Thiếu thông tin tham chiếu có độ xác tín cao, nhiều thí sinh đang lựa chọn ngành nghề theo cảm tính hoặc các trào lưu ngắn hạn, gây ra lãng phí trong đào tạo nhân lực.
Học theo trào lưu, trăm bề lãng phí
Thiếu thông tin tham chiếu có độ xác tín cao, nhiều thí sinh đang lựa chọn ngành nghề theo cảm tính hoặc các trào lưu ngắn hạn, gây ra lãng phí trong đào tạo nhân lực.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân bắt nguồn từ trách nhiệm quy hoạch, dự báo nhân lực cũng như công tác quản lý đào tạo ở các trường.
“Vỡ mộng” vì chọn nhầm nghề
Bốn năm trước, N.P.U (ngụ Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) thi đỗ ngành ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Việc chọn ngành của U. do chị T., mẹ em quyết định. Thời điểm đó, ngân hàng là một trong những ngành “đắt khách” nhất tại các trường kinh tế, bởi theo chị T. nói: “Những người làm ngân hàng đều lương cao, công việc nhàn hạ”.
Hiện chúng ta có 27 – 28 quy hoạch nhân lực khác nhau đều là những văn bản rất vĩ mô và cất ở những chỗ kín đáo. Thiếu tính công khai, minh bạch nên mọi người càng không có căn cứ xây dựng định hướng của mình
Tiến sĩ Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục ĐH và nghề nghiệp, Viện Khoa học giáo dục VN
Thế nhưng, khi U. hoàn tất chương trình đại học (ĐH) thì nhu cầu nhân lực ngành ngân hàng không còn như trước do những biến động của nền kinh tế. Thay vì “lương cao, nhàn hạ” như trước, giờ đây công việc ngân hàng đầy khó khăn và áp lực mà theo mô tả của chị T. là: “Nhân viên ngân hàng 10 người thì 9 người chán việc. Lương thưởng cũng không được như trước”. U. rơi vào bế tắc và quay sang trách mẹ. “Lúc đó làm sao biết được mọi chuyện sẽ như bây giờ. Chỉ biết ngân hàng đang là tốt nhất thì bảo con đăng ký thôi chứ cũng chẳng có cái gì để mình tham khảo”, chị T. phân trần.
Trịnh Huy Minh (quê Thanh Hóa) tốt nghiệp loại khá ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngoại thương vào năm 2016. Tuy nhiên, kỳ tuyển sinh ĐH năm đó, Minh đã quyết định nộp hồ sơ thi lại vào Trường ĐH Lâm nghiệp để theo đuổi đam mê nghiên cứu và trồng nấm. Giờ đây, khi đã là sinh viên Viện Công nghệ sinh học, ĐH Lâm nghiệp, Minh thừa nhận, lúc lựa chọn ĐH cách đây 5 năm, Minh chưa định hướng rõ sở thích nghề nghiệp của mình. Chỉ từ năm thứ 4 ở ĐH Ngoại thương, theo giới thiệu của một người bạn, Minh đi học trồng nấm rồi mê luôn. Minh thuê một mảnh đất gần cơ sở của người hướng dẫn để vừa học vừa thực hành cho tới khi quyết định đi học kỹ thuật trồng nấm một cách bài bản. Còn bà Trịnh Thị Lan Anh, mẹ của Minh, thì kể rằng khi nghe Minh thông báo về việc chuyển nghề, cả nhà ai cũng phản đối. Sau đó phần vì thương con, bà đã lặn lội từ quê ra ở cùng với Minh để hỗ trợ con vừa trồng nấm vừa đi học, dù “bố ở nhà vẫn phản đối”.
Câu chuyện của N.P.U hay Minh trên thực tế không hiếm. Nhiều thí sinh (TS) đã “vỡ mộng” vì vài năm trước đổ xô vào các ngành thời thượng như quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng… mà không lường hết những biến động của nền kinh tế và thị trường lao động. Tuy nhiên, bất chấp thực trạng này, ngay trong đợt tuyển sinh ĐH năm 2017 vừa qua, ngành quản trị kinh doanh, nhóm ngành kinh doanh vẫn được TS đăng ký nhiều nhất ở nguyện vọng 1. Trong khi đó, nhóm ngành kỹ thuật cơ khí đứng ở vị trí “bét bảng” với lượng TS đăng ký chỉ hơn 1/4 so với nhóm ngành kinh doanh. Kết quả tuyển sinh năm nay cũng phản ánh xu hướng lựa chọn của TS khi điểm chuẩn các ngành y dược, kinh tế và công nghệ thông tin ở mức rất cao, trong khi các ngành kỹ thuật, nông lâm ngư thì gần như “chạm đáy”.
