11/01/2025

Những người ‘tay ngang’ phá án công nghệ cao

Dù không được đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin nhưng các điều tra viên đội 8 Phòng PC46 Công an TP.HCM đã phá nhiều “kỳ án” công nghệ cao trong cả nước.

 

Những người ‘tay ngang’ phá án công nghệ cao

 

Dù không được đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin nhưng các điều tra viên đội 8 Phòng PC46 Công an TP.HCM đã phá nhiều “kỳ án” công nghệ cao trong cả nước.

 

 

 

Những người 'tay ngang' phá án công nghệ cao
Nhóm người Nigeria cầm đầu đường dây lừa đảo tặng quà cùng các đồng phạm người Việt bị đội 8, PC46 bắt giữ năm 2016 – Ảnh

Từ môi trường mạng, nhiều băng nhóm tội phạm đã lừa đảo bằng nhiều mánh khóe: cơ hội trúng thưởng lớn, kết bạn bốn phương vừa có tình, vừa có tiền, lại có cơ hội định cư nước ngoài hay bỗng dưng bị hù liên quan tới tổ chức tội phạm xuyên quốc gia… khiến nhiều nạn nhân sập bẫy.

Hoạt động trong không gian ảo, mọi thông tin và hình ảnh của những tội phạm mạng đều là giả, việc tìm kiếm các đối tượng này như “mò kim đáy bể”.

Bằng quyết tâm và nỗ lực không ngừng, kể cả hi sinh tính mạng, các điều tra viên đội Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng (đội 8) - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46) đã lôi nhiều tội phạm mạng ra ánh sáng.

Ôm cú lừa đau đớn vì ”người tình online”

 

Đại uý Phạm Ân - điều tra viên đội 8 đã đúc kết được một kịch bản lừa đảo phổ biến mà công an thường phá án.

Đó là tình huống nhiều phụ nữ dùng mạng xã hội được chào mời, kết bạn với những quý ông ngoại quốc quý phái, sang trọng đang sống tại các nước phát triển ở châu Âu, Bắc Mỹ… Sau một thời gian kết bạn, tâm sự online thì hai bên phát sinh tình cảm, nói lời yêu thương.

“Người tình online” luôn là người đàn ông ga lăng, lịch sự, biết quan tâm, chiều chuộng hết mình với bạn tình qua mạng. Sau đó, người tình thường có nhã ý gửi quà tặng đắt tiền như điện thoại Iphone đời mới nhất, laptop, túi xách, nước hoa, đồ hiệu…

Và món quà “đặc biệt” khiến các chị em choáng ngợp là hàng trăm ngàn USD được đóng gói kín, đảm bảo che mắt hải quan và các loại máy soi chiếu của lực lượng chức năng sẽ được gửi về.

Những phần quà này được người tình online chụp hình gửi qua tin nhắn, email và cẩn thận dặn dò người yêu cẩn thận cất giữ, chờ ngày đoàn tụ, chung sống hạnh phúc.

Sau ngày bạn trai báo gửi quà, có hình ảnh kèm theo, những phụ nữ Việt sẽ nhận được thông báo của một người tự xưng nhân viên thuộc một công ty chuyển phát nhanh quốc tế nào đó rằng đã nhận hàng là phần quà đúng như hình ảnh mà người tình online đã gửi khiến họ tin tưởng ngay.

Sau khi miêu tả món quà, “nhân viên của hãng chuyển phát nhanh quốc tế” bắt đầu đề nghị người nhận chuyển một khoản tiền một vài ngàn USD “phí vận chuyển” để nhận hàng. Và những nạn nhân nhẹ dạ cả tin “sập bẫy”, đem tiền ra gửi vào tài khoản mà kẻ lừa đảo đã mở sẵn.

Theo Đại uý Phạm Ân, không chỉ bị lừa một lần mà nhiều phụ nữ đã gửi tiền hết lần này đến lần khác sau mỗi lần yêu cầu của “nhân viên chuyển hàng”. 

Đó là khi nạn nhân nghe nhân viên chuyển hàng đưa ra nhiều lý do trục trặc nguy cơ quà không thể về nếu không có chi phí tiếp như: hải quan phát hiện số ngoại tệ quá lớn, cần có tiền “bôi trơn”.

Gửi xong phí bôi trơn lần 1 thì nạn nhân lại tiếp tục bị đề nghị gửi thêm bởi hải quan “đòi chi thêm” có khi 2-3 lần rồi tiếp theo có thể là “công an kinh tế phát hiện, phải chạy”… 

Cứ như vậy, các nạn gửi tiền liên tục với hi vọng nhận được quà khủng cho tới khi nản và nghi ngờ lừa đảo mới báo công an.

Chỉ trong một vụ án mà đội 8 - PC46, Công an TP.HCM điều tra đã có hơn 50 phụ nữ là nạn nhân của một nhóm lừa đảo chuyên nghiệp do hai đối tượng người Nigeria cầm đầu cùng sự tiếp tay của nhiều người Việt Nam khác.

Nạn nhân bị lừa ít nhất trong vụ án này là 27 triệu đồng, người nhiều nhất tới hơn 2 tỉ đồng, tổng số tiền bị lừa trong vụ án này lên tới gần 10 tỉ đồng.

