29/11/2024

Rối loạn phân ly: bệnh giả vờ nhưng không biết…giả vờ

Mới đây có 13 người bị bệnh lạ ở Sơn La mắc chứng rối loạn phân ly. Những người bệnh này không ăn mà chỉ uống nước, luôn nhảy múa nói cười…

 

Rối loạn phân ly: bệnh giả vờ nhưng không biết…giả vờ

Mới đây có 13 người bị bệnh lạ ở Sơn La mắc chứng rối loạn phân ly. Những người bệnh này không ăn mà chỉ uống nước, luôn nhảy múa nói cười…

 

 

Rối loạn phân ly: bệnh giả vờ nhưng không biết...giả vờ
Rối loạn phân ly – Ảnh hoạ sĩ Lap

“Một số biểu hiện dễ làm nhầm lẫn với các bệnh thông thường. Cộng thêm với việc người bệnh thường bị vài giờ thì tự hết nên họ thường bỏ qua, cho rằng không có gì. Nếu không kịp thời điều trị, bệnh lặp đi lặp lại ở mức độ ngày càng nghiêm trọng dễ dẫn tới câm, mù, điếc, liệt

PGS.TS Trần Văn Cường

Theo các bác sĩ, tỉ lệ nữ giới mắc rối loạn phân ly cao hơn 10 lần so với nam giới. Biểu hiện từng gặp trước đây là một học sinh ngất thì cả nhóm ngất theo, như các trường hợp nữ sinh ngất đồng loạt từng xảy ra tại Phú Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Long, 
An Giang…

Bệnh… giả đò

Sau gần một tháng điều trị ở Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), chị B. (31 tuổi, ở Tuyên Quang) muốn xin bác sĩ về thăm con một ngày.

Chị B. kể lúc chị không lên cơn thì trông hết sức bình thường, nhưng nếu nghe tiếng động lớn thì tự nhiên đau đầu, thậm chí muốn đánh người xung quanh, hết cơn lại trở về bình thường, chăm chồng chăm con như những phụ nữ khác.

 

“Ở bệnh viện có lúc cả tuần mới lên một cơn, nhưng có khi tối về thăm con thì cũng lên cơn. Bệnh của tôi như giả vờ ấy” – chị B. nói.

Cùng điều trị với chị B. là chị Ngô Thị H. (42 tuổi, giáo viên ở Nam Định). Ngồi trên giường bệnh nhưng chị H. trông hoàn toàn khoẻ mạnh, nói năng mạch lạc.

Chị cho biết dạo này hay bị khó thở, như có ai bóp vào phổi khiến phổi bị bó chặt. Chị cũng hay bị méo miệng như biểu hiện sau khi đột quỵ, nhưng chị không đột quỵ vẫn méo miệng là tình huống lạ.

Theo bác sĩ Dương Minh Tâm – trưởng phòng điều trị các rối loạn liên quan đến stress Viện Sức khoẻ tâm thần, chứng bệnh của chị H. và chị B. là rối loạn phân ly, một chứng bệnh hay gặp ở nữ giới, đặc biệt là các bạn gái trẻ.

Biểu hiện chung thường gặp ở người rối loạn phân ly là tự dưng thấy nóng trong người, thấy đau đớn ở một vài cơ quan trong cơ thể, có người bị run, tim đập nhanh, bàn tay lạnh hoặc khó tiếp xúc với đám đông.

Nhưng những đau đớn này lại không tương đồng với biểu hiện trên cơ thể, như thấy khó thở nhưng lưu lượng oxy vào phổi không giảm, do đó người ta mới nói chứng bệnh này như giả vờ mà không biết là giả vờ vì trông những người bệnh hoàn toàn bình thường, trừ một vài thời điểm “lên cơn”.

Tại Viện Sức khỏe tâm thần, chúng tôi còn gặp em Lê Văn T. (18 tuổi, ở Thanh Hóa) đang điều trị chứng rối loạn phân ly.

