Vì Lý Sơn, không gì là không thể!
Cuối tháng 9-2016, chàng trai 33 tuổi Nguyễn Viết Vy ra Lý Sơn (Quảng Ngãi) làm bí thư huyện uỷ. Ai cũng nghĩ bí thư huyện trẻ nhất nước này chắc hẳn là “con đồng chí nào”.
Vì Lý Sơn, không gì là không thể!
Cuối tháng 9-2016, chàng trai 33 tuổi Nguyễn Viết Vy ra Lý Sơn (Quảng Ngãi) làm bí thư huyện uỷ. Ai cũng nghĩ bí thư huyện trẻ nhất nước này chắc hẳn là “con đồng chí nào”.
Ông Nguyễn Viết Vy – Ảnh: T.MAI |
Hơn một chục cuộc đối thoại với dân và qua hàng chục lần đi xuống thôn xóm tìm hiểu, tôi nghiệm ra rằng: Nếu mình không xắn tay áo vào cuộc, không chịu lắng nghe kiến nghị, tâm tư của dân thì sẽ không làm được |
Mười tháng sau. Bí thư Nguyễn Viết Vy đã xốc vác làm được những việc đầu tiên và trò chuyện với Tuổi Trẻ.
“Có làm được chủ tịch huyện Lý Sơn không?”
* Sự nghiệp của ông bắt đầu từ khi nào?
– Tháng 7-2005, khi vừa học xong Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM, tôi được nhận vào làm ở Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi. Bốn tháng làm việc ở phòng hành chính tổ chức, tôi gần như chỉ có việc đọc thuộc hết các văn bản pháp quy.
Sau đó, tôi vào trường nhận bằng tốt nghiệp, tính ở lại Học viện Hành chính quốc gia giảng dạy vì lúc đó được trường giữ lại. Nhưng trước khi đi, trang tin điện tử của tỉnh không có người viết tin bài nên tôi được điều về làm. Công việc dần dần thú vị.
Làm một thời gian, mấy cô chú đánh giá làm tốt. Sau đó chánh văn phòng giao tôi viết đề án trang tin điện tử và chuyển sang làm phòng văn hóa – xã hội sáu năm, sau đó đi học thạc sĩ quản trị và chính sách công của Trường ĐH Queensland (Úc) hai năm.
* Vì sao ông được chọn đi học nước ngoài?
– Quả là ngoài sức tưởng tượng của tôi. Tỉnh có đề án cử cán bộ trẻ đi học nước ngoài, khi đi họp giao ban bàn chuyện cử cán bộ trẻ đi học, anh trưởng phòng bảo nếu đi học nước ngoài thì phải cho thằng Vy đi vì đáp ứng tiêu chuẩn. Rồi anh bảo tôi làm hồ sơ nộp. Cuộc đời tôi đúng là may mắn: hồ sơ tôi được chọn.
* Học xong, ông về lại cơ quan cũ chứ?
– Về chứ. Lúc đó, chú Lê Viết Chữ làm chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chọn tôi làm thư ký cho chú. Nhiệm vụ của tôi là làm thư ký chủ tịch kiêm luôn phóng viên trang tin điện tử của tỉnh.
Làm việc với chú một thời gian, chú bất ngờ hỏi: “Vy có làm được chủ tịch huyện Lý Sơn không? Lý Sơn cần được phát triển và phải có người tâm huyết mới làm được”. Tôi nghe thì để bụng, chứ không nghĩ mình được chọn. Nhưng từ đó tôi tìm hiểu và đọc tất cả tài liệu liên quan đến Lý Sơn.
Tháng 9 năm ngoái, chú Chữ – lúc đó là bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi – bàn với Ban thường vụ Tỉnh uỷ và quyết định giao cho tôi làm bí thư Huyện uỷ Lý Sơn.
Một góc Lý Sơn – Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG ĐỆ |
Có mất lòng cũng phải làm
* Những ngày đầu ra Lý Sơn, ông có cảm thấy lo lắng vì trách nhiệm nặng nề?
– Tôi cảm thấy vinh dự vì được tin, song cũng khá lo lắng vì không phải ai cũng tin mình làm được việc.
