Ông Hồng nói thêm: “Người trúng tuyển mức điểm đó rồi sẽ ra làm thầy. Người thầy có vai trò lớn trong việc quyết định chất lượng dạy và học trong nhà trường, thầy giỏi mới có học sinh giỏi. Một nhà giáo không phải là người học giỏi ở phổ thông rõ ràng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giảng dạy sau này”.
Ảnh hưởng lớn đến thế hệ mai sau
* Thưa ông, ông đánh giá 3 điểm/môn sẽ tạo ra thế hệ nhà giáo như thế nào?
– Chất lượng đầu ra bằng chất lượng đầu vào (hiện được đánh giá bằng điểm số) cộng các điều kiện tổ chức giảng dạy trong
quá trình đào tạo. Quá trình này tốt đến mấy cũng khó vực dậy được chất lượng đầu ra khi đầu vào thấp.
* Nghĩa là 3 điểm/môn không thể đào tạo ra những nhà giáo giỏi trong tương lai?
– Chắc chắn. Nếu “lạc” vào đâu đó người thầy giáo giỏi thì hi hữu. Đầu vào như thế không thể nào đào tạo ra giáo viên giỏi được. Đặc biệt, đối với những ngành học đòi hỏi tư duy, tính toán như toán, vật lý, hoá, sinh… mà kiến thức nền yếu thì rất khó.
Đó là chưa kể vốn xuất phát điểm không cao, những sinh viên ấy sẽ khó khăn trong việc tiếp thu thêm kiến thức ở trường sư phạm. Khi chuyên môn không tốt thì để nghiệp vụ giỏi sẽ không dễ dàng.
* Theo ông, điểm tuyển sư phạm như vậy sẽ để lại những hệ quả gì cho tương lai?
– Ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ mai sau. Chỉ ba năm sau, những sinh viên cao đẳng này ra trường. Nếu năm sau, năm sau nữa… vẫn tuyển như thế thì sẽ có hàng chục ngàn giáo viên ra trường với điểm tuyển thấp. Đây là một con số không nhỏ.
Tôi đề nghị bộ trưởng Bộ
GD-ĐT phải mạnh tay hơn trong việc tuyển đầu vào các trường sư phạm. Nếu học kém thì đi làm ngành nghề khác chứ không để làm giáo viên.
Hiện có những trường đại học đào tạo giáo viên, nhất là các trường cao đẳng sư phạm đào tạo giáo viên – điểm chuẩn trúng tuyển rất đáng lo ngại. Phải thấy rằng các sinh viên cao đẳng sư phạm ra làm thầy phải dạy bốn khối lớp từ lớp 6 đến lớp 9 bậc THCS. Bậc học này ở nước ta gần như 100% trẻ trong độ tuổi đến trường đều đi học, và giáo viên yếu nhất sẽ tập trung ở đây khi đầu vào các trường cao đẳng sư phạm thấp.
|
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng – Ảnh: N.HÙNG |
Nếu có việc làm ngay như công an, quân đội…
* Theo ông, căn nguyên của điểm chuẩn sư phạm tụt dốc như năm nay là do đâu?
– Tôi cho rằng một phần do tình trạng việc làm, nhất là xin việc làm. Cần phải điều tra cơ bản về giáo viên ra trường không có việc làm. Nhu cầu xã hội ít mà tuyển sinh vượt cầu thì thất nghiệp là đúng rồi.
Ở một số quốc gia phát triển mà tôi biết, những sinh viên giỏi nhất ở trường sư phạm được quyền lựa chọn giảng dạy ở những trường mình yêu thích. Ở ta, tôi cũng nghĩ nên làm như vậy, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi có quyền lựa chọn nơi dạy học. Như vậy, ai học tốt sẽ có cơ hội việc làm nhiều hơn. Tất nhiên, Nhà nước sẽ điều động bằng ưu đãi để chọn người giỏi giảng
dạy ở miền núi, hải đảo, vùng khó khăn.
Nếu sinh viên sư phạm ra trường có việc làm như ngành công an, quân đội thì tôi tin chắc điểm đầu vào sẽ nhích lên. Chứ như hiện nay, sinh viên có bằng giỏi của những trường sư phạm lớn vẫn không xin được việc.
* Ông có nghe nơi này, nơi kia sinh viên ra trường phải có cả trăm triệu đồng để xin một “chân” giáo viên không?
– Tôi nghe qua đồng nghiệp của tôi chuyện phải “chạy” mới được làm giáo viên ở các trường phổ thông là có.
* Ông bình luận gì về hàng vạn cử nhân sư phạm thất nghiệp?
