Làm sao ngăn bạo lực trong bệnh viện?
Hơn bao giờ hết, cần đề cao và áp dụng các biện pháp chống bạo lực để các thầy thuốc có thể yên tâm hành nghề lương y như từ mẫu.
Làm sao ngăn bạo lực trong bệnh viện?
Hơn bao giờ hết, cần đề cao và áp dụng các biện pháp chống bạo lực để các thầy thuốc có thể yên tâm hành nghề lương y như từ mẫu.
Một đối tượng gây rối, chửi bới bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) được camera an ninh ghi lại |
Đó là kiến nghị của PGS.TS TRẦN VĂN KHẢI xung quanh việc ngăn chặn bạo lực trong bệnh viện.
Theo ông, hai vụ việc diễn ra ngay trong bệnh viện vào tháng 6 vừa rồi: một bác sĩ bị hành hung và bắt quỳ gối, một bảo vệ bị đâm dẫn đến tử vong, cho thấy bạo lực trong bệnh viện có xu hướng gia tăng và nguy hiểm hơn.
Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến của PGS.TS TRẦN VĂN KHẢI.
“Cũng như vấn đề trật tự vỉa hè, kẹt xe, di sản văn hoá…, bạo lực trong bệnh viện (BV) cũng là vấn đề phổ biến trên thế giới, nên cần nhìn rộng ra để có những giải pháp ngăn chặn hiệu quả.
Trạm cảnh sát trong bệnh viện
Tại nước Mỹ, từ 1970 đã thành lập các phòng cảnh sát BV (Hospital Police Department) cùng các điều luật để cảnh sát BV có thể thực thi chức năng của mình. Cảnh sát viên phải tốt nghiệp học viện cảnh sát và học thêm các kiến thức về BV. Tuỳ theo bang mà cơ quan cảnh sát BV thuộc nhà nước hay một tổ chức xã hội.
Tại Ấn Độ, các BV nằm trong khu dân cư phức tạp có yêu cầu cao về chống bạo lực, như hai BV công là BV Bowring và BV Victoria ở thành phố Bangalore đang phải xử lý rất nhiều ca thương tích liên quan đến tội phạm, đã than phiền khi các trạm cảnh sát đặt trong BV bị rút đi, mỗi khi xảy ra bạo lực lại phải báo trạm cảnh sát khu vực.
Bạo lực trong BV thường xảy ra tại những khoa nhạy cảm là cấp cứu và săn sóc đặc biệt. Bạo lực trong BV còn do các nhóm côn đồ vào truy sát đối thủ là bệnh nhân, nhưng bảo vệ BV không đủ chức năng trấn áp tội phạm từ nguồn bên ngoài xã hội. Bạo lực còn xuất phát từ việc người nhà bệnh nhân bất mãn hoặc hiểu lầm cách điều trị, đã hành hung bác sĩ.
Nhiều BV đã trang bị hệ thống an ninh, đường dây nóng để cấp báo cho công an, nhưng cảnh sát thường không can thiệp ngay tại chỗ được. Do vậy, trong các BV lớn của nhiều nước trên thế giới đã phải đặt phòng cảnh sát trực tại khoa cấp cứu để chống bạo lực và theo dõi các bệnh nhân liên quan đến hình sự.
BV cũng cần tạo sự liên hệ chặt chẽ với cơ quan công an địa phương, lập các cơ chế hiệp đồng với cảnh sát để tổ chức bảo vệ và can thiệp kịp thời. Như mới đây, ngày 15-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có công văn đề nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo công an địa phương thực hiện nội dung về việc phối hợp giữa hai bộ bảo đảm an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế.
Sử dụng các kiến trúc đặc biệt
Ở Mỹ, trong hoàn cảnh dân được quyền sở hữu súng đạn, nhiều BV phải dùng đến các giải pháp kiến trúc đặc biệt, như đặt khoa cấp cứu không quá gần cổng BV để dễ phòng thủ, khu đậu xe vào khoa cấp cứu được bố trí riêng biệt để dễ quản lý, phải đi qua hai lớp tiền sảnh có vách kính cường lực để vào khoa cấp cứu. Quầy trực thân mật nhưng dùng kính chống đạn… Nhiều kiến trúc sư đã quảng cáo rằng sau khi lo lắng bệnh tật, các bạn sẽ không phải lo thêm về an ninh trong BV chúng tôi thiết kế.
Trong BV, cần tránh bố trí các không gian có đông người nhưng cũng tránh để nhân viên y tế bị cách ly với đồng nghiệp, mà nên làm việc từng cặp. Cách thiết kế các phòng khám bệnh có cửa thông sang nhau là giúp các bác sĩ hỗ trợ nhau cả về chuyên môn và an ninh. Các phòng phải có lối vào và lối thoát riêng, tránh bố trí trang thiết bị, bàn ghế cản trở lối thoát.
Bàn ghế phải được gắn chặt xuống nền, các dụng cụ cũng phải cất trong tủ khóa lại để tránh bị lấy làm hung khí. Về trang trí nội thất nên dùng màu sắc, ánh sáng đèn êm dịu. Sân vườn đẹp có lối đi dạo cũng làm dịu căng thẳng nhưng không nên có nhiều lối vào sân vườn để dễ kiểm soát an ninh.
Ngoài hệ thống camera giám sát toàn BV, cần thiết lập hệ thống báo động tại các khoa nhạy cảm, có cách báo động “im lặng” để tránh kích động bạo lực tại chỗ nhưng truyền tin hiệu quả về nơi có chức năng can thiệp, biểu thị được nơi xảy ra sự cố.
Các nút bấm báo động được bố trí tại bàn làm việc, nhà vệ sinh, cầu thang, các phòng điều trị, hành lang…, nhất là quầy y tá trực. Bên cạnh đó, cần trang bị các máy báo động cá nhân cho nhân viên, cung cấp kiến thức ứng xử khi vào các không gian dễ bị cô lập như lồng thang máy, lồng cầu thang…”
Huấn luyện nhân viên BV Cần tổ chức lực lượng bảo vệ của BV có năng lực chuyên nghiệp. Lực lượng này không cần ăn mặc trang phục giống cảnh sát để tránh gây thách đố, không nên đeo bảng tên, số hiệu để khó truy tìm khi họ chính là một trong những mục tiêu mà kẻ xấu tìm trả thù, vụ tại BV Sản nhi Nghệ An là ví dụ. Học viện cảnh sát nên đào tạo chuyên ngành “bảo vệ BV” theo yêu cầu của ngành y tế dưới hình thức chính quy hay ngắn hạn. Nhân viên BV cần được đào tạo kỹ năng nhận ra các tình huống trước bạo lực như lời nói hay thái độ bị dồn ép…, có kỹ năng kiềm chế, giải thoát các tình huống bạo lực, biết cách ứng xử với các bệnh nhân, thân nhân giận dữ, từng bước giảm căng thẳng. |