Tôi nghĩ phải đạt hiệu quả trong điều hành xử lý công việc mới có sức thuyết phục người khác. Để mọi người tín nhiệm mình thì rất khó bởi ai cũng nghĩ mình còn trẻ, nhưng tôi nghĩ nhiều người còn trẻ hơn mà làm được nhiều việc lớn lao hơn nữa, nên tôi nghĩ tuổi 33 của tôi không phải là quá trẻ để làm cương vị đó.
* Và ông đã giải quyết công việc ra sao?
– Có quá nhiều thứ phải giải quyết. Lý Sơn đang ngổn ngang nhiều thứ bởi sự phát triển quá nóng của du lịch tự phát, xây dựng không phép, môi trường ô nhiễm… Tôi tìm cách tháo gỡ dần dần.
* Hãy bắt đầu từ câu chuyện xử lý rác thải. Nghe du khách khen gần đây Lý Sơn đã sạch hơn, đây chắc là thành quả đầu tiên của tân bí thư?
– Trước khi ra đảo, tôi đã thấy quá nhiều thông tin phản ánh vệ sinh môi trường không được tốt, rác thải quá nhiều. Khi ra đảo, thấy nhiều chỗ có thùng rác mà ba bốn ngày mới thu gom một lần.
Tôi trực tiếp làm việc với Công ty thu gom rác thải Đa Lộc của huyện mới hay có khúc mắc chưa giải quyết được cho họ là đơn giá thu gom rác chưa rõ ràng, tài chính chưa giải quyết được.
Tôi giao UBND huyện giải quyết ngay việc này, đồng thời đề nghị công ty này phải tăng cường thiết bị, tăng nhân công, đảm bảo mọi nơi trên đảo phải được thu gom rác hằng ngày. Những điểm du lịch phải thu gom rác nhiều lần trong ngày.
Và tôi cảnh báo nếu không làm được thì tôi sẽ kiếm một đơn vị khác thay thế. Có mất lòng cũng phải làm. Vì mình có thái độ kiên quyết như vậy nên công ty phải thêm người, thêm thiết bị, tăng tần suất thu gom rác.
* Bằng cách nào mà dân không xả rác nữa?
– Tôi tự mình đi nghe ngóng và thấy rõ mọi điều, sau đó mới tổ chức đối thoại trực tiếp với dân.
Tôi nói về chuyện nhiều người chỉ giữ nhà mình sạch, còn vứt rác bừa bãi ra đường, dẫn chứng luôn chuyện nhiều người không chịu mở nắp thùng rác cho rác vào vì sợ hôi, mà vứt rác chất đống ngoài đường.
Để dọn sạch rác đó, đội vệ sinh phải mất ba bốn người đi hốt cái mà người dân bỏ không đúng nơi quy định. Mình chỉ khỏe một hai giây mà làm khổ nhiều người quá.
Sau cuộc gặp đó, đường sá dần sạch sẽ hơn. Giờ thì không ai vứt rác ra đường nữa (cười).
Hãy để dân thấy sự chân thành của mình
* Chuyện trồng cây trên núi đá có phải là ý tưởng của ông?
– Trước đây, bà con ở đảo Lớn thường chặt cây trên núi về làm củi và thả nuôi bò dê. Riết rồi núi trơ trọi, không có cây xanh. Tôi yêu cầu phải trồng lại cây. Lực lượng bộ đội phải đi đục đá, đưa đất lên để trồng.
Trồng mười cây sống được năm sáu cây thôi, nhưng buộc phải trồng. Cây nào chết thì đưa cây lên giặm. Đồng thời yêu cầu người dân không được nuôi dê bò thả trên núi, ai nuôi phải nhốt. Lúc đầu dân phản ứng rất dữ.
Tôi tổ chức đối thoại. Dân hỏi ngược: “Tôi hỏi ông bí thư, bây giờ Nhà nước có chủ trương ủng hộ dân chăn nuôi để xóa đói giảm nghèo, mà ở Lý Sơn này ông không cho nuôi bò dê thì lấy gì sống?”. Vậy là phải giải thích Lý Sơn có điều kiện để phát triển du lịch, thôi thì bây giờ bà con chuyển đổi nghề nghiệp, cần gì thì Nhà nước hỗ trợ.
