‘Khóc với nhà hát trăm tỉ’: Không có tệ nạn, lỗi kỹ thuật là chính!
Nhiều sai phạm của các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, thiết kế… đã có trong kết luận của Thanh tra TP.HCM. Nhưng ‘cơn đau’ mang tên trung tâm nghệ thuật cải lương Trần Hữu Trang vẫn còn nhiều chuyện phải bàn.
‘Khóc với nhà hát trăm tỉ’: Không có tệ nạn, lỗi kỹ thuật là chính!
Nhiều sai phạm của các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, thiết kế… đã có trong kết luận của Thanh tra TP.HCM. Nhưng ‘cơn đau’ mang tên trung tâm nghệ thuật cải lương Trần Hữu Trang vẫn còn nhiều chuyện phải bàn.
Bậc tam cấp của Nhà hát Trần Hữu Trang (Q.1, TP.HCM) có độ dốc cao, khiến người già di chuyển khó khăn – Ảnh: DUYÊN PHAN |
Công trình Trung tâm nghệ thuật cải lương Trần Hữu Trang là một bài học lớn. Trong những dự án sắp tới, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm lắng nghe ý kiến đóng góp của văn nghệ sĩ, những người trực tiếp làm nghề. |
Ông VÕ TRỌNG NAM (phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM) |
Tiếp tục mổ xẻ, Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với ông Võ Trọng Nam – phó giám đốc Sở Văn hoá, thể thao TP.HCM, cũng là một trong các bên liên quan được nhắc đến trong kết luận thanh tra – để làm rõ về vấn đề đang gây bức xúc này.
Sân khấu bị bóp hẹp do tuân thủ quy định.. phòng chống cháy nổ
* Thưa ông, trong ngày đầu khi Trung tâm nghệ thuật cải lương Trần Hữu Trang hoàn thành, với tư cách một đạo diễn, khi bước vào nhà hát ông có cảm thấy bất ổn, có nhận thấy nhà hát không đạt được những tiêu chuẩn như người làm nghề mong muốn?
– Tôi từng làm việc tại rạp Hưng Đạo trước đây. Ở góc độ người làm nghề, khi bước vào nhà hát tôi cảm thấy rất rõ là so với không gian cũ thì khán phòng bị bó hẹp, sân khấu bị bó hẹp, gây hạn chế cho người làm nghề.
Khoảng cách cánh gà, hậu đài phía bên trong để phục vụ kỹ thuật cũng hạn chế.
Nguyên nhân là do tuân theo quy định xây dựng, công tác phòng chống cháy nổ, an toàn, khoảng cách lùi, khu vực này phải tóp vào, chừa lộ giới, chừa bên hông, phía sau nên bóp hẹp sân khấu chính.
Trong một thiết kế chỉ cần thay đổi một thước thôi đã kéo theo sự thay đổi lớn cấu trúc của công trình.
Sân khấu thể nghiệm ở tầng ba làm sàn sân khấu cao quá so với tổng thể không gian; mặt sân khấu ngang và xây cố định nên chưa đáp ứng được yêu cầu biểu diễn.
Với tư cách một đạo diễn, tôi cũng có những nỗi buồn và tiếc trong một số hạng mục.
Thế nhưng cũng có niềm vui là sau bao nhiêu năm nhà hát có được một cơ ngơi với mặt tiền khang trang, hiện đại, đẹp hơn, trang thiết bị hiện đại, có thang máy, khán phòng chờ, lối đi lên sạch đẹp.
Có hệ thống văn phòng làm việc đàng hoàng cho các đoàn trong nhà hát.
* Ông cho rằng vì những quy định về xây dựng, phòng cháy chữa cháy nên buộc lòng sàn diễn sân khấu và khán phòng bị bó hẹp lại.
Tại sao không dừng lại tính toán hay tìm địa điểm khác xây dựng cho phù hợp, sao cứ cố làm để cuối cùng cho ra đời sản phẩm lỡ cỡ, không như mong muốn và bị người làm nghề phản ứng?
– Khoảng tám năm về trước, khi bắt tay làm dự án thì không có những quy định đó.
Trong quá trình xây dựng mới bắt đầu có những quy định bắt buộc này, dẫn đến phải điều chỉnh. Tôi là một trong những người được tham gia công trình ngay từ đầu.
Thời điểm đó, tôi đã đề xuất mua lại chung cư kế bên để đảm bảo diện tích cho nhà hát. Nhưng chung cư đó có đến 300 hộ dân đang ở nên việc bồi thường, di dời tốn kinh phí lớn.
Địa điểm rạp Hưng Đạo đã trở thành ký ức của người dân thành phố khi muốn xem cải lương, nên chấp nhận xây dựng để giữ nơi này thành điểm diễn cho nghệ thuật cải lương.
