách giáo khoa lịch sử cần phải cập nhật nhanh chóng những quan điểm sử học mới này. Nhìn thẳng vào sự thật lịch sử là cách tốt nhất và khôn ngoan nhất để hoà giải với quá khứ. |