29/11/2024

Giáo viên mong bỏ thêm thủ tục gì?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký nghị định sửa đổi một số điều về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, giáo viên không cần phải có sáng kiến kinh nghiệm mới được xếp loại hoàn thành nhiệm vụ như trước.

 

Giáo viên mong bỏ thêm thủ tục gì?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký nghị định sửa đổi một số điều về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, giáo viên không cần phải có sáng kiến kinh nghiệm mới được xếp loại hoàn thành nhiệm vụ như trước.

 

 

 

​Giáo viên mong bỏ thêm thủ tục gì?
Giờ học tại một trường tiểu học ở TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhiều giáo viên cho rằng cần bỏ thêm nhiều thủ tục không cần thiết khác để tập trung tốt nhất cho việc nâng cao chất lượng dạy học.

* Giáo viên NGUYỄN THỊ HỒNG (Trường tiểu học Thị Trấn 2, huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang):

Vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà

Sáng kiến kinh nghiệm đã được bỏ, nhưng để đánh giá giáo viên vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà. Cụ thể, các cuộc thi như giáo viên dạy giỏi, thanh tra chuyên môn, chuyên đề hằng năm rất mất thời gian của giáo viên. Trong khi đánh giá giáo viên chỉ trong một hai tiết dạy, đa số là “diễn” thì chưa hợp lý.

 

Hay quy định trường nào không có giáo viên dạy giỏi cấp trường chào mừng ngày 20-11 sẽ mất thi đua cũng quá bất hợp lý. Cách kiểm tra toàn diện giáo viên bằng cách dự giờ mỗi năm 6-7 tiết/giáo viên; hay giáo viên phải dự giờ chéo cũng mất rất nhiều thời gian không cần thiết khi phải bỏ giờ dạy, bỏ lớp. Mà thực tế nhiều trường lại đối phó bằng cách chỉ xét trên giấy để có thủ tục.

* Giáo viên NGUYỄN VĂN LỰC (Trường THCS Trinh Phong, Diên Khánh, Khánh Hoà):

Khổ với giáo án viết tay

Trong bộn bề công việc cho năm học mới, nỗi lo nhất cho giáo viên chính là soạn giáo án. Qua thông tin tôi được biết hiện nay nhiều nơi giáo viên soạn giáo án thì phải… viết tay. Thật sự tôi thấy buồn khi nghe tin này. Không biết lãnh đạo phòng giáo dục huyện X, tỉnh Y dựa trên cơ sở nào mà đề ra chủ trương như vậy?

Tôi khẳng định chủ trương “giáo án phải viết tay” đi ngược xu thế. Đã hơn 30 năm giảng dạy bộ môn lịch sử – giáo dục công dân ở trường THCS, tôi và nhiều đồng nghiệp đều thừa nhận soạn giáo án không phải là điều quan trọng trong dạy học. Quan trọng là phương pháp và phương tiện dạy học trên lớp. Nhờ có phương tiện trình chiếu mà học sinh có hình ảnh trực quan sinh động, phong phú, gây được hứng thú học tập cho học sinh. Tiết học nhờ đó đem lại hiệu quả rõ ràng hơn dạy truyền thống “bảng đen phấn trắng”.

Nếu không cho giáo viên sử dụng giáo án điện tử, đồng nghĩa không sử dụng luôn giáo án trình chiếu là sự thụt lùi đáng tiếc. Dạy học là một nghệ thuật, mỗi giáo viên có phương pháp truyền thụ khác nhau. Không nhất thiết phải bám vào giáo án, ngay cả sách giáo khoa cũng chỉ là tài liệu.

