29/11/2024

Trong mắt người nước ngoài: Hãy tôn trọng chức năng của cảnh sát

Đây là ý kiến chung của một số người nước ngoài sống ở Việt Nam lâu năm khi nói về một số trường hợp người vi phạm giao thông chống đối và tấn công cảnh sát.

Trong mắt người nước ngoài: Hãy tôn trọng chức năng của cảnh sát.

Đây là ý kiến chung của một số người nước ngoài sống ở Việt Nam lâu năm khi nói về một số trường hợp người vi phạm giao thông chống đối và tấn công cảnh sát.

 

 

 

Trong mắt người nước ngoài: Hãy tôn trọng chức năng của cảnh sát

* Ông Thibaut Giroux 
(người Pháp): Không ai tôn vinh chuyện coi thường luật pháp

Tôi tin rằng một khi bạn đã vi phạm luật giao thông thì nên tránh gây sự chú ý, vì không ai lại tôn vinh chuyện coi thường luật pháp cả. Tôi không nói là mình không bao giờ vi phạm gì cả nhưng khi bạn đã bị cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt, nên tôn trọng chức năng của họ bởi họ ở đó để thi hành luật pháp.

Có một số trường hợp vi phạm là người thu nhập thấp, họ phản ứng vì việc bị phạt ảnh hưởng đến kinh tế của họ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người có tiền vi phạm lại nghĩ mình có thể đứng trên luật pháp, hoặc sẽ có cách thoát tội bằng tiền bạc.

Tại nhiều nước tôi đi qua, tôi ít thấy nơi nào người ta chửi bới hay chống đối cảnh sát. Ở Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Pháp, các nước châu Âu khác, người ta có vẻ sợ cảnh sát vì họ biết nếu bị xử lý tức là mình đã phạm lỗi gì đó.

 

Ở Pháp, bằng lái xe được cấp với 12 điểm trên đó. Mỗi khi bị cảnh sát bắt vì lỗi nào đó, người sở hữu bằng lái sẽ bị trừ điểm tuỳ mức độ nặng nhẹ của lỗi mình phạm phải.

Khi bị trừ không còn điểm nào nữa, bạn sẽ bị tước bằng lái. Sau đó hoặc là bạn phải đợi vài năm nữa hoặc phải thi bằng lái lại, rất mất tiền và thời gian. Một vài trường hợp vi phạm thậm chí còn khiến bạn phải ra tòa và đối diện án tù.

Một trong những giải pháp để nâng cao ý thức chấp hành giao thông và tôn trọng người thi hành công vụ, theo tôi, là giáo dục người dân ở lứa tuổi còn nhỏ trong nhà trường. Tại Pháp, chúng tôi được học về luật giao thông ở lứa tuổi 8-12. Bên cạnh việc giáo dục người dân, tôi nghĩ nên cải thiện chất lượng của quá trình dạy bằng lái.

Tôi còn nhớ lúc người quen của tôi lấy bằng ở VN, có vẻ khá dễ dàng để qua được bài kiểm tra luật giao thông, thậm chí giáo viên dạy cô ấy còn đưa ra một số lời khuyên mà tôi thấy chẳng có ý nghĩa gì cho việc đảm bảo an 
toàn khi lái xe cả.

* Ông Mark Young 
(người Úc): Chống đối cảnh sát chỉ khiến mọi việc tồi tệ hơn

Thành thật mà nói, việc tuân theo các quy định giao thông không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt là khi bạn lái xe tại VN. Có rất nhiều trường hợp vi phạm như chạy ngược chiều, lái xe trên vỉa hè, vượt đèn đỏ, đi xe không 
đội mũ bảo hiểm…

Tuy nhiên, ai cũng làm như vậy không có nghĩa điều đó đúng và khi bị CSGT xử lý, bạn cần phải nhận lỗi của mình. Nếu bạn bị cảnh sát ra hiệu tấp vào, thay vì đổ lỗi, hãy nhìn nhận sai phạm của mình. Hãy nhận lỗi, chấp nhận rằng mình đã vi phạm và đóng phạt.

Ở Úc, đi xe ngược chiều hay chạy trên vỉa hè sẽ khiến bạn bị tống vào tù. Đi xe không đội mũ bảo hiểm cũng là một hành động vi phạm luật giao thông nghiêm trọng và bạn sẽ bị phạt vài trăm đôla, tương đương tội vượt đèn đỏ.