* Nhà hát được xây dựng với kinh phí 132 tỉ đồng nhưng không đáp ứng được những yêu cầu của người làm nghề, đây là sự lãng phí lớn. Công chúng đòi hỏi phải có người đứng ra chịu trách nhiệm. Nhưng từ kết luận thanh tra hồi tháng 6-2016 đến nay vẫn chưa biết ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề này? Thưa ông, UBND TP, các sở ban ngành liên quan có hình thức kỷ luật với các đơn vị và cá nhân sai phạm trong vụ việc này chưa? – Đã có một công ty độc lập kiểm tra các hạng mục đầu tư. Từ đó, Thanh tra TP đã có cơ sở đưa ra kết luận sai phạm vào tháng 6-2016. UBND TP đã chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của ban quản lý dự án của sở, ban giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Về mặt trách nhiệm, chúng tôi đã làm đầy đủ theo chỉ đạo. Có giải trình, báo cáo đầy đủ và thanh tra cũng đồng ý là trong việc này không có tệ nạn, lỗi kỹ thuật là chính. Đây là lỗi thiết kế, liên quan đến vấn đề phải thực hiện các quy định mới khi xây dựng. Hình thức xử lý là kiểm điểm trách nhiệm các bộ phận ban quản lý dự án, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang về việc giám sát, không kịp thời điều chỉnh trong quá trình thi công. Với công trình này, công an hình sự, Thanh tra TP đã vào cuộc. Nếu có gì khuất tất là họ đã truy tố hết rồi! |
Ông Võ Trọng Nam – Ảnh: G.TIẾN |
Kinh phí chỉnh sửa do uỷ ban hỗ trợ
* Ông Trần Ngọc Giàu – giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang – cho rằng hiện tại đã lỡ hết rồi, không thể sửa chữa những cái thuộc về kết cấu lớn, nếu có chỉ có thể sửa những cái lặt vặt. Ông thấy cần phải thêm bao nhiêu công của nữa để nhà hát này có thể đi vào hoạt động?
– Đã có ý kiến đề nghị thay đổi công năng, giao Trung tâm nghệ thuật cải lương Trần Hữu Trang cho một đơn vị khác phù hợp hơn. Nhưng giờ giao cho đơn vị khác rồi phải chờ đợi nhà hát mới, mà cải lương ngày càng khó khăn, đợi hoài biết chừng nào…
Vì vậy chúng tôi đã tham mưu cho UBND TP nên giao cho sở và nhà hát cùng cố gắng để vận hành, khai thác.
Từ năm 2015 đến đầu 2017 đã diễn ra các hoạt động xử lý thanh tra toàn bộ, kiểm điểm trách nhiệm của ban quản lý dự án, vai trò của ban giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang trước đây.
UBND TP giao trực tiếp cho Sở Xây dựng, ban quản lý dự án của Sở Văn hóa, thể thao phải xác định được nhà hát đang cần gì để hỗ trợ tối đa.
Chúng tôi nhìn nhận trách nhiệm của mình trong chuyện này và liên tục làm việc, trao đổi để tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của nhà hát.
Với 19 hạng mục, Sở Xây dựng sẽ chủ trì việc chỉnh sửa sau khi thông qua ủy ban.
Những hạng mục nào nằm trong khả năng thì các công ty đã thực hiện trước đây sẽ hỗ trợ chỉnh sửa, chỉ có cái nào phát sinh mới phải chi thêm. Kinh phí sẽ do ủy ban hỗ trợ.
* Với nhà hát hiện tại, ông Giàu chia sẻ chỉ dàn dựng được những vở nhỏ, gọn, ít diễn viên nên rất gò bó sự sáng tạo. Vậy nếu dàn dựng những vở lớn, có đầu tư cảnh trí thì nhà hát phải đi thuê địa điểm khác?
– Đúng là sân khấu này chỉ phù hợp với những vở có tính tự sự cao, ít nhân vật. Tuy nhiên, đừng vì sự hạn chế của nhà hát mà ngại sáng tạo.
Nhà hát cứ lên kế hoạch và tính toán sao cho hợp lý. Tính xem mình muốn làm gì và cân bằng việc bán vé, doanh thu để ra các nhà hát lớn hơn.
Nếu là nhà hát, rạp trong hệ thống rạp hát sở quản lý thì sở sẽ hết sức linh động để hỗ trợ nhà hát tốt nhất.
Phòng hoá trang của Nhà hát Trần Hữu Trang (Q.1, TP.HCM) chật hẹp – Ảnh: DUYÊN PHAN |
Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM): Cần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận để xử lý Trước những sai phạm dẫn đến việc xây dựng một công trình “bị lỗi” như Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, cơ quan có thẩm quyền không chỉ kết luận, chỉ ra sai phạm một cách chung chung kiểu “cha chung không ai khóc” như vậy. Không thể đổ lỗi cho năng lực của chủ đầu tư và một số đơn vị tư vấn yếu kém, chưa có nhiều kinh nghiệm. Nếu như vậy, ngay từ đầu các đơn vị này không nên tham gia thiết kế, xây dựng nhà hát. Hoặc nếu việc yếu kém của ai, nơi nào gây lãng phí cho ngân sách thì nơi đó phải chịu trách nhiệm cụ thể. Do vậy, cơ quan chức năng cần phải chỉ rõ sai phạm của từng cá nhân, bộ phận liên quan để quy trách nhiệm và có các biện pháp xử lý cụ thể, đặc biệt xem xét có dấu hiệu tham ô, bớt xén khi thực hiện công trình này hay không. |