28/11/2024

Xót xa ‘đường hành quân’ của thầy cô vùng cao

“Khép lại trang báo ngày chủ nhật, ám ảnh mãi trong tôi dòng suối sau cơn lũ, những chiếc xe máy ngã nằm chỏng chơ trên đường…Tôi đã ngồi im lặng thật lâu, thương rất nhiều và nghĩ cũng rất nhiều”.

 

Xót xa ‘đường hành quân’ của thầy cô vùng cao

“Khép lại trang báo ngày chủ nhật, ám ảnh mãi trong tôi dòng suối sau cơn lũ, những chiếc xe máy ngã nằm chỏng chơ trên đường…Tôi đã ngồi im lặng thật lâu, thương rất nhiều và nghĩ cũng rất nhiều”.

 

 

 

Xót xa 'đường hành quân' của thầy cô vùng cao
Cầu qua suối đã bị lũ cuốn đi mất, các thầy sang Nậm Ngà bằng bè nứa – Ảnh: ĐÀO THỊ PHƯỢNG

LTS: Bài báo “Gian nan này ai thấu thầy cô” trên Tuổi Trẻ ra ngày 13-8 đã chia sẻ câu chuyện của cô giáo Đào Thị Phượng (giáo viên dạy văn Trường phổ thông dân tộc bán trú – THCS Nậm Ngà, Mường Tè, Lai Châu) cùng các đồng nghiệp của mình vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ đến bản Nậm Ngà để chuẩn bị cho năm học mới. 

Sau khi đăng bài báo trên, nhiều bạn đọc, trong đó có các thầy, cô giáo đã chia sẻ câu chuyện này với sự xúc động và khâm phục hành trình mang con chữ đến với học trò ở các bản làng vùng sâu, vùng xa…

“Thương các bạn đồng nghiệp của mình thật nhiều”, bạn đọc Nhựt Trần chia sẻ. Còn bạn đọc Phạm Thiết Hùng viết “từ Sài Gòn” đã: “Xin gửi tới các thầy giáo, cô giáo nơi miền biên viễn sự chia sẻ vui buồn cùng các đồng nghiệp của tôi. Dẫu biết còn nhiều cực khổ, hiểm nguy đang rình rập các thầy, các cô giáo…

Các đồng nghiệp hãy dạy cho chú bé Sùng biết cái chữ, để trở thành người chiến sĩ bảo vệ biên cương; để cô bé Hoa… biết cái chữ sau này thành cô giáo cắm bản, tiếp bước thầy, cô giáo đã dạy mình. Đồng nghiệp ơi, đừng khóc nhé!”.

 

Bên cạnh sự đồng cảm “Không yêu nghề mến trẻ thì sao có thể làm được”, bạn đọc Nguyên Trí cũng mong muốn: “Chính quyền từ địa phương đến trung ương có chính sách, chế độ hỗ trợ thật tốt cho thầy cô và cả cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông thật an toàn, đáp ứng nhu cầu đi lại những trường lớp ở vùng sâu, vùng xa và khó khăn”.

Tuổi Trẻ xin chia sẻ thêm tâm sự của các giáo viên sau bài báo này:

Thầy Nguyễn Đức Thạch 
(giáo viên dạy văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Ninh Thuận):

Những đồng nghiệp tôi chẳng bao giờ bỏ cuộc

Đi “phượt” ở miền núi phía Bắc nhiều lần cùng bạn bè nên đã trải “cảm giác” khi phải khiêng, kéo, dắt, đẩy con ngựa sắt qua những cung đường gian nan, nhưng sau khi xem clip của cô giáo Đào Thị Phượng tôi vẫn phải thốt lên 
“khủng khiếp”!

Dẫu có “máu lửa” tới đâu, những kẻ lang thang xê dịch vẫn còn nhiều lựa chọn và đơn giản nhất là… bỏ cuộc.

Còn những đồng nghiệp của tôi, họ không thể lựa chọn và cũng chẳng bao giờ bỏ cuộc, bởi cái “khủng khiếp” ấy là con đường duy nhất để họ vào bản, đến trường và làm nghĩa vụ của mình.

Để lấp đầy khoảng trống tri thức cho những làng bản xa xôi ấy, biết bao thầy cô đã xem những điều khủng khiếp ấy là chuyện thường ngày ở huyện. Vậy nhưng, những “nhà giáo nhân dân đích thực” ấy có mấy ai được ghi nhận công lao?

