28/11/2024

Chương 10 (Hoàn chỉnh) Bảo Tồn Vạn Vật: MÔI TRƯỜNG

Tại sao các Kitô hữu có mối liên hệ đặc biệt với thiên nhiên và môi trường. Vì sao chúng ta phải ra tay bảo vệ môi trường ngay lúc này, và tìm cách sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên sao cho chúng có thể tồn tại bền vững

 Chương 10

Bảo Tồn Vạn Vật:

MÔI TRƯỜNG 

Câu 256-269

Với sự cộng tác của Markus Vogt

Tại sao các Kitô hữu có mối liên hệ đặc biệt với thiên nhiên và môi trường. Vì sao chúng ta phải ra tay bảo vệ môi trường ngay lúc này, và tìm cách sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên sao cho chúng có thể tồn tại bền vững 

Thiên Chúa chính là Đấng Sáng Tạo thế giới, và công trình tạo dựng chưa hoàn thành. Thiên Chúa vẫn đang làm việc.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, 12 tháng 9, 2008

 

Chúng ta không phải là Thiên Chúa. Trái đất đã có trước chúng ta và đã được ban tặng cho chúng ta…. Mỗi cộng đồng có thể lấy từ trái đất những gì cần thiết để sống còn, nhưng cũng có bổn phận bảo vệ và bảo đảm trái đất sản sinh hoa trái dồi dào cho những thế hệ tương lai.

Giáo hoàng Phanxicô, LS 67

 

256      Các Kitô hữu có thể đóng góp gì cho một môi trường nhân văn?

Các Kitô hữu không phải là các nhà môi trường nếu sự dấn thân của họ chỉ giới hạn trong những lời kêu gọi người khác mang tính luân lý. Cũng vô ích như thế nếu cứ nói thường xuyên về các vấn đề toàn cầu thay vì chú ý kỹ đến môi trường của chính mình và đến những tiềm năng có ở đó. Vì vậy, nền đạo đức môi trường Kitô giáo không được xây dựng trên những lời kêu gọi tự mãn. Thay vào đó, nền đạo đức này cố gắng đưa ra những định hướng liên quan đến các xung đột cá nhân và xã hội cần phải giải quyết. Với mục đích này, trước tiên phải có một bản phân tích chính xác các mối liên hệ nhân quả, các nguy cơ và triển vọng. Chỉ khi đó các nguyên tắc hướng dẫn mới phát huy hiệu quả. Các Kitô hữu thực hiện một đóng góp có giá trị cho việc bảo tồn hệ sinh thái khi họ chăm sóc vạn vật thay vì tỏ ra thất vọng về môi trường. Lòng can đảm dám hy vọng phải được kết hợp với việc tìm tòi nghiên cứu và sẵn sàng hành động.

 

TL       180

GL       373, 2415-2418

Y         50

Chúng ta chưa tìm ra cách áp dụng một kiểu mẫu sản xuất khép kín, có khả năng bảo tồn các nguồn lực cho các thế hệ hiện tại tương lai, đồng thời giới hạn càng nhiều càng tốt việc sử dụng các nguồn lực không thể tái tạo, điều tiết việc tiêu thụ các nguồn lực ấy, tối đa hoá việc sử dụng chúng cách hiệu quả, tái sử dụng tái chế chúng.

Giáo hoàng Phanxicô, LS 22

257      “Là người quản lý tốt thế giới thụ tạo” nghĩa là gì?

“Trở thành người quản lý tốt thế giới thụ tạo” không thể nào có nghĩa là chúng ta, với tư cách Kitô hữu, buộc phải bảo tồn toàn thể thiên nhiên như là một đối tượng chăm sóc của ta. Thiên nhiên là một hệ thống mở, không ngừng phát triển, và không phải là một loạt các điều kiện tĩnh cần được duy trì. Chỉ khi có một cách diễn đạt chính xác hơn theo thần học, sinh thái học, kinh tế học, đạo đức học hoặc văn hoá học về những khía cạnh cần được giữ gìn của thiên nhiên, thì chúng ta mới có những suy tư đầy ý nghĩa về những gì cần được bảo vệ và chăm sóc cũng như thời điểm, lý do và cách thức để có thể thực hiện điều đó.

 

TL       166, 180, 461, 465-468

GL       344, 354, 2415-2418

Y         57, 288

Một thung lũng, một vách đá, một khu rừng. Hãy lắng nghe, đừng động chạm vào bất cứ cái gì, dù là hòn đá, ngọn cỏ hay cây cối. Hãy để yên những hạt cát và những ngọn núi. Bạn muốn thay đổi cái gì? Bạn có thể làm điều gì tốt hơn? Cơn gió phía tây tự nổi lên và mang theo những đoá hoa. Trước khi  thay đổi thế giới, có lẽ điều quan trọng hơn là con người đừng phá huỷ thế giới.