– Khi nghe báo chí nói về tình trạng không có việc đúng nghề của sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp, tôi có nói với vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học: cần phải có thống kê chính xác về tình trạng này, bởi nó ảnh hưởng lớn đến ngành giáo dục.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng cần phải kế hoạch hóa đào tạo sư phạm. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang giao chỉ tiêu cho các trường theo kiểu một giảng viên quy đổi ra bao nhiêu sinh viên. Cách tính toán như vậy chỉ đúng khi cung và cầu không mâu thuẫn. Cần phải quan tâm tới nhu cầu xã hội. Nhu cầu sử dụng giáo viên giảm thì phải bớt giảng viên, bớt chỉ tiêu đào tạo, thậm chí phải đưa giảng viên qua làm việc khác, đào tạo ngành nghề khác có nhu cầu.
Để người giỏi
vào sư phạm
* Để người giỏi chọn vào sư phạm, theo ông cần làm gì?
– Về mặt chính sách, cần thay đổi theo mức tăng thu nhập cho giáo viên và các viên chức làm việc trong ngành giáo dục, cải thiện chế độ việc làm và cả quan tâm đến tôn vinh nhà giáo. Rất nhiều thầy cô có lương tâm, nhưng ngưỡng của cái lương tâm ấy còn phụ thuộc vào sự quan tâm của Nhà nước thông qua chính sách giáo dục, một phần là trách nhiệm của xã hội trong việc tôn vinh người thầy kể cả về tinh thần và vật chất. Nếu không đạt được cái đấy thì rất khó thu hút vào ngành sư phạm.
Còn một yếu tố nữa, đó là cần làm thế nào để người trẻ thấy được vào học các trường sư phạm để trở thành thầy giáo là cống hiến của bản thân cho ngành giáo dục, góp phần thay đổi đất nước. Khi nào có những người trẻ hiểu thêm điều này sẽ có thêm những người giỏi làm thầy mà không phải vì sự đối đãi vật chất, tiền bạc.
* Từng là hiệu trưởng của một trường sư phạm trọng điểm, nếu có người hỏi ông bao giờ sư phạm có điểm chuẩn vào tốp đầu, ông sẽ trả lời thế nào?
– Bao giờ thu nhập của thầy cô giáo đủ để sống tốt, bao giờ vị thế của thầy cô giáo về mặt tinh thần thể hiện tôn sư trọng đạo một cách đúng mức nhất thì lúc bấy giờ điểm chuẩn vào trường sư phạm sẽ cao thôi. Không thể
nói đúng thời gian theo năm tháng được.
* TS Hoàng Mai Khanh(trưởng khoa giáo dục ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM):
Không có giáo viên giỏi sẽ không có giáo dục chất lượng
Tôi rất lo khi thấy điểm chuẩn vào các ngành sư phạm quá thấp tại một số trường đại học, cao đẳng ở các tỉnh. Không có các giáo viên giỏi sư phạm, chuyên môn, thấu hiểu về giáo dục và tâm huyết, không thể có giáo dục chất lượng, dù chương trình phổ thông mới đang được hoàn thiện theo hướng hiện đại, tích cực.
Ngành giáo dục cần tìm được các giải pháp mang tính dài hạn để nâng cao vị thế người thầy trong xã hội: nâng cao chất lượng của giáo viên qua các khóa đào tạo bồi dưỡng thật sự nghiêm túc, khoa học và chất lượng cao, cải cách chính sách, chế độ đãi ngộ giáo viên… Khi đó mới có thể thu hút người giỏi chọn ngành sư phạm.
* Giáo viên Đào Khởi (Đồng Nai):
Để không còn
“chuột chạy cùng sào”
Để nền giáo dục phát triển, hội nhập quốc tế mạnh mẽ, ngay từ bây giờ Bộ GD-ĐT cần quy hoạch lại các trường đào tạo giáo viên. Loại bớt, chỉ để những trường sư phạm nổi tiếng, những trường trọng điểm của vùng có chất lượng, uy tín.
Song song đó, tuyển dụng cần minh bạch, công khai, công bằng, thu hút nhân tài bằng chế độ đãi ngộ cao. Và không thể chậm trễ được nữa, bộ sớm tham mưu với Chính phủ về chính sách, chế độ tiền lương đặc biệt, tiền thưởng… cho giáo viên. Làm được như vậy thì mới mong học sinh không quay lưng với ngành sư phạm. Nếu không tình trạng “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” sẽ vẫn mãi là điệp khúc mỗi mùa tuyển sinh.
|
HÀ BÌNH thực hiện