Bất an ‘hội chứng bắt cóc’
Liên tiếp những vụ người dân bị bắt, đánh đập tàn nhẫn, phá hoại tài sản… chỉ vì những tin đồn vô căn cứ ‘bắt cóc’, khiến người bị oan thiệt hại sức khỏe và tài sản, còn xã hội bất an.
Bất an ‘hội chứng bắt cóc’
Liên tiếp những vụ người dân bị bắt, đánh đập tàn nhẫn, phá hoại tài sản… chỉ vì những tin đồn vô căn cứ ‘bắt cóc’, khiến người bị oan thiệt hại sức khoẻ và tài sản, còn xã hội bất an.
Vụ việc mới nhất xảy ra ngày 22.7. Theo thông tin ban đầu, bà Lê Thị B. (40 tuổi, trú H.Mỹ Đức, Hà Nội) và bà Nguyễn Thị P. (52 tuổi, ngụ H.Ứng Hoà, Hà Nội), thành viên Hợp tác xã tình thương Mỹ Đức, đến xã Mai Đình (H.Sóc Sơn, Hà Nội) để bán tăm, khi đang hỏi chuyện một cháu bé thì bị một số người địa phương cho rằng dụ dỗ trẻ em để bắt cóc. Một người hô lên và rất nhiều người nghe thế là nhào ra vây đánh hai phụ nữ nhừ tử khiến họ phải nhập viện.
TIN LIÊN QUAN
Thực hư video ‘người đàn bà bắt cóc trẻ em’ gây xôn xao ở Nghệ An
Video clip quay lại cảnh nhiều người vây bắt và tra hỏi một người phụ nữ vì nghi bắt cóc trẻ em tại huyện Nam Đàn (Nghệ An) được đăng tải lên mạng xã hội vào chiều 24.6 đang gây xôn xao dư luận. Vậy thực hư chuyện này là như thế nào?
Thấy người lạ là hô “bắt cóc” !
Trên đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc người vô tội bị hàm oan bởi sự hồ nghi và quá khích của người dân. Trước đó, những vụ việc tương tự đã xảy ra ở nhiều tỉnh thành, từ Hải Phòng, Hải Dương đến Thanh Hoá, Nghệ An, Đà Nẵng…
Sáng 13.7, phát hiện một phụ nữ cầm theo giỏ thuốc bắc đi bán dạo tại P.Nghi Thuỷ (TX.Cửa Lò, Nghệ An), một người dân địa phương đã dọa báo công an vì “nơi đây cấm bán hàng rong”. Người phụ nữ bỏ chạy. Thấy vậy, một số người dân cho rằng người này bắt cóc trẻ em (!) nên hô hoán vây bắt. Dù trời mưa to nhưng hàng trăm người vẫn kéo đến đòi đánh “kẻ bắt cóc”. Lực lượng công an sau đó phải có mặt để giải vây, đưa người phụ nữ về trụ sở làm rõ sự việc. Hàng trăm người dân tiếp tục kéo đến trụ sở công an, nhiều người quay video tung lên mạng xã hội kèm thông tin “bắt được kẻ bắt cóc trẻ em bỏ vào bao tải” (!). Chỉ sau ít giờ đăng tải, các video clip này đã nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ, bình luận với thái độ bức xúc, lo lắng, hoang mang. Qua xác minh, Công an TX.Cửa Lò xác định người phụ nữ là Nguyễn Thị Thủy (63 tuổi, quê H.Bình Lục, tỉnh Hà Nam) đến Cửa Lò chỉ bán thuốc dạo, không hề có chuyện bắt cóc trẻ em…
TIN LIÊN QUAN
Người phụ nữ bán hàng dạo bị vây bắt vì nghi bắt cóc trẻ em
Hàng trăm người dân ở thị xã Cửa Lò (Nghệ An), vây bắt người phụ nữ vì nghi ngờ người này bắt cóc trẻ em. Khi công an giải cứu người phụ nữ đưa về trụ sở, người dân ‘vây’ luôn cả trụ sở công quyền.