 

Paul Claudel (1868-1955), nhà văn Pháp

 

 

Một người có đủ khả năng chi trả và tiêu thụ nhiều hơn nhưng lại bớt sử dụng máy sưởi và mặc các áo ấm hơn, cho thấy người đó xác tín và có thái độ tốt biết bảo vệ môi trường.

Giáo hoàng Phanxicô, LS 211

 

258      Sinh thái lại không phải là một thách thức kỹ thuật cho các chuyên gia sao?

Không. Như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh tại một hội nghị thế giới về phát triển bền vững ở Johannesburg, năm 2002 rằng mỗi Kitô hữu đều có một “ơn gọi sinh thái”, mà “ơn gọi ấy trong thời đại chúng ta cấp bách hơn bao giờ hết”. Điểm chủ yếu trong bài phát biểu của ngài là “tính nhân đạo sinh thái”. Tâm điểm của nó là phẩm giá con người. Tính nhân đạo sinh thái đòi hỏi sự hiểu biết về các chủ điểm như “tôn trọng sự sống”, “lao động” và “trách nhiệm” quy hựớng về Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá tốt lành của một thế giới tốt đẹp tự bản chất. “Bình an với Thiên Chúa Tạo Hoá” cũng có nghĩa là “hoà thuận với mọi loài thụ tạo” (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp ngày Thế giới Hoà bình năm 2010). Mọi Kitô hữu phải biết rằng “thiếu sự tôn trọng đúng đắn với thiên nhiên” và “việc cướp bóc các tài nguyên thiên nhiên” cũng sẽ đưa đến hậu quả mà từ đó đe doạ nền hoà bình thế giới.

 

TL       472

GL       2415-2418

Y         436-437

Đừng làm hư hỏng – các hành tinh tốt khó tìm.

Trích dẫn từ Time

Trong khi dành sự tôn trọng phải có đối với quyền tự quyết và văn hoá của từng dân tộc, chúng ta không bao giờ được quên rằng hành tinh này thuộc về toàn thể nhân loại và như thế có nghĩa là dành cho toàn thể nhân loại. Thực tế một số người phải sống ở những nơi có ít tài nguyên hay kém phát triển hơn không thể là lý do biện minh cho việc họ phải sống trong tình trạng kém nhân phẩm.

Giáo hoàng Phanxicô, EG 190

 

Mặt nước Địa Trung Hải lấp lánh, sa mạc Bắc Phi vĩ đại, những khu rừng châu Á xanh tươi ngút ngàn, Thái Bình Dương bao la, đường chân trời nơi mặt trời mọc lên và lặn xuống, vẻ huy hoàng tráng lệ của cảnh đẹp thiên nhiên ở châu Úc – mà tôi được tận hưởng trong mấy ngày qua – tất cả khiến lòng tôi dâng lên niềm kính mến sâu xa.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, sau chuyến bay đến Sydney, ngày 17 tháng 6 năm 2008

 

259      Giáo Hội phải đóng góp gì cho đề tài sinh thái?

Giáo Hội không có thẩm quyền đặc biệt về sinh thái. Trong Thông điệp Laudato Si’ của mình, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói về trái đất như ‘ngôi nhà chung’ của mọi người. Ngài ca ngợi tất cả những người ra sức gánh trách nhiệm giữ gìn ngôi nhà này và thách đố các Kitô hữu thực hiện một cuộc hoán cải sinh thái triệt để. “Thách đố khẩn thiết để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta bao gồm một sự quan tâm là đem toàn thể gia đình nhân loại cùng nhau kiếm tìm một sự phát triển bền vững và toàn diện, vì chúng ta biết rằng mọi thứ có thể đổi thay. Đấng Tạo Hoá không bỏ rơi chúng ta; Ngài không bao giờ bỏ kế hoạch yêu thương của Ngài hoặc hối tiếc vì đã tạo dựng nên chúng ta. Nhân loại vẫn có khả năng cùng nhau hành động để xây dựng ngôi nhà chung của chúng ta. Ở đây tôi muốn công nhận, khích lệ và cảm ơn tất cả những ai đang nỗ lực bằng muôn vàn cách thế bảo vệ ngôi nhà chung mà chúng ta đang cùng chia sẻ (LS, 13)”.

 

TL       166, 473

GL       283, 2456

Y         57

 

Môi trường con người và môi trường thiên nhiên cùng xuống cấp. Chúng ta không thể chiến đấu thoả đáng chống lại sự suy thoái môi trường nếu ta không chú ý đến các nguyên nhân có liên hệ đến sự suy thoái con người và xã hội. Thật vậy, sự suy thoái môi trường và xã hội ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương nhất trên hành tinh: ‘Kinh nghiệm đời sống hằng ngày lẫn kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy những người nghèo nhất thì phải chịu những hậu quả nặng nề nhất của mọi thứ tấn công vào môi trường’.

