Vì sao học sinh giỏi thành trung bình, yếu?
Ngoài bài kiểm tra học kỳ ở bậc học nào cũng có, thì đến THCS, theo phân phối chương trình, HS phải thực hiện các bài kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút và một tiết.
Vì sao học sinh giỏi thành trung bình, yếu?
Ngoài bài kiểm tra học kỳ ở bậc học nào cũng có, thì đến THCS, theo phân phối chương trình, HS phải thực hiện các bài kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút và một tiết.
Nhiều phụ huynh cảm thấy sốc khi vào cấp học mới, con học giảm sút rõ rệt từ đó gây áp lực học hành cho con mà không biết rằng sự thay đổi môi trường học tập cùng với cách tiếp cận kiến thức, hình thức kiểm tra, đánh giá hoàn toàn khác biệt khiến không ít học sinh bỡ ngỡ.
Thay đổi môi trường mới
Những ngày đầu tiên bước vào bậc THCS, sợ sệt là tâm lý chung của học sinh (HS) lớp 6. Từ sự khác biệt đầu tiên này, ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1, TP.HCM), cho rằng các trường nên tổ chức buổi sinh hoạt đầu năm cho riêng HS và phụ huynh khối 6 để các em yên tâm khi bước vào môi trường mới. Ngoài giới thiệu về trường lớp, nội quy…, học trò sẽ được chia sẻ, hướng dẫn về cách học ở bậc THCS.
Từ việc chỉ học với giáo viên chủ nhiệm hoặc tối đa thêm giáo viên mỹ thuật, thể dục ở bậc tiểu học, bắt đầu vào lớp 6 HS sẽ học với gần 10 giáo viên bộ môn. Nếu ở bậc tiểu học, chủ yếu giáo viên hướng dẫn HS tiếp cận với kiến thức cơ bản thì khi vào THCS sẽ nâng cao và đẩy mạnh tính tự học, tự nghiên cứu, chuẩn bị bài, liên hệ thực tiễn. Đồng thời, mỗi giáo viên có phương pháp, hình thức giảng dạy khác nhau, HS phải tự biết cách làm quen, thích ứng.
TIN LIÊN QUAN
Năm 2018 sẽ có điểm sàn riêng cho ngành sư phạm
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, từ năm 2018, Bộ sẽ quy định điểm sàn riêng đối với các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên.
Ở cấp học này, lần đầu tiên tiếp cận với môn vật lý, sinh học, những bài học trừu tượng, đòi hỏi HS phải tập trung nghe giảng để nắm được bản chất của vấn đề, hiện tượng. Ở môn toán, tiếng Anh không còn là những phép tính đơn giản, mẫu câu thông thường. Đối với môn ngữ văn, dù tiếp nối kiến thức về văn miêu tả, kể chuyện, nhưng nếu trước đó, HS làm các bài kiểm tra kể chuyện đời thường thì nay từ khả năng cảm thụ, suy nghĩ, óc sáng tạo, học trò kể câu chuyện về truyền thuyết, cổ tích… Ngoài ra, giáo viên cũng không còn ra các câu hỏi theo kiểu thuộc lòng mà sẽ là các câu hỏi gắn liền với vấn đề, nội dung của tác phẩm, liên hệ thực tế…
Ngoài bài kiểm tra học kỳ ở bậc học nào cũng có, thì đến THCS, theo phân phối chương trình, HS phải thực hiện các bài kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút và một tiết.
Giáo viên Huỳnh Lê Ý Nhi, Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho hay bài kiểm tra đầu tiên sẽ được thực hiện sau một tháng kể từ khi năm học mới bắt đầu. Thời điểm này vẫn là giai đoạn HS chưa thể bắt nhịp với hình thức học tập mới nên để đạt điểm 8 có phần trầy trật, điểm 5 hoặc 4 là chuyện bình thường. Như vậy, phụ huynh hãy chia sẻ, đồng hành, động viên con em trước sự thay đổi lớn lao này.
Tâm lý chủ quan
Học giỏi cấp THCS nhưng khi vào lớp 10 rất nhiều HS bị tụt hạng thậm chí bị trầm cảm.
Trần Gia Khang, HS Trường THPT Lê Hồng Phong (Q.5), chia sẻ: “Khi đăng ký thi lớp 10, em thấy bạn đăng ký vào THPT chuyên Lê Hồng Phong nên cũng đăng ký theo chứ hoàn toàn không có định hướng thi vào trường này trước đó. Tuy nhiên, khi thi đậu và vào học rồi, em mới thấy học ở đây có quá nhiều áp lực. Với môn chuyên, chúng em phải học tới 12 tiết/tuần tính cả tiết học thường lẫn học chuyên. Có khi trường mời các giáo sư, tiến sĩ về dạy cho đội tuyển thì chúng em cũng phải học luôn. Lúc này, thời gian học của chúng em thay đổi rất nhiều so với khi còn học THCS”.
