11/01/2025

Bình Dương đã hết hộ nghèo ?

Bình Dương được cho là địa phương duy nhất trong cả nước không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, nhưng thực tế ở nhiều nơi vẫn còn những hoàn cảnh hết sức khó khăn.

 

Bình Dương đã hết hộ nghèo ?

Bình Dương được cho là địa phương duy nhất trong cả nước không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, nhưng thực tế ở nhiều nơi vẫn còn những hoàn cảnh hết sức khó khăn.



 

 

Hộ nghèo ông Lê Văn Trí ở TP.Thủ Dầu MộtTHỰC HIỆN: ĐỖ TRƯỜNG

 

Theo ông Hà Văn Trung, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Dương, chuẩn nghèo mà Chính phủ ban hành giai đoạn 2016 – 2020 quy định mức thu nhập là 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở thành thị. Trong khi đó, tháng 10.2016, UBND tỉnh Bình Dương ban hành chuẩn nghèo của tỉnh với mức thu nhập 1,2 triệu đồng/người/tháng ở nông thôn và 1,4 triệu đồng/người/tháng ở thành thị.
“So với chuẩn nghèo của cả nước, Bình Dương là tỉnh duy nhất không còn hộ nghèo”, ông Trung khẳng định.
Ăn gạo từ thiện vẫn “thoát nghèo”
 
 
Bình Dương đã hết hộ nghèo ?  - ảnh 1
Không giảm được hộ nghèo thì ấp không đạt danh hiệu khu ấp văn hoá. Xã không đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Trong khi đó những hộ nghèo như đã nói ở trên chúng tôi xác định là nghèo bền vững
Bình Dương đã hết hộ nghèo ?  - ảnh 2
 
Ông Lê Văn Thanh, Trưởng ban Điều hành ấp Yên Ngựa (xã Định Thành, H.Dầu Tiếng)
 

Trước đây, gia đình ông Lê Văn Trung (75 tuổi, ngụ KP.8, P.Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) thuộc diện hộ nghèo, được hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, từ tháng 8.2016, gia đình ông được KP.8 và UBND P.Tương Bình Hiệp đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo, đồng thời cắt luôn chế độ bảo trợ xã hội. Ông Trung cho biết vợ chồng ông đều già yếu, không làm thêm được gì để có thu nhập. “Tôi có 4 người con đều nghèo khó, ở nhà trọ, cũng không có tiền để cho vợ chồng tôi. Bản thân tôi cũng muốn đi làm nhưng lớn tuổi rồi không ai mướn cả”, ông Trung nói. Còn theo bà Bông (vợ ông Trung), hằng ngày hai ông bà sống nhờ gạo từ thiện của một cơ sở tôn giáo, còn thức ăn thì hàng xóm cho.

Việc đưa gia đình ông Trung ra khỏi danh sách hộ nghèo, ông Lê Văn Chí (Trưởng ban Điều hành KP.8, P.Tương Bình Hiệp) lý giải: “Ở khu phố còn nhiều người nghèo hơn, chúng tôi phải đưa những trường hợp như gia đình ông Trung ra khỏi danh sách để đưa những người khó khăn hơn vào cho họ hưởng chế độ bảo hiểm y tế và nhận quà tết”. Ông Chí cũng giải thích: “Do chuẩn nghèo của tỉnh quá cao so với quốc gia nên phải xét như vậy để đảm bảo quyền lợi cho người nghèo”. Ông Chí còn dẫn chúng tôi đến gia đình ông Lê Văn Trí (64 tuổi, KP.8, P.Tương Bình Hiệp), không có bất cứ nguồn thu nhập nào khác, sống hoàn toàn dựa vào con cái nhưng hầu hết họ cũng đều có hoàn cảnh rất khó khăn.
Tại H.Dầu Tiếng, huyện vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh Bình Dương, chúng tôi được cán bộ xóa đói giảm nghèo của xã dẫn đến gặp 2 hoàn cảnh được cho là nghèo nhất vùng. Dù đã quá trưa, nhưng bà Phan Thị Nhạn (61 tuổi, xã Định Thành) vẫn phải đi trút mủ cao su mướn cho một tiểu điền ở cách nhà khá xa. Căn nhà đại đoàn kết của bà Nhạn được chính quyền xây cách đây 5 năm hiện đã xuống cấp, bên trong không có gì đáng giá. Bà Nhạn cho biết, ngoài bản thân, bà còn phải nuôi 2 đứa cháu ngoại (1 đứa bị tâm thần) từ nhỏ, do mẹ các cháu bỏ đi lấy chồng khác. Ngoài thu nhập từ việc đi trút mủ cao su, ba bà cháu không còn nguồn nào khác. “Nào có được thường xuyên đâu, công việc cũng bấp bênh lắm”, bà Nhạn thở dài.
Tương tự, hoàn cảnh của bà Đào Thị Huệ (81 tuổi) cũng bi đát không kém. Chồng mất sớm, hai mẹ con bà được chính quyền tặng nhà đại đoàn kết. Hằng ngày, bà Huệ lên núi Cậu (Dầu Tiếng) hái măng mang bán cho khách hành hương đi lễ chùa Thái Sơn, còn người con ốm yếu chỉ loanh quanh ở nhà. Bà Huệ cho biết ngày nào có tiền thì mua cá mua rau, không có tiền thì bữa cơm chỉ có muối ớt.
Bình Dương đã hết hộ nghèo ?  - ảnh 3