Giáo hoàng Phanxicô, LS 48

 

260      Phát triển nền sinh thái toàn diện là gì?

Đức Giáo hoàng Phanxicô nói: “Chúng ta đang phải đối mặt không phải với hai cuộc khủng hoảng tách rời nhau, cuộc khủng hoảng về môi trường và cuộc khủng hoảng về xã hội, nhưng đúng ra là một cuộc khủng hoảng phức tạp cả về xã hội lẫn môi trường. Các chiến lược tìm kiếm giải pháp đòi hỏi một cách tiếp cận tổng thể để chống lại đói nghèo, khôi phục phẩm giá cho người bị loại trừ đồng thời bảo vệ thiên nhiên” (LS 139). Ở một chỗ khác, ngài nói: “Vì thế, chỉ nói về tính toàn vẹn của các hệ sinh thái thôi thì không đủ. Chúng ta phải dám nói về tính toàn vẹn của đời sống con người, của nhu cầu thăng tiến và thống nhất tất cả các giá trị chủ chốt” (LS 224).

 

TL       166, 481

GL       282, 354, 2456

Y         426-437

 

Canh tác và chăm sóc thế giới tạo thành là một lệnh truyền của Thiên Chúa, không những vào lúc khởi đầu của lịch sử, mà còn ban cho mỗi người trong chúng ta. Đó là một phần trong kế hoạch của Ngài. Điều đó có nghĩa là làm cho thế giới gia tăng với trách nhiệm, khi chuyển đổi trái đất thành một khu vườn, một nơi có thể cư trú cho tất cả chúng ta.

Giáo hoàng Phanxicô, 5 tháng 6, 2013

 

Chúng ta là những thụ tạo của Thiên Chúa, được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài và giống như Ngài, được ban cho một phẩm giá bất khả xâm phạm, và được gọi đến sự sống đời đời. Bất cứ nơi nào con người bị hạ thấp giá trị, thế giới xung quanh chúng ta cũng bị tổn hại; thế giới mất ý nghĩa tối hậu và xa lạc mục tiêu của mình. Thứ trồi lên thay thế là một nền văn hoá, không phải văn hoá sự sống, nhưng văn hoá sự chết. Làm thế nào có thể xem điều này là “tiến bộ” được?

Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, 19 tháng 7, 2008

 

Việc tiêu thụ vô độ các thụ tạo bắt đầu ở nơi mà Thiên Chúa không được nhìn nhận, nơi mà vật chất từ nay trở đi chỉ dành cho chúng ta, nơi mà con người chúng ta xem mình như chủ nhân có quyền đòi hỏi tuyệt đối, nơi tất cả đều thuộc quyền sở hữu của chúng ta nên ta tiêu thụ chúng cho riêng mình… nơi chúng ta cho rằng mình phải chiếm hữu tất cả những gì có thể chiếm hữu.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, 6 tháng 8, 2008

 

261      Chúng ta có thể tìm thấy ở đâu những gì Giáo Hội phải nói về đạo đức môi trường?

Bản văn trung tâm của Giáo Hội về sinh thái là Thông điệp Laudato (2015) của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Thông điệp đưa ra một phân tích toàn diện về mối đe doạ sinh thái, có tham chiếu các nghiên cứu khoa học, và mô tả những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng. Tất cả những điều này không chỉ bắt nguồn từ những bất lực chính trị (do sự khuất phục của chính trị trước công nghệ và tài chính) và sự khai thác trái đất cách mù quáng về kinh tế. Lý do cốt lõi của vấn đề phải tìm nơi chính con người do sự rối loạn chung trong các mối quan hệ của con người với thế giới tạo thành (“… mối quan hệ với chính mình, với người khác, với Thiên Chúa và với trái đất”). Sự hoán cải sẽ phục hồi con người, vì con người buộc phải biết rằng “mọi thứ đều liên kết với nhau và không thể tách rời việc chăm sóc đúng nghĩa, cho đời sống riêng của mình cũng như cho các mối liên hệ giữa con người với thiên nhiên, ra khỏi những giá trị như tình huynh đệ, sự công bằng và sự trung tín đối với những người khác” (LS 70). Do đó, nền sinh thái đích thực đồng thời là sự bảo vệ môi trường, bảo vệ sinh thái con người, sinh thái xã hội và sinh thái văn hoá. Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng sự tự do của con người có thể “giới hạn và định hướng công nghệ; ta có thể khiến công nghệ phục vụ cho một loại tiến bộ khác, lành mạnh hơn, nhân bản hơn, mang tính xã hội hơn và toàn diện hơn” (LS 112). Ngoài Laudato , các thông điệp Populorum Progressio (1967) và Caritas in Veritate (2009) cũng là những văn kiện quan trọng bàn về mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội và việc bảo vệ môi trường sinh thái.