* Giáo viên H.N. (một trường tiểu học ở TP.HCM):

Giảm bớt các hội thi

Tôi là giáo viên trẻ của trường, nên hầu như các cuộc thi phong trào nhà trường đều cử tôi tham gia. Thực sự nó làm tôi rất mệt mỏi vì mất nhiều thời gian nhưng lại không liên quan gì đến công việc chuyên môn, từ hội thi văn nghệ các cấp đến các hội thi báo cáo viên giỏi, hội thi tuyên truyền viên pháp luật, hội thi tuyên truyền phòng chống ma tuý, hội thi về bảo vệ môi trường…

Đã đi thi thì trường nào cũng muốn đoạt giải. Mà muốn đoạt giải thì phải ôn luyện, tập luyện. Thế nên giáo viên chúng tôi rất khổ. Thà khổ để công việc giảng dạy của mình tốt hơn, học sinh mình được hưởng lợi nhiều hơn thì cũng ráng. Đằng này các hội thi hoàn toàn mang tính chất phong trào mà chúng tôi phải thức khuya dậy sớm, thứ bảy, chủ nhật cũng phải vào trường tập luyện cùng nhau.

Đó là chưa kể những ngày chúng tôi đi thi thường diễn ra vào các ngày trong tuần. Mà như vậy thì giáo viên phải nhờ bảo mẫu quản lớp giùm. Coi như những ngày đó học sinh chủ yếu làm bài tập thôi vì cô giáo bận đi thi rồi.

* Giáo viên T.N. (một trường mầm non ở quận trung tâm TP.HCM):  

Ngán ngẩm, mệt mỏi dịp lễ

Giáo viên mầm non chúng tôi làm việc rất vất vả: quần quật từ khi bước chân vào trường đến khi học sinh cuối cùng ra về. Nhưng ở trường chúng tôi học sinh về hết mà giáo viên vẫn chưa hết việc. Rất nhiều ngày chúng tôi phải ở lại trường đến 18h, 19h làm đồ dùng dạy học, trang trí lớp học, trang trí sân trường và cả làm những món quà nho nhỏ, xinh xinh tặng học sinh.

Đối với giáo viên, việc làm đồ dùng dạy học là đương nhiên, nhưng khổ nhất và bức xúc nhất là những ngày lễ. Bản thân tôi rất ngán ngẩm và mệt mỏi khi đến những dịp Giáng sinh, Trung thu, ngày 8-3, 20-11… Trong khi các trường bạn mua đồ đạc, vật dụng về trang trí trường lớp thì ở trường chúng tôi tất cả giáo viên phải tự làm từ vật liệu phế thải rất mất thời gian.

Chưa hết, trường chúng tôi khá nổi tiếng nên ban giám hiệu nhà trường nghĩ ra nhiều cách để làm vừa lòng phụ huynh. Tất cả những ngày lễ lớn nhỏ, sau khi tổ chức lễ hội xong thì mỗi học sinh đều phải có một món quà mang về. Để tiết kiệm nên những món quà ấy phải do giáo viên… tự làm.

​Giáo viên mong bỏ thêm thủ tục gì?
Thầy Lê Cư

* Thầy Lê Cư (tổ trưởng tổ vật lý – công nghệ Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng):

Tinh giảm hồ sơ, sổ sách, hội họp

Bãi bỏ sáng kiến kinh nghiệm đối với giáo viên là cần thiết. Điều đó như một sự cởi trói vì nhiều sáng kiến chỉ cất trong tủ. Bên cạnh đó, cần phải có sự tinh giảm hơn nữa các hồ sơ, sổ sách, hội họp… để giáo viên nhẹ gánh và chỉ tập trung vào công tác chuyên môn là giảng dạy.

Hiện mỗi giáo viên phải có đầy đủ hồ sơ để phục vụ việc giảng dạy gồm: giáo án, sổ chủ nhiệm nếu là giáo viên chủ nhiệm, sổ dự giờ, sổ họp tổ. Có trường yêu cầu phải có sổ tư liệu, kế hoạch giảng dạy, phân phối chương trình… Hồ sơ giáo viên được lãnh đạo nhà trường kiểm tra, hoặc phân công các tổ kiểm tra chéo lẫn nhau.