Chuyện phạt ở Úc chắc chắn không thể thương lượng được. Nếu bạn cố gắng hối lộ cảnh sát Úc, có khả năng bạn sẽ bị bỏ tù.

Vì vậy, nếu bạn đã làm sai và bị xử phạt, hãy thừa nhận mình là người phạm lỗi và đóng tiền phạt. Chống đối và tấn công cảnh sát chẳng giúp ích được gì và chỉ khiến mọi việc tồi tệ hơn.

* Ông John M. Baynes (người Mỹ): Hãy để CSGT lên sóng truyền hình giải thích về Luật giao thông đường bộ

Tôi nghĩ những người có hành vi chống lại cảnh sát là rất không nên. Bất kỳ ai cũng không nên chống đối cảnh sát khi họ đang thi hành nhiệm vụ của mình. Những người chống đối cảnh sát thường sẽ bị khống chế, thậm chí có khả năng ra tòa và bị phạt tù.

Cá nhân tôi thấy những người như vậy nên bị phạt tù, tôi tin cảnh sát có quyền tự bảo vệ họ. Ở nước tôi, những người chống lại cảnh sát đang thi hành công vụ sẽ bị ra tòa và ở tù.

Sống ở VN đã 15 năm, tôi nghĩ giải pháp để nâng cao ý thức tôn trọng luật giao thông và CSGT đang thi hành chức năng của họ chính là giáo dục. Hãy bắt đầu ngay từ bây giờ và tôi đề xuất hãy để CSGT lên sóng truyền hình năm phút mỗi buổi tối để giải thích về Luật giao thông đường bộ cho tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi.

Hãy để cảnh sát chỉ cho mọi người dân cách di chuyển khi đi từ đường phụ sang đường chính như thế nào, chỉ cho họ cách qua vòng xoay sao cho đúng, nhắc nhở 
họ dừng khi đèn đỏ…

* Ông Stivi Cooke (người Úc): Văn hoá ích kỷ

Có nhiều trường hợp người vi phạm không chịu thừa nhận mình sai, đó là mấu chốt của vấn đề. Tôi từng nghe về trường hợp có anh tài xế taxi đã đi sai còn vác cây đòi đánh người ta. Đó là một phần văn hoá ích kỷ, chỉ biết đến “tôi, tôi và bản thân tôi” ở nhiều người.

Tôi nghĩ trong trường hợp gặp những người hung hăng chống đối, cảnh sát cần phải biết cách kiểm soát người đó. Một số trường hợp chống người thi hành công vụ mà tôi thấy trên mạng, tôi nghĩ họ đã may mắn vì cảnh sát ở VN không đối xử với họ như ở Úc hoặc Mỹ. Ở những nước này, cảnh sát sẽ bắt bạn rất nhanh nếu bạn có hành vi tấn công như vậy.

Chuyện không tôn trọng luật pháp là chuyện ở nhiều nơi, không riêng gì VN và tôi tin rằng điều này bắt nguồn từ việc cha mẹ thiếu quan tâm giáo dục cho con cái. Trẻ con thấy cha mẹ mình có hành động thế nào thì chúng bắt chước tương tự. Sau đó trong quá trình lớn lên, chúng lại cứ thế tiếp tục được tiếp xúc và học những điều như vậy.

Những người vi phạm và chống đối người thi hành công vụ chắc chắn bị xử phạt. Tuy nhiên, quan điểm chống cự, viện lý do và bạo lực khi phạm lỗi sẽ vẫn còn đến khi toàn bộ người dân chấp nhận các quy định luật pháp như một phần của một đất nước văn minh. Và họ sẽ chỉ làm điều đó khi nhìn thấy được lợi ích của các quy định, chẳng hạn như mang lại sự công bằng và cơ hội cho tất cả mọi người.

Trong văn hoá phương Tây, khái niệm về lợi ích này đã được cha mẹ và nhà trường dạy từ khi còn rất nhỏ nhằm cho mọi người thấy được động cơ hợp lý để tuân thủ theo quy định.

Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng một hệ thống thực thi pháp luật thanh liêm, nghiêm khắc và người ta không thể dùng sức mạnh của đồng tiền để trốn 
tội được.

NGỌC ĐÔNG thực hiện