 

TL       466-471

GL       282, 454

Y         436-437

Khi lương thực được chia sẻ công bằng với tình liên đới, sẽ không có ai bị tước đoạt những gì mình cần đến, thì mọi cộng đồng mới có thể đáp ứng được các nhu cầu của những thành viên nghèo khổ nhất. Hệ sinh thái con người và sinh thái môi trường luôn đi đôi với nhau.

Giáo hoàng Phanxicô, 5 tháng 6, 2013

 

Chúng ta không được phép xem thiên nhiên như một kẻ thù cần khống chế và đánh bại, nhưng cần phải học lại cách hợp tác với thiên nhiên. Thế giới tự nhiên đã có bốn tỉ rưỡi năm kinh nghiệm. Khoảng thời gian trải nghiệm của loài người chúng ta ít hơn nhiều.

Hans Peter Dürr (1929-2014), nhà vật lý học người Đức

262  Phải chăng thế hệ hiện nay đang lấy đi những gì cần để sống của các thế hệ tương lai?

Xét theo một mức độ nào đó, đúng là như vậy. Chỉ một phong trào hướng đến tình liên đới mới có thể thay đổi được điều đó. Vì vậy Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng: “Nếu chúng ta bắt đầu suy nghĩ về loại thế giới mà mình sẽ để lại cho những thế hệ tương lai, chúng ta sẽ có cách nhìn khác về mọi thứ; chúng ta nhận ra rằng thế giới này là một quà tặng mà mình đã nhận được không điều kiện, vì thế chúng ta phải chia sẻ thế giới này với những người khác. Vì thế giới này được trao tặng cho chúng ta, nên chúng ta không còn có thể được nhìn hiện thực theo nhãn quan thuần tuý thực dụng nữa, trong đó tính hiệu quả và năng suất hoàn toàn bị đổi hướng, chỉ nhằm phục vụ cho lợi lộc cá nhân” (LS 159).

 

TL       319, 470, 478

GL       299

Y         56-57

Các tài nguyên của thế giới tạo thành là một món quà vô giá của Thiên Chúa dành cho loài người. Loài người có bổn phận bảo vệ kho báu này và chống lại lối sử dụng bừa bãi những của cải của trái đất.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, 27 tháng 9, 2008

 

Do đó tôi muốn tất cả chúng ta đưa ra cam kết nghiêm túc trong việc tôn trọng và chăm sóc thế giới tạo thành, quan tâm đến mọi người, chiến đấu chống lại nền văn hoá lãng phí và vứt bỏ để bồi dưỡng một nền văn hoá liên đới và gặp gỡ.

Giáo hoàng Phanxicô, 5 tháng 6, 2013

263      Bền vững: một nguyên tắc xã hội mới?

Với sự trợ giúp của các nguyên tắc xã hội căn bản à Nhân vị à Liên đới và à Bổ trợ (xem các số 83-102), người ta có thể hiểu được các cơ cấu xã hội và đặt các nguyên tắc này ngang tầm với các chuẩn mực đạo đức. Trước những thách đố của thời nay, dường như cần thêm một nguyên tắc vào các chuẩn mực đó: nguyên tắc bền vững. Nguyên tắc này có liên quan đến và nhằm thực hành các nguyên tắc truyền thống của đạo đức xã hội về các điều kiện sống của con người và sự sống còn của chính trái đất. Nói đến bền vững là nói đến việc bảo vệ sự ổn định lâu dài của hệ sinh thái trái đất và khả năng tự nhiên của trái đất trong việc tái tạo các nguồn tài nguyên.

TL       160-163

GL       2415-2418

Y         436

Người nào muốn sống hài hoà với thiên nhiên thì thực tế phải đấu tranh giành khu vực săn mồi nên phải ăn thịt những loài vật yếu hơn hay xua đuổi chúng đi. Nhưng chúng ta có thật sự muốn sống hoà hợp với thiên nhiên đến mức như vậy không?

Paul Watzlawick, (1921-2007), nhà triết học và tâm lý học người Mỹ gốc Áo

 

264      Vì sao nguyên tắc bền vững cần đến nguyên tắc “nhân vị”?

Việc quan tâm đến hệ sinh thái của trái đất tự nó không phải một đích điểm cuối cùng; đích đến sau hết phải là hành động vì phẩm giá vô song của con người. Con người là trung tâm của thế giới, chứ không phải thiên nhiên hay động vật, mặc dù ta biết rằng việc gìn giữ thiên nhiên nguyên vẹn cũng như nơi sinh sống phù hợp cho các loài động vật mang lại nhiều lợi ích cho con người. Bảo vệ thiên nhiên và bảo vệ nhân loại là hai mặt của nền đạo đức Kitô giáo, như hai mặt của một đồng tiền.