Tôi nói với bà con là tôi có đọc cuốn sách Hôm nay ta giàu có, trong cuốn sách đó có nói người giàu và nghèo không có nghĩa là có nhiều tiền của, mà là san sẻ và hi sinh cái mình có cho sự phát triển chung.
Và những người chăn nuôi trâu bò thả rông dừng lại để cho đảo xanh là những người giàu có. Dần dần mọi người dân ý thức được là mình làm cho họ và họ đã nghe theo. Mới có mấy tháng, nhưng bây giờ trên núi đã có cỏ mọc, cây dứa, dương…
* Chỉ mới 10 tháng, con đường còn dài. Ông dự định làm gì để phát triển Lý Sơn lâu dài?
– Phải giải quyết bài toán làm sao để phát triển và bảo tồn. Tỉnh đang có chủ trương xây dựng Lý Sơn thành công viên địa chất toàn cầu, để thế giới công nhận Lý Sơn là một quần thể phun trào núi lửa có giá trị lớn cả về cảnh quan lẫn giá trị địa chất.
Tôi tin rằng Lý Sơn có quá nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Vấn đề đặt ra là làm sao trong quá trình phát triển phải giữ lại những nét nguyên sơ riêng có của Lý Sơn.
Nếu Lý Sơn không phát triển du lịch bền vững, không giữ cho môi trường sạch, không giữ cái chân chất, hồn nhiên của cư dân xứ đảo thì chắc rằng du lịch của Lý Sơn không chóng thì chầy cũng thất bại. Tôi ước mơ sẽ biến Lý Sơn thành một huyện đảo giàu có và người dân có chỉ số hạnh phúc cao. Muốn vậy phải bắt tay vào làm.
Tôi thấy quan trọng là làm sao để người dân thấy sự chân thành của tôi là muốn làm cho Lý Sơn phát triển.
* Ông phải học hỏi, lắng nghe dân rất nhiều, đúng không?
– Nghe dân, nhưng cũng phải nói cho dân nghe thì họ mới thông, mới làm theo.
Tôi có đọc cuốn sách Tại sao các quốc gia thất bại?, người ta nói quốc gia thành bại do con người và thể chế quản lý. Tất cả là do con người, không gì là không thể!
“Đồng chí này là con đồng chí nào?” * Được thăng tiến nhanh như vậy, không ít người nghĩ về ông theo kiểu “đồng chí này là con đồng chí nào?”. – Nói thật là gia đình tôi không có ai làm cán bộ. Ba tôi là phóng viên Đài truyền thanh huyện Nghĩa Hành, mấy năm sau vì sức khoẻ yếu nên xin nghỉ việc theo chế độ 108. Mẹ tôi chỉ học tới lớp 7, ở nhà buôn bán nhỏ (mẹ tôi giờ đã mất). Rồi hai em gái học đại học xong hiện đang ở Bình Dương cũng tự đi tìm việc, tự bươn chải ổn định công việc. Phía nhà vợ tôi cũng không có ai có vị trí gì, là gia đình cách mạng, ba vợ là con liệt sĩ, vậy thôi. |
Đưa mộ vào nghĩa trang chung * Làm cách nào mà ông vận động được dân Lý Sơn đưa mộ vào nghĩa trang chung? – Cả đảo có trên 6.000 mộ nằm rải rác trong vườn nhà dân, mồ mả nằm khắp nơi. Báo cáo của huyện được thường trực Tỉnh uỷ ủng hộ là thực hiện ngay nghĩa trang tập trung ở Lý Sơn. Dự kiến cuối năm nay đưa vào sử dụng, vừa phục vụ nhu cầu chôn mới vừa quy tụ những mộ rải rác về một chỗ. Một sứ mệnh và là một cuộc cách mạng bền vững cho Lý Sơn là phải làm sao cho người dân đồng thuận với việc hoả táng. Bài toán lâu dài của huyện là xây dựng một ngôi chùa, trong đó có một tháp đôi, đây vừa là điểm du lịch tâm linh vừa là nơi để lưu giữ các tro cốt khi hoả táng. Sau đó sẽ xây dựng một nhà hoả táng, những ai hoả táng thì huyện sẽ hỗ trợ chi phí tang ma. Hiện nay huyện đã lấy ý kiến trong dân, nhiều người lớn tuổi kiến nghị nên làm để có đất cho con cháu ở. |