Một vụ điển hình khác, khoảng 13 giờ ngày 23.4, trước số nhà 281 Trần Phú (P.Ba Đình, TP.Thanh Hoá), một người đàn ông lấm lem, tay cầm bao tải quơ đi quơ lại gần đám trẻ con đang chơi. Thấy vậy, nhiều người cho rằng ông này có ý định bắt cóc trẻ con nên hô hoán nhau đuổi bắt, đánh đập và trói vào gốc cây bên đường rồi báo công an phường tới giải quyết. Công an P.Ba Đình đã làm rõ người đàn ông này là Phạm Trọng Mười (42 tuổi, ngụ thôn Trúc Chuẩn 3, xã Đồng Tiến, H.Triệu Sơn, Thanh Hoá), bị tâm thần nhiều năm nay, hoàn cảnh rất đáng thương… và không hề có chuyện bắt cóc trẻ em như đồn đoán!
Hầu hết những vụ “bắt cóc” sau đó đều được cơ quan chức năng địa phương làm rõ chỉ là tin đồn vô căn cứ, nhưng khi được minh oan, các nạn nhân nhẹ thì bầm tím mặt mày, nặng thì phải nhập viện cấp cứu…
Đừng để dân “tự xử” thay pháp luật
Trung tá Nguyễn Trọng Tuệ, Trưởng công an H.Nghi Lộc (Nghệ An), địa phương đã xảy ra vài trường hợp người dân hiểu nhầm bắt cóc trẻ em, cho biết thông tin thất thiệt trên mạng xã hội về hiện tượng bắt cóc trẻ em đang khiến làng quê bất an. Để tránh hiểu nhầm, đánh nhầm người lạ do nghi ngờ bắt cóc trẻ em và ngăn ngừa tình trạng tung thông tin thất thiệt lên mạng xã hội, công an huyện đã tổ chức tuyên truyền cho người dân cách ứng xử và nhận biết thông tin thất thiệt thông qua hệ thống loa truyền thanh của các xã và trong các cuộc họp thôn, xóm.
Theo trung tá Tuệ, việc người dân cảnh giác với tội phạm là rất tốt, nhưng phải hành xử đúng pháp luật chứ không thể tùy tiện hành hung người khác, “tự xử” thay pháp luật; đồng thời khi chưa có kết luận của công an tuyệt đối không đưa tin lên mạng xã hội gây hoang mang cho người khác. “Khi gặp người lạ có biểu hiện bất thường, nghi làm việc xấu, người dân có thể giữ lại để báo công an, tuyệt đối không được vây đánh người”, trung tá Tuệ lưu ý.
Đại tá Nguyễn Chí Phương, Trưởng công an TP.Thanh Hóa, cho biết để ngăn chặn các trường hợp người dân nghe theo tin đồn dẫn đến bức xúc rồi hành hung người vô tội, thời gian qua Công an TP.Thanh Hoá đã tuyên truyền pháp luật xuống từng phường, tổ dân phố.
“Mọi người khi phát hiện đối tượng nghi vấn, có hành vi vi phạm pháp luật, có mục đích bắt cóc trẻ em thì phải báo ngay chính quyền địa phương, công an TP một cách nhanh nhất như gọi điện thoại qua đường dây nóng để cơ quan chức năng tiến hành xác minh, làm rõ. Người dân không nên chỉ vì nghi vấn rồi bức xúc theo đám đông xông vào đánh người như thế có thể làm oan người vô tội, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người khác, biến mình thành người vi phạm pháp luật”, đại tá Phương nói.
Trong khi đó, PGS-TS Trịnh Hòa Bình, chuyên gia xã hội học, Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học), cho rằng những thông tin bắt cóc trẻ em gần đây lan truyền trên mạng và râm ran trong dư luận rất nhiều. Chưa bàn đến chuyện đúng sai, nhưng những thông tin này đã gây ra phản ứng tiêu cực. Chính những tin đồn như vậy đã khiến người dân mất đi sự tỉnh táo. Những chuyện đã xảy ra rồi, chắc chắn những người hành hung, những người tung tin đồn gây hậu quả nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm, nhưng cốt lõi là cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, có giải pháp để chấm dứt tình trạng này, tránh gây ra sự hoang mang trong xã hội.