 

TL       456-457; 473

GL       354     

Y         57

Cơn thèm khát quyền lực và sở hữu không có giới hạn. Trong hệ thống này, người ta sẵn sàng ăn tươi nuốt sống mọi thứ ngăn cản con đường tăng trưởng lợi nhuận, nên bất kỳ điều gì mỏng manh yếu ớt, như môi trường, thì vô phương tự vệ trước những lợi ích của một thị trường được thần thánh hoá, thứ đã trở nên quy luật duy nhất.

Giáo hoàng Phanxicô, EG 56

265      Vì sao bền vững cần đến “liên đới”?

Tính bền vững là một thách thức chỉ có thể được đáp ứng nhờ nỗ lực chung. Nếu không có sự liên đới thực tiễn trong quan hệ thân cận, tính bền vững sẽ chỉ là một đề tài làm nản lòng của một vài người lý tưởng, trong khi những kẻ khác trơ tráo mặc sức sử dụng cạn kiệt các tài nguyên (“Cút đi, kẻ quấy rối!”). Nếu không có những tổ chức được thành lập để chống lại nghèo đói trong tinh thần liên đới hay để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tính bền vững sẽ chỉ là một từ ngữ sáo rỗng, không mang tính ràng buộc chính trị. Trong các chương trình viện trợ quốc tế của mình, Giáo Hội có một truyền thống liên đới rất đáng kể, truyền thống này có thể phát triển hơn nữa.

 

TL       103, 193-195, 449, 474-478, 580

GL       344

Y         332

Thiên Chúa, Cha chúng ta, đã trao nhiệm vụ bảo vệ trái đất cho chúng ta, những người nam người nữ, chứ không phải trao cho tiền bạc. Chúng ta đang nhận lãnh nhiệm vụ này ư! Nhưng thay vào đó, những người nam nữ lại bị đem hiến tế cho các ngẫu tượng lợi nhuận và tiêu thụ: đó là thứ “văn hoá rác rưởi”.

Giáo hoàng Phanxicô, 5 tháng 6, 2013

266      Tại sao phát triển bền vững cần đến “bổ trợ”?

 

Nếu không có nguyên tắc bổ trợ, sự phát triển bền vững sẽ thiếu yếu tố nòng cốt về tổ chức: điều mà một tổ chức nhỏ hơn có thể làm thì nên giao cho tổ chức đó thực hiện. Cấp cao hơn không cần phải sắp đặt và tổ chức những việc như thế. Sinh thái dễ bị lạm dụng như một cớ để đòi hỏi Nhà nước hành động nhiều hơn, ra nhiều quy định hơn và tập trung quyền lực vào mình hơn, thay vì lẽ ra nên cổ vũ các cơ cấu để họ tự do hành động và thích ứng tốt với các môi trường tự nhiên và văn hoá – xã hội trong từng trường hợp cụ thể.

 

TL       186-188, 299, 449

GL       1883, 2241

Y         323

Bất cứ hành động nào nhằm phá hoại đời sống của những người đương thời, của những thế hệ sau chúng ta, của những sinh vật quanh ta, và của chính trái đất đều không hợp với đức tin Kitô giáo.

Dorothee Sölle

 

Có những thụ tạo khác yếu đuối và không thể tự vệ thường bị phó mặc cho mối lợi kinh tế hay sự khai thác bừa bãi. Tôi đang muốn nói đến toàn thể vạn vật. Là con người, chúng ta không phải chỉ là những kẻ thụ hưởng nhưng còn là những người quản lý các thụ tạo khác. Nhờ có thân xác, chúng ta được Thiên Chúa kết nối cách chặt chẽ với thế giới quanh ta, đến nỗi khiến chúng ta cảm thấy tình trạng đất đai khô cằn gần như là một căn bệnh trong thể xác của mình, và sự tuyệt chủng của một loài như thể là một sự biến dạng đau đớn. Vì vậy khi thức tỉnh rồi, chúng ta đừng để lại sau mình dấu vết tàn phá và chết chóc sẽ ảnh hưởng tới đời sống của chính chúng ta và của các thế hệ tương lai.

Giáo hoàng Phanxicô, EG 215

267      Đức tin có thể đóng góp điều gì vào các cuộc thảo luận về “tính bền vững”?

