29/11/2024

Bảo tàng thấu cảm

Một nhóm học sinh, sinh viên đã phỏng vấn và tổ chức hiện vật cho Bảo tàng thấu cảm để người xem có thể hiểu hơn về những người có hoàn cảnh đặc biệt như lưỡng tính, nghiện ma tuý, bị trầm cảm, tự tử…

Bảo tàng thấu cảm

Một nhóm học sinh, sinh viên đã phỏng vấn và tổ chức hiện vật cho Bảo tàng thấu cảm để người xem có thể hiểu hơn về những người có hoàn cảnh đặc biệt như lưỡng tính, nghiện ma tuý, bị trầm cảm, tự tử…




Người xem đến chìm trong câu chuyện bảo tàngẢNH: TRINH NGUYỄN

Bí mật trong chiếc hộp
N.H (18 tuổi) mặc quần bò ngắn, đi tất lưới mắt to, đeo vòng cổ choker có hình trái tim ở giữa. Cô đến Bảo tàng thấu cảm tổ chức tại toà nhà Lotte Keangnam (Hà Nội) để xem những hiện vật của cuộc đời thần tượng mình – nữ blogger thời trang Plaaastic. “Em và chị ấy đều có vấn đề về tâm lý giống nhau và có thể hiểu cho nhau”, H. nói nhưng từ chối tiết lộ vấn đề đó là gì.
Trong đoạn ghi âm, Plaaastic nói khá nhanh, hơi giật cục. Xen lẫn tiếng cô là tiếng bật lửa xẹt xẹt. Cô nói về gia thế nổi tiếng và giàu có của mình, giàu đến mức cô không bao giờ phải nhặt điều khiển ti vi nếu làm rơi, người giúp việc sẽ làm thay. Nhưng thơ ấu của cô là khoảng thời gian đằng đẵng hàng tháng trời mới được gặp cha mẹ. Sau đó, Plaaastic bị lạm dụng tình dục lần đầu năm 9 tuổi, đấy cũng không phải lần cuối cùng. “Mình cứ lặp đi lặp lại mãi và mình có thể cảm nhận được việc nếu cuộc sống năm 9 tuổi đã không tốt thì sau này nó cũng không tốt hơn nhiều. Mình bắt đầu trầm cảm. Mình bắt đầu tự hoại”, cô nói.
Có 6 câu chuyện về những mảnh đời như thế tại Bảo tàng thấu cảm. Những băng ghi âm được xếp cùng với các hiện vật về cuộc đời nhân vật do họ tự chọn trong một chiếc hộp trắng. Có người tiết lộ danh tính như Plaaastic, có người không. Nhưng câu chuyện họ kể đều thật. Đó là những khoảng tối hoang mang khi họ mắc bệnh hiểm nghèo hoặc sang chấn tâm lý vì bị cưỡng bức, bị ghẻ lạnh vì nghiện hút, bị nhiếc móc lừa đảo tình cảm…
 

Chẳng hạn, câu chuyện của cô gái có mái tóc dài mắc bệnh ung thư là nỗi tiếc nhớ mái tóc. Hiện vật của cô chọn cũng có mái tóc giả hơi xoăn nhẹ cùng bức tranh Phật do bạn bè vẽ tặng. Trong những hiện vật mà Plaaastic mang đến để kể về mình có đôi giày màu trắng đế cao tới 20 cm, một túi nhỏ ghi chú thích “Ma túy”, một quyết định thuận tình ly hôn của người thân. Có nhân vật lại chọn những bức hình với hàng loạt vết thương trên cơ thể còn tươi đỏ. “Đó đều là những hiện vật do nhân vật tự chọn. Nhiều người mang giày, dép tới. Đó là vì chúng gắn với họ một quãng đường dài”, Marilyn Phạm Dacusin – một thành viên Ban tổ chức bảo tàng, nói.

Thấu cảm
Bảo tàng thấu cảm rõ ràng là một triển lãm có những hiện vật, câu chuyện nhạy cảm. “Mình không mong muốn là người ta có thể ngay lập tức phải đồng ý, nó là tự nhiên hay nó là những thứ cần được thừa nhận, cần được hiểu”, Gấu Mèo – một nhân vật của triển lãm nói. Gấu Mèo đã chịu nhiều kỳ thị vì cô là người đa ái (người có mối quan hệ yêu đương với nhiều hơn 1 người trong cùng thời điểm).
Mặc dù vậy, người xem triển lãm lại khá cảm thông. “Em tin rằng bản chất con người là tốt nên khi làm triển lãm này thì mình có thể hiểu hơn câu chuyện về người đó. Có khi trách họ là điều không nên mà cần chia sẻ với họ hơn”, Mạnh Quân, 19 tuổi, du học sinh năm thứ 2 ở Mỹ, nói.
Thanh Mai (32 tuổi), giảng viên đại học, cho biết cuộc sống của chị khá suôn sẻ. Trước đây, chị thường phân chia đúng sai khá rạch ròi và duy lý. Tuy nhiên, khi đến Bảo tàng thấu cảm, chị ấn tượng câu chuyện của Cá. Cá bị ảo giác, sau đó bị hiếp dâm, rồi đi làm điếm. “Tôi cảm thấy nếu bạn ấy chia sẻ được những khó khăn của mình với ai đó thì có thể đã không trượt vào vũng lầy cuộc đời quãng thời gian sau này. Nhưng có lẽ trong thời gian đó, bạn bè, bố mẹ không chia sẻ được. Bạn ấy cũng nghĩ mình có thể tự vượt qua được. Thế nhưng, cuối cùng thì không”, Mai nói.
Triển lãm chỉ diễn ra trong một ngày 13.8, vì thế nhiều người muốn xem mà đành chịu. Đến chiều cùng ngày vẫn còn rất nhiều người xếp hàng dài chờ xem nghe do lượng tai nghe ít. Tuy nhiên, cũng có sự phân hóa ý kiến về việc có nên mang hình ảnh hiện vật, ghi âm này công bố trên trang Facebook của sự kiện không. “Theo tôi, việc đưa lên mạng xã hội thì không nên vì rất khó kiểm soát. Nếu các nhân vật này đọc được những gì cộng đồng bình luận về mình, họ sẽ rất dễ bị tổn thương. Vì thế, nên tổ chức nhiều sự kiện này ở nhiều địa điểm. Khi đó, người thực sự muốn thì họ sẽ đến”, Phạm Thùy Dung, 21 tuổi, ĐH Y Hà Nội, gợi ý.
Bảo tàng thấu cảm - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

Bảo tàng tìm cách ‘hái’ ra tiền

Sáng nay 21.7, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) tổ chức hội thảo Kinh nghiệm tự chủ tài chính để bàn việc làm sao thu hút khách tham quan, tạo ra nguồn thu phục vụ hoạt động hiệu quả, không phụ thuộc vào ngân sách…

 

Trinh Nguyễn