Hãy thử một tuần làm giáo viên cắm bản, hãy thử một lần cùng họ đi trên “con đường đến trường” trong mùa mưa lũ, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ khác về khái niệm “ưu tiên” hay chuyện “bỏ biên chế”. Điều quan trọng là bạn có dám thử hay không mà thôi.

Những hình ảnh của các bạn đồng nghiệp trong clip thực sự khiến tôi cảm phục và cả xót xa!

Thiên Hoàng(giáo viên dạy văn tại TP.HCM):

Chúng tôi đầy đủ tất cả, còn các bạn lại thiếu tất cả

Khép lại trang báo ngày chủ nhật, ám ảnh mãi trong tôi dòng suối sau cơn lũ, những chiếc xe máy ngã nằm chỏng chơ trên đường. Đặc biệt đôi mắt của cô giáo Đào Thị Phượng, đôi mắt như một dấu hỏi xoáy vào lòng người. Tôi đã ngồi im lặng thật lâu, thương rất nhiều và nghĩ cũng rất nhiều.

Con đường đến trường của các bạn chẳng khác gì con đường hành quân của những người lính thời kháng chiến, không chỉ tính bằng sức lực mà bằng cả tính mạng. Giáo viên ở thành phố chúng tôi chỉ lo dạy các em về kiến thức, nhân cách và truyền cảm hứng thấy đã quá vất vả và lắm điều trăn trở âu lo.

Còn các bạn đó lại là khâu cuối của cả một chặng đường dài đầy gian nan. Cùng một lúc vừa phải làm lao công dọn dẹp, phu khuân vác, vận động viên trò chơi mạo hiểm, người bảo mẫu, người bảo vệ biên giới… rồi mới đến chức năng người thầy người cô.

Chúng tôi đầy đủ tất cả còn các bạn lại thiếu tất cả. Xin được bày tỏ sự khâm phục, ngưỡng mộ, sự chia sẻ với những gì mà các bạn đã trải qua. Các bạn mới đích thực, mới thật sự xứng đáng với danh hiệu Nhà giáo 
nhân dân cao quý.

Xót xa 'đường hành quân' của thầy cô vùng cao
Cô giáo Đào Thị Phượng – Ảnh: NVCC

Cô giáo Đào Thị Phượng: Sẽ bám trường, bám lớp vì học sinh thân yêu…

Sau khi báo đăng, tôi rất xúc động khi nhận được sự chia sẻ từ người thân, bạn bè cùng bạn đọc báo Tuổi Trẻ cả nước. Người thân, bạn bè nói biết tôi công tác ở vùng khó khăn nhưng không nghĩ lại khó khăn như vậy.

Nhiều lời chia sẻ nhưng tôi ấn tượng nhất là lời động viên của mẹ tôi. Tôi bảo chị gái tôi vào mạng đọc báo. Rồi chị tôi đưa hình ảnh, clip cho mẹ tôi xem. Mẹ tôi gọi điện cho tôi, bảo: “Mẹ nghĩ con đi làm xa xôi thôi chứ không nghĩ nguy hiểm như thế. Thôi con cố gắng công tác tốt”.

Rồi mọi người động viên tôi cố gắng vượt qua khó khăn, mang chữ đến cho học sinh vùng cao.

Cũng rất vui là sau khi đọc báo, nhiều bạn học sư phạm cùng tôi ngày trước nhắn tin: “Rất tự hào, ngưỡng mộ vì lớp mình có một cô giáo hết lòng vì học sinh như bạn”.

Qua Facebook, có nhiều người giới thiệu ở TP.HCM, Bình Dương ngỏ ý hỗ trợ quần áo cho học sinh trường tôi. Rồi một nhà sư cũng hỏi về khó khăn cơ sở vật chất của trường để hỗ trợ.

Tôi muốn gửi đến mọi người lời cảm ơn chân thành đã chia sẻ những khó khăn với giáo viên vùng cao chúng tôi. Năm học mới chuẩn bị bắt đầu, dù khó khăn đến đâu chúng tôi cũng sẽ bám trường, bám lớp vì học sinh thân yêu…

TUỔI TRẺ