Làng “treo” giữa phố, khốn khổ tứ bề
Những đứa trẻ sinh ra vào năm công bố quy hoạch dự án làng đại học Đà Nẵng (1997) nay đến tuổi dựng vợ gả chồng. Nhưng làng đại học thai nghén 20 năm cũng chưa nên hình hài và vẫn còn là dự án.
Làng “treo” giữa phố, khốn khổ tứ bề
Những đứa trẻ sinh ra vào năm công bố quy hoạch dự án làng đại học Đà Nẵng (1997) nay đến tuổi dựng vợ gả chồng. Nhưng làng đại học thai nghén 20 năm cũng chưa nên hình hài và vẫn còn là dự án.
Một góc dự án “treo” làng ĐH Đà Nẵng ở phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG |
“Phải quyết định chấm dứt quy hoạch dự án làng đại học “treo” suốt 20 năm qua. Bao nhiêu lần tôi đi tiếp xúc cử tri, người dân kêu quá trời |
Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC |
20 năm nay, cuộc sống của gần 1.000 gia đình, hơn 4.000 nhân khẩu ở dự án “treo” làng đại học Đà Nẵng với diện tích 300ha rơi vào cảnh khốn khó tứ bề: nhà cửa xiêu vẹo, ruộng vườn hoang hoá, công ăn việc làm bấp bênh…
Trai trẻ bỏ làng bỏ xóm
Dự án làng đại học Đà Nẵng ở vùng giáp ranh của phường Hoà Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) và phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam).
“20 năm qua cả nước phát triển, chỉ có cái làng bị quy hoạch này giậm chân tại chỗ, đi thụt lùi. Phận người cũng lay lắt theo” – ông Phan Tấn Bình, người dân phường Hòa Quý, than thở.
Ông Bình nói từ khi làng xóm bị “treo” thì điện, nước, đường sá không được đầu tư nữa. Đến nhà cửa cũng chỉ được sửa sang chắp vá. Ai sửa chữa lớn là chính quyền vào lập biên bản liền. Cha mẹ không được tách đất cho con, cứ chui nhủi tạm bợ.
Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng về sự khổ ải của người dân nơi đây.
Sống trong cảnh phập phồng chờ di dời, dân trong vùng cũng chẳng thiết ruộng đồng. Con em bỏ đi tứ xứ làm thuê, cảnh làng quê cứ tiêu điều. Nếu không có một lượng lớn sinh viên thuê trọ, ở trong những căn nhà xập xệ thì làng xóm còn hoang tàn hơn nữa.
Như trong căn nhà ông Phạm Ngọc Thảo ở tổ 88, phường Hoà Quý được xây tạm từ năm 2006, những vệt nắng xuyên trứng gà chiếu xuống ngay giường nằm. Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa nước tuôn xối xả, lại chạy qua nhà tạm cách đó vài chục mét trú ẩn vì mái tôn còn lành lặn.
Nhà ông Thảo có tám người. Con cái, dâu rể tứ tán tha phương kiếm sống. Con trai lớn vừa bỏ nhà ra phố chạy xe ôm mấy bữa nay.
“Vì không chịu được cảnh ngồi chờ tương lai nên chúng bỏ đi tìm việc hết rồi, chớ ở đây cũng chỉ có nước chờ đói” – ông nói và cho biết hồi đó nghe có dự án, dân trong vùng san bằng cả kênh mương thuỷ lợi để làm… đất nền, “bây chừ vùng này coi như chết đứng”.
Vậy nên trai tráng đi hết, giờ làng chỉ người già còn trụ lại.
Anh Phạm Ngọc Nhật – một người con của ông Thảo, chọn nghề làm tóc trong thành phố Đà Nẵng – nói sống trong làng lo lắm. Hồi nghe có dự án, người ta xây nhiều nhà để cho thuê. Chỉ vài tháng, 400 căn nhà trái phép mọc lên.
Nhiều năm nay nhà xuống cấp, không ai ở, trở thành nơi trú ngụ của bọn nghiện ngập.