Khang cho biết: “Không chỉ khối lượng kiến thức thay đổi mà cách chấm điểm của giáo viên bậc THPT cũng khiến chúng em gặp nhiều sự hụt hẫng. Nếu như THCS điểm 9 – 10 xuất hiện thường xuyên trong các bài kiểm tra thì lên THPT dù đã cố gắng hơn nhưng phần lớn điểm số chỉ rơi vào điểm 7 – 8. Mặt khác, trước đây khi em được giải trong các kỳ thi HS giỏi thì cảm giác là được mọi người tung hô. Còn khi lên lớp 10, đặc biệt lại học ở lớp chuyên nên giải thưởng là chuyện rất bình thường. Thậm chí, nhiều bạn còn có giải cao hơn mình khiến em buộc phải cố gắng, nỗ lực gấp đôi nhưng kết quả cũng không được như ý”.
Nguyễn Văn Dương, HS Trường THPT Marie Curie (Q.3), cũng gặp phải rất nhiều khó khăn khi vừa chuyển cấp. Dương chia sẻ: “Khi còn học THCS em luôn là HS giỏi, nhưng lên lớp 10 thì bị tụt xuống hạng trung bình. Lý do là cách học ở THCS khác rất nhiều so với THPT. Thêm vào đó, thay đổi môi trường học, bạn mới, trường mới nên chúng em chưa thể hòa nhập được ngay”. Dương nói thêm: “Nếu trước khi bước vào năm học mới chúng em được tham gia các hoạt động phong trào, được tiếp xúc làm quen bạn trong lớp và được tiếp cận trước với một số cách học, làm việc nhóm, thuyết trình… thì có thể kết quả học tập sẽ tốt hơn”.
TIN LIÊN QUAN
Cô bé khiếm thị được tuyển thẳng vào Nhạc viện TP.HCM
Cô bé khiếm thị Đỗ Nguyễn Anh Thư, 15 tuổi, quê ở tỉnh Kiên Giang đã có cơ hội chạm đến ước mơ của mình khi được tuyển thẳng vào Nhạc viện TP.HCM.
Ông Nguyễn Hùng Khương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), cũng nhìn nhận việc HS lớp 9 vừa chuyển vào lớp 10 sẽ không tránh khỏi những chông chênh do có khá nhiều thay đổi. Điều quan trọng là ở giai đoạn này HS phải chuẩn bị tâm lý cho những thay đổi để chủ động thích nghi. Ông Khương chia sẻ: “Khi mới vào lớp 10, không ít HS còn giữ thái độ chủ quan. Có em tự cho phép mình nghỉ ngơi thêm vài tháng vì vừa trải qua kỳ thi khá vất vả mà không chú ý cố gắng ngay từ đầu. Chính vì vậy khi nhìn lại thì mình đã bị tụt so với bạn cùng lứa. Để lấy lại kiến thức sẽ rất mất rất nhiều thời gian, thậm chí khiến các em cảm thấy áp lực và mệt mỏi”.
Cũng theo ông Khương, THPT là giai đoạn có tính phân hóa kiến thức rõ rệt. Ở giai đoạn này, HS cần có những định hướng rõ ràng về việc phân ban để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia nên lượng kiến thức sẽ sâu và rộng hơn nhiều so với khi còn học THCS. Hơn nữa, cách trình bày, phân tích vấn đề cũng khác nhiều so với cấp học dưới. Chính vì vậy, mỗi HS cần lên kế hoạch học tập rõ ràng. HS cần làm quen với các phương pháp tự học, tự nghiên cứu và chủ động để tìm hiểu kiến thức.
Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Lệ Chi, Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Lý Tự Trọng (TP.HCM), chia sẻ: “Phụ huynh nên chuẩn bị tâm thế cho con em trước khi bước vào bậc học này. Cần quan tâm đến việc học tập, tránh tối đa việc la mắng, trách cứ khi con không hoàn thành yêu cầu của thầy cô khiến trẻ tự ti. Vì tâm lý của lứa tuổi chuyển tiếp từ tuổi thơ sang tuổi trưởng thành, có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ. Phụ huynh cần định hướng, tạo áp lực nhất định để trẻ phát huy hết năng lực và học tập nghiêm túc, làm quen với việc tự giác trong học tập, thực sự hứng khởi với việc học chứ không phải là ép buộc học theo mong muốn của người lớn”.
|
Bích Thanh – Lam Ngọc