“Tính bền vững” cũng có thể bị biến thành một hệ tư tưởng; người ta nghĩ rằng hoạ hiếm mới có thể thực hiện được về mặt công nghệ và xã hội, hay như một kế hoạch chính trị nên được mạnh mẽ thực hiện. Đức tin Kitô giáo có thái độ phê phán đối với các hệ tư tưởng vì đức tin ấy không tin tưởng vào những giải pháp hoàn hảo của các hệ tư tưởng. Nhưng đức tin này lại thật sự huy động mọi lực lượng có thể để làm cho các điều kiện sống của con người đạt được tính bền vững, công bằng và phù hợp với nhân phẩm. Tuy nhiên, cuối cùng đức tin Kitô giáo sống niềm hy vọng rằng chung cuộc Thiên Chúa sẽ hoàn thiện những điều con người không thể đạt được, ngay cả những dự tính tốt đẹp nhất, nói rõ ra là hoàn thành một thiên đường trong thực tế. Vì vậy, tính bền vững là mối bận tâm về tương lai, được khích lệ không phải bởi thái độ lạc quan về sự tiến bộ nhưng bởi một tầm nhìn sáng suốt về một cuộc sống tốt đẹp biết bằng lòng với những giới hạn của thiên nhiên.

 

TL       100

GL       285

Alice hỏi: “Bạn vui lòng cho tôi biết, từ chỗ này tôi phải đi tiếp con đường nào?” Mèo trả lời: “Điều đó còn tuỳ vào việc bạn muốn đi đến đâu”.

Lewis Carroll (1832-1898), tác giả người Anh quyển Alice ở Xứ sở Thần tiên

Đây không chỉ là vấn đề tìm ra các công nghệ để ngăn chặn thiệt hại, mặc dù điều quan trọng là phải tìm ra những nguồn năng lượng thay thế, bên cạnh những vấn đề khác. Tuy nhiên, không có điều nào trên đây là đủ nếu chúng ta không tự tìm ra cho mình một cách sống mới, một kỷ luật dám hy sinh, và một kỷ luật biết nhìn nhận những người khác cũng có quyền sở hữu các thụ tạo như chúng ta.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, 11 tháng 5, 2008

268      Các Kitô hữu có thể sống tốt giữa những giới hạn của thiên nhiên như thế nào?

Tính bền vững (như việc bảo vệ sự ổn định của các môi trường sinh thái, kinh tế và xã hội của con người) không có nghĩa đơn giản là tốc độ phát triển ngày càng nhanh hơn và ngày càng có nhiều hàng hoá hơn. Nếu như thế, những người giàu chỉ càng sống trơ trẽn hơn và bỏ mặc những người nghèo không thể theo kịp cuộc đua tranh. Sự thịnh vượng nào biết sử dụng các tài nguyên một cách tiết kiệm và thận trọng – nói cách khác, không ngốn sạch các tài nguyên hữu hạn của trái đất – mới là loại thịnh vượng có thể mang lại cho nhiều người nhất một cơ hội chia sẻ sự thịnh vượng này. Đó là kiểu thịnh vượng duy nhất mà Kitô hữu có thể ủng hộ bởi vì nó công bằng. Viễn cảnh này đưa lại một ý nghĩa mới cho việc “xoay sở”: làm hết cách mà không cần phải dùng đến những gì bạn lấy đi vĩnh viễn từ bao người khác.

 

TL       172, 359, 470

GL       339-340

Y         45

Việc lãng phí các thụ tạo bắt đầu khi chúng ta không còn công nhận bất cứ đòi hỏi nào khác ngoài đòi hỏi của riêng ta, và ta chỉ thấy mình mà thôi. Việc lãng phí này bắt đầu khi ta không còn khái niệm nào về sự sống sau cái chết, khi mà chúng ta cho rằng mình phải nắm giữ mọi thứ và sở hữu sự sống càng nhiều càng tốt trong cuộc đời này, nơi chúng ta cho rằng mình phải chiếm hữu mọi thứ có thể.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, 6 tháng 8, 2008

 

Chúng ta phải đối diện với viễn cảnh thay đổi lối sống cơ bản của mình. Sự thay đổi này hoặc sẽ do chúng ta chủ động thực hiện theo sáng kiến của mình một cách hợp lý và có hoạch định, hoặc chúng ta bị buộc phải thay đổi do những rối loạn và đau khổ xảy ra cho chúng ta theo những quy luật không mủi lòng của thiên nhiên.

Jimmy Carter, (sinh 1924), cựu Tổng thống Hoa Kỳ, trong một bài diễn văn năm 1976

 

Lạy Thiên Chúa tình yêu, xin chỉ cho chúng con thấy vị trí của mình trong thế giới này… Xin soi sáng những người nắm giữ quyền lực và tiền của để họ tránh được tội vô cảm, để họ yêu mến công ích, nâng đỡ người yếu đuối và chăm sóc thế giới chúng con đang sống đây.

