Cổ vật ‘lộ sáng’ nhờ đấu giá
Ngày 19.8 tại khách sạn Hà Nội (Hà Nội) sẽ diễn ra cuộc đấu giá các cổ vật. Theo các chuyên gia, có thể nhờ đấu giá mà nhiều cổ vật quý sẽ xuất hiện.
Cổ vật ‘lộ sáng’ nhờ đấu giá
Ngày 19.8 tại khách sạn Hà Nội (Hà Nội) sẽ diễn ra cuộc đấu giá các cổ vật. Theo các chuyên gia, có thể nhờ đấu giá mà nhiều cổ vật quý sẽ xuất hiện.
Cuộc đấu giá do Công ty đấu giá số 5 – Quốc gia tổ chức. Bà Lê Việt Nga, Phó giám đốc công ty, cho biết các tài sản đưa ra bán đấu giá đều được các chuyên gia đầu ngành thẩm định với đầy đủ hồ sơ pháp lý, hồ sơ khoa học do các cơ quan có thẩm quyền cấp, để đảm bảo chất lượng và tính hợp pháp của tài sản.
Đợt đấu giá sẽ đưa ra 3 cổ vật: chiếc bình đồng thuộc văn hóa Đông Sơn (niên đại khoảng 2.000 năm), thạp gốm hoa nâu thời Trần (thế kỷ 13 – 14), hộp pháp lam hoàng cung thời Nguyễn (giữa thế kỷ 19). Trong catalog của cuộc đấu giá, thông tin về hiện vật đều đi kèm với chữ ký của các chuyên gia thẩm định. Chẳng hạn, PGS-TS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học, đưa ra ý kiến thẩm định về chiếc bình đồng thuộc văn hóa Đông Sơn. Ông Liêm là người nhiều năm nghiên cứu khảo cổ học kim khí, trong đó có văn hóa Đông Sơn. TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ký tên dưới ý kiến về chiếc thạp gốm hoa nâu thời Trần…
Theo các chuyên gia, đây đều là những hiện vật có giá trị. TS Phạm Quốc Quân cho biết chiếc thạp gốm là một kiệt tác nghệ thuật rất đặc sắc của đồ gốm hoa nâu thời Trần. Thạp có dáng đẹp, hoa văn trang trí phong phú với nhiều đề tài hàm chứa những giá trị tiêu biểu, phản ánh sinh động lịch sử và văn hóa VN thời Trần, có hoa văn như bức tranh toàn cảnh xã hội thời Trần sau 3 lần kháng chiến chống Nguyên Mông. “Ở đó, toát lên hào khí Đông A qua hoạ tiết những võ sĩ thời Trần, tay cầm kiếm, tay cầm khiên, đang hừng hực khí thế xung trận với tinh thần Sát Thát”, ông Quân nói.
Theo PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản VN, việc vận động tư nhân đăng ký cổ vật rất khó khăn, họ không muốn công khai nhiều những tài sản mình có, vì sợ khó thực hiện quyền sở hữu hay mua bán. Chính vì thế, việc đưa cổ vật ra đấu giá như thế này là một tiền lệ tốt, giúp cổ vật “lộ sáng”. Theo ông Quân: “Đó là hai việc khác nhau. Muốn đấu giá thì có phải đăng ký cổ vật hay không, luật làm rõ điều đó thì họ sẵn sàng mang ra đấu giá”.
Bảo tàng nên mua nhưng không đủ lực ?
Theo các chuyên gia như ông Quân, ông Liêm thì bảo tàng nên mua các hiện vật được đấu giá lần này, bởi chúng có giá trị cao về lịch sử – văn hoá.
Trong khi đó, ông Vũ Quốc Hiền, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho rằng nên mua nếu nó có thể góp mặt trong một bộ sưu tập hoặc có siêu giá trị. “Phải xem xét một bảo tàng có bộ sưu tập gì, khi mua hiện vật có bổ sung vào bộ sưu tập đó hay không. Không có sưu tập gì mà mua một cái đơn độc thì nó chẳng có ý nghĩa gì. Trừ khi những hiện vật mang ý nghĩa lịch sử, gắn với nhân vật hoặc sự kiện quan trọng thì lúc ấy bảo tàng mới sống chết cũng phải mua”, ông Hiền nói.
Tuy nhiên, ông Hiền cũng cho biết khả năng tham dự đấu giá của các bảo tàng nhà nước không cao. Ngay cả bảo tàng lớn nhất hệ thống là Bảo tàng Lịch sử quốc gia không phải lúc nào cũng bỏ tiền ra để mua hiện vật được. “Bảo tàng có nguồn tiền riêng để mua bổ sung hiện vật theo quy định. Và cũng không có nhiều kinh phí để mua hiện vật bổ sung, nên lựa chọn mua gì cũng rất khắt khe, thực sự cần mới mua chứ không phải sẵn tiền để mua lúc nào cũng được”, ông Hiền nói.
Với Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã khó, các bảo tàng khác còn khó hơn. Chính vì thế, việc đấu giá như thế này chủ yếu dành cho tư nhân.
Về khả năng chảy máu cổ vật ra nước ngoài, ông Quân cho rằng điều đó không phải lo, vì đã có các quy định của pháp luật.
Các di vật, cổ vật không được mang ra nước ngoài
Thông tư số 19/2012/TT-BVHTTDL quy định loại di vật, cổ vật không được mang ra nước ngoài, có hiệu lực từ 2013.
Theo đó, có 9 loại di vật, cổ vật không được mang ra nước ngoài, bao gồm: cá thể hoặc bộ phận hoá thạch người, động vật, thực vật thuộc thời kỳ tiền sử VN; cổ vật bằng các chất liệu có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học thuộc thời kỳ tiền sử và sơ sử VN; tài liệu bằng các chất liệu có giá trị đối với việc nghiên cứu lịch sử, văn hoá, chủ quyền quốc gia VN và anh hùng dân tộc, danh nhân có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của quốc gia VN; di vật, cổ vật bằng các chất liệu có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học thuộc các giai đoạn lịch sử VN trước tháng 9.1945; bản thảo tác phẩm văn học, bản gốc tác phẩm tạo hình (hội hoạ, đồ hoạ, điêu khắc), tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có tác dụng và ảnh hưởng lớn trong xã hội được sáng tác từ tháng 9.1945 đến nay; di vật, cổ vật bằng các chất liệu có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học thuộc di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê; di vật, cổ vật bằng các chất liệu có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học của các dân tộc thiểu số trên phạm vi lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam được sản xuất, sáng tạo trước năm 1975; di vật, cổ vật bằng các chất liệu có giá trị tiêu biểu liên quan đến các sự kiện quan trọng và sự nghiệp của các nhà hoạt động cách mạng tiêu biểu, nhà hoạt động chính trị, quân sự xuất sắc trong thời kỳ thành lập Đảng, thành lập nước VN Dân chủ Cộng hoà, trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước từ tháng 9.1945 đến nay; cổ vật bằng các chất liệu có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học có xuất xứ từ nước ngoài (trừ trường hợp tạm nhập khẩu – tái xuất khẩu).
|
Trinh Nguyễn