29/11/2024

Báo Mỹ viết về nạn tranh giả ở VN

Nhà báo Mỹ Richard C.Paddock đã đề cập trình trạng tranh giả Việt trong bài báo đăng trên tờ The New York Times (Mỹ) ra ngày 11.8.

 

Báo Mỹ viết về nạn tranh giả ở VN

Nhà báo Mỹ Richard C.Paddock đã đề cập trình trạng tranh giả Việt trong bài báo đăng trên tờ The New York Times (Mỹ) ra ngày 11.8.




Bức tranh The young beggar thật (trái) và tranh giả, mạo danh Tô Ngọc Vân (phải)ẢNH: NYTIMES.COM

Bài báo có tên Nghệ thuật Việt chưa bao giờ được ưa chuộng nhiều như thế, nhưng thị trường tranh thì ngập đồ giả có đoạn: Phát hiện của hoạ sĩ Thành Chương đã lộ ra một vụ bê bối làm rung chuyển cả giới mỹ thuật Việt và nêu bật một sự thật đáng xấu hổ: thị trường mỹ thuật Việt (nơi từng có những bức tranh vẽ trước chiến tranh, gần đây có giá cả triệu USD) lại đầy rẫy những dối trá.
Hai nhà đấu giá lớn thế giới là Christie’s và Sotheby’s cùng vị cố vấn làm việc cho cả hai nhà này cũng rao bán những bức tranh mà sau này bị các chuyên gia mỹ thuật tố là giả.
Một số danh họa VN đang ngày càng được quốc tế quan tâm, đặc biệt là những người học Trường Mỹ thuật Đông Dương chịu ảnh hưởng của Pháp trước chiến tranh thế giới thứ 2. Cái hay nhất của họ là đã kết hợp được phong cách và chủ đề cổ điển châu Á với các xu thế ấn tượng hậu châu Âu, và các tác phẩm của họ luôn có giá cao. Như vào tháng 4 qua, một bức tranh của danh họa Lê Phổ cuối thập niên 1930 đã được bán với giá gần 1,2 triệu USD tại nhà đấu giá Sotheby’s ở Hồng Kông, phá vỡ kỷ lục 844.000 USD một bức tranh khác của ông năm 2014.
 

Báo Mỹ viết về nạn tranh giả ở VN - ảnh 1

Một góc triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu bị tố là giả

Những nhà giàu mới nổi tại VN trả giá cao cho các họa sĩ Việt là mục tiêu hàng đầu nhắm tới của những thương nhân vô đạo đức. Những nhà sưu tập nước ngoài cũng bị tương tự, dù tác phẩm họ mua có giấy tờ chứng nhận bảo đảm!
Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (nơi có bức tranh của Thành Chương mạo danh Tạ Tỵ gây tranh cãi khi dự triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu) đã cho các nhà sưu tập tư nhân thuê địa điểm triển lãm, cung cấp cho họ giấy chứng nhận triển lãm của bảo tàng. 17 bức tranh trong triển lãm này thuộc ông Vũ Xuân Chung – người cho biết đã trả cho Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM số tiền 1.300 USD cho việc thuê địa điểm triển lãm trong 12 ngày hồi tháng 7.2016.
Trong khi đó, theo bà Colette Loll, người sáng lập và Giám đốc Công ty tư vấn Art Fraud Insights tại Washington D.C. (Mỹ): “Bảo tàng là nơi cuối cùng để xác nhận một tác phẩm nghệ thuật”. Và thậm chí ngay cả khi Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã cho rằng 17 bức tranh đều là giả, nhưng “Chúng tôi không thể chứng minh được các bức tranh này là giả hoặc nguỵ tạo nên không có quyền giữ tranh lại,” một quan chức bảo tàng cho biết.
Ngoài ra, trong số các bức tranh Việt được bán tại các nhà đấu giá danh tiếng quốc tế cũng bị tố là giả. Chẳng hạn bức sơn dầu Mơ về một ngày mai (Dream of the following day) của danh hoạ Tô Ngọc Vân đã được Christie’s Hồng Kông bán cho một người mua giấu tên với giá 45.000 USD vào ngày 28.5.2017, kèm bài giới thiệu của chuyên gia Pháp Jean François Hubert (người đã bán cho ông Chung 17 bức tranh bị tố là giả và mạo danh) với những lời đảm bảo dành cho bức tranh. Song bức tranh này đã bị nhiều chuyên gia mỹ thuật Việt tố là sao chép bức tranh Trẻ ăn mày (The young beggar) của hoạ sĩ Tây Ban Nha thế kỷ 17 Bartolome Esteban Murillo, vẽ năm 1650, được treo trong Bảo tàng Louvre (Pháp).
Những người thân của các hoạ sĩ nổi tiếng cũng góp phần gia tăng nhầm lẫn trên thị trường. Họ đã chứng thực các bản sao y tranh gốc khiến chúng được bán với giá cao. Trong một buổi đấu giá tranh năm 2016, Christie’s đã bán bức Thuyền trên sông Hương (Boats on the Perfume River) của Tô Ngọc Vân với giá 57.000 USD và bức Một phụ nữ Huế (A Lady of Hue) của Lê Văn Đệ với giá 89.000 USD. Tuy nhiên, hai bức tranh giống hệt như vậy lại đang được treo tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội. Đại diện bảo tàng cho biết bảo tàng đã mua 2 bức trên lần lượt vào năm 1965 và 1976.
Từng tới TP.HCM chứng kiến vụ tranh giả – tranh mạo danh ở triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu hồi tháng 7.2016 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, nhà báo Mỹ Richard C.Paddock cho biết hoạ sĩ Thành Chương đã rất sốc khi phát hiện bức tranh mà ông từng vẽ năm 1970 mang đậm dấu ấn tình cảm riêng tư lại bị xoá tên, thay bằng chữ ký của hoạ sĩ nổi tiếng Tạ Tỵ, vẽ năm 1952.

 

Lucy Nguyễn (lược dịch)