Bác sĩ giỏi là không bị… xuất toán!
Khi đại diện một bệnh viện tư nhân nói mỉa mai như vậy, nhiều đại biểu dự hội nghị đối thoại chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) đã gật đầu đồng tình và cười ồ.
Bác sĩ giỏi là không bị… xuất toán!
Khi đại diện một bệnh viện tư nhân nói mỉa mai như vậy, nhiều đại biểu dự hội nghị đối thoại chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) đã gật đầu đồng tình và cười ồ.
Bệnh nhân BHYT đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Hoàn Mỹ (TP.HCM) – Ảnh: Hữu Khoa |
Hội nghị do Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN phối hợp Hiệp hội Bệnh viện tư nhân VN tổ chức ngày 3-7 tại TP.HCM với sự tham dự của đại diện các bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân khu vực phía Nam.
Xuất toán không thuyết phục
Nói về việc xếp hạng bệnh viện, ông Trần Đình Tuấn – phó giám đốc Bệnh viện Mắt Tây Nguyên (Đắk Lắk) – cho rằng bệnh viện bị BHXH tỉnh Đắk Lắk buộc phải lên hạng bệnh viện từ hạng 3 lên hạng 2, trong khi bệnh viện đã được Sở Y tế tỉnh này có quyết định công nhận là bệnh viện hạng 3.
Ông Tuấn cho rằng yêu cầu này không hợp lý vì thông tư 40 của Bộ Y tế nói rõ bệnh viện chuyên khoa tư nhân là bệnh viện hạng 3 tuyến huyện.
Trong khi đó, ông Phan Ngọc Hùng, giám đốc Bệnh viện An Phước (Bình Thuận) phàn nàn vừa qua BHXH VN từ chối thanh toán (xuất toán) tiền xét nghiệm định danh nhóm máu cho sản phụ (sinh thường và không phải truyền máu) tại bệnh viện là không đúng.
Theo ông Hùng, khi thai phụ đi sinh thì bác sĩ không thể biết được thai phụ này có phải truyền máu hay không nên tất cả thai phụ cần được làm xét nghiệm định danh nhóm máu, kể cả định danh nhóm máu hiếm. Vì sự an toàn của người bệnh, bệnh viện phải chỉ định xét nghiệm này và thai phụ có BHYT phải tự trả tiền xét nghiệm nhóm máu.
Ông Hùng còn cho rằng có nhiều chi phí khác cho người bệnh nhưng bị BHXH từ chối thanh toán do có một số quy định chưa thống nhất và chồng chéo dẫn đến bệnh viện bị xuất toán.
Ông Nguyễn Duy Bách – chủ tịch HĐQT Bệnh viện ITO Sài Gòn – cũng nêu cùng một chính sách nhưng BHXH mỗi địa phương giải quyết khác nhau. Ngoài ra, còn có những việc áp đặt xuất toán chi phí khám chữa bệnh không giải thích được, không thuyết phục.
Ông Bách đề nghị “phải thực hiện chính sách đồng bộ trên cả nước chứ mỗi nơi làm một kiểu là không ổn”.
Còn bà Ngô Minh Chiến – chủ đầu tư Công ty TNHH MTV phòng khám đa khoa Tâm Đức (Bình Phước) – bức xúc kể vừa qua đoàn công tác của BHXH VN đến làm việc tại phòng khám của bà nhưng không có quyết định thành lập đoàn, không có nội dung làm việc mà “chỉ nghe một cán bộ của đoàn nói được một phó tổng giám đốc BHXH VN cử đi công tác bằng… mồm”.
Bà Chiến đặt vấn đề khi chưa có đoàn thanh tra, kiểm tra nào đến phòng khám của bà kiểm tra, lập biên bản vi phạm nhưng đã tạm dừng hợp đồng khám chữa bệnh BHYT đối với phòng khám thì có đúng pháp luật?
Bác sĩ giỏi không phải là chữa bệnh giỏi!
Trong khi đó, ông Nguyễn Đắc Lực – giám đốc phòng khám đa khoa Y Đức (TP Biên Hòa, Đồng Nai) – cho rằng đội ngũ giám định BHYT ở địa phương không đủ năng lực giám định, gây ức chế cho bác sĩ và điều này rất phổ biến.
Ông Lực đề nghị thay vì giám định thanh toán thì nên thực hiện cơ chế khoán quỹ BHYT để các cơ sở y tế tự quản lý quỹ.
Ông Lực cũng đề nghị BHXH VN khi ra những văn bản quy phạm pháp luật cần cho nhân viên đi hướng dẫn vì không phải đơn vị nào cũng nắm được hết các quy định. “Khi chưa hướng dẫn đơn vị thực hiện nhưng đã xuất toán ngược gây tổn thương cực kỳ cho các bác sĩ” – ông Lực bức xúc.
Ông Lực dẫn chứng một loại thuốc chỉ định viêm dạ dày đã được nhà sản xuất chỉ định sử dụng rõ ràng trong tờ hướng dẫn dùng thuốc nhưng vẫn bị BHXH xuất toán.
“Chúng tôi sẽ không ghi viêm dạ dày để các anh xuất toán đâu. Chúng tôi ghi thêm chẩn đoán khác, đó là các anh bắt chúng tôi làm sai… Bây giờ các bác sĩ hay nói với nhau rằng bác sĩ giỏi không phải là bác sĩ chữa bệnh giỏi mà bác sĩ không bị xuất toán mới giỏi. Điều đó có nghĩa các anh chỉ chăm chăm vào việc yêu cầu ghi chép làm sao cho hợp lý để không bị xuất toán…” – ông Lực bộc bạch.
Ông Nguyễn Minh Thảo – phó tổng giám đốc BHXH VN – đã trả lời và giải thích các thắc mắc của đại diện các bệnh viện, tiếp thu các ý kiến góp ý và hứa sẽ nhắc nhở BHXH các địa phương về cách làm việc.
Tuy nhiên, ông Thảo cho rằng nhiều bệnh viện tư nhân còn mới, tiếp cận thông tin chính sách BHYT còn chậm. Nhiều bệnh viện tư nhân muốn xuống hạng bệnh viện (từ hạng 2 xuống hạng 3) để được áp dụng quy định thông tuyến huyện và bệnh nhân cùng tuyến ở đâu cũng đến khám chữa bệnh được…
Nhiều địa phương sẽ bội chi hàng nghìn tỉ đồng Ông Nguyễn Minh Thảo cho biết theo tính toán của BHXH VN, năm 2017 quỹ BHYT phải chi khoảng 77.000 tỉ đồng cho việc khám chữa bệnh BHYT của người dân, thiếu khoảng 8.000 tỉ đồng nên phải giao kế hoạch chi cho các tỉnh. Trên cơ sở đó, các tỉnh giao kế hoạch cho các bệnh viện. Nếu do khách quan mà thiếu quỹ thì tỉnh bố trí ngân sách. Nếu tỉnh không có ngân sách sẽ báo cáo Thủ tướng, BHXH VN xem xét dùng quỹ dự phòng để bù đắp. BHXH VN dự báo năm 2017 hầu hết các địa phương sẽ bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT. Trong đó, ba địa phương Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa dự kiến bội chi trên 1.000 tỉ đồng; Hải Dương, Quảng Nam, Quảng Ninh bội chi trên 500 tỉ; An Giang, Thái Bình bội chi trên 400 tỉ đồng. |