16/11/2024

Chụp bằng flycam ra ảnh nghệ thuật?

Việc lần đầu tiên có cuộc thi ảnh nghệ thuật dành cho những bức ảnh được chụp từ trên cao đã tạo cơ hội cho những người đam mê chụp ảnh bằng flycam tranh tài một cách chính thức.

 

Chụp bằng flycam ra ảnh nghệ thuật?

Việc lần đầu tiên có cuộc thi ảnh nghệ thuật dành cho những bức ảnh được chụp từ trên cao đã tạo cơ hội cho những người đam mê chụp ảnh bằng flycam tranh tài một cách chính thức.



Ảnh chụp bằng flycam ở Mai Châu, Hòa Bình của Nguyễn Minh Tân, sẽ dự thi năm nay

Tại buổi họp báo ra mắt cuộc thi ảnh nghệ thuật VN nhìn từ trên cao, do Hội Nhiếp ảnh TP.HCM và Công ty Lịch Xuân Phương Nam tổ chức (nhận ảnh dự thi đến hết ngày 15.8), nghệ sĩ nhiếp ảnh Nam Thanh – Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM, cho hay thời gian gần đây, những người chơi ảnh flycam (công nghệ kết hợp giữa thiết bị bay điều khiển từ xa và camera chụp ảnh, quay phim) đã sáng tác rất nhiều ảnh đẹp nhưng chưa có cơ hội để chia sẻ và thi thố.
Trước đó, việc 2 tác phẩm chụp bằng flycam đoạt giải cao tại Liên hoan ảnh nghệ thuật TP.HCM lần 6 (2016) đã nổ ra cuộc tranh cãi dữ dội, khi nhiều nhiếp ảnh gia cho rằng ảnh chụp bằng flycam… không phải là ảnh nghệ thuật. Trong buổi họp báo, một số nhiếp ảnh gia cũng cho biết không hiểu vì lý do gì mà trong nhiều cuộc thi ảnh trước năm 2016, ảnh chụp bằng flycam dù đẹp cỡ nào cũng chỉ vào đến vòng trưng bày mà thôi.
 

Chụp bằng flycam ra ảnh nghệ thuật ?1

Ảnh chụp bằng flycam tại thung lũng Khau Phạ, Yên Bái, tác phẩm dự thi VN nhìn từ trên cao của Lê Vũ




Những cuộc thi đình đám
Gần đây, trên thế giới đã có nhiều cuộc thi chụp ảnh từ trên cao, chủ yếu chụp bằng thiết bị bay không người lái (drone) được tổ chức. Nổi tiếng nhất có thể kể đến Dronestagram - bắt đầu từ năm 2014, được sự tài trợ của tạp chí chuyên về địa lý, lịch sử nổi tiếng National Geographic (Mỹ), và Skypixel được sự tài trợ của các tập đoàn sản xuất sản phẩm công nghệ liên quan đến hình ảnh, in ấn. Cả hai cuộc thi đều thu hút hàng chục ngàn tác phẩm từ khắp nơi trên thế giới. Những bức ảnh đoạt giải của hai cuộc thi này luôn khiến người xem phải sững sờ vì sự khác lạ.
Bên cạnh đó còn có những “drone film festival” dành cho các tác phẩm thực hiện bằng drone, tổ chức tại Madrid, London, New York. 
Xuyên Vân


Khi được hỏi về tiêu chí chấm giải của cuộc thi, BTC cho biết VN nhìn từ trên cao tôn vinh những bức ảnh chụp từ trên cao đẹp, có góc nhìn mới lạ và khuyến khích ảnh chụp bằng flycam.

Không phải biết “bay” là có ngay ảnh đẹp
Nhà nhiếp ảnh trẻ Lý Minh Nhựt cho biết điều khiển flycam chỉ học vài ngày là biết, nhưng những “tay lái lụa” hầu như phải rơi 2 – 3 “con” mới lái chuẩn được. Ngoài những kỹ thuật cơ bản về nhiếp ảnh, người chụp bằng flycam còn phải đạt trình độ “bay” sao cho vừa chụp vừa điều khiển được thiết bị bay dựa trên sức gió.
Bạn Lê Vũ – đã học và chơi flycam hơn nửa năm nay, cho biết chụp ảnh bằng flycam thú vị ở chỗ có thể lấy được “view” từ trên cao, tối đa 500 m so với vị trí điều khiển flycam. Đặc biệt, flycam có thể chụp góc thẳng đứng từ trên cao xuống – điều mà không có máy chụp hình do người điều khiển trực tiếp nào làm được, trừ khi đi trực thăng. Do đó, theo Vũ, ảnh flycam đặc biệt có thế mạnh trong việc diễn tả sự hùng vĩ của núi đồi, sự bao la bát ngát của biển cả hay những cánh đồng, hoặc sự tráng lệ của các tòa nhà chọc trời. Nhiều bức ảnh đem đến góc nhìn khác lạ đến sửng sốt bởi flycam có thể được điều khiển đến những vị trí mà người chụp hình không thể tiếp cận.
Trước một số ý kiến cho rằng ảnh chụp flycam không làm nổi bật phong cách, sự dụng công của nghệ sĩ nhiếp ảnh trong việc thể hiện ánh sáng, đường nét, nắm bắt khoảnh khắc… như ảnh chụp theo cách thông thường, phóng viên ảnh Lữ Đắc Long cho rằng những người chụp ảnh flycam chuyên nghiệp cũng phải biết thời điểm nào ánh sáng đẹp, chụp ở góc nào thì có ảnh độc đáo, chứ không phải cứ biết “bay” là có ngay ảnh đẹp.
Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn – người nổi tiếng với những bức ảnh chụp từ trực thăng – nói rằng yếu tố nghệ thuật của một tác phẩm ảnh không chỉ thể hiện ở khía cạnh kỹ thuật, mà còn cả khía cạnh cảm xúc, trong đó ông đề cao yếu tố cảm xúc của người chụp. “Chắc chắn cảm xúc của người ngồi trên trực thăng bắt những khoảnh khắc đẹp phía dưới bằng chiếc máy ảnh truyền thống khác hẳn với người ngồi từ dưới mặt đất điều khiển bằng remote để chụp”, ông nói. Ông đánh giá cao vẻ đẹp khác biệt của những bức ảnh từ trên cao được chụp bằng flycam và cho biết sẽ gửi những bức ảnh chụp từ trực thăng của mình để thử “tranh tài” cùng các ảnh flycam trong cuộc thi VN nhìn từ trên cao.

Thiên Anh