Có học sinh giỏi, nhưng chưa có người tài
Đó là ý kiến chung của nhiều nhà khoa học xoay quanh câu chuyện VN có nhiều học sinh giỏi, nhưng ngành khoa học cơ bản của nước nhà lại không phát triển.
Có học sinh giỏi, nhưng chưa có người tài
Đó là ý kiến chung của nhiều nhà khoa học xoay quanh câu chuyện VN có nhiều học sinh giỏi, nhưng ngành khoa học cơ bản của nước nhà lại không phát triển.
Giáo dục ĐH của VN cần có sự chuyển mình mạnh mẽ thì nghiên cứu cơ bản trong nước mới phát triển. Trong ảnh: một giờ học của lớp kỹ sư công nghệ thông tin Việt Nhật, ĐH Bách khoa Hà Nội – Ảnh: N.KHÁNH |
Mời bạn đọc theo dõi các ý kiến này.
* GS.TSKH Lê Tuấn Hoa (viện trưởng Viện Toán học):
Đừng nên ảo tưởng quá mức về các cuộc thi
Xã hội nên nhìn nhận thành tích của các học sinh giỏi đoạt giải quốc tế một cách bình tĩnh. Đừng bốc đồng, ảo tưởng quá mức về kết quả này, cũng đừng tạo thành áp lực vô lý lên các em.
Đoạt giải quốc tế chứng tỏ các em thông minh, có năng lực tốt. Nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa sau khi đạt thành tích, các em phải gắn chuyên ngành của môn đoạt giải đó với cả cuộc đời mình. Việc học sinh đoạt giải quốc tế môn toán, lý… nhưng chọn học luật, kinh tế, hay học y cũng là điều bình thường.
Nếu ai đó đặt vấn đề, và cho rằng quá khó hiểu, đáng tiếc khi nhiều học sinh đoạt giải quốc tế, sau đó lại mất hút ở chính những lĩnh vực chuyên môn của ngành khoa học đó, thì cách nhìn nhận này cũng sai lầm.
Kể cả việc coi học sinh đoạt giải quốc tế chứng tỏ “ngành khoa học đó của VN đang lên” cũng là ảo tưởng trầm trọng. Đồng nhất việc thi thố với thành tích của khoa học chuyên môn là sai lầm, vì nó không dính dáng gì đến nhau cả.
* GS Ngô Bảo Châu:
Giáo dục ĐH chưa chuyển mình, nghiên cứu cơ bản chưa phát triển
Là những người có năng khiếu, đam mê, phần lớn học sinh sau khi đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế đều tiếp tục phát triển, theo đuổi các ngành khoa học cơ bản và có nhiều bạn thành công. Có điều phần lớn các bạn thành công trong lĩnh vực khoa học cơ bản là ở nước ngoài. Sau khi học tập, các bạn đó đã chọn ở lại nước ngoài làm việc, nghiên cứu.
Điều đó cũng dễ hiểu, đất nước còn nhiều khó khăn, điều kiện làm việc trong nước có khoảng cách chênh lệch quá lớn so với ở nước ngoài, nên không đủ sức thu hút các bạn ấy trở về làm việc, nghiên cứu trong nước. Có lẽ đó là lý do chủ yếu khiến chúng ta tuy có tiềm năng về con người, nhưng vẫn thiếu hụt đội ngũ kế cận phát triển các ngành khoa học cơ bản.
Các lĩnh vực khoa học cơ bản của chúng ta chưa phát triển, chưa có những thành tựu nổi bật tầm quốc tế. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng 10-15 năm gần đây, khoa học cơ bản của chúng ta không có sự thay đổi.
Theo tôi, chừng nào nền giáo dục ĐH của VN chưa có sự chuyển mình mạnh mẽ thì nghiên cứu cơ bản trong nước chưa thể phát triển được.
Cải cách giáo dục ĐH một cách triệt để, có những thay đổi mang tính cải tổ, minh bạch hơn mới có thể thu hút những nhà khoa học trẻ ở nước ngoài về nước làm việc. Từ đó làm thay đổi nghiên cứu khoa học cơ bản. Và ngược lại, khi nghiên cứu cơ bản trong nước mạnh lên cũng sẽ làm thay đổi tích cực đến giáo dục ĐH, nhất là về chất lượng.