Những người 'tay ngang' phá án công nghệ cao
Đại úy Phạm Ân đang ghi lời khai của một nạn nhân bị lừa qua mạng bằng chiêu thức tặng quà, tiền – Ảnh: GIA MINH

Đại uý Ân chia sẻ, chiêu lừa này còn có những kiểu độc, lạ tới mức khó hiểu. Cụ thể, trường hợp của bà H. (sinh sống tại TP.HCM) làm đơn tố cáo một người đàn ông tự xưng tên J.O.H (quốc tịch Mỹ, là kỹ sư hàng hải đã ly dị vợ, có con gái 17 tuổi) mà bà làm quen qua mạng internet.

Sau vài tháng làm quen, tán tỉnh online, cả hai nói lời yêu thương và Jame hứa hẹn sẽ cưới và đưa bà qua Mỹ định cư.

Tháng 3-2016, người tình trong mộng thông báo đang ở Malaysia để thực hiện một dự án hốt bạc, dẫn dầu từ biển vào đất liền trị giá 4 triệu USD. J.O.H đề nghị bà H. chuyển tiền cho vay để đầu tư dự án, hứa sẽ trả lại trong vòng 5 tháng, khi trả tiền vay sẽ còn tặng thêm 500 ngàn USD nữa.

Say tình, tin lời hứa tặng 500 ngàn USD, bà H. đã lần lượt 14 lần chuyển tiền cho J.O.H tổng cộng hơn 10,7 tỉ đồng.

Sau khi nghi ngờ, tới tháng 7-2016, bà H. mới làm đơn tố cáo J.O.H nhưng ít tháng sau đó, bà H. lại rút đơn vì J.O.H… hứa sẽ thực hiện lời hứa.

Bỗng dưng mang nợ, là tội phạm xuyên quốc gia

Trung tá Trần Ngọc Ẩn - điều tra viên đội 8, PC46, Công an TP.HCM cũng chia sẻ chiêu lừa qua điện thoại mà nhiều nạn nhân dính bẫy trong thời gian qua.

Đó là chiêu sử dụng thiết bị đảo đầu số, hiển thị trên màn hình điện thoại người nhận theo ý muốn của các đối tượng lừa đảo mà khi nạn nhân gọi tới cơ quan chức năng theo số thực tế, nhóm này vẫn bắt được sóng và đóng vai cơ quan chức năng như thật để lừa.

Những người 'tay ngang' phá án công nghệ cao
Tang vật trong một vụ lừa đảo qua điện thoại bằng chiêu giả danh Công an doạ nạn nhân vướng đường dây tội phạm – Ảnh: GIA MINH

Thủ đoạn của các băng nhóm lừa đảo bằng chiêu thức này thường bắt đầu bằng việc một cuộc gọi tới điện thoại bàn của người dân, một phần mềm tự động chạy giọng nói của nữ nhân viên tự xưng là nhân viên của Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT).

“Nhân viên” này thông báo chủ thuê bao đang nợ một khoản cước phí lớn nhiều triệu đồng phải thanh toán gấp nếu không sẽ bị cắt liên lạc và chuyển hồ sơ cho Công an điều tra.

Nhiều người bực bội vì bị đòi nợ đã làm theo hướng dẫn của “tổng đài VNPT”, bấm số máy với “nhà mạng” để hỏi và cuộc gọi này được chuyển đến nhóm lừa đảo.

Tiếp đến, chủ thuê bao bị hù dọa có thể đang bị kẻ xấu mạo nhận danh để tham gia đường dây tội phạm, đang bị công an điều tra và đề nghị sẽ nhờ công an xác minh giúp rồi nối máy đến cơ quan công an cho chủ thuê bao trình bày. 

Sau đó sẽ có người xưng tên, chức danh là lãnh đạo của cơ quan công an nghe máy, “đánh phủ đầu” nạn nhân bằng thông báo họ nằm trong đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, có tài khoản ở ngân hàng chứa hàng trăm triệu hay hàng tỷ đồng, đề nghị hợp tác với cơ quan điều tra nếu không sẽ bị bắt.

Thế là, vì hoảng sợ nạn nhân sẽ tìm cách chứng minh mình không liên quan tổ chức tội phạm, tự khai báo tiền trong tài khoản ngân hàng.

 Từ đó, nhóm lừa đảo thay nhau đóng kịch, vừa dụ dỗ vừa đe doạ, khủng bố tinh thần làm nạn nhân chuyển tiền vào “tài khoản của cơ quan điều tra” để xác minh và đã trúng bẫy của nhóm lừa đảo.

Bị lừa hơn 52 tỷ đồng và 2 triệu USD 

Theo thống kê của PC46, Công an TP.HCM, chỉ trong năm 2016, đơn vị này đã tiếp nhận 97 đơn, tin tố giác tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Tổng số tiền thiệt hại do loại tội phạm này gây ra được ghi nhận là hơn 52,2 tỉ đồng, hơn 2 triệu USD và đây chỉ là con số được trình báo, tố giác chứ chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế.

GIA MINH