Để giải quyết căn cơ “hội chứng bắt cóc” chắc chắn không chỉ ngày một, ngày hai. Trước hết, nên điều tra, nghiêm trị những kẻ bịa chuyện tung tin đồn để làm gương. Với người dân, cần tuyên truyền, giáo dục pháp luật tốt hơn, hướng dẫn kỹ năng tiếp nhận thông tin trên mạng có chọn lọc, trách nhiệm hơn, thay vì cứ có thông tin là chuyển tải mà không cần suy xét đúng sai, độ xác thực đến đâu và trong đó có hàm ý gì không… Một điều quan trọng khác, sau rất nhiều những tin “bắt cóc” lan truyền thời gian qua, cần tiếng nói chính thức của cơ quan chức năng về tình trạng này, để người dân biết mà không bán tín bán nghi, một đồn mười, mười đồn trăm… rồi hoang mang nghi ngờ người lạ, dẫn đến những vụ hành hung người vô tội.
Hùa nhau đốt ô tô vì nghe tin đồn
Tối 20.7, người dân ở xã Hồng Lạc (H.Thanh Hà, Hải Dương) đốt rụi chiếc ô tô Toyota Fortuner của anh Trịnh Mạnh Hải (37 tuổi, ngụ xã La Hiên, H.Võ Nhai, Thái Nguyên) vì nghi ngờ anh này thôi miên cướp tài sản của một phụ nữ trong cửa hàng đồ gỗ trên địa bàn. Theo anh Hải, khi bà chủ hiệu đồ gỗ hô hoán “bị thôi miên, cướp tài sản”, hàng trăm người dân đổ đến đòi đánh nạn nhân. Nếu lực lượng công an địa phương không ra sức bảo vệ, không chỉ chiếc ô tô tiền tỉ của anh Hải bị đốt cháy mà tính mạng của anh này cũng bị đe dọa nghiêm trọng. Công an H.Thanh Hà sau đó khẳng định không có căn cứ về việc “thôi miên, cướp tài sản”, người phụ nữ hô hoán bị “thôi miên” được cơ quan y tế giám định, kết luận sức khỏe hoàn toàn bình thường. Đáng chú ý, theo một lãnh đạo Công an H.Thanh Hà, ngay khi sự việc xảy ra, lực lượng công an xã, công an huyện đã có mặt tại hiện trường để bảo vệ nạn nhân, nhưng không thể ngăn cản hàng trăm người dân phía ngoài quá khích, đập phá, đốt cháy chiếc ô tô.
|
Tung tin bắt cóc để câu like bán hàng
Tại Đà Nẵng mới đây xảy ra liên tiếp 2 vụ tung tin đồn bắt cóc trẻ em gây xôn xao dư luận, trong đó có vụ chỉ nhằm câu like để bán hàng trên mạng.
Cụ thể, ngày 6.6, Facebook Ngọc Nguyễn của Nguyễn Thị Ngọc (26 tuổi, ngụ Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) tung tin trên địa bàn Q.Liên Chiểu xuất hiện nhóm bắt cóc khoảng 8 người gây ra 2 vụ táo tợn, ngang nhiên giật con nhỏ ngay trước mặt người mẹ rồi bỏ chạy. Theo đại tá Nguyễn Văn Hoa, Trưởng công an Q.Liên Chiểu, vụ việc tưởng như đơn giản nhưng tác hại dư luận rất ghê gớm, công an quận đã xác minh, khẳng định không có các vụ bắt cóc và lần theo những người phát tán thông tin trên mạng xã hội. Dù Ngọc đã vội xóa nội dung trên Facebook khi thấy có quá nhiều lượt xem và chia sẻ, nhưng công an vẫn tìm ra. “Đây là trường hợp rất nguy hiểm, người tung tin câu like nhằm mục đích bán hàng qua mạng, không nhận thức được hậu quả. Ngọc đã bị xử phạt 12,5 triệu đồng”, đại tá Hoa nói.
Nguyễn Tú
|
Thanh Niên