Giáo hoàng Phanxicô, Lời cầu nguyện trong LS

269      Thiên Chúa ở đâu trong cuộc khủng hoảng sinh thái này?

 

Cuộc khủng hoảng sinh thái xảy ra, không phải trên bàn làm việc của các nhà thần học hay xã hội học, mà ngay trong kinh nghiệm sống của những người nông dân chịu đựng nhiều mất mát do thời tiết thay đổi quá đáng cũng như trong kinh nghiệm sống của những người lao động nhập cư nghèo khổ tại các khu ổ chuột của các thành phố với hàng triệu cư dân. Thiên Chúa ở đâu trong những hoàn cảnh đó? Trước tiên, Thiên Chúa hiện diện nơi tất cả những ai đang cố gắng chia sẻ theo đúng cách thức, bởi vì trong Đức Giêsu Kitô, một vị Thiên Chúa đầy lòng xót thương đã xuống thế để đích thân chia sẻ sự khốn cùng của con người. Thiên Chúa cũng có ở trong những nỗ lực khác nhau để biến đổi trái đất đã bị tàn phá thành như thụ tạo ban đầu và tái sinh các môi trường có thể. Quan điểm Kitô giáo về con người không xác định giá trị của con người nằm ở tổng số lượng hàng hoá được con người sản xuất ra và tiêu thụ, và như vậy, cách nhìn đó có thể khuyến khích những cuộc trao đổi mang tính khiêm nhường, công bằng và có trách nhiệm với nhau. Hơn nữa, Giáo Hội là một “đối tác toàn cầu” lâu đời nhất, nên có khả năng thúc đẩy trách nhiệm trên toàn thế giới một cách đặc biệt. Vì chỉ có trách nhiệm mới xoay ngược tình thế để cứu vãn được cuộc khủng hoảng sinh thái.

 

TL       465, 470, 480

GL       2415-2418

Y         57, 427, 436

 

Trích các văn kiện quan trọng của Giáo Hội

10

MÔI TRƯỜNG

 

Evangelium Vitae  Trách nhiệm đối với thụ tạo/môi trường

Vì được kêu gọi để canh tác và chăm lo cho khu vườn thế giới (x. St 2,15) con người có trách nhiệm đặc biệt với môi trường trong đó họ sinh sống, với những thụ tạo mà Thiên Chúa đã sắp đặt để phục vụ phẩm giá cá vị cũng như sự sống của con người, không phải chỉ cho thế hệ hiện tại, mà còn cho các thế hệ tương lai. Đó là vấn đề sinh thái – từ việc bảo tồn các nơi ở tự nhiên của mọi loài động vật và nhiều hình thái sự sống khác, cho đến “sinh thái của con người” nói riêng – đều tìm thấy trong đoạn Kinh Thánh này đường hướng rõ ràng và mạnh mẽ mang tính đạo đức, dẫn đến một giải pháp tôn trọng điều thiện hảo lớn lao nhất là sự sống, mọi sự sống. Thực ra, “quyền bá chủ mà Đấng Tạo Hoá ban cho con người, không phải là một quyền tuyệt đối, và người ta cũng không thể nói đến một thứ tự do ‘sử dụng hay lạm dụng’, hoặc sắp đặt mọi thứ theo như mình muốn. Giới hạn mà Thiên Chúa đặt ra ngay từ đầu và được diễn tả tượng trưng bằng việc ‘cấm ăn trái cây’ (St 2,16-17), giới hạn đó cho thấy rõ rằng, trong thế giới tự nhiên, chúng ta không phải chỉ tuân phục các quy luật sinh học mà còn phải chấp nhận các quy luật luân lý nữa, những định luật không thể vi phạm cách vô tội vạ”.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae (1995), 42

Sứ điệp Hoà bình Thế giới 2010  Tìm các Chiến lược Chung

Chắc chắn rằng, một trong những vấn đề chính mà cộng đồng quốc tế cần giải quyết là vấn đề các nguồn năng lượng, và việc triển khai những chiến lược phối hợp và bền vững để thoả mãn các nhu cầu năng lượng của thế hệ hiện tại và tương lai. Điều đó có nghĩa là các xã hội tiên tiến về kỹ thuật cần tỏ ra sẵn sàng cổ vũ những lối sống lành mạnh hơn, trong khi giảm mức tiêu thụ năng lượng của họ và cải thiện hiệu quả việc sử dụng năng lượng đó. Đồng thời, cần khích lệ việc nghiên cứu và khai thác các dạng năng lượng ít ảnh hưởng hơn tới môi trường, và cần “tái phân phối các nguồn năng lượng trên trái đất để các nước thiếu những nguồn năng lượng này cũng có thể tiếp cận được”.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Sứ điệp ngày Hoà bình Thế giới 2010

Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ Thách thức của việc Biến đổi Khí hậu

Suy cho cùng, việc biến đổi khí hậu toàn cầu không phải là về lý thuyết kinh tế hoặc các diễn đàn chính trị, cũng không phải về lợi thế đảng phái hay áp lực của nhóm lợi ích. Nó liên quan đến tương lai của thế giới vạn vật được Thiên Chúa tạo dựng và đến cả một gia đình nhân loại. Nó liên quan đến việc bảo vệ “môi trường sống của con người” và môi trường thiên nhiên. Đó là về con người chúng ta quản lý thế giới thụ tạo của Thiên Chúa và trách nhiệm của chúng ta đối với những thế hệ mai sau. Với những suy tư này, chúng tôi tìm cách đưa ra một lời cảnh báo và lời kêu gọi đối thoại chân thành khi mà Hoa Kỳ và các quốc gia khác phải đối mặt với những quyết định về cách tốt nhất để đối phó với những thách thức của việc biến đổi khí hậu toàn cầu. Cuộc đối thoại và việc đối phó của chúng ta trước những thách thức biến đổi khí hậu phải bắt rễ trong đức khôn ngoan. Trong khi vẫn còn một vài điểm chưa chắc chắn, hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng một điều gì đó quan trọng đang xảy ra cho bầu khí quyển. Hành vi và hoạt động của con người, theo những phát hiện gần đây nhất của các cơ quan khoa học quốc tế có trách nhiệm đánh giá sự biến đổi khí hậu, đang góp phần vào sự ấm lên của khí hậu trái đất. Mặc dù người ta tiếp tục tranh luận về mức độ và tác động của sự ấm lên này, nhưng việc trái đất ấm lên có thể là khá nghiêm trọng… Do đó, dường như thái độ khôn ngoan không chỉ là tiếp tục nghiên cứu và theo dõi hiện tượng này, nhưng còn thực hiện vào lúc này các bước nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực có thể có trong tương lai.

Tuyên bố của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, “Biến đổi Khí hậu Toàn cầu: Kêu gọi Đối thoại, Khôn ngoan và Công ích”, 15 tháng 6, 2001, Phần Dẫn nhập

Giáo hoàng Phanxicô Nhân loại lâm nguy

Việc canh tác và bảo quản trái đất nghĩa là gì?… Động từ “canh tác” nhắc tôi nhớ đến việc chăm sóc mà một người nông dân cần thực hiện để đảm bảo rằng đất của ông sẽ sản xuất được và sản phẩm của ông sẽ được chia sẻ. Biết bao nhiêu sự quan tâm, nhiệt tình và cống hiến lớn lao phải bỏ ra! Canh tác và chăm sóc vạn vật… nghĩa là làm cho thế giới gia tăng trách nhiệm, biến đổi thế giới để nó có thể thành một khu vườn, một nơi có thể ở cho tất cả chúng ta… Thay vào đó, chúng ta thường bị lôi kéo bởi niềm kiêu hãnh muốn thống trị, chiếm hữu, điều khiển và khai thác; chúng ta không “bảo tồn” trái đất, chúng ta không tôn trọng nó, chúng ta không coi nó như một món quà được tự nguyện tặng ban để chăm sóc… Tuy nhiên, “canh tác và chăm sóc” không chỉ kéo theo mối quan hệ giữa chúng ta và môi trường, giữa con người và vạn vật. Chúng còn liên quan đến các mối quan hệ giữa con người với nhau.

Giáo hoàng Phanxicô, Bài phát biểu trong buổi triều yết, 5 tháng 6, 2013

Evangelium Vitae  Cộng tác với Đấng Tạo Hoá

Hệ gen của con người được khắc ghi trong chính bản chất sinh học của thế hệ. Với lời khẳng định rằng đôi vợ chồng, trong tư cách làm cha mẹ, cộng tác với Thiên Chúa Tạo Hoá trong việc mang thai và sinh hạ một con người mới, chúng ta không chỉ đang nói thuần tuý đến các quy luật sinh học. Thay vào đó, chúng ta muốn nhấn mạnh rằng chính Thiên Chúa hiện diện nơi cương vị làm cha mẹ hoàn toàn khác với sự hiện diện của Ngài trong tất cả những trường hợp tạo dựng khác “trên mặt đất”. Thật vậy, chỉ Thiên Chúa là nguồn gốc của “hình ảnh giống như Ngài” đặc trưng nơi con người – hình ảnh mà con người đã đón nhận như thế từ thời Tạo dựng. Sinh sản con cái là việc tiếp nối Công trình Tạo dựng của Thiên Chúa.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae (1995), 43