Bà Phan Thị Nhạn và cháu trong căn nhà đại đoàn kết xuống cấp, chằng đụp

“Nghèo bền vững” và bệnh thành tích
 
 
Bình Dương đã hết hộ nghèo ?  - ảnh 4

Rải rác ở địa phương vẫn còn những nơi vì thành tích mà đã đưa người nghèo ra khỏi danh sách, hoặc còn có những hộ nghèo dưới mức chuẩn của quốc gia nhưng con số này rất nhỏ, không đáng kể

Bình Dương đã hết hộ nghèo ?  - ảnh 5
 

Ông Hà Văn Trung, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Dương

 

Theo ông Lê Văn Thanh, Trưởng ban Điều hành ấp Yên Ngựa (xã Định Thành), trước đây trên địa bàn ấp chỉ có 4 hộ nghèo theo chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, từ khi tỉnh Bình Dương nâng tiêu chí nghèo lên thì số hộ nghèo trong ấp tăng lên 9 hộ. Ông Thanh khẳng định: “Tỷ lệ hộ nghèo còn bị khống chế theo đề án xây dựng nông thôn mới. Không giảm được hộ nghèo thì ấp không đạt danh hiệu khu ấp văn hoá. Xã không đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Trong khi đó những hộ nghèo như đã nói ở trên chúng tôi xác định là nghèo bền vững”.

Trao đổi với PV Thanh Niên vào chiều 10.7, ông Hà Văn Trung, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Dương, nhìn nhận: “Rải rác ở địa phương (xã, phường, khu phố ấp) vẫn còn những nơi vì thành tích mà đã đưa người nghèo ra khỏi danh sách, hoặc còn có những hộ nghèo dưới mức chuẩn của quốc gia nhưng con số này rất nhỏ, không đáng kể”.
Bình Dương đã hết hộ nghèo ?  - ảnh 6

Bà Đào Thị Huệ (81 tuổi) vẫn phải lên núi hái măng kiếm sống, nuôi conẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Theo ông Trung, thực tế hiện nay ở Bình Dương khi UBND tỉnh ban hành chuẩn nghèo mới và mức chuẩn nghèo của quốc gia cũng có những mâu thuẫn, còn những bất cập nên ở địa phương khó tránh khỏi bệnh thành tích.
Trước thực tế PV Thanh Niên phản ánh vẫn còn những trường hợp hộ rất khó khăn, người lớn tuổi không lao động được và cũng không có thu nhập khác, ông Trung nói: “Đối với những hộ nghèo mà các thành viên trong gia đình không còn khả năng lao động sẽ được chuyển qua hưởng chế độ bảo trợ xã hội thường xuyên và không tính những hộ này vào danh sách hộ nghèo”.
Cần kiểm tra lại
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 11.7, ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết Quyết định 59/2015 của Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 – 2020 có khuyến khích các địa phương nâng mức chuẩn hộ nghèo với điều kiện tự cân đối ngân sách địa phương để hỗ trợ các chính sách cho đối tượng nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Nếu địa phương có nguồn lực tốt, quan tâm đến nhóm đối tượng hộ nghèo thì diện được hưởng chính sách giảm nghèo càng nhiều hơn. Nhưng nếu địa phương vì thành tích lên nông thôn mới, bình xét đưa người nghèo ra khỏi danh sách hộ nghèo là không nên và cần kiểm tra lại, làm cho đúng. Tới đây, Bộ LĐ-TB-XH sẽ phối hợp với các bộ, liên ngành đánh giá, căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội để đề xuất mức chuẩn nghèo phù hợp hơn cho giai đoạn 2021 – 2025.    
Thu Hằng


 

Đỗ Trường