“Đêm xuống có ai dám ra khỏi nhà đâu. Không biết rồi nay mai đây con cháu chúng tôi sẽ như thế nào với vùng đất lay lắt và tệ nạn này” – anh Nhật nói trong bế tắc.
Ông Phan Văn Huyến – chủ tịch UBND phường Điện Ngọc – cho biết 20 năm qua dự án trải qua năm đời chủ tịch phường, vị nào cũng than trời vì quản lý vùng quy hoạch dự án này quá vất vả.
“Năm nào dân cũng kêu ca nhưng mình không biết trả lời thế nào” – ông cũng bế tắc.
Phường phải bố trí một lực lượng xung kích ứng trực khu vực này để không chỉ lo phòng chống tệ nạn, mà còn vào mùa nắng chống xây dựng trái phép, mùa mưa ứng phó di dời các hộ dân có nguy cơ sập nhà. Dân cũng khổ, mà phường cũng khổ.
Sống ở dự án “treo”, không có đất sản xuất, bà Huỳnh Thị Lài ở khối phố Tứ Hà, phường Điện Ngọc hằng ngày chăm sóc khu vườn tạp – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG |
Sinh viên thuê trọ cũng khổ
Con đường dẫn vào dự án làng đại học Đà Nẵng nhờ có sinh viên hai trường cao đẳng Công nghệ thông tin hữu nghị Việt – Hàn (Bộ Thông tin và truyền thông) và Công nghệ thông tin với khoa y dược Đại học Đà Nẵng mới vào hoạt động nên có chút sinh khí.
Cả ngàn sinh viên theo học ở đây đang “sống chui” trong những căn nhà tạm bợ xây dựng trái phép ở khu quy hoạch dự án làng đại học. Dân ở đây sống thiếu điện, nước thì sinh viên cũng vậy, thậm chí còn xập xệ hơn.
Ngồi nhìn về phía những dãy nhà sinh viên đang ở trọ, ông Nguyễn Thành Phúc, người dân làm nghề thợ xây lâu năm ở phường Điện Ngọc, lo lắng nói: “Hàng trăm ngôi nhà ở đây xây trái phép, chỉ có tường gạch chứ không có thanh thép nào. Nói xui chứ nhà sập không biết lúc nào, nhất là mưa bão đang đến, nhà cửa san sát bờ biển như thế này gió giật đổ xuống mất mạng như chơi”.
Còn những bạn sinh viên nói “biết nguy hiểm” nhưng không còn lựa chọn nào khác. Bởi ở khu vực này để có chỗ trọ đảm bảo vệ sinh, thoáng mát, nhà cửa kiên cố thì kiếm đỏ mắt không ra. Bạn N.T.B. (sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ thông tin) cho biết muốn ở nhà trọ sạch sẽ, thoáng mát “phải thuê cách trường mười cây số”.
Ông Phan Văn Huyến mệt mỏi: “Điều duy nhất chúng tôi mong muốn là có một câu trả lời dứt khoát về thời gian triển khai dự án để người dân tính đường mưu sinh, an cư lạc nghiệp”.
20 năm vẫn đi tìm cơ chế (!) Suốt 20 năm bị quy hoạch “treo”, dự án làng đại học Đà Nẵng đã nhiều lần được Bộ GD-ĐT hứa sẽ phối hợp với Đà Nẵng và Quảng Nam đưa ra bàn thảo tìm cơ chế phát triển. Đầu năm 2017, trong lần làm việc với hai địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chủ trương trước đây là xây dựng đô thị đại học ở miền Trung, đặt tại Quảng Nam – Đà Nẵng nhưng đến nay chưa làm được. Ông chỉ đạo: “Phải quyết định chấm dứt quy hoạch dự án làng đại học “treo” suốt 20 năm qua. Bao nhiêu lần tôi đi tiếp xúc cử tri, người dân kêu quá trời”. Giữa tháng 7-2017, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết “vẫn đang đi tìm cơ chế phát triển làng đại học” này. Ông Nhạ thống nhất với đề xuất kết hợp mô hình giữa Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm, mời các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, Đà Nẵng và Quảng Nam cung cấp đất sạch. Nhưng mọi thứ vẫn chưa đâu vào đâu. |