* PGS.TS Phan Bảo Ngọc (trưởng bộ môn vật lý, ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM):
Chính sách thu hút người tài chưa hiệu quả
Để các em xuất sắc theo đuổi nghiên cứu khoa học nói chung hay khoa học cơ bản nói riêng thì nghiên cứu khoa học phải là một nghề đủ hấp dẫn so với các ngành nghề khác trong xã hội. Ví dụ, môi trường và cơ sở vật chất nghiên cứu khoa học phải hiện đại, theo kịp thế giới, có mức lương tương đối cao so với mặt bằng xã hội.
Một lứa học sinh cả nước chỉ có vài chục em xuất sắc như vậy, nhưng nếu làm nghiên cứu cơ bản trong nước cỡ 10-15 triệu đồng/tháng, lương chỉ bằng tài xế xe Uber, Grab thì rõ ràng chẳng hấp dẫn chút nào đối với các em này.
Chúng ta mới có học sinh giỏi, chứ chưa có được nhiều người tài làm việc tại VN. Ở một vài nơi đã có chính sách thu hút người tài, nhưng chưa hiệu quả. Lý do, theo tôi, liên quan đến việc thực hiện chính sách vẫn còn hình thức, không đi đến tận cùng của vấn đề.
Thế giới tranh cãi về “học sinh giỏi” Các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc (vốn đạt thành tích cao ở các cuộc thi toán, vật lý quốc tế vài năm nay) mỗi năm lựa chọn một số lượng học sinh giỏi nhất định tham gia vào trường học đặc biệt và thường là trường tư. Đó là nơi các em được học chuyên biệt một nhóm môn mình yêu thích, với độ khó và chiều sâu cao hơn bình thường, không chỉ giới hạn ở môn cơ bản. Nhóm các học sinh giỏi này còn được tham gia các khoá học chung, trại hè… để nâng cao tính tương tác và hòa nhập. Đội ngũ giáo viên là những giáo sư, tiến sĩ, giảng viên ĐH được đào tạo hẳn hoi cho nhiệm vụ này. Như ở Hàn Quốc, các học sinh có năng khiếu ở môn cơ bản ban đầu sẽ được rèn luyện toán học, khoa học. Sau đó sẽ mở rộng sang các lĩnh vực như tin học, nghệ thuật, thể thao, văn học, khoa học xã hội… Nhu cầu này dẫn tới việc thành lập Viện Hàn Quốc về năng khiếu nghệ thuật năm 2008. Viện Phát triển giáo dục Hàn Quốc, Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc là những trung tâm nghiên cứu cấp quốc gia dành cho người có năng khiếu, phụ trách nghiên cứu và phát triển giáo dục cho trẻ có năng khiếu. Tuy vậy, trong vài năm nay, tại một số nước đã xuất hiện ý kiến phản đối xu hướng dồn tài lực để “luyện gà”. Tuần trước, trong hội nghị của Hội đồng thế giới về trẻ em năng khiếu và tài năng tổ chức ở Sydney (Úc), nhiều học giả nghi ngờ ý tưởng “luyện gà” này. Điều này xuất phát từ thực tế đôi khi trẻ em bị dán nhãn “năng khiếu” về một môn gì đó, các em sẽ vô tình chịu áp lực học tập và dính chặt với môn đó. Và do năng khiếu không phải luôn bộc lộ ở một độ tuổi nhất định nào, nhiều trẻ tưởng như tài năng, đã đi lạc hướng! |
Học sinh Hoàng Hữu Quốc Huy (huy chương vàng IMO 2017): Sẽ rẽ sang toán ứng dụng “Em dự định sẽ học ngành khoa học máy tính thuộc Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Trong quá trình học, em sẽ cố gắng tích lũy kiến thức để đi du học. Xa hơn nữa, em vẫn tiếp tục học toán, nhưng sẽ rẽ sang toán ứng dụng, vì đó là sở thích của em. Cho dù có đoạt giải thưởng này hay không thì mục tiêu của em vẫn không thay đổi: là học ĐH và tìm kiếm cơ hội du học”. |