25/12/2024

Khoảng trống trong văn hoá ứng xử

Qua câu chuyện cô giáo quỳ gối xin lỗi phụ huynh, tôi tự hỏi phải chăng văn hoá ứng xử giữa phụ huynh và giáo viên đang còn nhiều khoảng trống?

 

Khoảng trống trong văn hoá ứng xử

Qua câu chuyện cô giáo quỳ gối xin lỗi phụ huynh, tôi tự hỏi phải chăng văn hoá ứng xử giữa phụ huynh và giáo viên đang còn nhiều khoảng trống?

 

 

Khoảng trống trong văn hóa ứng xử - Ảnh 1.

Trường tiểu học Bình Chánh, Bến Lức, Long An – nơi xảy ra sự việc phụ huynh bắt cô giáo quỳ – Ảnh: SƠN LÂM

Thời gian gần đây, thi thoảng chúng ta lại bắt gặp những dòng trạng thái mà phụ huynh đưa lên Facebook để “tố” giáo viên của con với những lời lẽ cay nghiệt.

Những vết lằn trên mông con

Tôi vẫn nhớ năm con gái đầu học lớp 4 bị cô giáo chủ nhiệm dùng thước đánh vào mông vì nói chuyện riêng trong lớp. Nhìn những vết lằn trên mông con, tôi rất thương. Nhưng tôi không đến gặp cô để trách mắng kể tội, không làm khó cô và tôi không muốn ảnh hưởng đến uy tín của cô. 

Tôi cũng không đến gặp hiệu trưởng để “tố” giáo viên. Bởi tôi hiểu đối với một người thầy, hình ảnh và uy tín rất quan trọng. Nói đúng hơn là tôi sợ hành động nóng vội, bồng bột của mình rất có thể ảnh hưởng đến niêu cơm của cô giáo.

Suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng tôi quyết định viết thư điện tử gửi cô. Thư có nội dung: “… Xin cảm ơn những vết lằn trên mông con tôi. Tôi nghĩ vì tình thương cô dành cho con nên mới cứng rắn với con như vậy. Là phụ huynh, tôi thấy mình cũng có một phần trách nhiệm trong chuyện này…”. 

Sau đấy, tôi nhận được thư phản hồi của cô cùng lời xin lỗi và giải thích vì con nói chuyện riêng, lại cãi lời. Những vết lằn ấy là kết quả của việc không kiềm chế được cảm xúc của cô. Cô cũng cảm ơn tôi vì đã không làm to chuyện.

Thời gian trôi đi, các con tôi cũng đã lớn, một lần tôi gặp lại cô giáo trên đường, cô có nói: “Chuyện cũ đã qua, lý ra em không nên nhắc lại. Nhưng thú thật, có lúc với nhiều áp lực khiến chúng em không kiềm chế được cảm xúc và thiếu nhẫn nại với học trò… 

Nếu chị báo cáo chuyện này lên hiệu trưởng, rất có thể em sẽ bị đuổi việc hoặc sẽ không còn tư cách đứng trên bục giảng nữa”.

Người tổn thương là các con

Từ câu chuyện đó, tôi cho rằng phụ huynh chúng ta đôi khi có cái nhìn thiếu thiện cảm với thầy cô, khi con có chuyện gì trên lớp liền quyết “làm cho ra ngô ra khoai”. Tôi được biết nhiều trẻ là “ông vương, bà tướng” ở nhà nên khi đến lớp, nếu phụ huynh không trao quyền cho thầy cô, rất khó để các con vào nếp!

Hầu như với việc thầy cô đánh, phạt học sinh, dư luận đều cho rằng đó là hành động phản giáo dục. Nhưng tôi hiểu trong nhiều trường hợp, giáo viên dùng biện pháp mạnh với học sinh không phải vì ghét các em. 

Tôi nghĩ chúng ta hãy cho giáo viên cơ hội được sửa sai. Đừng vì những ích kỷ cá nhân mang tên thương con, chúng ta sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của thầy cô, đe dọa đến “niêu cơm” của những người cầm phấn.

Rồi từ đây, ngay chính những người thầy sẽ tự rút kinh nghiệm, sẽ chỉ làm nhiệm vụ giảng dạy chứ không phải cho học trò những bài học làm người để tránh va chạm với phụ huynh.

Hình ảnh người giáo viên phải quỳ gối trước phụ huynh không chỉ làm tổn thương, làm mất thể diện của người thầy trước học trò. Ngay chính hành động của phụ huynh ấy cũng làm rạn vỡ hình ảnh đẹp của mình trong mắt chính con cái.

Chung quy lại, người tổn thương không nhỏ lại chính là các con. Bởi mỗi việc làm, hành động của người lớn chúng ta đang viết lên nhân cách của chính mình, là phản ánh trung thực nhất, gần gũi nhất văn hóa của mỗi người.

Chúng ta có nhiều cách để giáo viên nhìn ra hành động chưa đúng mực với các con. Nhưng chúng ta cũng đừng lợi dụng mạng xã hội để hạ bệ người khác, nhất là những người đang dạy con cái mình. 

Chúng ta cũng đừng biến mạng xã hội trở thành cái “thùng rác” để trút bỏ mọi cảm xúc, quan điểm cá nhân về người thầy vì chắc gì chúng ta đã đúng?

Hãy yêu thương người thầy của các con

Khi chúng ta nhìn nhận mọi việc một cách khách quan, một cách nhân văn hơn, hẳn mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Giáo viên cũng là một người bình thường, không tránh được những cảm xúc nhất thời. Tôi nghĩ cách phụ huynh cư xử với giáo viên ra sao cũng là cơ hội để các con nhìn vào, lĩnh hội và trưởng thành từ những lối hành xử đó. Các con sẽ được gì khi cha mẹ lao vào trường “trả miếng” thầy cô? Theo tôi, đừng để mọi thứ đã sai lại càng sai hơn, sai lầm sau nối tiếp sai lầm trước.

Hãy yêu thương người thầy của các con trước khi mong muốn con sẽ trưởng thành từ môi trường ấy. Văn hóa ngay từ trong lối ứng xử với giáo viên cũng là những bài học đầy giá trị mà phụ huynh dành cho con của mình. Tiếc là không nhiều người nhận ra điều này…

NGUYỄN PHINH ([email protected])