Đối với giáo án, giáo viên phải viết đầy đủ giáo án để cuối học kỳ 1, 2 nhà trường kiểm tra. Nếu giáo viên dạy 3 khối thì phải có 3 giáo án khác nhau. Còn như tại trường, giáo viên ngoài soạn giáo án môn vật lý thì phải soạn thêm giáo án môn công nghệ.

Chỉ thống kê như vậy đã thấy một giáo viên phải gánh rất nhiều sổ sách, giấy tờ ngoài việc soạn giáo án.

Hồ sơ sổ sách chỉ là hình thức nhưng chiếm rất nhiều thời gian của giáo viên. Có giáo viên đi dự họp đầy đủ, ghi chép về nhưng chắc gì họ thực hiện. Trong khi lại có giáo viên đi dự họp nhưng không ghi sổ, về họ thực hiện nội dung cuộc họp. Nhưng vì vướng quy định nên lại phải đi mua sổ về chép để đúng với quy định.

Với giáo viên, cái quan trọng nhất là chất lượng dạy học. Còn những hồ sơ, giấy tờ hình thức thì nên tiết giảm, dành thời gian đó cho chuyên môn, để nhẹ gánh cho họ.

​Giáo viên mong bỏ thêm thủ tục gì?

* Ông Nguyễn Đức Hữu (phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục tiểu học – Bộ GD-ĐT):

Không gây áp lực cho giáo viên

Kể từ ngày 15-9-2017, đội ngũ giáo viên không có sáng kiến kinh nghiệm vẫn được xếp loại hoàn thành nhiệm vụ. Tinh thần của nghị định 88/2017/NĐ-CP sửa đổi một số điều của nghị định về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức vừa chính thức được ban hành có lẽ là tin vui với nhiều thầy cô giáo trước thềm năm học mới.

Việc quy định bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm, nếu không sẽ không được xếp loại “hoàn thành nhiệm vụ” trở lên như trước đây đã khiến nhiều thầy cô giáo phải chịu áp lực vì không phải ai cũng có thể có sáng kiến, nhất lại là sáng kiến hằng năm. Qua thực tiễn, Bộ GD-ĐT nhận thấy rõ những áp lực này đối với giáo viên nên đã có kiến nghị sửa đổi.

Quyết định bỏ tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm trong đánh giá hoàn thành nhiệm vụ hằng năm chắc hẳn được các nhà giáo đồng tình, ủng hộ. Sáng kiến trong giáo dục rất cần để thúc đẩy đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, đó phải là những kinh nghiệm tốt, sáng tạo thực sự, chứ không phải bắt giáo viên đăng ký thi đua, làm sáng kiến kinh nghiệm, gây áp lực nặng nề cho giáo viên.

Ngoài ra, tôi đồng ý cần giảm thiểu tối đa các quy định về hồ sơ, sổ sách, hành chính, sự vụ, hội họp không cần thiết, gây quá tải cho giáo viên. Cần dành nhiều thời gian hơn cho các thầy, cô giáo tập trung vào nghiên cứu bài dạy, đổi mới phương pháp và quan tâm tới từng đối tượng học sinh để giúp các em ngày một tiến bộ.

Tuy nhiên, phải tiến hành rà soát, khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng về các tác động này, không thể chỉ nhìn nhận và điều chỉnh chính sách một cách cảm tính, nóng vội.

Nếu tình trạng trên có thật và đang làm ảnh hưởng nhiều đến công việc chuyên môn của giáo viên, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục thì Bộ GD-ĐT sẽ xem xét và điều chỉnh phù hợp. Chất lượng giáo dục luôn là mục tiêu quan trọng và chất lượng ấy chỉ được đảm bảo khi các thầy cô được tập trung thời gian, công sức cho công việc chuyên môn của mình.

NGỌC HÀ ghi

HOÀNG HƯƠNG – ĐOÀN CƯỜNG – THUỲ TRANG