T. kể em vốn là học sinh giỏi, luôn muốn làm ca sĩ, nhưng hai năm gần đây em bắt đầu có những biểu hiện lạ như không muốn tiếp xúc với đông người, cứ có đông người là đỏ mặt, tim đập nhanh, sợ mọi người chú ý…

Từ đó T. cũng có những biểu hiện thực thể như đau đầu, ngất, khó tiếp xúc. Sau hai tuần điều trị T. đã đỡ bệnh hơn, nhưng mỗi khi gặp chuyện gì áp lực là T. lại hồi hộp, tay lạnh ngắt, tim đập dồn như trống trận.

Lý giải về trường hợp của T., bác sĩ Tâm cho biết T. hát không hay nhưng bạn ấy có ước mơ trở thành ca sĩ.

Trước đông người, T. luôn muốn thể hiện tài nghệ là ca hát nhưng lại sợ mình hát không hay, bị chê, áp lực này ngày càng tăng dẫn đến những biểu hiện hồi hộp, tim đập nhanh khi tiếp xúc với nhóm đông người.

Với những người bệnh như T., bác sĩ cho hay cần giải tỏa tâm lý, nói rõ cho T. biết ca sĩ là nghề khó khăn, đừng để T. hi vọng và tiếp tục tự tạo áp lực cho bản thân.

Sang chấn tâm lý, dễ lan truyền

Nhiều người bệnh khác cùng bị chứng rối loạn phân ly cho hay họ có nhiều áp lực trong cuộc sống, có người hay bị chồng đánh đập, không có gia đình ở bên để chia sẻ, thường phải tự lo tài chính, sinh kế cho gia đình…

Áp lực nhiều nhưng họ e ngại, không chia sẻ với người thân dẫn đến áp lực chồng chất, stress kéo dài và khi stress lên đến đỉnh điểm thì họ mắc bệnh, luôn thấy đau đớn nhưng cơ thể lại không có biểu hiện bệnh, bệnh như là giả vờ.

Để chữa bệnh rối loạn phân ly, theo bác sĩ Dương Minh Tâm, chủ yếu sử dụng liệu pháp tâm lý bằng cách “giải độc lực” cho họ.

PGS.TS Trần Văn Cường – chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam – cho biết: “Nguyên nhân của rối loạn phân ly là những sang chấn về tâm lý, có thể là sự căng thẳng hay buồn bực chuyện gì đó”.

Những chấn thương tâm lý này bao gồm các trạng thái cảm xúc mạnh như lo sợ cao độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề…

Điều trị bằng tâm lý

Theo bác sĩ chuyên khoa tâm thần Nguyễn Minh Hoàng, với bệnh này thì điều trị về tâm lý cần được quan tâm đặc biệt, bên cạnh những giải pháp nhằm giảm thiểu các biểu hiện bất thường.

“Phải đặc biệt chú ý đến sự sẻ chia và thông cảm từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp với người bệnh. Mọi sự xa lánh hay cách nhìn khác thường dễ khiến tình trạng người bệnh thêm nặng hơn” – ông Hoàng nói.

PGS.TS Trần Văn Cường cho rằng việc điều trị rối loạn phân ly sẽ mất nhiều thời gian, cần sự kiên trì của bệnh nhân, gia đình. Suốt quá trình điều trị phải tạo cho bệnh nhân không khí vui vẻ, thoải mái, tránh dồn dập áp lực.

Với trường hợp rối loạn phân ly tập thể, khi xuất hiện ca đầu tiên cần có biện pháp tạm thời cách ly người bệnh sang một môi trường khác để bệnh không lan truyền.

Các triệu chứng của rối loạn phân ly rất đa dạng: run toàn thân, lắc hoặc gật đầu liên tục, khó nói, mất vị giác, thị giác, thính giác, liệt một chi hoặc cả tứ chi, rối loạn tư duy…

Các trường hợp rối loạn phân ly xảy ra đồng loạt được gọi là “rối loạn phân ly tập thể”. Khi một người trong nhóm có biểu hiện rối loạn phân ly, những người còn lại có xu hướng “bị lan truyền”, xem như một cơ chế tự giải thoát khỏi áp lực học tập, công việc…

LAN ANH – MẠNH KHANG