Đó là ý kiến được nhiều chuyên gia chia sẻ khi bàn giải pháp tăng cường vai trò điều tiết của các cơ quan chức năng trong việc định hướng lựa chọn ngành nghề của học sinh sau khi kết thúc THPT.
Mở ngành tràn lan sẽ phá vỡ cấu trúc ngành nghề
Sự lựa chọn theo trào lưu đã tạo nên những bất cập trong cơ cấu ngành nghề đào tạo. Theo thống kê từ Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, phần lớn sinh viên tập trung theo học các ngành thuộc khối ngành V (toán và thống kê; máy tính và công nghệ thông tin; công nghệ kỹ thuật; kỹ thuật; sản xuất chế biến; kiến trúc và xây dựng, nông lâm và thủy sản; thú y), chiếm tỷ trọng 32,6% và khối ngành III (kinh doanh quản lý, pháp luật), 30,1%. Tỷ trọng 2 nhóm ngành này sẽ tiếp tục tăng lên khi mà xu hướng mở ngành vẫn ưu tiên cho 2 nhóm ngành nói trên.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp – Bộ GD-ĐT, cho rằng việc xác định chỉ tiêu dựa trên số giảng viên và diện tích đất của trường là sai lầm, bởi chỉ tiêu đào tạo của mỗi trường cần căn cứ nhu cầu thực tế dựa trên quy hoạch và dự báo chính xác ở tầm vĩ mô. Trong khi đó, các trường ĐH VN mở ngành tràn lan bất chấp ngành nghề đó có nhu cầu hay không, gây chồng lấn và lãng phí nguồn nhân lực đào tạo ra, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ cơ cấu ngành nghề. Theo ông Vinh, điều này có trách nhiệm từ sự điều tiết của nhà nước.
Ông Nguyễn Tấn Chân, Chủ tịch UBND H.Tây Hòa (tỉnh Phú Yên), cho biết đã gặp mặt 51 giáo viên để nghe giãi bày ý kiến trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cũng khẳng định nhiều nơi mở ngành đào tạo vẫn dựa vào năng lực và kinh nghiệm vốn có, dẫn đến những ngành xã hội cần thì lại thiếu. Đó là nguyên nhân khiến cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý và chất lượng đào tạo hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Ngay Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận, lâu nay việc xác định chỉ tiêu đào tạo của các trường chỉ dựa vào năng lực đào tạo và sở thích của người học là chưa đủ, bởi đó mới chỉ là phần cung chứ chưa phải phần cầu. Trong khi đó, giáo dục ĐH có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường thì phải nghiên cứu nhu cầu thị trường, số lượng ngành nghề để điều chỉnh ngành đào tạo, song điều này vẫn chưa được các trường ĐH làm tốt.
Biến động việc làm theo ngành (đơn vị: nghìn người)
Quý 1/2017 so với quý 1/2016 và quý 4/2016)NGUỒN: BỘ LĐ-TB-XH
Thiếu thông tin xác tín để TS tham khảo
Bên cạnh bất cập trong đào tạo, tiến sĩ Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục ĐH và nghề nghiệp, Viện Khoa học giáo dục VN, cho rằng sự lệch lạc trong chọn ngành nghề của học sinh những năm gần đây có nguyên nhân từ công tác hướng nghiệp chưa tốt. Thực tế này có trách nhiệm của cơ quan chức năng trong quy hoạch và dự báo nhân lực. “Hiện chúng ta có 27 – 28 quy hoạch nhân lực khác nhau đều là những văn bản rất vĩ mô và cất ở những chỗ kín đáo. Thiếu tính công khai, minh bạch nên mọi người càng không có căn cứ xây dựng định hướng của mình”, ông Phương nói, đồng thời cho rằng nền kinh tế VN chưa phải là nền kinh tế thị trường phát triển nên tất cả dự báo chỉ mang tính “bốc thuốc”, không chính xác. Quan trọng của dự báo là không chỉ cần bao nhiêu mà cần ở đâu thì các dự báo chưa làm được.
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng việc TS lựa chọn lệch lạc theo phong trào chủ yếu vì không có đủ thông tin, nhìn nhận thị trường lao động chủ yếu qua thông tin cá nhân và từ phụ huynh, gia đình. Còn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nói: “Năm nào trước mỗi mùa tuyển sinh, Bộ GD-ĐT cũng phối hợp với cơ quan truyền thông tuyên truyền về thị trường lao động, tư vấn lựa chọn ngành nghề nhưng vẫn còn nhiều TS chọn ngành nghề theo cảm tính, số đông”. Cũng theo Thứ trưởng Ga: “Những ngành hiện tại có nhu cầu lớn thì trong những năm tới sẽ bão hòa, sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm. Chu kỳ như thế lặp lại hầu như với các ngành nghề đào tạo. Vì thế việc điều chỉnh ngành nghề, quy mô đào tạo theo thị trường lao động không được “nhạy” như mong muốn”.