Có nên duy trì lễ hội chọi trâu?
Theo một số chuyên gia văn hoá, cần xem xét lễ hội chọi trâu dưới nhiều góc độ: văn hoá, du lịch, kinh tế… để có cách ứng xử hợp lý.
Có nên duy trì lễ hội chọi trâu?
|
TIN LIÊN QUAN
Dừng Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017
“Mang ra sân vận động tổ chức chọi trâu thì không giữ được giá trị di sản nữa, ý nghĩa tâm linh văn hoá của nó bị giải thể rồi. Người ta núp dưới góc độ là thượng võ, nhưng thực tế không phải như vậy, mà là lấy hình ảnh tàn bạo đó để kích thích tính hiếu kỳ của con người khi xem thi đấu. Đó chính là sự phá hoại văn hoá truyền thống”, ông Biền nói.
|
GS Lê Hồng Lý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, cũng cho rằng chọi trâu ở sân vận động trở nên nguy hiểm khi không thể kiểm soát được không gian trâu húc. “Về nguyên tắc, phải chọi trâu ở nơi có nước. Ở Hải Lựu (Vĩnh Phúc) chẳng hạn, ngày xưa là đấu dưới ao sâu. Vì có bùn nên con trâu không thể chạy lồng lên mà chỉ đấu trong đó thôi. Còn Đồ Sơn ngày xưa cũng nhỏ chứ không phải ở sân vận động như bây giờ”, ông Lý nói.
Theo các nhà quản lý, chọi trâu mang lại món lợi kinh tế lớn đến mức các địa phương xin mở hội, thậm chí cố tình làm sai để tổ chức chọi trâu. Điển hình nhất là Phúc Thọ (Hà Nội), hồ sơ xin tổ chức hoạt động là thi trâu đẹp, trâu khỏe, song thực tế lại là chọi trâu. Trong hồ sơ, họ cố tình không nêu rõ nội dung thi trâu đẹp trâu khoẻ là thế nào. Chính vì thế, việc có người thiệt mạng ở hội chọi trâu Đồ Sơn – một di sản phi vật thể quốc gia – càng khiến công chúng đặt câu hỏi có nên tiếp tục cho chọi trâu hay không.
TIN LIÊN QUAN
Trâu chọi Đồ Sơn húc chủ tử vong
Về lâu dài, GS Lê Hồng Lý cho rằng nên thu hẹp hội chọi trâu ở Đồ Sơn về đúng quy mô nhỏ theo truyền thống trước đây. Như thế, vừa giữ được văn hóa, vừa thuận lợi hơn trong việc bảo đảm an toàn. Bà Trịnh Thị Thuỷ, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, cho biết các nhà quản lý sẽ áp dụng phương pháp cộng đồng, có nghĩa là người dân sẽ được tuyên truyền, vận động để tổ chức lễ hội một cách hợp lý và đúng văn hoá. Đây cũng chính là phương pháp đã được áp dụng với lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh. Theo đó, người dân được thuyết phục không chém lợn ngay giữa chỗ đông người mà lui vào chỗ kín đáo hơn. “Chúng tôi sẽ vận động người dân thu hẹp quy mô lại. Cùng với thay đổi quy mô, thay đổi hình thức, sẽ đẩy mạnh giá trị tín ngưỡng tâm linh lên, đẩy mạnh giá trị văn hoá lên. Lễ hội chọi trâu có hai phần: phần lễ và phần hội. Trong đó, phần hội chọi trâu chỉ là hoạt động phụ chứ không phải hoạt động chính”, bà Thuỷ nói.
Cần nhìn lại thấu đáo
Tại lễ hội chọi trâu hằng năm ở Hải Phòng, để giành chiến thắng thì “ông trâu” phải vượt qua hàng chục đến hàng trăm đối thủ, nhưng “phần thưởng” chiến thắng là bị giết và xả thịt nóng hổi bán ngay tại chỗ với giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu mỗi ký và hàng nghìn người tranh nhau mua.
Nhìn lại, cả gia đình hằng năm chăm sóc tận tình chu đáo cho trâu từ ăn, uống, huấn luyện… cho “ông ngưu” để mong ngày chiến thắng, và khi giành được chiến thắng hay bại trận thì cũng bị giết để làm thịt sau trận đấu. Điều này do con người nghĩ ra, “phán xử” như vậy và trở thành “truyền thống” ở nhiều nơi, chứ không phải chỉ ở Đồ Sơn.
Vẫn biết là văn hoá, truyền thống thì khó bỏ, song những văn hóa xấu xí phải dần được loại bỏ. Lễ hội chém lợn cũng đã được hạn chế thì lễ hội chọi trâu cũng phải xem lại để có cách nhìn thấu đáo. Suy cho cùng thì tất cả các hoạt động lễ hội văn hóa hay các hoạt động gì cũng là để phục vụ con người. Chúng ta phải xem xét lại cái được và cái mất của lễ hội chọi trâu.
Cái được là thu hút được đông người tham dự, giải trí tinh thần, tăng thu nhập thông qua lễ hội du lịch, thậm chí nhà có trâu thắng cuộc ở lễ hội còn được vinh danh và “nổi tiếng”. Nhưng cái mất cũng không ít khi tạo ra hệ luỵ nét văn hoá phản cảm, tàn bạo vì sừng trâu được vót nhọn để thi đấu, càng dữ thì càng tàn bạo, kích thích tính bạo lực cho người xem. Chúng ta phải biết rằng giết động vật cũng phải có văn hoá, Úc đã từng cảnh báo không bán bò thịt cho một số nước, trong đó có VN vì cách giết bò quá tàn bạo.
Hệ lụy của lễ hội không chỉ là gây tai nạn khi có sự cố mà cao hơn là tính nhân văn giáo dục cũng như tinh thần của lễ hội. Chính vì thế, sau khi xảy ra tai nạn trên, việc nhà quản lý quyết định dừng lễ hội là hoàn toàn đúng đắn.
Thạc sĩ giáo dục Nguyễn Mạnh Hùng
|
Trinh Nguyễn – Lê Tân